Truyện Ngắn: Dưới Bóng Dừa
Dưới Bóng Dừa
Chú Sáu đóng cửa tiệm sửa đồng hồ vào lúc 11 giờ trưa. Chú khóa trái cánh cửa xong, vội vã đẩy chiếc xe gắn máy ra, tính leo lên thì từ đằng xa: “Mình, mình ơi mình! Chở tôi đi với mình!” Chú Sáu quay lại ngạc nhiên: “Ủa, tôi tưởng mình đi trước rồi, sao giờ này còn đây?” Thím Sáu vừa leo lên ngồi phía sau xe vừa nói: “Thì tôi đã tính đi lâu rồi, nhưng bà Hai Long cứ đứng kỳ kèo mãi mấy chục gà, nên tôi mới trễ vậy nè!”
Thấy chú Sáu lái xe đi về phía hiệu bánh chú Tiên, thím Sáu hỏi: “Trễ rồi mà mình còn đi đâu vậy cà?” Chú Sáu quay đầu lại nói lớn: “Tôi tính ghé tiệm mua vài cái bánh pa-tê-sô và bánh cam đem biếu ông bà Mục sư đi đường ăn.” Thím Sáu cười: “Mình nói phải! Từ đây lên Sài-gòn đi cũng mất cả buổi chớ chẳng chơi.”
Chú thím Sáu đến trước nhà thờ Tin Lành Bến Tre thì đã thấy bên trong sân khá đông người. Chú dựng xe bên hè tư thất Mục sư và bước vào bên trong tư thất. Giữa phòng khách đã thấy đông đủ nhân viên Ban Trị Sự Hội Thánh và anh Trưởng ban Thanh niên. Chú chưa kịp ngồi xuống, thì thầy giáo Hiền, Thư ký Hội Thánh đã lên tiếng: “Chà, chú Sáu hôm nay phải đóng cửa tiệm hả?” Chú Sáu cười: “Ăn thua gì thầy giáo. Nghỉ cả ngày cũng chẳng sao. Mà Chúa cho sáng nay tôi bán được 4 cái đồng hồ đeo tay và một cái đồng hồ treo tường rồi mới đi đây.”
Ngay lúc ấy, ông bà Mục sư từ phía dưới nhà bếp đi lên. Ông Mục sư tươi cười nói: Hồi mới dọn tới tư thất, tôi chỉ có hai chiếc “hoa-li” mà sao bây giờ nhiều đồ quá vậy nè! Cả mấy ngày nay, dọn mãi vẫn không hết đồ!” Bác Tư Sanh đỡ lời: “Ông bà ở đây hơn mười năm rồi, tích tiểu thành đại, dĩ nhiên phải nhiều đồ.”
Thầy giáo Hiền quay lại nói nhỏ với anh Thuận, trưởng ban thanh niên: “Cậu làm ơn nói bà con ngoài sân vào để tôi bắt đầu.” Anh Thuận ra sân chưa kịp nói thì mọi người đã tề tựu vào trong phòng khách tư thất. Thầy giáo Hiền trịnh trọng đứng dậy quay về phía ông bà Mục Sư nói: “Thưa ông bà Mục Sư quí mến! Thay mặt cho Ban Trị Sự Hội Thánh và các tín đồ có mặt bữa nay cũng như hầu hết các anh chị em trong Hội Thánh vì bận làm ăn không thể đến, tôi xin có lời chân thành cảm tạ Chúa và cảm tạ ông bà Mục sư đã vì Chúa mà đến Bến Tre chủ tọa Hội Thánh hơn 10 năm nay. Hôm nay, ông bà và hai cháu lên đường về Sài-gòn để chuẩn bị du học Mỹ, anh em chúng tôi đây gọi là có một chút quà mọn lên đường ông bà Mục sư đi bình an.” Nói xong, thầy giáo Hiền rút một phong thư dài đưa cho ông bà Mục sư. Ông Mục sư chưa kịp trả lời, thì đã nghe tiếng bà Mục sư khóc thút thít. Ông quay lại: “Mình sao mà chưa gì đã khóc rồi?” Bà Mục sư chưa kịp lau nước mắt thì đã nghe tiếng thím Sáu và chị Tư Ngọc khóc to hơn. Ông Mục sư khoa tay: “Tôi đi du học 3 năm rồi trở về, thế nào cũng có dịp trở lại Bến Tre thăm các ông bà anh chị, chứ có đi biệt luôn đâu nào! Tôi nói thiệt với các ông bà, Bến Tre đã trở thành quê hương của tôi rồi. Hơn 10 năm sống hầu việc Chúa tại đây, chứ phải ít ỏi gì?”
