Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Truyện Ngắn: Món Quà Cuối Năm

Truyện Ngắn: Món Quà Cuối Năm

Lời Ban Biên Tập:

Hoàng Bá là một trong những bút hiệu của Mục sư Nguyễn Bá Quang (1935-2000) nguyên Giáo Hạt Trưởng Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam tại Hoa Kỳ.  Từ thập niên 1960, Mục sư Nguyễn Bá Quang đã viết rất nhiều bài viết được đăng trong các ấn phẩm của cộng Tin Lành Việt Nam và phát thanh trên Đài Phát Thanh Viễn Đông (Far East Broadcasting Corporation – FEBC).    Mục sư Nguyễn Bá Quang có xuất bản hai tập truyện ngắn.  Thư Viện Tin Lành sẽ giới thiệu một số tác phẩm của Mục sư Nguyễn Bá Quang cùng bạn đọc.

Món Quà Cuối Năm

Gia đình chú thím Sáu sống tại Bến Tre.  Chú làm thợ sửa đồng hồ, còn thím thì bán gà vịt ngoài chợ.  Chú thím có ba đứa con, hai gái một trai, tất cả đều được chú thím cho đi học đàng hoàng.  Nói cho đúng thì tiền của chú thím Sáu kiếm được hàng ngày chỉ đủ ăn mà thôi, nhưng nhờ có người anh của chú Sáu giúp đỡ, nhờ vậy ba đứa con chú thím mới có thể đi học.

Anh của chú Sáu, mà mấy đứa con của chú thím thường gọi là bác Tư, cứ đều đặn mỗi năm giúp chú Thím 500 đồng.  Lúc ấy, 10 đồng một tạ gạo, nên số tiền 500 đồng lớn vô cùng.  Bác Tư là một trong những thủy thủ của tàu buôn Denis Frère, hàng năm bác theo tàu lênh đênh trên biển khoảng 8, 9 tháng trời, và cứ đến gần lễ Noel bác mới trở về Sài Gòn nghỉ ngơi một vài tuần rồi lại đi.

Bác Tư không bao giờ quên gởi số tiền 500 đồng cho gia đình chú thím Sáu.  Năm nào cũng như năm nấy, vào khoảng đầu tháng 12, là thế nào gia đình chú thím Sáu cũng nhận được giấy báo của Ty Bưu Điện ở Bến Tre gọi đi lãnh một thư bảo đảm.  Không ai bảo ai, mọi người trong nhà đều biết ngay là thư của bác Tư mà ngoài bác Tư ra, có ai gởi thư bảo đảm cho chú thím Sáu nữa đâu?

Sau khi Ty Bưu Điện lãnh thư bảo đảm rồi.  Chú Sáu không vội mở ra.  Chú chờ đến tối, khi thím Sáu ở chợ về nấu ăn tắm rửa xong xuôi, mấy đứa con sắp đi ngủ thì chú Sáu mới gọi cả nhà ra và tươi cười bảo: “Tao mới nhận được thư bác Tư sáng nay!”  Thế là cả nhà quây quần lại chung quanh chiếc bàn ăn tròn, để nghe đọc thư bác Tư.  Nói là đọc thư bác Tư, nhưng thật ra ai cũng muốn xem tờ bưu phiếu màu vàng của Sở Bưu Điện Sài Gòn có con số 500 đồng, món quà tặng hàng năm của bác Tư gởi cho gia đình chú thím Sáu.

Gia đình chú thím Sáu tin Chúa được khoảng hơn 7 năm.  Chú thím là những tín đồ đầu tiên của nhà thờ Tin Lành Bến Tre.  Nhà Thờ Tin Lành Bến Tre lúc ấy còn nhỏ lắm, chỉ vào khoảng bốn năm mươi tín đồ mà thôi.  Nhưng mỗi năm, vào dịp lễ Giáng Sinh, nhà thờ Bến Tre đều có tổ chức truyền giảng và đóng kịch diễn lại sự tích Chúa giáng sinh cho mọi người xem.  Năm nào, lễ Giáng Sinh cũng đông nghẹt người, nhất là trẻ con, vì sau buổi lễ, thế nào cũng có phát bánh kẹo và đồ chơi cho trẻ con.

