Hạ Xuyên Phong Ngạn – Toyohiko Kagawa – Phần 9

Tấn sĩ Myers rất chú ý đến công việc của cậu con nuôi ông và luôn tìm cách giúp đỡ cậu. Giáo hội cũng góp phần bằng cách gởi vài nhân viên đến dạy Trường Chúa-nhật và tổ chức những buổi họp cho thiếu nhi. Cậu đã bắt đầu tìm thêm việc làm để kiếm tiền và sửa sang một chỗ rộng rãi để nhóm họp và làm chỗ ngủ.
Về phần bà Mỹ Chi, kế mẫu của Phong Ngạn, lúc đó cũng cô đơn và cần có người săn sóc. Bà đến Kobé tìm Phong Ngạn và được ở trong một căn phòng gần cậu để cậu lo bữa ăn và giúp đỡ khi bà có cần. Dù sinh trưởng trong một gia đình giàu có danh giá và đã từng là bà chủ một đại gia đình với nhiều tôi tớ, bà vẫn vui vẻ chấp nhận cuộc sống cơ hàn với cậu trong tuổi già của bà, không một lời than thở.
Nhìn đám thiếu nhi tại đây, Phong Ngạn cảm thấy cần phải thực hiện một công trình cải tiến qua lớp trẻ tuổi này. “Nếu một người chẳng sanh lại thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.” Tư tưởng ấy đã đến với Phong Ngạn và giúp cậu nhận thấy rằng chính các thiếu nhi cần và có thể được tái sanh dễ hơn người trưởng thành. Vì thế, ngay sau khi dọn đến ở đây, cậu bắt đầu dạy Trường Chúa Nhật liền.
Lớp đầu tiên được 70 thiếu nhi, chúng chen chúc, la lối ồn ào, không nghe cậu nói gì được và khi ra về quên không biết là chân mình có mang giầy dép hay không. Một đứa trẻ mồ côi tên là Matsuzo đến cầm đầu một bọn để chọc phá những buổi dạy như thế của Phong Ngạn. Tuy nhiên, Phong Ngạn không thù ghét Matsuzo mà lại tỏ lòng thương yêu, đem vào nhà thay áo quần mới cho vì cậu nghĩ rằng biết đâu đứa trẻ này sẽ trở nên người tốt nếu có người chú ý và săn sóc đến cuộc sống của nó.
Dù thuộc vào hạng người bị xã hội khai trừ, Matsuzo, đối với Phong Ngạn vẫn là bạn. Vì thế, cậu cho phép đứa trẻ tự chọn lấy áo quần và giầy dép để thay bộ đồ đang mặc. Sự thay đổi bên ngoài đã kéo theo một đổi thay bên trong ngay khi đứa trẻ mặc đồ mới vào. Vẻ man rợ trên gương mặt mỗi khi nó cầm đầu bọn trẻ đi chế nhạo kẻ khác giờ đây không còn nữa. Đôi mắt sáng ngời hãnh diện có vẻ thuộc về một gia đình quí phái. Nó không còn chơi với các bạn trước kia nữa và bằng lòng bắt đầu đi học.
Rồi một hôm khác, Hạ Xuyên lại đem về nhà một nạn nhân nữa của xã hội. Đó là một người đàn bà đau bại đã từng chui vào sống trong chuồng gà vì không nhà cửa. Phong Ngạn thường đi qua nơi ấy nhưng cậu không bao giờ tưởng rằng đó có thể là nơi trú ẩn của con người được chỉ khi cậu bước vào, cậu mới bật ngửa về cảnh tượng gà và người cùng ở trong chuồng nhưng gà lại sạch sẽ còn con người, người đàn bà ấy, nằm bẩn thỉu trên sàn và bất động. Người đàn bà nhìn cậu với đôi mắt biết ơn vì cậu đã đến thăm bà ta. Cậu tỏ ý muốn đem bà về nhà săn sóc và sau đó, cậu cúi xuống cõng bà ta về. Sau khi đặt bà ta trên chiếc giường êm ấm trong phòng, cậu mời bác sĩ đến thăm bệnh cho bà.
