Truyện Ngắn: Chiếc Lồng Chim
Chiếc Lồng Chim
Gần xế trưa rồi mà thím Sáu bán chưa được đến 5 con gà! Thím bực mình quay lại nói với chị Tư Ngọc bán nồi niêu soong chảo ngồi đâu lưng với thím: “Chị nghĩ coi! Từ hồi tôi sang sạp gà vịt này, kể ra gần 9 năm rồi, chưa bữa nào mà tôi ế như bữa nay. Ế dài dài kiểu này, chắc là tôi đổi nghề quá!” Chị Tư Ngọc mỉm cười: “Mới một bữa mà thím nói dữ quá vậy! Thím nhớ tuần trước, cả tuần lễ mà tôi chỉ bán có hai bộ soong và 4 cái nồi nhỏ thì sao? Thím còn có chú sửa đồng hồ nữa, chớ còn tôi đây mới thiệt là khổ! Từ hồi ba mấy đứa nhỏ chết tới giờ, tôi đơn chiếc một mình, lo gồng gánh nuôi bốn đứa con, mệt muốn chết vậy đó!”
Thím Sáu yên lặng nhìn chị Tư Ngọc với cặp mắt thương hại. Nhưng đồng thời, thím cảm thấy hổ thẹn quá, vì so với tình cảnh của chị Tư Ngọc, thì thím còn sướng chán! Thím biết gia đình chú thím kể từ ngày lấy nhau cho đến nay, lúc nào Chúa cũng cho đầy đủ, chưa bao giờ thật sự túng thiếu Thím Sáu nhớ lại hai năm trước, ngày anh Tư Ngọc chết trong chuyến mua hàng từ bên kia biên giới Cam-bốt về Tân Châu. Anh Tư lúc trước làm thợ hồ, nhưng giữa châu thành Bến Tre lúc ấy, công việc xây cất nhà cửa ế ẩm quá chừng. Thất nghiệp một thời gian khá lâu, anh Tư cảm thấy khó chịu vì cả nhà phải trông chờ vào tài tháo vát của một mình chị Tư, nên cuối cùng anh nghe theo lời mấy người bạn cũ ở Châu Đốc rủ đi buôn đồ bên kia biên giới Cam-bốt về bán ở chợ trời Tân Châu. Công việc mua bán có vẻ khá quá đến nỗi anh Tư đã có lần bảo chị Tư dẹp sạp bán soong nồi ngoài chợ, ở nhà cho khỏe. Nhưng chị Tư bàn với chồng: “Thôi anh à! Cứ để tôi tiếp tục giữ cái sạp này, còn có đồng vô đồng ra, dầu sao cũng đỡ. Mà sạp bán soong nồi của tôi dầu sao cũng có phần chắc chắn, chớ cái nghề đi buôn của anh, sao tôi thấy không yên lòng. Biết đâu có ngày “đàng thổ” nó cướp hết cả vốn rồi lấy gì mẹ con tôi ăn đây?” Anh Tư khoát tay nói một cách đầy tự tin: “Bà nói chơi hay nói thiệt đó? Đàng Thổ nó có dao thì tụi anh cũng có mác, ăn thua gì mà mình sợ quá vậy!”
