Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Giới Thiệu Sách: Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay

Giới Thiệu Sách: Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay

Giới Thiệu Sách: Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay

Lời Giới Thiệu:

Edward Michael Bankes Green, thường được biết dưới tên Michael Green, là một mục sư và là một nhà thần học của Hội Thánh Tin Lành Anh Quốc.  Michael Green sinh năm 1930.  Ông đã tốt nghiệp tại Oxford và Cambridge – hai trường đại học uy tín nhất nước Anh – vào thập niên 1950-1960.  Mục sư Michael Green giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Hội Thánh, từ làm phụ tá mục sư tại một hội thánh địa phương, tuyên úy cho Đại Học Oxford, giáo sư tại chủng viện, đến cố vấn cho Tổng Giám Mục tại Canterbury – người lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Anh Quốc.  Mục sư Michael Green viết hơn 50 cuốn sách, phần lớn về đề tài truyền giáo và biện giáo.

Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bản dịch Việt ngữ tác phẩm Evangelism Then and Now của Mục sư Michael Green. Sách được xuất bản vào năm 1979.  Nội dung ôn lại những đặc điểm liên quan đến công việc truyền giáo của Hội Thánh Ban Đầu.  Sách chứa đựng nhiều chi tiết hữu ích nhằm giúp độc giả hiểu và áp dụng những nguyên tắc và phương pháp truyền giáo của Hội Thánh Ban Đầu trong bối cảnh hiện tại.  Sách được viết với cách hành văn phổ thông, dành cho độc giả là những tín hữu.  Bản dịch Việt ngữ, được Thư Viện Tin Lành hiệu đính dựa theo bản Anh ngữ do Intervasity Press phát hành vào năm 1979, sẽ được đăng vào mỗi thứ ba hằng tuần.  Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập

 Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay
Michael Green

Lời Tựa: Học Hỏi Từ Những Cơ Đốc Nhân Đầu Tiên

Nội Dung:
1. Bí quyết tạo tác động của họ.
2. Phẩm chất các sinh hoạt trong Hội Thánh của họ.
3. Phương thức truyền sứ điệp của họ.
4. Mức độ chăm sóc của họ.
5. Động cơ và phương pháp của họ
6. Kiến trúc sư đem lại sự thành công của họ

Lời Tựa

Học Hỏi Từ Những Cơ Đốc Nhân Đầu Tiên

Ố, lại thêm một cuốn sách nữa về vấn đề truyền giảng!

Thật ra điều này sẽ không cần thiết nếu các Cơ Đốc nhân biết đặt những việc ưu tiên lên hàng đầu. Những thế hệ đi trước chúng ta trong đức tin đã bị vu cáo là “làm đảo lộn cả thiên hạ” với Phúc Âm (Good News) mà họ đã thuật cho dân chúng về Đức Chúa Jesus (Công Vụ 17:6). Tuy nhiên trong thế giới Tây phương, trên mọi lãnh vực, Cơ Đốc giáo còn xa với tinh thần truyền bá Phúc Âm nhiệt thành mang tính cách mạng. Người ta xem đó như là một chuyện phụ, mang tính bảo thủ, thuộc chủ nghĩa tư bản, và còn hơi khờ khạo nữa. Dường như có rất ít tin tức (news) về việc truyền giảng, và nếu có thì chuyện xảy ra phải tốt (good) – Nhưng đó chính là ý nghĩa của việc truyền giảng!

Tôi không chắc là hầu hết các Cơ Đốc nhân có cho rằng việc truyền giảng là chia sẻ Phúc Âm hay không; và chắc chắn là họ không xem điều đó là công việc của mình. Đó chính là sự khác biệt quan trọng giữa chúng ta với Hội Thánh ban đầu, là nơi mà mọi người – nam cũng như nữ – đã xem việc làm chứng nhân cho Đức Chúa Jesus Christ bằng mọi phương tiện là nhiệm vụ của mình.

Cơ Đốc nhân thời Tân Ước đã chứng kiến sự thờ phượng năng động và việc truyền bá Phúc Âm một cách dạn dĩ ấn tượng là những mục đích song đôi mà vì đó Hội Thánh hiện hữu. Họ đã biết đặt những việc ưu tiên lên hàng đầu; còn với chúng ta thì những chuyện hàng đầu thường được giải quyết sau cùng. Sự thờ phượng thì tẻ nhạt – có thể đoán trước – bị chế ngự bởi mục sư và ca đoàn, được thực hiện vì trách nhiệm hơn là niềm vui. Và việc truyền giảng – thật đáng tiếc trong vòng nhiều nhóm người – đó chỉ là một từ ngữ không được thanh nhã.