Ông Mục sư im lặng một chút rồi nói tiếp: “Tôi dâng lời cám ơn Chúa đã đưa tôi đến đây làm việc với các ông bà anh chị em. Trong những ngày đầu chưa kinh nghiệm, chắc chắn tôi có rất nhiều khuyết điểm và lỗi lầm. Nhưng tôi nhận thấy một điểm son nơi quí ông bà mà có lẽ tôi không bao giờ quên là lòng thương yêu người hầu việc Chúa và tinh thần tha thứ cũng như chịu đựng của mọi người trong Hội Thánh. Tôi không chắc rồi đây trong tương lai, tôi còn được diễm phúc gặp một Hội Thánh khác như vậy nữa không! Trước khi từ giã mọi người, tôi cũng xin chân thành cám ơn tất cả, như tôi đã chính thức cám ơn Hội Thánh trong ngày Chúa nhật rồi. Tôi cũng xin quí ông bà anh chị dành cảm tình quí báu như vậy cho thầy Truyền đạo sắp đến thay tôi làm chủ tọa Hội Thánh.”
Vừa nói tới đó thì đã nghe tiếng còi xe ngoài sân nhà thờ. Mọi người nhìn ra thì đã thấy bác Chín Sang lái chiếc xe cam-nhông nhỏ vào đậu trước cửa tư thất. Bác Chín mở cửa xe nói lớn: “Cũng sẵn sàng cả rồi. Mời anh Chín vào cầu nguyện trước khi Mục sư lên đường!” Bác Chín Sang là tài xế xe hàng chạy đường Bến Tre Sài-gòn. Bác cũng là tín đồ trong Hội Thánh và hôm nay bác tình nguyện mượn chiếc xe của người bà con bên vợ để chở ông bà Mục sư lên Sài-gòn.
Cầu nguyện xong thì các thanh niên bắt đầu chất đồ lên phía sau xe. Khi ông bà Mục sư và hai đứa con lên xe, thì mọi người không ai bảo ai đều im thin thít. Mọi người không ngăn được nước mắt khi chiếc xe lăn bánh ra đường. Ông Mục sư ngồi phía ngoài ngoắt tay mãi cho đến khi chiếc xe quẹo sang đường Lý Thái Tổ, và cây thập tư trên nóc nhà thờ khuất dạng sau mấy lùm cây cao.
Mọi người yên lặng ra về, nhưng chú thím Sáu còn đứng lại trong sân nhà thờ. Đôi mắt thím Sáu đỏ hoe. Chú Sáu đi vào bên trong tư thất, tắt đèn và khóa hết các cửa sổ. Bước ra ngoài, chú lấy chùm chìa khóa khóa cửa trước và ngoắc tay gọi thím Sáu: “Thôi về mình!” nhưng thím Sáu nói: “Mình cỡi xe ra tiệm đi. Tôi đi bộ về nhà. Chiều nay tôi không ra chợ nữa đâu!” Chú Sáu cười: “Thì tôi cũng về nhà luôn đây, chớ có ra tiệm nữa đâu?”
Chúa Nhật tiếp theo đó, vì thầy Truyền đạo tân chủ tọa chưa đến kịp, nên ông Mục sư Chủ nhiệm Địa Hạt đến giảng cho Hội Thánh Bến Tre. Mục sư Chủ nhiệm giảng thật đầy ơn, nhưng chú thím Sáu cũng không thể nào quên được hình ảnh quen thuộc và giọng nói trầm ấm của ông Mục sư cũ. Không bao giờ chú quên được người mà chú thọ ơn. Nhớ lại những ngày đầu tiên khi chú được ông Mục sư biếu cho một quyển sách nhỏ lúc chú còn làm thợ vàng mã cho tiệm Minh Ký, chú Sáu thấy lòng xúc động vô cùng. Chú không ngờ quyển sách nhỏ này đã đưa chú đến nhà thờ Tin Lành Bến Tre và gặp được ông Mục sư hướng dẫn chú tin theo Chúa.
