Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » George Frideric Handel và Trường Ca Messiah

George Frideric Handel và Trường Ca Messiah

George Frideric Handel và Trường Ca Messiah

George Friedrich HandelGeorge Frideric Handel (1685-1759)
(Photo credit: www.wikipedia.org)

Lời Ban Biên Tập Thư Viện Tin Lành

Trường ca Messiah đượccông diễn đầu tiên cách đây đúng 270 năm.  Trước khi George Frideric Handel sáng tác Trường ca Messiah khoảng130 năm, các thương nhân Tin Lành Anh đã đến Hội An (1614) và Hà Nội (1619) để kinh doanh.  Dầu vậy, Handel có lẽ không bao giờ nghĩ rằng bản thánh ca mà ông viết một ngày nào đó sẽ được ca ngợi Chúa tại một quốc gia cách nước Anh nửa vòng trái đất.

Trước năm 1975, Ca Khúc Hallelujah trong Trường ca Messiah được một số hội thánh và Ca Đoàn Học Sinh Sinh Viên Tin Lành trình diễn vào các dịp giáng sinh tại Sài Gòn. Tháng 6 năm 2011, Ca Khúc Hallelujah được Ca Đoàn Tin Lành Dân Tộc Jarai trình bày trong dịp Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Việt Nam tại Đà Nẵng.  Đúng vào dịp kỷ niệm 270 năm lần công diễn đầu tiên tại Dublin, vào ngày 13 tháng 4 năm 2012 vừa qua, Trường ca Messiah được Ban Nhạc Giao Hưởng Quốc Gia Việt Nam và Ban Hợp Xướng Quốc Tế trình bày trong hai đêm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhằm giúp bạn đọc làm quen với Trường ca Messiah, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bài viết George Frideric Handel và Trường Ca Messiah.  Bài viết này của Châu Thanh được đăng trên Nguyệt San Linh Lực của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý San Diego vào tháng 10/1994, cách đây đã 18 năm.  Chúng tôi xin phép phổ biến lại và bổ sung vài chi tiết.  Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc những chi tiết hữu ích về tác phẩm này.

George Frideric Handel và Trường Ca Messiah

Nhiều người trong chúng ta đều hiểu rằng không phải tất cả những bài hát có nhắc đến chữ “Chúa” thì có thể gọi là thánh ca, và có thể được dùng trong nhà thờ.  Ngược lại, cũng có những bài hát tác giả viết ra với tất cả tấm lòng khiêm cung và nhằm tôn ngợi Chúa, nhưng vì một vài lý do nào đó, phải mất nhiều năm tháng tác phẩm đó mới được công nhận là thánh ca.  Bản Trường ca Messiah của George Frideric Handel là một tác phẩm nằm trong trường hợp đó.

Vài Nét Về Tác Giả

George Frideric Handel (1685-1759) là một nhà soạn nhạc lừng danh trong thế kỷ 18.  Cùng với Johann Sebastian Bach, Handel được xem như là một trong hai nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của nhạc Baroque.

George Frideric Handel chào đời vào ngày 23  tháng 2 năm 1685 tại thành phố Halle, Đức Quốc.  Handel là con của Georg Handel (1622-1697) và Dorothea Haust (1651-1730).  Ông ngoại của Handel là một mục sư tại Geibichenstein.

Handel bộc lộ khả năng âm nhạc rất sớm nhưng cha của Handel cho rằng “âm nhạc không phải là một nghề xứng đáng cho một thanh niên thuộc giai cấp trung lưu” và ông cụ muốn Handel đi học luật để trở thành luật sư.  Mẹ của Handel giúp cậu bé học nhạc bằng cách giấu cây đàn clavichord trên trần nhà. Sau đó, do tài năng âm nhạc của Handel bộc lộ quá rõ ràng và vì được nhiều người khuyên nên cha của Handel cuối cùng cũng cho Handel học nhạc.

