Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Truyện Ngắn: Đồng Hồ Lúc Lắc

Truyện Ngắn: Đồng Hồ Lúc Lắc

Đồng Hồ Lúc Lắc

Chú Sáu vừa ở tiệm sửa đồng hồ về nhà thì đã nghe tiếng con Liên la bài bãi: “Chết mày rồi! Ba về là mày chết tới nơi rồi mày ơi!”  Thấy chú Sáu mở cửa bước vào, thằng Út òa lên khóc, còn con Liên thì đứng phân trần: “Ba biết không?  Thằng Út làm bể cái đồng hồ lúc lắc rồi!” Chú Sáu chưa kịp mở miệng thì thằng Út vừa mếu máo vừa khai: “Tại chị Liên xô con đó! Con đang chơi Zorro, con đang múa cây gươm gỗ, thì chị Liên chạy đến xô nên cây gươm mới đập vào mặt chiếc đồng hồ lúc lắc đó!”

Chú Sáu hơi bực mình, nhưng bật cười nói: “Đồng hồ gì mà gọi là đồng hồ lúc lắc? Người ta gọi là đồng hồ quả lắc, mà tụi con gọi là đồng hồ lúc lắc! Tao nghe như thịt bò lúc lắc vậy đó! Nhưng thôi được rồi, cả hai đứa đều vô ý cả, tao tha cho cả hai.  Thôi đi ra ngoài chơi, và lần sau chơi thì chơi, nhưng phải cẩn thận nghe.  Để tao nhờ chú Ba Hòn cắt miếng kiếng khác thế vô.”

Chiếc đồng hồ quả lắc to tướng dựng trong phòng khách nhà chú Sáu thật ra không phải của chú, nhưng là của ông bà Hội Đồng Liêm đem tới sửa.  Ông Hội Đồng mua chiếc đồng hồ quả lắc này tận bên Đức hồi ông bà Hội Đồng đi thăm người con trai.  Người con trai của ông bà Hội Đồng, cậu Hai Tánh đi du học tại Pháp đã lâu, nhưng không biết làm sao mà cuối cùng lại cưới vợ Đức, và ở bên Đức từ 12 năm nay.  Nghe đâu cậu Hai Tánh học giỏi lắm, cậu đậu bằng tiến sĩ cơ khí và đang làm giám đốc gì đó trong một xưởng chế tạo máy móc nông nghiệp của Đức.

Chiếc đồng hồ cao hơn đầu người, phía trên là mặt đồng hồ hình vuông, phía dưới là một chiếc hộp dài có cửa kiếng bên ngoài, còn bên trong là hai quả lắc bằng đồng sáng giới chạy qua chạy lại phát ra tiếng tích tắc, tích tắc đều đặn nghe đến buồn ngủ.  Cứ đúng 15 phút, thì đồng hồ gõ một tiếng chuông, nửa giờ thì hai tiếng chuông, còn đúng giờ, thì ngoài tiếng còng to điểm giờ, còn kèm theo một hồi chuông rổn rảng khiến cho những người khó ngủ ban đêm nằm nghe điểm giờ mãi lại càng ngủ không nổi.  Không hiểu làm sao mà sợi dây thiều của chiếc đồng hồ quả lắc này bị đứt, nên ông Hội Đồng Liêm mới nhờ chú Sáu sửa.  Chú Sáu không dám để chiếc đồng hồ quí giá này ngoài tiệm nên đem về nhà để sửa. 