Nhưng tội nghiệp cho chị Tư và bốn đứa nhỏ! Anh Tư không bị đàng Thổ cướp, nhưng anh đã bị thương hàn trong chuyến đi Nam Vang vào cuối năm trước và chết một cách hết sức đột ngột. Số là anh Tư tính chở một số hàng về ngày hôm trước, nhưng một người bạn mách mối cho biết ngày hôm sau sẽ có một chuyến hàng lậu từ Thái Lan về Nam Vang, nên anh Tư ham lời ở lại. Ngày hôm sau, được tin số hàng lậu bị trễ vì cảnh sát biên phòng Thái bất ngờ đi tuần tiễu, nên anh Tư “đã đâm lao thì phải theo lao” ráng chờ thêm vài ngày nữa. Rảnh không biết làm gì, anh Tư cùng với người bạn đi thăm Đế Thiên Đế Thích, nhưng trên đường gặp mưa và anh bị cảm. Tưởng cảm sơ sơ, anh Tư chỉ thoa dầu và nhờ người bạn cạo gió, nhưng không ngờ tối hôm đó anh bị lên cơn sốt mê man, nằm liệt giường ở nhà một người quen làm nghề sửa xe. Nghe lời mấy bà trong nhà người bạn, anh cố gắng ăn cháo gà rắc tiêu thật nhiều cho hết cảm, nhưng khổ thân cho anh, không ai ngờ anh bị thương hàn, vì vậy mà anh đã bất ngờ qua đời không kịp trối trăn cho ai. Ngày mà mấy người bạn chở quan tài anh Tư về trên chuyến xe đò thuê bao, chị Tư lên tận Tân Châu nhận xác chồng một cách hết sức đau đớn.
Thím Sáu rất thương chị Tư Ngọc và bốn đứa nhỏ từ đó. Thím coi bốn đứa con chị Tư Ngọc như con thím vậy. Thỉnh thoảng thím mua bánh mua kẹo cho chúng, và biếu chị Tư một hai con gà, nhưng chị Tư tự ái không lấy, thím Sáu năn nỉ mãi chị mới nhận. Thím Sáu có rủ chị Tư Ngọc đi nhà thờ với con Hòa và thằng Út của chú thím Sáu, nhưng chị thì chưa bao giờ đi, dầu chú thím Sáu mời mọc nhiều lần.
Buổi chợ hôm đó, thím Sáu không bán thêm được một con gà nào nữa, nên thím nhờ chị Tư gánh dùm cho thím hai giỏ gà về nhà. Soong nồi của chị Tư Ngọc thì gởi trong tiệm bác Chín Tâm, nhưng gà sống của thím Sáu thì mỗi bữa bán không hết phải gánh về nhà, chớ có ai cho gởi gà sống bao giờ!
Thím Sáu vừa về tới nhà thì thấy chú Sáu đang ngồi nói chuyện với thầy giáo Hiền. Thầy giáo Hiền là thầy của thằng út, nên thím Sáu đoán là chuyện học hành ra sao đó của thằng út. Nhìn nét mặt lo lắng của thím, thầy giáo Hiền nói ngay: “Thím mới ở chợ về? Bữa nay bán khá không thím?” Thím Sáu cho biết hôm nay hơi ế, nhưng cũng không đến nỗi nào. Tiếp theo thầy giáo Hiền nói: “Tôi mới đến bàn với chú Sáu về việc Hội Thánh Bến Tre mình sắp sửa phải mời một ông Mục sư mới đây!” Thầy giáo Hiền cũng là một con cái Chúa trong nhà thờ, và từ hai năm nay, thầy được bầu làm chức Thơ Ký của Hội Thánh, còn chú Sáu cũng mới vào Ban Trị Sự năm nay, và chú là Thủ quỹ, nhưng ở Bến Tre, người ta gọi chú là ông Tư hóa Hội Thánh.
Thím Sáu ngạc nhiên hỏi: “Ủa, ông Mục sư mình sắp đi rồi sao?” Chú Sáu đỡ lời cho thầy giáo Hiền: “Sáng nay, tôi được ông Chủ Nhiệm Địa Hạt xuống đây cho biết ông Mục sư mình phải dời về Sài gòn học thêm tiếng Anh để chuẩn bị du học bên Mỹ, nên Hội Thánh mình phải lo mời một mục sư khác.” Thật ra thì thím Sáu cũng như cả Hội Thánh Bến Tre đã biết từ hơn bốn tháng nay là ông Mục sư được Ban Trị Sự Tổng Liên Hội tại Sài gòn chấp thuận cho đi du học Mỹ. Mặc dù tất cả tín đồ đều luyến tiếc ông Mục sư, không muốn ông Mục sư rời khỏi Bến Tre, nhất là chú Sáu và thầy giáo Hiền là hai người đã tin Chúa nhờ sự dẫn dắt của ông Mục sư, nhưng mọi người đều biết rằng đây là một vinh dự cho ông Mục sư, nên không ai dám nói gì. Nhưng thím Sáu không ngờ ông Mục sư lại đi sớm như vậy, vì tưởng đến hè kia!
