Hạnh Phúc Chỉ Nam

Hạnh Phúc Chỉ Nam
“Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma-thi-ơ 6:33)
Trong một năm, Tết Nguyên Đán là dịp người ta nghe và nói đến hai chữ “hạnh phúc” nhiều hơn cả. Chúng ta chúc hạnh phúc cho người khác và cũng được người chúc lại.
Cố nhiên điều gì chúng ta nghe hay nói đến nhiều cũng đều lưu lại trong tâm trí ta một ấn tượng bắt ta phải suy nghĩ. Hạnh phúc là gì? Theo quan niệm chung của nhân loại, hạnh phúc là sự sung sướng thỏa mãn của lòng. Học giả Đào Duy Anh đã định nghĩa hai chữ “hạnh phúc” là “mọi sự được như ý”.
Một số khá đông người suy nghĩ rằng tiền bạc tạo nên hạnh phúc. Họ lý luận: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng sự thật, tiền bạc có tạo nên hạnh phúc cho con người không? Dĩ nhiên trong xã hội văn minh, tiền bạc là phương tiện đổi chác cần thiết, nhưng tiền bạc tựu trung không thể đem lại hạnh phúc cho con người; bởi vì chẳng bao giờ người ta thỏa mãn với tiền bạc cả.
Một tờ báo tại Luân-đôn đã treo một giải thưởng cho độc giả nào đưa ra một định nghĩa đúng hơn hết về danh từ “tiền bạc”. Rốt cuộc phần thưởng ấy lọt vào tay người đã đưa ra định nghĩa sau đây: “Tiền bạc là một công cụ có thể mua sắm cho bạn tất cả mọi sự, trừ ra hạnh phúc, và có thể trả lộ phí cho bạn đến mọi nơi, trừ ra thiên đàng” (1)
Cũng có một số người quan niệm rằng muốn có hạnh phúc thì cần phải học giỏi, phải có quyền cao chức trọng. Đành rằng học thức cũng như tinh thần cầu tiến và ý thức “làm người đã sanh trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” là một đặc điểm ưu việt của con người so với muôn loài thọ tạo khác; nhưng học thức, công danh, quyền cao chức trọng vẫn không thể đem lại hạnh phúc cho con người. Sa-lô-môn một vị vua khôn ngoan lừng lẫy đã từng cai trị quốc gia Do Thái trong một thời đại hoàng kim, là người chuyên tìm cầu sự khôn ngoan tri thức; và đã được Thượng Đế đặc cách ban cho một tấm lòng khôn ngoan thông sáng đến đỗi Kinh Thánh chép rằng trước người chẳng ai bằng và sau người cũng chẳng có ai ngang. Nhưng trong tuổi già, vị Hoàng Đế khôn ngoan quyền quý ấy đã than rằng: “Ta nhìn biết điều đó cũng là theo luồng gió thổi. Vì nếu sự khôn ngoan nhiều sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn” (Truyền-đạo 1:17-18).
Có lẽ hơn một lần, quý vị cũng như người viết bài này, khi nhìn thấy cảnh một em bé ngây thơ chạy chơi bên cạnh người mẹ hiền, chúng ta đã buộc miệng nói: “Ước gì mình sống lại được cái thời kỳ ấy nhỉ!” Vâng, đó là cái cảnh hạnh phúc thật. Cảnh một em bé đặt cả lòng tin đơn sơ nhưng vững chắc nơi mẹ mình, và vẫn an thái hồn nhiên mặc dầu giữa cảnh sóng gió bão bùng hay tên bay đạn réo.
Kinh Thánh chép: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Đức Chúa Trời, thì người sẽ gìn giữ Ngài trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26:3) Sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời và vâng giữ Lời Ngài đem lại hạnh phúc thật cho chúng ta.
Đức Chúa Jêsus đã dùng một hình ảnh ẩn dụ sau đây để so sánh cảnh hạnh phúc của người nghe và làm theo Lời Chúa, với cái cảnh đau khổ của những ai không làm theo Lời Ngài: “Vậy kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều” (Ma-thi-ơ 7:24-27)
Thật vậy, nếu quý vị tin cậy Đức Chúa Trời và làm theo Lời của Ngài – là Kinh Thánh – xem Lời ấy như một Quyển Hạnh Phúc Chỉ Nam cho quý vị, chắc chắn đời sống của quý vị sẽ được hạnh phúc chẳng sai.
Henry Ford, một nhà tỉ phú và đại kỹ nghệ Mỹ, người đã sáng chế ra các kiểu xe hơi “Ford”, vốn là một tín đồ Tin Lành. Ông có lòng yêu mến Chúa và vâng giữ Lời Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy nghe Henry Ford tự thuật bí quyết thành công của mình: “Tất cả những gì tôi có như chân lý, thiện hảo, liêm khiết, tôi đều đã tìm được trong quyển Kinh Thánh. Khi ở trường, mỗi buổi sáng, trước khi học, người ta đọc một đoạn Kinh Thánh. Chính lúc ấy, tôi mới bắt đầu nhận biết giá trị của Kinh Thánh và tôn trọng Kinh Thánh. Tôi không bao giờ mất lòng yêu mến Lời của Đức Chúa Trời. Nếu tôi cầm quyền trong nước, tôi sẽ ra lệnh mỗi sáng phải đọc một đoạn Kinh Thánh trong mỗi trường học. Khi đọc Kinh Thánh tôi thấy sung sướng vì Kinh Thánh nói lên chính tiếng nói của tôi – tiếng nói của lòng tôi.”
Mong rằng trong Năm Mới này quý vị sẽ không cần phải đi tìm hạnh phúc ở đâu ngoài ra Lời của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Hãy xem Kinh Thánh như quyển Hạnh Phúc Chỉ Nam của đời sống quý vị chắc chắn quý vị sẽ được mọi sự như ý.
Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết này: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” (Truyền-đạo 12:13). “Vả, nầy là điều răn của Ngài: là chúng ta phải tin đến danh Con Ngài, tức là Đức Chúa Jêsus Christ” (I Giăng 3:23).
Hừng Đông – Số 65
(Tháng 1/1963)