Từ đó, cả phòng nhóm và nhà riêng của Phong Ngạn đông nghẹt những kẻ vô gia cư. Phong Ngạn không bao giờ tìm lại những giờ phút rảnh rang xưa cũ nữa. Vì thế, cậu cảm thấy thèm khát được sống với mình đôi lúc. Tất cả mọi người đều xem cậu là cố vấn (Sensei) của chính mình. Thanh niên đến cậu với những nan đề của họ, phụ huynh đến xin lời khuyên, và ngay cả kẻ phạm pháp cũng đến xưng tội với cậu. Nhiều người chỉ nói lập đi lập lại có một điều, vì chỉ có Phong Ngạn là người duy nhất tỏ ý muốn nghe họ nói và khiến họ cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Đám thiếu nhi cũng rất mến Phong Ngạn. Mỗi ngày chúng thường đợi cậu ra về khi tan học và gọi cậu đến chơi với chúng. Cậu về phòng, đóng cửa ngồi làm việc, chúng cũng đi theo đến đứng dán mắt vào cửa kính nhìn vào chờ đợi. Phong Ngạn không thể nào tiếp tục công việc trước sự mong mỏi của đám trẻ được nữa nên dù đã bắt đầu viết, cậu bỏ dở, đứng dậy ra chơi với bọn trẻ. Đối với cậu, chúng chẳng khác nào những con búp bê Trung Hoa, bị bỏ phế, nhưng chưa hư hỏng. Bọn trẻ sung sướng, hát vang vui vẻ khi thấy Phong Ngạn vui đùa và dạy hát cho chúng.
Một hôm vào ngày nghỉ, Phong Ngạn đem cả bọn trẻ đi chơi biển. Có vài người bạn từ hai chủng viện và các bà trong Hội Thánh cũng đến giúp đỡ cậu. Trước khi đi, chúng được tắm rửa, thay đồ và chải tóc sạch sẽ. Xúng xính trong những bộ đồ mới, chúng nhảy nhót sung sướng. Có nhiều em dù được ở rất gần biển nhưng chưa bao giờ thấy biển như thế nào cho nên tha hồ vui đùa thỏa thích.
Thời ấy, tại xóm nghèo này có một tục lệ nhẫn tâm ấy là nếu một người bằng lòng nhận một đứa bé người khác không muốn nuôi, người ấy sẽ được một số tiền. Nhiều người đã nhận đứa bé chỉ vì món tiền và khi đã tiêu hết, họ có thể bỏ đứa bé chết đói. Có một người đàn bà kia được gọi là Nữ Ác Quỉ chỉ vì bà ta đã nhận nuôi rất nhiều trẻ em rồi bỏ chúng chết đói sau khi tiêu hết tiền. Chồng bà ta đã bị bỏ tù vì trộm cắp và chính bà cũng bị bắt vì đã đánh cắp một chiếc áo len.
Một hôm, một người đưa tin đến với giấy đòi Phong Ngạn phải có mặt tại nhà đề lao. Khi cậu vừa tới nơi, người cảnh sát nói ngay: “Tại đây có một người đàn bà biết ông và muốn ông nuôi con hộ cho bà ấy.”
Người ấy nói với một giọng buộc tội đầy vẻ nghi ngờ rằng đứa bé chính là con của Phong Ngạn vậy. Phong Ngạn hỏi: “Đứa bé có ở trong tù với mẹ nó không?” “Có, nhưng không có phép như thế. Vì người mẹ sẽ phải phục dịch ở trong nhà tù”.
Thấy Phong Ngạn im lặng, người cảnh sát tiếp: “Thôi, nếu ông không muốn nuôi, chúng tôi sẽ bỏ nó vào nơi nào đó cũng được. Dĩ nhiên, sẽ cho vào viện mồ côi”
Phong Ngạn lại hỏi: “Người đàn bà ấy nói thế nào?”
“Bà ta muốn ông nuôi đứa bé”
“Vậy thì xin ông giao đứa bé cho tôi”
Ẵm đứa bé trên tay, Phong Ngạn trở về nhà, đầu óc miên man suy nghĩ. Cậu thắc mắc không hiểu tại sao người đàn bà ấy chỉ phạm một lỗi nhẹ thế thôi mà lại bị bỏ tù như vậy. Và dù con người có xấu xa đến đâu thì cũng nên nâng đỡ để biến cải họ hơn là dùng lối hình phạt nầy. Giờ đây, với đứa bé này, cậu làm thế nào mà săn sóc nó khi cậu không biết gì về cách nuôi trẻ con cả.
Cậu nhìn xuống đứa bé đang ngủ trong chiếc áo Kimono, tóc rối bời bẩn thỉu. Đôi lúc đứa bé thức dậy và khóc, cậu vỗ về an ủi. Cậu dừng lại tại nhà một bà hành khất, hỏi chuyện về đứa bé. Bà ta cho Phong Ngạn biết: “Vâng tôi biết đứa bé này tên là Ishi, là một đứa bé mà Nữ Ác Quỷ đã nhận nuôi.”
Phong Ngạn đem Ishi khám bác sĩ và được biết đứa bé đau nặng vì thiếu ăn uống. Ishi bị sốt nhiều, không chắc có thể qua khỏi được. Qua những lời dặn dò của bác sĩ, Phong Ngạn cảm thấy nghi ngờ cho chính khả năng của mình, sợ rằng không thể săn sóc đứa bé cách chu đáo như một bà mẹ được. Cậu nghĩ có lẽ tốt hơn nên cho đứa bé vào viện mồ côi. Tuy nhiên, cậu vẫn đem Ishi về nhà, làm giường cho nó nằm. Bây giờ cậu mới nhìn kỹ và thấy đứa bé xinh đẹp, ngây thơ làm sao trong giấc ngủ của nó. Nhìn làn da mềm mỏng như lụa lấm tấm những chấm son vì cơn sốt, nhìn đôi mắt và chiếc miệng khép lại xinh xắn của đứa bé, Phong Ngạn có cảm tưởng đó là một món quà từ trời gởi xuống cho cậu. Cậu quyết định nuôi đứa bé vì nó cần được che chở.