Chúa Nhật hôm đó, mọi người đều đến nhà thờ đông đủ. Ông Mục sư tươi cười chào đón mọi người, nhưng nét mặt của ông thoáng vẻ buồn buồn. Mà không buồn sao được khi ông phải từ giã hội thánh Bến Tre sau hơn 10 năm gần gũi với anh em? Đi du học thêm là điều ông Mục sư mơ ước từ lâu, nhưng rời khỏi nhóm tín đồ thân yêu mà ông đã gầy dựng và chăm sóc mấy lâu nay lại là một điều hết sức đau lòng. Nhưng ông Mục sư tự nhủ: “Mình đã ở Bến Tre trên 10 năm rồi, cũng nên thay đổi. Biết đâu một mục sư khác tới sẽ tốt hơn cho Hội Thánh!” Buổi lễ thờ phượng Chúa Nhật hôm ấy kéo dài hơn thường lệ vì hai lý do: một là có ông Mục sư Chủ Nhiệm Địa Hạt giảng đặc biệt, và hai là sau giờ giảng, tín đồ sẽ bỏ phiếu để mời một trong bốn vị Mục sư và Truyền Đạo có tên trong danh sách mà Địa Hạt đã gởi đến từ hai tuần lễ trước.
Chú thím Sáu mời ông bà Mục sư ăn cơm tối vào ngày thứ Sáu kế đó. Thím Sáu cũng mời chị Tư Ngọc và bốn đứa nhỏ qua ăn cho vui. Ban đầu chị Tư Ngọc không dám tới vì có ông bà Mục sư, nhưng thím Sáu năn nỉ: “Chị Tư Ngọc ngẫm nghĩ một hồi và nhớ lại ông Mục sư đã thân hành đến thăm nhà chị mấy lần, hồi anh Tư còn sống, nên cuối cùng chị gật đầu: “Dạ tôi sẽ đến chơi. Mà nghĩ cũng tội nghiệp ông Mục sư, đang ở vui vẻ, ai cũng thương, kể cả những người không phải là đạo Tin Lành nữa, mà bây giờ sắp từ giã mọi người.”
Chị Tư Ngọc dẫn mấy đứa con tới nhà chú thím Sáu thì đã thấy chiếc xe máy dầu của ông Mục sư đậu trong sân nhà rồi. Trước khi vào nhà, chị dặn mấy đứa con: “Mấy đứa ra sân sau chơi với chị Liên, chị Hòa và thằng Út Tấn. Mà không được la hét làm ồn nghe!”
Chú Sáu trong nhà nói với ra: “Mời chị Tư vô! Nhà tôi chờ chị nãy giờ.” Chị Tư Ngọc tháo chiếc nón lá bước vào chào: “Dạ, chú Sáu mạnh khỏe không? À dạ thưa ông bà Mục sư! Tôi nghe ông bà Mục sư sắp đổi đi mà buồn quá! Chừng nào ông Mục sư đi?” Ông Mục sư chưa kịp trả lời thì bà Mục sư nói: “Đầu tháng tới. Chúng tôi lên Sài-gòn ở tạm vài ba tháng học thêm tiếng Anh rồi mới lên đường du học.” Chị Tư trố mắt: “Chà chuyến này, ông ba đi xa dữ đa! Nghe nói ông ba qua tận bên Mỹ phải không? Mà ông bà Mục sư còn phải học thêm cái gì nữa?” Ông Mục sư cười: “Dạ tôi được Giáo Hội cho đi học thêm để mai mốt về dạy Chủng viện ở Nha Trang.” Chị Tư mở mắt to ngạc nhiên: “Ủa, ông Mục sư tính chuyển qua làm bác sĩ hay sao mà về làm chủng viện? Hôm trước, hai đứa con tôi cũng mới được chích thuốc chủng đó.” Ông Mục sư cười to và lắc đầu lia lịa: “Không phải đâu chị Tư Ngọc! Chủng viện là trường dạy ra làm mục sư, chứ không phải là nhà thương chích thuốc chủng đâu!” Thấy chị Tư có vẻ hơi thẹn, bà Mục sư đỡ lời: “Mấy bà trong nhà thờ cũng tưởng như vậy, chớ không phải một mình chị Tư đâu!”