Mặc dù số tín hữu vẫn còn ít, và tổ chức như vậy rất tốn kém, nhưng sở dĩ nhà thờ Tin Lành Bến Tre hàng năm vẫn tổ chức được vì số tiền dâng đều đặn 50 đồng của gia đình chú thím Sáu.  Chú thím Sáu là những tín hữu rất tốt, lúc nào cũng vâng lời Chúa dạy dâng hiến một phần mười lợi tức cho nhà thờ.  Dù tiền chú Sáu kiếm được qua nghề sửa đồng hồ, hay tiền thím Sáu lời được nhờ bán gà vịt, cả chú thím đều trung tín dâng một phần mười lợi tức hàng tháng cho nhà thờ.  Nhất là số tiền hằng năm mà bác Tư gởi cho gia đình chú thím, chú thím không bao giờ quên để riêng ra 50 đồng để dâng vào quỹ tổ chức lễ Giáng Sinh.  Trong nhà thờ, ít ai biết được chuyện này, chỉ trừ ra Mục sư và ông thủ quỹ mà thôi.  Cả hai người này đều được chú Sáu nói cho biết chuyện hàng năm bác Tư gởi cho số tiền 500 đồng.

Đầu tháng 12 năm ấy, chú thím Sáu và ba đứa con chờ mãi mà vẫn chưa thấy Ty Bưu Điện gởi giấy đi lãnh thư bảo đảm.  Chú Sáu cho rằng có lẽ bác Tư không về kịp, hoặc vì tàu thủy của bác bị hư và đang sửa chữa tại một hải cảng nào đó bên Âu châu chăng.  Thím Sáu thì nghĩ rằng có lẽ bác Tư đau yếu gì đó, và giục chú Sáu viết thư hỏi thăm, nhưng chú Sáu gạt đi và nói rằng làm như vậy coi không được, sợ bác Tư tưởng mình nhắc khéo chăng.  Ba đứa con chú thím thì lo lắng hơn và suy nghĩ nếu bác Tư năm nay không gởi số tiền này, thì làm sao nhà thờ có đủ tiền để tổ chức lễ Giáng Sinh và phát kẹo bánh cho trẻ con.

Nhưng rồi giấy báo của Ty Bưu Điện đã tới, dù hơi trễ.  Lịch trên tường đã là ngày 21 rồi, nghĩa là chỉ 4 ngày nữa là đến Giáng Sinh.  Chú Sáu vội vàng đóng cửa sạp sửa đồng hồ ngay khi nhận được giấy báo, và tất tả đạp xe ra ngay Ty Bưu Điện.  Đến nơi, như thường lệ, chú đưa tờ giấy báo cho cô thư ký, nhưng lần này không thấy cô đưa thư bảo đảm, mà lại nói: “Chú Sáu hà!  Đây là giấy lãnh bưu kiện, chứ không phải giấy lãnh thơ bảo đảm.  Chú đi vòng ra phía sau, sẽ có người giao gói hàng cho chú”.  Chú Sáu chưng hửng, nhưng không biết làm gì hơn, bước vòng ra phía sau, đưa tờ giấy cho bác Hai, nhân viên lớn tuổi nhất trong Ty Bưu Điện Bến Tre mà ai ai trong quận Châu Thành Bến Tre cũng quen bác cả.  Bác Hai cầm tờ giấy báo của chú Sáu, đi vào bên trong và bưng ra một thùng quà to tướng.  Bác Hai cười: “Chà, anh Tư năm nay có vẻ làm ăn khá lắm hay sao mà lại gởi cho chú Sáu thùng quà to thế này?”

Chú Sáu không nói gì, cám ơn bác Hai, ôm thùng quà ra về.  Chú cột thùng quà đằng sau xe đạp, và đạp luôn một mạch về nhà, vừa đi vừa tự hỏi không hiểu tại sao năm nay có chuyện lạ như vậy.  Chú cất thùng quà trong phòng ngủ, rồi đạp xe ra sạp sửa đồng hồ.

Vừa tới sạp, chú thấy năm sáu người đang đứng chờ chú.  Người nào cũng réo: “Chú Sáu đi đâu hồi sáng tới giờ vậy?  Tụi tui đứng chờ mỏi cả chân!  Chú làm ơn sửa cái đồng hồ này cho kịp tôi đeo vào ngày lễ Giáng Sinh nghe!” Chú Sáu cặm cụi sửa 6 chiếc đồng hồ mãi đến tối mới xong.