Thật ra, nếu nhờ một phép lạ mà việc truyền giảng trở thành “công việc hàng đầu” thì có lẽ nó chỉ lọt vào những lỗ tai điếc, vì trong nhiều trường hợp, trong cuộc sống cá nhân hay trong sinh hoạt của Hội Thánh, thật khác xa với những gì đã được công bố. Ngay cả khi việc truyền giảng được thực hiện một cách năng động vẫn thường vấp phải ba khuyết điểm: Sứ điệp được rao giảng chỉ là sự tóm gọn khô khan của Phúc Âm trong Tân Ước; những phương pháp được sử dụng thì rập khuôn; và việc quan tâm chăm sóc sau đó thì bị bỏ sót. Nói chung, tất cả hướng vào con người, nương cậy nơi hiệu lực và kỹ thuật hơn là nhờ cậy nơi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Tôi cố gắng phân tích những khuynh hướng đó trong cuốn sách nầy và cũng cố gắng hết sức trong khả năng của mình giải quyết trở ngại lớn nhất, đó là sự hờ hững của chúng ta.

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn cùng Hội Thánh Giám Lý Liên Hiệp Hoa Kỳ đã mời tôi thuyết trình về đề tài “Những Nền Tảng Trong Tân Ước Cho Việc Truyền Giảng” tại đại hội của họ tại Miami vào tháng Giêng năm 1978. Chính từ những bài giảng nầy và nhiều buổi thuyết trình khác về sự truyền bá Phúc Âm tại Anh Quốc, Phi Châu và Úc Châu mà cuốn sách nầy đã bắt đầu.

Nếu độc giả hỏi rằng có gì khác nhau giữa cuốn sách nầy với cuốn sách lớn hơn của tôi, Evangelism in the Early Church, thì câu trả lời thật đơn giản: Cuốn sách kia là một cuốn sách để nghiên cứu, còn cuốn sách nầy là một cuốn sách dành cho những ai muốn khám phá và áp dụng những nguyên tắc, động cơ, và phương pháp, của Hội Thánh ban đầu vào bối cảnh hiện tại.

Thật ra, tôi đã không mở cuốn Evangelism in the Early Church khi viết sách nầy. Dầu vậy, dĩ nhiên có nhiều điểm giống nhau được gồm tóm bên trong – nhưng phương thức thì hoàn toàn khác. Sách nầy được viết ra nhằm khích lệ việc truyền giảng hiện tại trong ánh sáng của những gì đã được thực hiện rồi. Nó được neo vững chắc nơi Kinh Thánh Tân Ước, đặc biệt là sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Nó cũng được lập nền vững vàng trong thời hiện tại, đặc biệt qua kinh nghiệm của việc truyền giảng mà tôi đã được đặc ân dự phần, hầu hết là mới gần đây tại Hội Thánh St. Aldate, Oxford.

Nếu bạn không thích cuốn sách nầy – mà tôi cho là tốt – thì bạn đừng phí thì giờ để lên án nó. Hãy đi và truyền Tin Lành theo cách riêng của bạn với sự cố vấn của Đức Thánh Linh và sự hướng dẫn của Kinh Thánh. Hãy đi ra và thương yêu người vì cớ Đức Chúa Jesus, và hãy nói cho họ biết tình yêu thương đó đến từ đâu. Hãy đặt những việc hàng đầu lên hàng đầu và “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời” (II Ti-mô-thê 4:2).

Nền văn minh nầy đang hấp hối vì thiếu truyền bá Phúc Âm. Nếu chúng ta thật sự là Cơ Đốc nhân thì chúng ta phải làm công việc của Phúc Âm. Không có điều gì ưu tiên đối với các Hội Thánh – mà họ đã lạc lối trong chủ nghĩa toàn cầu, trong sự tái thiết, trong sự tu chỉnh sự thờ phượng, và những nhu cầu khác, nhưng đó chỉ là những sự theo đuổi hướng nội – hơn là noi theo mạng lệnh cuối cùng của Đức Chúa Jesus Christ: “Hãy đi, khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta.”

Chính trong lĩnh vực biến muôn dân trở nên môn đồ mà các Cơ Đốc nhân đầu tiên có nhiều điều để hướng dẫn chúng ta.

Michael Green

St. Aldate’s Church
Oxford, Anh Quốc

Thư Viện Tin Lành (2015)
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top