Vào lúc 7 tuổi, Handel được cha dẫn tới nhà của Công Tước Saxe-Weissenfeils, nơi cha của Handel làm việc.  Vào một ngày Chúa Nhật, không biết thế nào cậu bé Handel đã đánh đàn phong cầm cho Công Tước nghe.  Công Tước Saxe-Weissenfeils thích quá đã tặng cho cậu bé một đồng tiền vàng; và dặn cha của Handel phải cho cậu bé đi học nhạc. Trước hoàn cảnh đó, cha của Handel không thể từ chối.

Handel được học nhạc với Frierich Zachow, nhạc sĩ đàn phong cầm của nhà thờ Tin Lành Lutheran và là nhà soạn nhạc tại Halle trong ba năm.  Handel tiếp thu âm nhạc rất nhanh.  Sau ba năm, Frierich Zachow cho biết ông không còn gì để dạy cậu bé nữa.

Năm 11 tuổi, George Frideric Handel có dịp đến Berlin.  Tại đây cậu bé làm kinh ngạc giới thượng lưu tại Berlin về tài đánh đàn clavichord và organ.  Tuyển Đế Hầu tại Brandenburg quý mến Handel hứa giúp tiền cho cậu bé sang Ý học nhạc.  Tuy nhiên, cha của Handel ra lệnh cho Handel phải trở về nhà không được theo đuổi con đường âm nhạc nữa.  Handel vâng lời trở về thăm nhà vừa đúng lúc cha của Handel mất.

Sau khi cha mất, Handel được tự do để theo đuổi ước vọng âm nhạc của mình nhưng cậu bé đã làm theo ý nguyện của cha.  Handel ở lại quê nhà và theo học luật tại Đại Học Halle.  Bên cạnh đó, Handel nhận lời làm người đàn phong cầm cho Thánh Đường Moritzburg.

Năm 1703, Handel rời Halle đến Hamburg.  Tại Hamburg, Handel làm nhạc sĩ violon cho dàn nhạc opera, rồi sau đó đánh đàn harpsichord.  Trong thời gian này, Handel đã viết hai opera là AlmiraNero.

Năm 1706 Handel sang Florence (Ý) để chơi nhạc và cũng để học thêm về nghệ thuật viết opera.  Opera là một thể loại âm nhạc dưới hình thức một vở kịch; trong đó, đối thoại là những lời ca được hát theo nhạc đệm.  Opera rất phổ thông tại Ý và rất được yêu chuộng tại Âu Châu vào lúc bấy giờ.  Trong ba năm đầu tiên tại Ý, Handel sáng tác hai opera là Rodrigo (1707) và Agrippina  (1709).

Sau đó, Handel đến Rome.  Trong thời gian này, Giáo Hoàng cấm phổ biến nhạc opera trong các quốc gia chịu ảnh hưởng của Công giáo, cho nên Handel chuyển sang viết oratorio, là thánh nhạc. Hai oratorio La Resurrezione (1709) và  Il Trionfo del Tempo (1710) được sáng tác trong hoàn cảnh này.   Những giai điệu hùng tráng trong các thánh ca này đã khiến Handel được nổi tiếng tại Ý.  George F. Handel là người xứ Saxon, Đức. Dân chúng Ý vì ưa thích âm nhạc của Handel nên đã ca ngợi ông là: “Viva il caro Sassone!” – Người Saxon vạn tuế!

Một trong những nhạc sĩ mà Handel có dịp quen biết tại Ý là Agostino Steffani, là nhạc trưởng của Tuyển Đế Hầu Georg Ludwig tại Hanover, Đức.   Agostino Steffani  định từ chức nên đã khuyên Handel nhận công việc này thế cho ông. Do đó, vào năm 1710, lúc 25 tuổi, Handel được mời làm nhạc trưởng cho Georg Ludwig tại Hanover (Đức).  Handel được trả lương rất cao.  Handel nhận công việc với một điều kiện là thỉnh thoảng ông được quyền nghỉ việc để đến thăm và chơi nhạc tại những nơi khác.