Chú vừa về đến nhà thì thấy thím Sáu đã dọn cơm lên bàn rồi, và mấy đứa con đã ngồi sẵn vì có lẽ bụng bị kiến bò nặng.  Chú ngồi vào bàn ăn, cầu nguyện cám ơn Chúa xong là tuyên bố cho mọi người biết: “Năm nay bác Tư không gởi tiền, nhưng gởi một thùng quà.”  “Thùng quà hả ba?”  Thằng Út hỏi tới tấp: “Thế là năm nay mình không có 50 đồng để dâng cho nhà thờ tổ chức lễ Giáng Sinh rồi!”

Chú Sáu không trả lời.  Chú ăn vội vã rồi đứng dậy đi vào phía trong bưng thùng quà ra.  Thùng quà to thật, gói bằng giấy màu có hình chuông Noel rất đẹp.  Chú lấy con dao cau cắt sợi dây gai chằng chịt bên ngoài và mở ra.  Trước hết là một con búp bê tóc vàng rất đẹp của bác Tư gởi cho con Liên.  Kế đó là chiếc áo len màu đỏ cho con Hòa.  Thằng Út thì được chiếc mũ bê-rê mà xanh và thêm một hộp viếc chì màu và 5 cục tẩy lớn.  Thím Sáu được một xấp lụa mà có lẽ bác Tư đã mua tận Bombay.  Riêng chú Sáu thì gói quà là một cái ví da cá sấu.

Phải thành thật mà nói, thì cả gia đình chú Sáu đều thất vọng, dù mấy món quà rất đẹp rất tốt, vì thiếu số tiền 500 đồng như hàng năm.  Nhưng bỗng nhiên chú Sáu reo lên: “Có thư riêng của bác Tư trong thùng quà nữa”.  Chú mở thư ra và đọc: “Sài gòn ngày 17 tháng Décembre… Chú thím Sáu và ba cháu.  Năm nào anh cũng chỉ gởi tiền mà thôi nên thấy thiếu thân mật quá! Vì vậy, năm nay bận rộn và tàu về trễ, anh cũng cố gắng đi phố mua ít quà cho cả nhà.  Anh không có gia đình, nên chẳng biết mua bán gì cả, thấy gì mua nấy, chú thím và ba cháu xài tạm vậy thôi.  Ký tên: Tư Lâm”.

Chú Sáu đọc xong lá thư, thì nghe tiếng thím Sáu sụt sùi khóc.  Thím Sáu kể lễ: Thật tội nghiệp cho anh Tư! Kể từ khi chị Tư mất đi, anh Tư sống cô đơn quá! Anh Tư cũng không có lấy một đứa con cho vui nhà vui cửa.  Vậy mà anh Tư vẫn nhớ đến mình, đến mấy cháu, và chịu khó mua quà.”  Chú Sáu cũng mủi lòng khi nghĩ đến người anh lẻ loi cô đơn.  Nhưng chú an ủi cả nhà: “Bác Tư thật là một người độ lượng.  Bác giúp mình mỗi năm rồi!  Năm nay bác cho quà thế là quí rồi!  Các con phải viết thư riêng từng đứa để cám ơn bác Tư nghe!”.

Chú Sáu vói tay lấy chiếc ví da cá sấu ngắm nghía rồi mở ra xem thử có bao nhiêu ngăn phía trong.  Từ bên trong chiếc ví, một mảnh giấy vàng rơi ra.  Thì ra, bác Tư vẫn không quên số tiền 500 đồng hàng năm.  Mảnh giấy rơi ra về phía con Liên.  Nó lượm lên và thấy con số 500 đồng quen thuộc rõ ràng ở góc phải.  Chú Sáu rướm nước mắt.  Chú quay mặt lấy khăn lau mắt và nói với cả nhà: “Thật không có mùa Giáng Sinh nào đẹp như năm nay.  Bác Tư chẳng những gởi tiền cho mình mà còn gởi cả tâm tình yêu mến của bác đối với gia đình của một đứa em nghèo!”

Hoàng Bá

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top