Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Lợi Dụng Thì Giờ

Lợi Dụng Thì Giờ

Lợi Dụng Thì Giờ

Lợi Dụng Thì Giờ

Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu  (Ê-phê-sô 5:16)

Có người nói chữ “Tết” là do chữ “tiết” trong câu “tứ thời bát tiết” đọc trại ra.  Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông và bát tiết là: xuân phân, thu phân (nhị phân), hạ chí, đông chí (nhị chí),  lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông (tứ lập).  Chính nhờ có bốn mùa tám tiết mà con người mới có thể trắc lượng được thời gian, hay nói nôm na, là đo được thì giờ.  Đó cũng là một trong những công trình tuyệt diệu của Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh đã chép: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống; thì có như vậy.  Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn, vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm, Ngài cũng làm các ngôi sao.  Đức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng sơ sáng đất, đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối.  Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành”  (Sáng 1:14-18)

Xưa nay từ Đông qua Tây, mọi người đều hầu như có quan niệm giống nhau về thì giờ.  Người phương Tây nói: “Thì giờ là tiền bạc”, người phương Đông lại chủ trương mạnh hơn: “Nhất khắc trọng thiên kim,” hoặc “nhất thốn quang âm, nhất thốn kim” nghĩa là “một tấc ánh sáng mặt trời là một tấc vàng .”

Đó là trong quan niệm, nhưng trên thực tế, con người có quí trọng thì giờ như họ chủ trương chăng?  Có lẽ cũng có, nhưng chỉ có một số rất ít, còn phần đông đều phung phí thì giờ của đời sống mình nên trong các sách vở, truyện tích, kinh điển đều nhan nhãn những lời khuyến cáo người hãy quí trọng thì giờ.

Trong một bức thơ gởi cho Hội thánh Ê-phê-sô, thánh Phao-lô đã khuyên rằng: “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu”. (Ê-phê-sô 5:16).

Câu ấy mới nghe dường như tự tương mâu thuẫn, vì tại sao những ngày là xấu mà lại còn phải lợi dụng thì giờ?  Nhưng thật ra thì không mâu thuẫn chút nào.  Vì thì giờ chúng ta sống trên đất này thật là ngắn ngủi và bất trắc, trong lúc ấy thì “những ngày” của thế gian lại là những ngày đen tối, buồn bã và đầy tội ác.  Vì lẽ ấy chúng ta cần phải lợi dụng thì giờ ngắn ngủi tạm thời này để lo cho cõi đời đời.  Số phận tương lai của chúng ta không phải được quyết định sau khi chết, bèn là ở chính bên này phần mộ.

Ngày nay, đứng trước tình hình đen tối và bi đát của thế giới, có nhiều người không mang suy nghĩ đến tương lai mà chỉ sống cho hiện đại.  Họ chỉ biết có ngày nay, chỉ lo ăn chơi sung sướng, còn tất cả những gì khác thì đều phó mặc cho định mệnh!  Sứ đồ Phao-lô khuyên rằng: “Vậy hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan.  Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.  Vậy chớ nên như kẻ dại dột.” (Ê-phê-sô 5:15-17)

Trong ba câu Kinh Thánh trên, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đi nhắc lại hai chữ “dại dột”.  Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã vẽ ra một bức tranh rất linh động về những con người không biết lợi dụng thì giờ để lo cho linh hồn vĩnh cửu của mình trong mấy câu Kinh Thánh sau đây: “Ruộng của người giàu có kia trúng lắm; người bèn thầm nghĩ rằng: “Ta phải làm thể nào, vì không đủ chỗ chứa hết hoa lợi ta?”  Rồi lại nói: “Nầy, việc ta sẽ làm, ta dỡ các kho tàng và cất lại lớn hơn để chứa hết cả lúa má và của cải ta vào đó.  Đoạn ta sẽ nói với linh hồn ta rằng: “Linh hồn ơi, ngươi đã có lắm của cải để dành cho nhiều năm, thôi hãy nghỉ ngơi, ăn uống, vui mừng đi”  Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: “Hỡi kẻ ngu dại kia!  Đêm nay linh hồn ngươi bị đòi lại, thì những của cải ngươi đã dự bị sẽ về ai?” (Lu-ca 12:16-20).

Thật, đời người chỉ thoáng qua như áng mây trôi, như bóng câu qua cửa sổ.  Thánh Gia-cơ đã nói: “Song ngày mai sẽ ra thế nào anh em chẳng biết!  Vì sự sống của anh em là chi?  Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay” (Gia-cơ 4:14).  Môi-se, một lãnh tụ của dân Do Thái, đã ví đời người như “cây cỏ xanh tươi, sáng ngày cỏ nở bông và tốt tươi; buổi chiều người ta cắt nó và nó héo”.  Rồi ông cầu nguyện rằng: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.”

Tiếp theo lời khuyên “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu”, Thánh Phao-lô lại nói: “Vậy, chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thể nào.”

“Hiểu rõ ý muốn của Chúa là thể nào.”  Đó là một điều rất quan hệ cho loài người chúng ta trong những ngày sống tạm trên đất này, Kinh Thánh khải thị cho chúng ta biết ý muốn của Đức Chúa Trời như sau: “Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.”  Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (II Phi-e-rơ 3:9, I Ti-mô-thê 2:4)

Vậy chúng tôi tha thiết mong rằng Năm Mới này quý vị hãy lợi dụng thì giờ, mau mau đến cùng Đức Chúa Jesus để được sự cứu rỗi, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mỗi người chúng ta. “Vì Ngài phán rằng: Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận tiện, Ta đã phù hộ ngươi trong ngày cứu rỗi.  Kìa, hiện nay là thì thuận tiện, kìa hiện này là ngày cứu rỗi!” (II Cô 6:2).

Hừng Đông – Số 54

Ngày 11/1/1962

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top