Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Tài Liệu » Giới Thiệu: Giây Phút Trầm Tư

Giới Thiệu: Giây Phút Trầm Tư

Lời Ban Biên Tập TVTL:
Trong một cố gắng sưu tầm, lưu trữ và phổ biến những văn phẩm Cơ Đốc trong tiếng Việt, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc tập thơ Giây Phút Trầm Tư của Tùng Sơn.  Tùng Sơn là bút hiệu của Mục sư Nguyễn Nam Hải.  Trước năm 1975, Mục sư Nguyễn Nam Hải là Giám đốc Cơ quan Truyền Thanh Truyền Hình của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Trong thời gian hầu việc Chúa tại Việt Nam, Mục sư thường viết phóng sự và làm thơ đăng trên Thánh Kinh Báo.  Biến cố năm 1975 xảy ra, Mục sư sang Hoa Kỳ hầu việc Chúa tại Garden Grove, California. Tập thơ Giây Phút Trầm Tư xuất bản vào năm 1985 bao gồm những bài thơ sáng tác trong khoảng thời gian từ 1975-1985 tại hải ngoại.  Mục sư Nguyễn Nam Hải đã về với Chúa.  Với sự cho phép của gia đình Mục sư Nguyễn Nam Hải, Thư Viện Tin Lành sẽ lần lượt phổ biến các bài thơ của Tùng Sơn trong tương lai.  Dưới đây là bài giới thiệu tập thơ Giây Phút Trầm Tư do Mục sư Võ Ngọc Thiên Ân viết.

Lời Giới Thiệu:

Giây Phút Trầm Tư là tuyển tập thơ Tùng Sơn gởi gắm nhưng rung động sống của mình vào vần điệu thi văn. Nếu cùng quan điễm với Martin Heidegger rằng thi phú là ngôn ngữ duy nhất có thể mô tả được thực tại của cuộc sống, chúng ta mới phẩm định được giá trị đích thực những nổ lực văn nghệ của tác giả.

Kiếp sống ly hương cưỡng ép không phai mờ được những hình xưa cảnh cũ mà Tùng Sơn đã “bỏ lại quê nhà” suốt “nửa đời thơ yêu dấu” (Nữa Đời). Trong tỉnh, trong mê, trong thực tại phũ phàng hay ước mơ mộng ảo, nổi niềm ly hương, hoài quốc không thôi ám ảnh tác giả:

Cõi đời tắt nắng bình minh
bóng đêm lầm lũi một mình với ta
xót thương tìm lại quê nhà
khô dòng nước mắt vẫn xa nghìn trùng
(Tiếng Khóc Trên Đồi)

Để rồi:      
Đời ru giấc ngủ dị thường
cho hồn rạn nứt trăm đường xót xa
(Ngậm Ngùi)

Lời văn và ý thơ của Tùng Sơn đã để lộ ba đặc điểm dễ ấn tượng trên người đọc. Đặc điểm thứ nhất là giữa những đổ vỡ của cuộc đời hoặc tại quê nhà hay nơi đất khách khi mà:

Nét sầu còn đọng trong mây
nghe như nức nở đổ đầy không gian

(Sầu Cố Nhân)

Và cuộc sống cùng ra
Mỗi xác thân
là một kiếp độc hành
trong tăm tối mênh mông vùng nghĩa địa

(Đóng Cửa Cuộc Đời)

Giữa những đổ vỡ của tâm hồn
Hồn ai vỡ vụn
theo giấc mơ xưa
bâng khuâng tìm lại
một chút hương thừa

(Tím)

Và cuộc sống đã mất thi vị khi
Xa rời quê mẹ hân hoan nổi gì
đời như chim lạc bay vào mênh mông

(Gợi Buồn)

Tùng Sơn đã tiết lộ được sức sống mãnh liệt của người Việt mà lịch sử dân ta đã hùng hồn minh xác. Cũng như
“50 triệu đồng bào hiện đã sống như anh”  Vì:
Anh còn sống
nên gông cùm chưa rỉ sét