Thật ra thì lúc đầu, ông Hội Đồng Liêm tính nhờ người cháu lái xe chở chiếc đồng hồ quả lắc xuống Sài-gòn, nhưng người cháu nói với ông Hội Đồng rằng chú Sáu sửa được.  Ban đầu, ông Hội Đồng Liêm tỏ ý nghi ngờ tài của chú Sáu, và nhất là ông sợ mấy người thợ tỉnh lẻ đổi các bộ phận bên trong, nhưng người cháu bảo đảm với ông Hội Đồng rằng chú Sáu sửa đồng hồ rất giỏi, làm ăn cẩn thận, và nhất là không bao giờ ăn gian nói dối, nên không sợ đổi chác gì các bộ phận bên trong.  Cuối cùng ông Hội Đồng Lim đồng ý giao cho chú Sáu. Ông Hội Đồng Liêm thân hành đến nhà chú Sáu và dặn dò: “Chú Sáu hà! Thằng Long cháu tôi nói chú sửa đồng hồ giỏi lắm và chú thiệt thà ngay thẳng, nên tôi nhờ chú sửa cái đồng hồ mà tôi đã mua bên Đức.  Tốn hết bao nhiêu tiền, tôi trả cho chú, và nếu chiếc đồng hồ chạy tốt như cũ, tôi sẽ thưởng thêm cho chú sáu ba đồng nữa.”  Chú Sáu dạ và cám ơn ông Hội Đồng.  Trước khi ra về, ông Hội Đồng Liêm cũng bảo chú Sáu cứ thong thả sửa cho cái đồng hồ thiệt tốt.  Nói về đức tính thành thật, ngay thẳng, không bao giờ ăn gian nói dối của chú Sáu thì cả châu thành Bến Tre ai cũng nhận là đúng.  Bất cứ ai có dịp đưa đồng hồ cho chú Sáu sửa, hoặc quen biết chú, hay ở gần nhà chú, đều làm chứng chú Sáu là người hết sức thiệt thà.  Cũng nhờ đó mà tiệm sửa đồng hồ của chú lúc đầu chỉ là một góc nhỏ thuê lại của một tiệm hủ tiếu ngoài chợ châu thành, nhưng sau chú Sáu làm ăn rất khá nên chú đã mua đứt được một cửa tiệm nhỏ cũng gần đó.  Ai đi chợ châu thành Bến Tre cũng đều đi ngang qua tiệm sửa đồng hồ “Thành Tín” của chú Sáu.

Nói cho đúng thì chú Sáu nổi tiếng làm ăn ngay thẳng thiệt thà và không bao giờ ăn gian nói dối là từ khi chú tin Chúa Giê-xu.  Trước kia, chú cũng như bao nhiêu người khác chứ có hơn gì ai đâu!  Lúc trước, chú làm công cho ông Minh Ký, một người Tàu lai có tiệm tạp hóa và bán hàng mã, đồ thờ cúng lớn nhất trong quận châu thành Bến Tre.  Chú Sáu là người có hoa tay, bà con chú nói vậy, nên ông Minh Ký thuê chú làm hàng mã.  Chú làm nhà giấy, xe hơi giấy, ngựa giấy, quần áo giày dép giấy rất đẹp và giống như thật để bán cho người ta đem về cúng, đốt cho người dưới âm phủ xài.  Chú Sáu là người có hoa tay thật! Xe hơi giấy mà chú làm cũng có bốn bánh xe quay được.  Có lần người ta đặt chú làm một cô gái đẹp để cúng cho bác Ba Hườn, trước đây làm nghề kép hát cải lương.  Chú Sáu làm cô gái bằng giấy đẹp quá, đến nổi thím Ba Hườn phát ghen, cầm dao đòi chém thằng cháu trai của bác Ba Hườn, là người đặt làm hình nộm cô đào hát này.  Mấy đứa trẻ đi học ngang qua tiệm Minh Ký thế nào cũng dừng lại để ngắm nghía công trình hàng mã của chú Sáu.  Đứa nào về nhà cũng đòi cha mẹ mua xe hơi giấy của chú Sáu làm để chơi, nhưng đều bị mắng tơi bời: “Đồ quỷ nà! Đồ người ta làm ra để cúng cho ma mà đòi mua đem về nhà cho xui xẻo hả?  Ngu gì mà ngu quá vậy!”