Mùa thu năm 1710 Handel đến thăm London.  Chuyến viếng thăm này đã quyết định chỗ cư trú cho quãng đời 49 năm còn lại của Handel.  Trong lần đến thăm London đó, Handel sáng tác vở opera Rinaldo, dựa trên câu chuyện về việc giải phóng Giê-ru-sa-lem vào thời Thập Tự Quân.  Tác phẩm được viết trong hai tuần lễ với những giai điệu tươi mát, dịu dàng, được trình diễn vào ngày 24/2/1711. Rinaldo đã chinh phục công chúng tại London.  Phần Handel, ông cũng bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của “thành phố sương mù” và hứa sẽ trở lại London.

Năm sau (1712), Handel được mời trở lại Anh.  Ông viết hai tác phẩm Birthday Ode of Queen Anne để mừng sinh nhật nữ hoàng và Te Deum để mừng Hòa Ước Utrecht được ký kết.   Nữ Hoàng Anne tưởng thưởng cho Handel thật trọng hậu và Handel quyết định ở lại Anh vĩnh viễn không trở về Hanover nữa. Handel chấp nhận làm việc cho Nữ Hoàng Anne với mức lương là 200 bảng Anh một năm.

Năm 1714, Nữ Hoàng Anne qua đời. Tuyển Đế Hầu Georg Ludwig, người chủ cũ của Handel, trở thành Hoàng Đế George Đệ I của Anh.  Mặc dầu biết George Frideric Handel đã từng bỏ chức vụ nhạc trưởng khi phục vụ cho ông tại Hanover, Hoàng Đế George Đệ I đã không giận nhưng phong cho Handel làm Nhạc Trưởng Hoàng Gia và tăng lương gấp đôi.  Để đáp lại tình cảm đó, Handel sáng tác Water Music để tặng Hoàng Đế George Đệ I.  Handel ở lại Anh và sáng lập Viện Âm Nhạc Hoàng Gia (Royal Academy of Music).  Năm 1726, Handel nhập tịch Anh.

Trong 47 năm sống tại Anh, George Frideric Handel đã sáng tác vài trăm tác phẩm âm nhạc và được công chúng Anh ưa thích.  Thậm chí dân chúng Anh đã dựng tượng của Handel, ngay lúc Handel còn sống, để bày tỏ lòng tôn kính ông.  Đây là một trường hợp hiếm có vào thời bấy giờ.

Bên cạnh opera, sonata, concerto, orchestra, anthem, hymn, cantatas, Handel cũng sáng tác nhiều oratorio.  Oratorio là trường ca thường lấy đề tài trong Thánh Kinh hoặc sử thi, và được soạn cho đơn ca, ban hát và dàn nhạc.   Handel được xem là bậc thầy sáng tác trong thể loại này. Handel cũng làm một cuộc cách mạng khi viết lời cho oratorio; thay vì dùng tiếng Ý như trong opera, Handel đã dùng tiếng Anh trong oratorio. Những oratorio của Handel được viết theo những đề tài trong Thánh Kinh là Esther (1732), Deborah (1733), Athalia (1733), Israel in Egypt (1736), Saul (1739), Samson, Joseph and His Brethen (1742), Belshazzar (1745), Joshua (1748), Salomon (1748-1752) và Jeptha (1752).   Tuy nhiên tác phẩm vượt trên hẳn những bản trường ca đó, mà ngày nay mỗi lần nhắc đến Handel, người ta đều nhớ đến đó là oratorio Messiah.