Lúc đó, thím Sáu từ dưới nhà bếp lên mời mọi người chuẩn bị ăn. Thím Sáu vòng tay thưa: “Mời ông bà Mục sư, mời chị Tư rửa tay. Hôm nay, mình ăn gỏi cuốn. Anh Sáu, anh lấy dùm cái khăn lông tôi mới mua hôm qua để ông Mục sư lau tay!”
Mọi người vào bàn ăn. Bộ bàn ăn của chú thím Sáu chỉ có bốn cái ghế, nên chú Sáu phải mượn đỡ hai các ghế mây của bác Hai Tình hàng xóm. Hai chiếc ghế mây to và dềnh dàng, nhưng để ở hai đầu bàn nên coi cũng tạm được. Chú Sáu mời ông Mục sư ngồi đầu bàn phía ngoài và chú ngồi cạnh Mục sư, nên thím Sáu phải ngồi vào cái ghế mây ở đằng đầu kia. Vừa mới ngồi xuống thím Sáu đã đứng dậy nói lớn: “Anh Sáu, anh lại ngồi đây đi, tôi ngồi đối diện ông Mục sư không phải phép.” Ông bà Mục sư chưa kịp nói gì thì chú Sáu đã vội vàng đi vòng lại đổi chiếc ghế. Chú xin phép cầu nguyện tạ ơn Chúa trước khi ăn.
Thím Sáu dọn lên bàn một đĩa rau thật lớn, hai dĩa tôm luộc, và hai dĩa thịt heo phay xắt mỏng rất hấp dẫn. Vừa múc nước mắm để vào chén cho từng người, thím Sáu vừa nói: “Dạ thưa ông bà Mục sư, đáng lý tôi cuốn trước để ông bà ăn cho gọn, nhưng nhà tôi nói mỗi người tự cuốn “dzui” hơn. Vả lại, mai mốt ông bà Mục sư sang bên Mỹ làm gì có gỏi cuốn kiểu này…” Thím Sáu chưa dứt lời thì chú Sáu đã đưa mắt nhắc: “Bà ơi, bảo người ta cuốn mà bánh tráng ở đâu?” Thím Sáu giật mình: “Thôi chết tôi rồi! Nãy giờ lo xắt thịt mà quên mất nhúng bánh tráng.” Chị Tư Ngọc liền vội vàng đứng dậy: “Thôi thím ngồi tiếp chuyện ông bà Mục sư đi, để tôi đi nhúng bánh tráng cho! Mà thím để xấp bánh tráng đâu?” Thím Sáu xua tay: “Được, được, chị Tư cứ ngồi yên, tôi làm cho, tôi biết chỗ.”
Sau khi ăn gỏi cuốn xong, thì thấy con Liên, con gái lớn của chú thím Sáu, bưng lên bàng hai dĩa gà chiên để trên rau xà lách. Ông Mục sư trợn mắt: “Thím Sáu nói ăn gỏi cuốn thôi mà sao bây giờ lại có gà chiên thơm phức vậy nè?” Chú Sáu cười: “Dạ, cây nhà lá vườn. Nhà tôi buôn bán gà vịt, sẵn gà chớ có gì đâu! Mời ông ba Mục sư, mời chị Tư dùng để nguội.”
Bữa ăn chấm dứt lúc trời đã tối hẳn. Chị Tư toan xuống bếp rửa chén giúp thím Sáu, thì thím Sáu cản lại: “Thôi để con Liên nó rửa cho quen, thím cứ ngồi nói chuyện với ông Mục sư!”