Chú Sáu được ông Minh Ký thương lắm và trả tiền lương rất hậu.  Chú Sáu nhờ được cái lanh tay lanh chân mà làm ăn khá.  Chú thường nhờ anh Bảy Hương đi học ở Sài-gòn, mỗi lần về mua cho chú mấy tập báo Tây cũ.  Thế là chú Sáu xem hình xe hơi trong báo Tây mà nhái theo làm ra xe hàng mã rất đẹp, rất lạ, khiến hàng mã cửa tiệm Minh Ký bán chạy như tôm tươi.

Nhưng một bữa nọ, có một thầy ký trẻ tuổi, ăn mặc rất đàng hoàng chững chạc, thắt cà vạt đen, đi ngang qua tặng cho chú Sáu một quyển sách nhỏ, nói là để chú đem về nhà đọc.  Chú Sáu không biết quyển sách nói gì nhưng vì bên ngoài có hình một tòa nhà lầu, và phía trước có vẻ có một chiếc xe hơi Huê-kỳ nên chú bỏ vào túi và đem về nhà.  Bữa tối hôm đó, chú Sáu chong đèn đọc quyển sách nói về Chúa Giê-xu.  Quyển sách nói rằng người ta không cách nào tìm được hạnh phúc thật trong tiền bạc, giàu sang hay vật chất trên đời này vì tất cả rồi sẽ qua đi.  Hạnh phúc thật chỉ đến với những ai đặt lòng tin vào Đấng Tạo Hóa và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng từ trời đến trần gian chịu chết đền tội cho nhân loại.

Chú Sáu đọc xong quyển sách, nằm suy nghĩ mãi.  Hình ảnh của những chiếc xe hơi, bàn ghế, tủ giường, quần áo, tiền bạc hàng mã mà chú sản xuất mỗi ngày được người ta mua về đốt cháy ra tro cứ vẫn vơ mãi trong đầu óc chú Sáu.  Chú Sáu cũng biết rõ chỉ những người mê tín dị đoan, những người bị lừa dối mới tin rằng đồ hàng mã đốt xuống cho người chết dưới âm phủ, còn riêng chú thì chú không tin.  Chú chỉ biết làm nghề hàng mã như một phương tiện để sống mà thôi.  Chú cũng biết chắc ông Minh Ký không tin như vậy nữa, bằng chứng là hôm bà mẹ ông Minh Ký chết, ông ta có đốt cái nhà cái xe hàng mã nào đâu?

Chú Sáu công nhận quyển sách nói đúng.  Chú đọc đi đọc lại nhiều lần, và thấy trang chót có ghi địa chỉ của nhà thờ Tin Lành Bến Tre. Chúa nhật tiếp theo đó, chú lần mò đến nhà thờ để hỏi thêm.  Lúc chú đến thì đã nghe tiếng người ta hát rất hay trong nhà thờ.  Ngôi nhà thờ Tin Lành Bến Tre lúc ấy thật ra chỉ là một căn phố, độc chỉ có một cửa ra vào mà thôi.  Chú Sáu đứng lấp ló bên ngoài chưa dám vào thì một ông đứng tuổi tươi cười ngoắc tay kêu chú vào.  Chú Sáu bước vào và yên lặng ngồi ở chiếc ghế gần chót.  Mọi người lúc ấy đang lắng nghe một thanh niên đọc một đoạn kinh từ một quyển sách bìa đen khá dày.  Ai nấy có vẻ thích thú và vui vẻ.

Người đứng trên tòa giảng chính giữa nhà thờ là ông thầy ký đã tặng cho chú Sáu quyển sách nhỏ.  Ông ta mỉm cười khi thấy chú Sáu vào nhà thờ.  Sau khi nói vài lời gì đó, ông ta chỉ tay về phía chú Sáu và giới thiệu với mọi người: “Tôi rất vui và tất cả anh chị em trong Hội Thánh hân hạnh có chú Sáu đến dự lễ thờ Chúa hôm nay.  Xin chú Sáu đứng dậy cho mọi người biết”.  Chú Sáu hơi lúng túng, nhưng rồi cũng mạnh dạn đứng dậy chào mọi người.  Mọi người vỗ tay hoan nghênh lại càng làm cho chú Sáu lúng túng hơn.  Nhưng thầy ký trên tòa giảng dõng dạc đỡ lời: “Với tư cách là Mục sư chủ tọa Hội Thánh tại đây, tôi xin hoan nghênh chú Sáu!”  Lúc ấy, chú Sáu mới biết ông thầy ký là ông Mục sư.