Trường Ca Messiah (Oratorio Messiah)

Truong Ca MessiahTrang bìa Trường Ca Messiah do G.F. Handel viết
(Photo credit: www.wikipedia.org)

Trường ca Messiah được sáng tác vào năm 1741.  Mùa hè năm đó, Handel được mời đến Dublin, thủ đô của Ireland, để trình diễn một tác phẩm của ông, nhằm quyên tiền giúp cho ba cơ quan từ thiện tại đây. Khi đến Dublin, thay vì trình diễn một tác phẩm đã có sẵn, Handel quyết định sáng tác một tác phẩm mới.  Charles Jennens, một nhà bảo trợ của Handel và là người đã từng cộng tác với Handel trong việc sáng tác, đã đề nghị Handel thay vì viết về các danh nhân trong Kinh Thánh, Handel nên sáng tác một oratorio về Đấng Cứu Thế.  Charles Jennens giúp Handel chọn những câu Kinh Thánh liên hệ đến chủ đề này.

Handel nhận được các câu Kinh Thánh từ Charles Jennens vào ngày 10/7/1741.  Handel bắt đầu sáng tác vào ngày 22/8/1741, đến ngày 28/8/1741 Handel viết xong phần đầu.  Ngày 6/9/1741, phần thứ hai được viết xong.  Đến ngày 12/9/1741 thì phần thứ ba được hoàn tất.  Handel dành thêm hai ngày nữa để bổ xung những chỗ cần thiết.  Trường ca Messiah chính thức trình diễn buổi đầu tiên vào ngày 13/4/1742 tại Dublin, Ireland.

Về nội dung, Trường ca Messiah được chia ra làm ba phần.   Phần thứ nhất trình bày những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời, sự giáng sinh của Ngài và việc loan báo chương trình cứu chuộc nhân loại qua Đức Chúa Giê-xu.  Phần thứ hai mô tả sự hy sinh của Chúa Giê-xu, sự từ chối của nhân loại trước món quà của Đức Chúa Trời và sự thất bại của con người khi chống trả quyền năng tối thượng của Ngài.  Phần thứ ba trình bày niềm tin vững chắc nơi sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu; bao gồm lời hứa về sự cứu chuộc, sự sống lại, sự phán xét và chiến thắng chung cuộc trước tội lỗi và sự chết.

Về bố cục âm nhạc, phần đầu gồm 21 bản hòa tấu và ca khúc, chia làm 5 chủ đề: Tiên tri Ê-sai loan báo về sự cứu chuộc, lời công bố về sự đoán phạt sẽ đến, lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, việc loan báo Tin Lành Cứu Rỗi cho những người chăn chiên, sự chữa lành và sự cứu chuộc của Đấng Cứu Thế.  Phần thứ hai gồm 23 ca khúc với 7 đề tài trình bày sự thống khổ của Chúa Giê-xu, sự chết và sống lại của Ngài, Chúa thăng thiên, Chúa được tiếp rước trên trời, việc khởi đầu công bố Phúc Âm, thế giới khước từ Phúc Âm, và sự đắc thắng của Đức Chúa Trời.  Phần thứ ba có 9 ca khúc chia làm 4 chủ đề: lời hứa về sự sống đời đời, ngày phán xét, sự chinh phục tội lỗi, và sự khải hoàn của Đấng Cứu Thế.

Trường ca Messiah mở đầu bằng khúc dạo đầu (overture) mang âm hưởng Pháp.  Khúc nhạc đầu tiên Sinfonia được viết trong cung Mi thứ.  Như truyền thống trong phần mở đầu của các overture, khúc nhạc bắt đầu chậm và sau đó nhanh dần.   Nền nhạc chính được lập đi lập lại nhiều lần, ban đầu bằng hòa âm với ba bè, sau đó hòa với kèn oboe và violin.

Bản nhạc thứ hai của Trường ca Messiah mang tiêu đề Hãy Yên Ủi Dân Ta.  Bài hát bắt đầu với dàn nhạc hòa tấu trong cung Mi Trưởng.  Lời thánh ca trổi lên giữa dòng nhạc “Có tiếng kêu trong đồng vắng.  Hãy dọn đường cho Chúa.  Hãy ban bằng các lối cho Ngài.”  Handel dùng nguyên văn Thánh Kinh trong Ê-sai 40:1-3 để phổ nhạc. Ông đã trích Kinh Thánh bản dịch King James trong tiếng Anh để viết lời cho trường ca này.