Đứa bé thức giấc, cất tiếng khóc khiến ông già Kishimoto ngạc nhiên bước vào phòng và hỏi: “Con ai đó?” Phong Ngạn nói: “Dạ, con của tôi”.
Ông già không tin, cho là Phong Ngạn nói đùa. Cậu kể lại cho ông ta câu chuyện về đứa bé ấy. Ông ta làm thinh, đi ra khỏi phòng và rồi trở lại với người vợ và kế mẫu của Phong Ngạn. Cả ba đứng nhìn đứa bé như ba bác sĩ thời xưa chỉ khác một điều là họ không có lễ dâng mà thôi.
Kế mẫu Phong Ngạn nói: “Phong Ngạn ạ! Con thật là một người khác thường.” Còn ông bà Kishimotos, có vẻ lãnh đạm với đứa bé, nói với Phong Ngạn: “Một khi cậu đã giúp đỡ ai tức là cậu tự buộc mình vào bổn phận săn sóc suốt cả đời người ấy.”
Đêm đầu, bé Ishi ngủ yên nên Phong Ngạn thấy không có gì trở ngại. Nhưng đêm sau, Ishi khóc suốt đêm. Mọi người trong nhà, từ thằng bé Matsuzo, những người xin ở nhờ đều phản đối. Chính Phong Ngạn cũng thấy khó khăn. Cậu phải thức giấc bảy lần trong đêm đó để dỗ đứa bé. Cậu cảm thấy phục những bà mẹ vô cùng, dù vẫn biết đó là thiên chức của họ nhưng dầu sao nếu không có tình mẫu tử, họ sẽ không thể nuôi con được.
Sáng hôm sau, đến lúc đi học, Phong Ngạn không biết nhờ ai coi sóc đứa bé. Cậu đang bận rộn với hình ảnh phải mang đứa bé theo vào lớp học, bỗng một người đàn bà bên kia hành lang đến, nói với cậu: “Ông đã tử tế giúp con tôi vào học nghề tại một cửa hàng thực phẩm, bây giờ tôi sẽ chăm sóc đứa bé hộ ông khi ông đi học.”
Phong Ngạn yên tâm đến trường, nhưng lúc trở về, thấy đứa bé đau nặng hơn. Đứa bé cứ khóc suốt đêm không cho ai ngủ cả. Nhiệt độ sốt lên cao đến nỗi nước đá đặt trên trán nó bị tan chảy ngay. Phong Ngạn phải ẵm đứa bé trên tay. Bỗng nhiên đứa bé ngừng khóc và đối với Phong Ngạn, đó là một sự nín lặng khác thường. Cậu lo lắng, lay đứa bé dậy nhưng đôi mắt nó vẫn khép chặt. Cậu bắt mạch thấy nhịp đập yếu đến nỗi hầu như muốn ngừng hẳn. Cậu cầu nguyện thầm cho đứa bé.
Cái chết đã đến với đứa bé quá sớm. Quảng đời đứa bé đã nếm trải vừa ngắn ngủi lại vừa thảm khốc. Cho đến nay đứa bé mới biết thế nào là tình thương và rồi lại lìa cuộc đời ngay. Giòng lệ từ mắt Phong Ngạn rơi xuống trên mí mắt khép kín của đứa bé làm nó mở mắt ra và bắt đầu khóc trở lại. Chưa bao giờ tiếng khóc vang lên cách êm dịu như trong đêm đó.
Bé Ishi dần dần được bình phục và với đồ ăn đầy đủ cùng sự săn sóc cẩn thận, thân thể nó nở nang hơn. Ban ngày đứa bé luôn ở trên lưng người đàn bà ở bên kia hành lang. Đêm đến, khi Phong Ngạn đi học về, cậu đặt nó trên giường nhìn nó cười và quờ quạng trong bộ Kimono nó đang mặc.
Cuối cùng, người ta tìm ra được chính mẹ của đứa bé. Bà ta thuộc hạng hạ lưu trong xã hội, sống trong một làng của những con người bị bỏ rơi. Sở dĩ bà đã lìa bỏ đứa bé là vì không kết hôn với cha đứa bé, một người thợ sửa giày. Nhưng bây giờ, bà muốn đem Ishi về và hứa sẽ nuôi dưỡng đứa bé với tình thương đứa bé đang chờ đợi.
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org