Chú Sáu tham dự buổi lễ trong nhà thờ hôm ấy một cách vui vẻ và cảm thấy dường như mọi người ai cũng có cảm tình với mình.  Trước kia, chú tưởng nhà thờ là nơi người ta đến để cầu kinh, thắp nến, quì lên lạy xuống.  Nhưng trong nhà thờ Tin Lành này, chú nghe người ta cầu nguyện với Chúa như con nói chuyện thân mật với cha, và trong nhà thờ cũng không có bàn thờ hay tượng ảnh gì cả.  Phần chính của buổi lễ là bài giảng Kinh Thánh của ông Mục sư.  Bài giảng hôm ấy là chuyện một người con trai hoang đàng bỏ nhà ra đi, nhưng sau ăn năn trở về cùng cha.  Chú nghe bài giảng một cách chăm chú và sau buổi lễ ở lại thêm theo lời mời của ông Mục sư để trò chuyện.

Ông Mục sư mời chú Sáu qua tư thất bên cạnh nhà thờ ăn trưa với một số người khác mà ông Mục sư giới thiệu là “nhân viên Ban Trị Sự Hội Thánh”.  Chú Sáu cảm thấy mình quan trọng quá, nhưng ông Mục sư nói rằng mọi người ở đây đều là anh em cả, đừng ngại.  Trong bữa ăn hết sức thân mật, ông Mục sư và các nhân viên Ban Trị Sự đã giải thích cho chú Sáu nghe về ơn cứu độ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Chú Sáu đã quyết định ăn năn tội và tin theo Chúa Giê-xu.

Chú Sáu trở về nhà hôm ấy, lòng hớn hở một cách lạ thường.  Lời cầu nguyện mà chú đọc theo ông Mục sư chỉ dẫn thực sự đã đưa chú Sáu bước vào một kinh nghiệm thật khó tả.  Chú cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản và dường như có sức thiêng của Chúa tràn ngập lòng chú.  Chú cảm biết chú đã được Chúa tha tội, và nhận chú làm con của Ngài như lời Chúa hứa trong Thánh Kinh.

Chúa nhựt sau đó, chú Sáu trở lại nhà thờ.  Phải thành thật mà nói thì suốt cả tuần lễ, chú trông mong cho đến ngày Chúa nhựt để đến nhà thờ nghe giảng Thánh Kinh và gặp các anh chị em trong Hội Thánh.  Chú say mê giọng nói của ông Mục sư thì ít, nhưng say mê lời Chúa dạy trong Thánh Kinh thì nhiều.  Chú cũng mua một quyển Kinh Thánh đem về nhà đọc.  Theo lời khuyên của Mục sư, chú bắt đầu đọc phần Tân Ước trước.  Lần đầu tiên được đọc về cuộc đời của Chúa Cứu Thế Giê-xu từ khi Ngài giáng sinh cho đến khi Ngài chịu chết chuộc tội cho nhân loại, chú Sáu cảm động quá chừng.  Chú nguyện theo Chúa trọn đời và sẵn sàng sống chết cho Chúa.  Chúa cho chú Sáu hiểu Kinh Thánh rất mau, và lòng tin của chú càng ngày càng vững chắc.