Ông Mục sư vừa cầm chén nước trà vừa hỏi chị Tư Ngọc: “Sao, lúc này chị mua bán khá không?” Chị Tư mỉm cười: “Dạ cũng đỡ đỡ vậy thôi. Trời cho cũng tạm sống qua ngày nuôi con.” Ông Mục sư nói: “Lúc nào tôi cũng nghe chị nói nhờ Trời, nhưng hi vọng chị sẽ thật sự biết cám ơn Trời và tin nhận Ngài.” Chị Tư bỗng nhiên thấy mạnh dạn hơn. Chị nói như thể phân bua với cả chú thím Sáu: “Dạ, nói có chú thím Sáu đây làm chứng cho. Mấy lần ông Mục sư giảng đạo Chúa cho tôi nghe, tôi thấm thía lắm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ ngần ngại mãi. Nhưng từ ngày anh Tư tôi qua đời, tôi suy nghĩ lung lắm. Tôi cảm thấy lo sợ và nhiều khi tự hỏi không hiểu có lúc nào tôi đột ngột ra đi như anh Tư tôi không? Tôi quê mùa dốt nát lắm, nhưng thấy gia đình chú thím Sáu đây hạnh phúc đầm ấm quá, tôi nghĩ là nhờ ơn Chúa phò hộ. Tôi cũng nghe cháu nhỏ mấy lần đi nhà thờ với cháu Hòa đây về nói lại, và cũng mong có ngày theo Chúa.” Chú Sáu nghe nói tới đó mừng quá, nói với chị Tư: “Thôi, chị còn chờ gì nữa. Sẵn có ông bà Mục sư đây, chị cầu nguyện tin Chúa đi! Trước khi ông bà đi mà chị Tư tin Chúa, ông bà Mục sư mừng lắm đó!”
Chị Tư Ngọc cầu nguyện tin Chúa tối hôm đó. Người mừng rỡ hơn hết là chú thím Sáu. Thím Sáu cầm tay chị Tư Ngọc vừa nói vừa khóc: “Chị Tư biết không? Vợ chồng tôi đã cầu nguyện từ mấy năm nay cho chị. Hôm nay Chúa đã trả lời. Tôi nói thiệt với chị, từ ngày anh Tư qua đời đến nay, vợ chồng tôi còn cầu nguyện nhiều hơn nữa. Thôi, Chúa Nhật này, cả Hội Thánh cũng mừng nữa, vì tôi cũng nhờ các bà trong ban Cầu Nguyện cầu nguyện cho chị luôn!” Chị Tư Ngọc rớm nước mắt, chị đứng dậy nói với ông Mục sư: “Nói thiệt với Mục sư, tôi tin Chúa đây phần lớn cũng là vì chú thím Sáu đó!” Ông Mục sư hơi giật mình sợ có điều gì chị Tư chưa hiểu rõ chăng, nhưng chị Tư đã nói tiếp: “Dạ không phải chú thím Sáu ép buộc hay tôi nể nang nợ nần gì chú thím Sáu đâu! Từ ngày chú thím Sáu dọn về ở gần nhà tôi, tôi chưa bao giờ nghe chú thím nặng lời với nhau. Ngay cả đối với con cái trong nhà cũng vậy, chú thím thiệt là nhỏ nhẹ. Vậy mà các cháu trong nhà ngoan ngoãn lắm. Chẳng bù với tôi, la hét tối ngày mà mấy đứa con tôi chứng nào tật nấy. Chú thím lúc nào cũng giúp đỡ tôi một cách thiệt tình, nhất là trong đám tang của nhà tôi. Thiệt tôi có phước lớn được ở gần chú thím Sáu! Ban đầu tôi cũng cho là chú thím Sáu là người tốt tự nhiên mà thôi, nhưng lâu ngày gần nhau và nói chuyện với thím Sáu mỗi ngày ngoài chợ, tôi nhận thấy chú thím Sáu là người có lòng tin Chúa và nhờ cậy Chúa nên mới được như vậy. Tôi nguyện theo Chúa hết lòng như chú thím Sáu”.