Ngồi ôn lại 7 năm sinh hoạt với Hội Thánh Bến Tre. Chú Sáu cảm thấy nhớ ông Mục sư quá. Chú chưa bao giờ thấy ai có tinh thần phục vụ hết mình như ông Mục sư. Ông Mục sư lúc nào cũng khiêm nhường coi mình là tôi tớ hèn mọn của Chúa, mặc dù đối với chú Sáu, ông Mục sư là một người đáng kính trọng vô cùng. Ông đã hi sinh quá nhiều cho bầy chiên của Chúa tại Bến Tre mà chú thím là người mang ơn ông Mục sư nhiều nhất.
Chú Sáu về nhà thì đã 2 giờ chiều. Là thủ quỹ của Hội Thánh, chú có bổn phận coi sóc nhà thờ và nhất là tư thất Mục sư trong khi thầy Truyền đạo tân chủ tọa chưa đến. Chú vào phòng khách ngồi đếm lại số tiền dâng buổi sáng, ghi vào sổ chi thu, và đem xấp tiền vào cất trong phòng ngủ. Nhờ lên xuống Sài-gòn nhiều lần để mua đồng hồ, nên chú quen thân ông chủ tiệm bán sỉ đồng hồ Châu Kim Sang ở ngang chợ Bến Thành. Ông Châu Kim Sang thấy chú Sáu làm ăn khá và là một khách hàng tin cậy, nên đã tặng cho chú một cái tủ sắt nhỏ đựng tiền. Nói là nhỏ nhưng cũng bằng chiếc va-li cỡ lớn dựng đứng và rất nặng. Chú để chiếc tủ sắt trong phòng ngủ và dành riêng một ngăn để đựng tiền của Hội Thánh.
Thầy Truyền đạo tân chủ tọa đến Bến Tre chiều thứ Năm tuần kế tiếp. Chú Sáu là người đầu tiên đến dọn dẹp tư thất từ sáng sớm để đón tiếp tôi tớ Chúa. Thầy Truyền đạo còn trẻ và chỉ mới tốt nghiệp trường Kinh Thánh Đà Nẵng hai năm nay mà thôi, nhưng ăn nói rất chững chạc và bặt thiệp. Bến Tre là Hội Thánh thứ hai thầy đến làm chủ tọa. Trước kia, hồi còn tập sự sau hai năm học đầu tiên, thầy đã làm chủ tọa Hội Thánh Ninh Hòa ngoài Trung, nhưng sau khi trở về trường học năm tốt nghiệp, thầy xin đổi vào Địa Hạt Nam phần và được bổ nhiệm làm phụ tá cho Mục sư Lưu Hành Địa Hạt Nam Phần. Sau hai năm đi lưu hành, Thầy xin ra Hội Thánh và được Hội Thánh Bến Tre mời làm chủ tọa.
Thầy chưa có gia đình, nhưng đã đính hôn với một thiếu nữ thuộc Hội Thánh Thủ Đức. Nghe đâu, cuối năm sau thầy mới làm đám cưới vì còn chờ cô học ít nhất là một năm tại Thần Học Viện Nha Trang. Thần Học Viện Nha Trang là Trường Kinh Thánh cũ ở Đà Nẵng dọn vào và tọa lạc trên một khu đất cao ở Hòn Chồng. Chú thím Sáu đề nghị thầy Truyền Đạo tạm thời ăn cơm trong gia đình của chú, ngoại trừ ăn sáng thì thầy có thể qua tiệm hủ tiếu cách tư thất nhà thờ không mấy xa. Cả Ban Trị sự tán thành đề nghị của chú thím Sáu và thầy Truyền đạo thì dĩ nhiên không có lý do gì để khước từ lòng tốt của ông thủ quỹ Hội Thánh.