Một bữa nọ, chú Sáu hỏi ông Mục sư: “Tôi đã tin Chúa được năm bảy tháng rồi, nhưng cứ ngần ngại chưa dám hỏi Mục sư.  Thưa Mục sư, cái việc tôi đang làm sinh sống có gì trái với lời Chúa dạy không mà sao tôi thấy khó chịu quá à?”  Mục sư ôn tồn trả lời: “Đáng lý tôi phải nói với chú điều này, nhưng tôi chờ chú nêu ra thì tốt hơn.  Nếu chú không tin hàng mã đốt xuống thành nhà thành xe cho người chết, thì dĩ nhiên công việc chú đang làm là không đúng.  Tốt hơn chú nên nghỉ việc này và kiếm việc khác thì hay hơn”.  Chú Sáu băn khoăn: “Nhưng tôi không biết nghề nào khác thì làm sao bây giờ?”  Mục sư nói với chú Sáu: “Chú Sáu hà!  Chú có tin rằng Chúa sẽ giúp chú tìm được một công việc khác tốt hơn không?”  Chú Sáu yên lặng chốc lát rồi trả lời hết sức quả quyết: “Tôi tin!”

Thế là qua ngày hôm sau, chú Sáu xin phép ông Minh Ký nghỉ việc.  Ông Minh Ký ngạc nhiên: “Chú đang giúp tôi làm ăn phát đạt như thế này mà nghỉ việc sao được!  Hay là tôi trả lương cho chú không đủ tiêu?”  Chú Sáu xua tay: “Không phải đâu ông chủ!  Nhưng tôi đã tin Chúa và Chúa dạy tôi phải sống thành thật và phù hợp với niềm tin của tôi, nên tôi thấy việc làm hàng mã không thành thật, ông chủ cho tôi xin nghỉ việc”.  Ông Minh Ký đỏ mặt: “Chú nói làm hàng mã không thành thật là có ý gì? Tôi đâu có làm gì trái phép tắc nhà nước đâu?” Chú Sáu vội vã trả lời: “Không, không phải tôi nói ông chủ làm trái phép đâu! Nhưng tôi không nói là tôi không tin hàng mã đốt xuống âm phủ thành nhà thành xe cho ông bà mình xài.  Tôi thấy đây là điều dị đoan, không đúng với niềm tin của tôi hiện nay mà thôi!”  Ông Minh Ký không nói gì thêm nhưng có vẻ hơi buồn, và cuối cùng ông bằng lòng cho chú Sáu nghỉ việc.  Ông Minh Ký tặng chú Sáu hai tháng lương và cho chú Sáu ra về.

Chú Sáu cầm 80 đồng bạc mới tinh, tiền hai tháng lương, ra về nửa vui nửa buồn.  Vui vì chú đã quyết tâm sống một cách chân thành với niềm tin, nhưng buồn vì ông Minh Ký là một người chủ tốt mà chú phải bỏ đi.  Về nhà, chú yên lặng ngồi trong bóng tối quên cả ăn cơm.  Chú cầu nguyện thầm với Chúa: “Lạy Chúa Giê-xu, con đã vâng theo lời Chúa.  Xin Chúa cho con một việc làm ăn khác để con tiếp tục hầu việc Chúa”.

Chú Sáu ngủ dậy sáng hôm sau, việc đầu tiên là đến nhà Mục sư nói cho Mục sư biết chú đã nghỉ việc ở tiệm Minh Ký.  Ông Mục sư vỗ vai chú Sáu: “Tôi thật khâm phục quyết tâm của chú.  Chú vì tuân theo lời Chúa dạy mà không sợ thất nghiệp nên thế nào Chúa cũng cho chú một việc làm tốt hơn.  Nếu trong thời gian chờ đợi, chú cần gì anh em trong Hội Thánh không để chú thiếu thốn đâu”. Chú Sáu cười: “Đâu đến nỗi nào Mục sư! Tôi còn đến 80 đồng đây mà, sống tiện tặn ít nhất cũng được năm tháng.  Một mình tôi ăn uống có bao nhiêu đâu mà phiền tới anh em trong Hội Thánh!”

Đức tin chú Sáu đã được Chúa thưởng.  Khoảng không đầy hai tuần lễ sau, chú gặp một người bạn dạy cho chú nghề sửa đồng hồ.  Chú Sáu chẳng những có hoa tay trong nghề làm hàng mã mà còn thích hợp với nghề sửa đồng hồ.  Học chưa tới 3 tháng, chú đã thành thạo việc sửa đồng hồ.