Chị Tư Ngọc dẫn mấy đứa con ra sân sau khi ông bà Mục sư ra về. Chị nói với chú thím Sáu: “Thiệt là tôi tin Chúa trễ quá! Ba tuần nữa ông bà Mục sư mình đổi đi rồi.” Chú Sáu gật gù: “Mà cũng buồn thiệt. Ông bà đi tôi như chết cha chết mẹ. Tôi nói thiệt cho chị Tư biết. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào dễ mến như ông Mục sư mình. Chưa bao giờ tôi thấy Mục sư giận ai hay nặng lời với ai. Mà chị Tư biết không? Trong nhà thờ mình cũng có lắm người nhiều chuyện lắm, nói ra nói vô mà ông Mục sư lúc nào cũng bình tĩnh nhẹ nhàng với mọi người. Chị Tư đi nhà thờ rồi sẽ thấy, cũng còn có người không hoàn toàn tốt như mình tưởng đâu! Bàn tay có ngón ngắn ngón dài! Nhưng tôi khuyên chị Tư cứ nhìn Chúa mà đi, đừng vì người này người nọ mà nản chí.”
Chị Tư Ngọc ra về. Nói là về nhưng thật ra chị và mấy đứa nhỏ chỉ đi vòng ra phía sau mà thôi, vì nhà chị ở sát sau lưng nhà chú thím Sáu.
Tối hôm đó, chị Tư ngủ không được. Một niềm vui rạo rực trong tâm hồn chị. Chị đứng dậy đi ra phía trước sân. Con chim sẻ trong lồng thức giấc mở mắt ngơ ngác nhìn chị Tư. Lồng chim sẻ này do anh Tư làm khi thằng Hoàng con anh chị được một thằng bạn cho một con chim sẻ. Chị Tư miên man nghĩ đến anh Tư. Nước mắt chảy xuống trên hai gò má chị. Chị buồn vì không có anh trong ngày hôm nay. Chị thì thầm: “Trễ quá rồi anh Tư ơi! Không còn dịp nào cho anh tin Chúa nữa!” Chị thấy xót xa và đau nhói trong tim vì như lời ông Mục sư cũng như chú Sáu cho biết, thì dịp tiện ăn năn tội và tin theo Chúa chỉ có thể quyết định trong đời này mà thôi. Ông Mục sư đã nhiều lần nhắc nhở chị: “Quyết định trong đời này quan hệ đến cả cõi đời đời của mỗi người chúng ta! Một khi nằm xuống, thì đã quá trễ!”
Vói tay lấy chiếc lồng chim, chị Tư Ngọc mở chiếc cửa nhỏ. Con chim sẻ vẫn đứng yên, nhưng không đầy một phút sau nó vụt bay ra và mất hút trong đêm tối. Chị Tư Ngọc nói với theo: “Tao thả cho mày được tự do đó, biết không?” Nhìn lên bầu trời lốm đốm mấy vì sao thưa, chị Tư cảm thấy chị không khác gì con chim sẻ vừa ra khỏi lồng. Chị vừa được Chúa giải thoát ra khỏi ngục tù tội lỗi, nhưng không như con chim sẻ ra khỏi lồng là bay hút mất trong đêm tối, chị đang bước vào vùng ánh sáng vui tươi của niềm tin mà chị đã đặt trọn trong bàn tay của Đức Chúa Trời là Đấng nắm giữ tương lai của chị.
Chị Tư Ngọc khép nhẹ cánh cửa và bước vào nhà. Bốn đứa con của chị đã ngủ say. Chị tắt đèn, vào giường nằm xuống và cảm thấy buồn ngủ… Bên ngoài cuối chân trời, mặt trời đã bắt đầu ló dạng…
Hoàng Bá
Thoảng Niềm Thương Nhớ
California, 2006
Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.