Được dịp trò chuyện mỗi ngày qua bữa ăn với thầy Truyền đạo, chú Sáu rất sung sướng. Thầy Truyền đạo chỉ đáng tuổi em út của chú, nhưng lúc nào chú cũng lễ độ và giữ đúng thứ bậc. Đàng nào thì thầy Truyền đạo cũng là tôi tớ Chúa, và có lẽ một hai năm nữa, thầy cũng sẽ được Giáo Hội tấn phong Mục sư. Tuy chưa kinh nghiệm như ông Mục sư cũ trong việc hướng dẫn Hội Thánh, nhưng thầy Truyền đạo rất có ân tứ giảng Thánh Kinh. Những bài giảng của thầy soạn rất công phu và lúc nào cũng làm say mê mọi người, từ già đến trẻ trong Hội Thánh Bến Tre. Chú Sáu quan sát và chắc chắn một điều là thầy Truyền đạo đã bỏ nhiều thì giờ cầu nguyện và nghiên cứu khi soạn bài giảng. Thầy có thói quen dành nguyên ngày thứ Ba để học và nghiên cứu Kinh Thánh. Thường thường thầy soạn xong bài giảng vào tối thứ Sáu và cầu nguyện rất nhiều tối thứ Bảy. Thầy cũng nhờ chú Sáu cầu nguyện đặc biệt cho thầy sáng sớm Chúa Nhật để thầy được ơn Chúa trong khi giảng cho Hội Thánh. Có lẽ nhờ vậy mà lúc nào đứng lên tòa giảng, chú Sáu cũng thấy thầy Truyền đạo giảng một cách dễ hiểu và hấp dẫn.
Trong một bữa ăn tối, thầy Truyền đạo bỗng nhiên hỏi chú Sáu: “Chú Sáu có cách nào nghỉ sửa đồng hồ chừng nửa ngày trong tuần không? Chú Sáu hơi ngạc nhiên nhưng hỏi lại cầm chừng: “Nhưng mà để làm gì thầy?” Thầy Truyền đạo cười: “Tôi muốn mời chú Sáu đi làm chứng với tôi.” Chú Sáu ngẫm nghĩ một hồi rồi đưa mắt hỏi thím Sáu: “Mình thấy được không?” Thím Sáu trả lời: “Tôi thấy nên lắm! Để thầy Truyền đạo đi một mình nhiều khi cũng bất tiện. Nhưng mà mình có quen đi làm chứng đạo không?” Trước khi chú Sáu trả lời dứt khoát, thì thầy Truyền đạo đã nói: “Thật ra thì tôi đề nghị chứ không dám ép đâu.” Nhưng chú Sáu đứng dậy cương quyết: “Tôi nhờ Chúa sẽ đi làm chứng với thầy để học hỏi thêm.”
Chú Sáu nói thì làm ngay. Chú đóng cửa tiệm đồng hồ mỗi chiều thứ Năm và bắt đầu đi làm chứng đạo với thầy Truyền đạo. Nhưng bữa đầu tiên, thầy Truyền đạo đề nghị với chú là trước hết dành một giờ đồng hồ để cầu nguyện xin Chúa mở lòng những người mà thầy và chú sẽ gặp. Chưa bao giờ mà chú Sáu thấy thầy Truyền đạo khóc lớn tiếng như vậy trong giờ cầu nguyện. Thầy đã dốc đổ cả tâm hồn với Chúa, khóc cho số phận hư mất của đồng bào trong thành phố Bến Tre. Chú Sáu cảm thấy mấy lâu nay, mặc dầu chú thành tâm tin Chúa, nhưng chú chưa bao giờ đặt món nợ yêu thương đồng bào trên mình một cách tha thiết như vậy. Sau giờ cầu nguyện, chú cảm thấy mạnh dạn và hăng hái ra đi với thầy Truyền đạo.
Thầy Truyền đạo rủ chú Sáu trước hết đi làm chứng cho những nhà quen trên đường chú Sáu có tiệm sửa đồng hồ. Chú Sáu hơi ngần ngại, nhưng vẫn đi theo. Cả buổi chiều hôm ấy, chú ngồi nghe nhiều hơn là nói. Mặc dầu chưa có ai quyết định tin Chúa, nhưng thầy Truyền đạo có vẻ sung sướng lắm.