Người bạn thân của chú sau đó phải dọn về quê vợ ở Cần Thơ, nên chú Sáu sang lại tủ sửa đồng hồ ngoài chợ.  Chú làm ăn cẩn thận và giỏi nên không đầy một năm sau, chú kiếm tiền hàng tháng còn nhiều hơn hồi còn làm cho ông Minh Ký.  Chú Sáu đi nhà thờ được hai năm thì gặp thím Sáu.  Thím Sáu lúc ấy tên là chị Thắm, người miệt Trà Vinh.  Thím tin Chúa là do người cô hướng dẫn.  Chú thím thương nhau và đó là lễ cưới thứ hai trong nhà thờ Tin Lành Bến Tre năm ấy.

Thím Sáu rất xinh nhưng lại ít học.  Dù không được cha mẹ cho đi học nhiều nhưng thím rất lanh lợi và thông minh.  Thím quen nghề bán gà vịt và sang ngay một sạp bán gà vịt sống ngoài chợ châu thành không xa chỗ chú Sáu sửa đồng hồ cho lắm.  Chú thím sống dư dả và chưa bao giờ bị thiếu thốn cả.  Thím sanh cho chú ba đứa con: con Liên lớn nhất, kế là con Hòa, và sau cùng là thằng Tấn nhưng nhà vẫn gọi là thằng Út…

Chú Sáu xem lại chiếc đồng hồ quả lắc để coi ngoài mặt kiếng bể, hai cây kim có bị hư hao gì không.  May quá chỉ bể mặt mà thôi.  Lúc ấy thím Sáu vừa từ chợ về.  Con Liên lại lên tiếng mách mẹ về vụ thằng Út làm bể cái đồng hồ “lúc lắc”, nhưng chú Sáu nạt ngay: “Cái con Liên này dai như giẻ rách.  Em nó vô ý, tao không la là được rồi!”  Thím Sáu nhẹ nhàng bảo con: “Ai lại không vô ý con!”

Tối hôm ấy, thím Sáu dọn lên bàn một con gà quay xì dầu thơm phức.  Cả nhà ăn một cách sung sướng, nhất là thằng út.  Chú Sáu vừa nhai cặp cánh, vừa nói: “Má mày hôm nay sang quá ta! Mình bán gà thì bắt gà mình làm thịt cũng được, mua gà quay tiệm Tàu làm gì cho tốn?”  Thím Sáu cười: “Thì tôi đi ngang qua tiệm Lương Ký thấy  gà quay ngon quá mà chú Lương lại bán rẻ cho tôi, nên tôi mua cho cha con ăn một bữa cho đã.  Người ta cho ăn ngon mà còn thắc mắc!”  Chú Sáu gật gù: “Thắc mắc gì đâu?  Thì người ta hỏi vậy thôi!”

Sau bữa ăn, chú Sáu lấy Kinh Thánh ra đọc cho cả nhà nghe trước khi cầu nguyện gia đình lễ bái.  Đoạn Kinh Thánh bữa đó nhằm Thi Thiên 37:1-6 “Chớ phiền lòng vì có kẻ làm dữ, cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác, vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ và phải héo như cỏ xanh tươi.  Hãy tin cậy Đức Chúa Trời, và làm điều lành, khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tính của Ngài.  Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng ngươi ao ước.  Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Chúa Trời, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.  Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ.”

Chú Sáu đi ngủ vào lúc hơn 10 giờ đêm.  Chiếc đồng hồ quả lắc dù mặt kiếng bể nhưng vẫn còn điểm giờ một cách thánh thót.  Tiếng tích tắc đã đưa chú Sáu vào giấc ngủ một cách dễ dàng vì đối với Chú, tiếng tích tắc quen thuộc này đem lại cho chú và gia đình chú cơm ăn áo mặc mỗi ngày.

Hoàng Bá

Thoảng Niềm Thương Nhớ
California, 2006

Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top