(Đóng Cửa Cuộc Đời)

Tâm hồn dân Việt đã được
Tháng năm dài nung đúc chí hiên ngang
gọi niềm tin theo sóng biển lan tràn
xây hy vọng như núi cao vời vợi

Những người con mà mẹ Việt Nam đã tập cho
Đón tương lai trong sức sống tuyệt vời
(Chiến Thắng Ca)

Từ những giấc mơ gởi gắm cho Duyên Lành, Tình Quê, Tình Quê Lại Đẹp … những nhớ nhung giản dị ấp ủ trong Tha Hương.  Gợi Buồn … đến những uất ức trong nghĩa nặng tình thâm khi chưa trọn hiếu trong Thư Ba, trong Nhớ Tóc Mẹ … đến những ê chề nổi nhục của kiếp sống tị nạn mà Nô Lệ Ca, Tị Nạn Trường Ca … đã cô động được, Tùng Sơn đã để lộ tâm hồn của một người con văn hóa Việt.

Đặc điểm thứ hai là quan niệm sống của Tùng Sơn với ý thức và địa vị quan trọng của niềm tin. Tác giả dùng nhiều điển tích Thánh Kinh để diễn đạt nổi niềm của mình. Chúng ta sẽ hiểu được Tùng Sơn nhiều hơn một khi đã quen biết những điển từ chứa đựng ý nghĩa Thần đạo.  Ví dụ,  nếu niềm tin nơi Thượng Đế đã tìm gặp Tùng Sơn trong kiếp sống Do Thái đọa đày bên

Giòng sông Nile mòn mỏi
ôm bóng già thân cây

(Nô Lệ Ca)

thì đức tin đó cũng bao hàm một tương lai được hứa hẹn về lại cố hương khi niềm tin được chuyển về đúng hướng
Chắc một mai tôi trở về quê mẹ
Tình non sông thắm thiết chảy vào tim

(Tình Quê)

Và nếu
“Linh hồn thế giới quá đau thương”
            Ba-bên đã lạc mất tiếng kèn
thì niềm tin cũng đã hé mở nhịp sống cảm thông bắt đầu được từ buổi ban đầu của cộng đồng niềm tin.

Đặc điểm thứ ba là trình độ ý tưởng của Tùng Sơn với chiều hướng thượng rõ rệt của tác giả. Niềm tin nơi Thượng Đế đã giúp thi nhân phóng tầm mắt xa hơn về một quê hương trường cửu của cuộc đời bên kia.

            Hãy thức dậy hướng lòng về xứ thánh
Nghe âm thanh vang dậy khắp muôn phương

(Thức Dậy)

Sắc thái này đã chuyển diễn trình tiến triển của tư tưởng Tùng Sơn lên khỏi các cấp bực nghệ thuật, đạo đức để đến cấp bực tôn giáo mà mô hình phân tích của Soren Kierkegaard có thể giúp chúng ta phẩm định giá trị nội dung tư tưởng của Tùng Sơn.

Đọc thơ Tùng Sơn vì vậy là đi vào những rung động sâu xa của một tâm hồn Việt Nam tha hương, là nghe chia xẻ tâm sự của một thi nhân mang niềm tin hành đạo, là được mời mọc đến Thượng Đế để tìm về con đường giải thoát

Nhắn ai chung cảnh đoạn trường
Cùng tôi cầu nguyện quê hương thanh bình

(Tha Hương)

Và nếu khi đọc thơ Tùng Sơn, quí vị tìm gặp lại được những mảnh hồn vụn đang ẩn hiện trong kiếp sống tha hương này, quý vị đã vừa bắt được nhịp cầu thông cảm với thi nhân.

Tôi xin trân trọng giới thiệu hồn thơ Tùng Sơn với quý độc giả.

Mục sư Võ Ngọc Thiên Ân
Fountain Valley, CA 1985

 Xin đọc, cầu nguyện và giới thiệu www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top