Tin chú Sáu hi sinh mỗi tuần nửa ngày để đi làm chứng đạo với thầy Truyền đạo lan ra trong Hội Thánh rất nhanh. Một vài người khác, nhất bà Cụ Bảy Hương, đã xin gia nhập Ban Chứng Đạo. Cụ Bảy Hương đã 72 tuổi nhưng còn quắc thước lắm. Cụ trước đây dạy chữ Hán cho trẻ, nhưng dần dần không ai cho con học chữ Hán nữa, nên cụ “thất nghiệp” về ở với gia đình con trai út. Cụ là một học viên gương mẫu nhất của Trường Chúa Nhật và là một chiến sĩ cầu nguyện. Không một buổi cầu nguyện nào do Hội Thánh tổ chức mà không có mặt cụ. Việc cụ hăng hái gia nhập Ban Chứng Đạo đã thúc đẩy khá nhiều người khác trong Hội Thánh. Một luồn sinh khí mới thổi vào Hội Thánh Bến Tre. Không đầy hai tháng sau, một hiện tượng mới xảy ra hầu như mỗi Chúa Nhật.
Đó là không có một buổi lễ nào mà không có một hay hai khuôn mặt mới xuất hiện và được giới thiệu là tín hữu mới qua công khó làm chứng của Ban Chứng Đạo Hội Thánh. Hội Thánh Bến Tre đã bắt đầu thấy chật chội mỗi lần nhóm họp.
Chú Sáu chẳng những trở thành một ban viên chứng đạo đắc lực của Hội Thánh, mà về sau chú hướng dẫn một toán, còn toán kia do thầy Truyền đạo hướng dẫn. Chúa cho chú có dịp thực hành những gì mà chú đã học, đã nghe trong Hội Thánh. Công việc làm ăn của chú cũng không thiệt thòi gì cả mặc dù chú đóng cửa tiệm đồng hồ cả ngày Chúa Nhật và chiều thứ Năm. Riết rồi khách hàng biết chú không làm việc mỗi chiều thứ Năm cũng như học trò tiểu học không đi học chiều thứ Năm vậy.
Một chiều thứ Năm, sau khi đi làm chứng về, chú Sáu rủ thầy Truyền Đạo thả bộ xuống phố ăn mì. Hai thầy trò bụng đói nên đã ăn mỗi người hai tô. Trên đường về, trời đã tối hẳn, chú Sáu và thầy Truyền đạo đi dọc theo đường phố chính ra phía chợ vừa đi vừa nói chuyện. Dưới bóng dừa, hai chiếc bóng lúc thì dài ra, lúc thì thu ngắn lại. Cả hai người bỗng cùng im lặng. Nhưng rồi chú Sáu bật cười to: “Nói thật với thầy, chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như hôm nay. Tôi không bao giờ dám ngờ rằng tôi lại có thể đưa một số bạn thân đến với Chúa như vậy trong sáu tháng qua. Tôi cám ơn thầy đã khích lệ và huấn luyện tôi trong việc chứng đạo.” Thầy Truyền đạo không trả lời. Đôi mắt thầy ngước lên cao và mãi một lúc sau mới nghe thầy thốt ra mấy tiếng thật nhỏ: “Cám ơn Chúa!”
Khi về đến trước cổng nhà thờ, thầy Truyền đạo mời chú Sáu vào tư thất uống trà, nhưng chú xin phép về nhà vì cũng đã quá 9 giờ tối rồi. Chú Sáu bắt tay thầy Truyền đạo và đi về hướng nhà chú. Được mấy chục bước, chú quay đầu lại thì còn thấy thầy Truyền đạo đứng trước cửa tư thất. Có lẽ thầy chưa vội vào nhà, nhưng đang ngước mắt lên cao dâng lời tạ ơn Chúa về mấy linh hồn vừa qui phục Chúa trong buổi chứng đạo chiều nay.
Chú Sáu vừa đi vừa cầu nguyện thầm: “Lạy Chúa! Xin cho thêm nhiều người nữa đến với Chúa trong giờ chứng đạo tuần sau!” Chú nhìn lên trời và thấy nhiều ngôi sao lấp lánh. Chú có cảm tưởng như đó là tín hiệu trả lời của Chúa. Cây dừa cao quen thuộc trước cửa nhà chú đã hiện ra trước mặt.
Hoàng Bá
Thoảng Niềm Thương Nhớ – California, 2006
Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.