Bài hát thứ ba mang tựa đề Mọi Thung Lũng Sẽ Được Nâng Lên.  Câu Kinh Thánh Ê-sai 40:4 được dùng ở đây: “Các thung lũng phải được nâng lên.  Các đồi núi phải được san bằng.  Những gò nỗng phải được san phẳng và những nơi gồ ghề sẽ được ban bằng thành bình địa.”  Chỉ riêng chữ “nâng lên” Handel đã dùng 46 nốt nhạc để diễn đạt; dường như ông muốn lấp đầy các thung lũng bằng những nốt nhạc đầy linh động.  Dòng nhạc kế tiếp được bay lượn theo độ cong của “đồi núi” và đến câu: “những nơi gồ ghề sẽ được ban bằng thành bình địa” nét nhạc trở lại phẳng lặng, êm ả như những cánh đồng.  Ca khúc này nhấn mạnh rằng khi Đấng Cứu Thế xuất hiện, những tầng lớp thấp kém, mô tả bằng hình ảnh những thung lũng, sẽ được nâng lên.  Chúa đến đem lại sự bình đẳng cho những người nghèo khổ thấp kém trong xã hội.

Tất cả những sứ điệp nêu trên Tiên tri Ê-sai đã viết để chuẩn bị cho một sứ điệp quan trọng đó là Vinh Quang Của Chúa Sẽ Hiện Ra.  Đây chính là chủ đề của bài hát thứ tư.  Trong phần này, Handel dùng bốn giai điệu chính vừa tương phản, vừa quyện chặt vào nhau.  Một nét nhạc nghiêm trang lập đi lập lại thể hiện câu Kinh Thánh: “Vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy” tương phản với một giai điệu khác, sinh động hơn mô tả câu “và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy”( Ê-sai 40:4).

Cứ tiếp tục dùng Thánh Kinh như vậy, ngọai trừ vài bản hòa tấu không có lời hát, Handel đã viết gần 50 ca khúc khác nhau.  Tuần tự những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, việc ứng nghiệm về sự giáng sinh của Chúa, sự vinh hiển của Ngài, … dần dần được thể hiện trên khung nhạc.  Handel đã trích dẫn những câu Kinh Thánh liên quan đến Đấng Messiah từ Gióp, Thi Thiên, Ê-sai, A-ghê, Ma-la-chi, Xa-cha-ri, trong Cựu Ước đến Ma-thi-ơ, Lu-ca, Giăng, Rô-ma, I Cô-rinh-tô, Hê-bơ-rơ, Khải Huyền trong Tân Ước để mô tả và ca ngợi Đấng Cứu Thế.  Sự sâu nhiệm hiểu biết Kinh Thánh cộng với khả năng âm nhạc xuất sắc của Handel đã cung cấp cho nhân loại một bản trường ca bất hủ.

Đến tiêu đề thứ 12, Handel dẫn người nghe sang phân đoạn Kinh Thánh Ê-sai 9:5 “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.”   Khúc nhạc này trong tiếng Anh có tựa đề là For Unto Us A Child Is Born là một ca khúc đầy niềm vui.  Đây một trong hai ca khúc mà ai đã nghe Trường ca Messiah vài lần đều nhớ.

Và đỉnh cao của bản Trường ca Messiah chính là Khúc Ca Hallelujah.  Trong ca khúc này, tiếng kèn, tiếng trống, hòa với những giọng ca cao vút như của những thiên thần khiến người nghe mường tượng như đang chiêm ngưỡng và tung hô sự vinh quang cao cả của Thượng Đế.  Dường như, nghe đâu đây những giọng hát thiên thần và trên cao kia Đức Chúa Trời quyền uy đang tể trị.  Khi Handel viết xong khúc nhạc này, một người giúp việc vào gặp ông thấy mặt ông nhòa nước mắt.  Handel nói rằng: “Ta nghĩ rằng ta đã thấy các từng trời mở ra trước mặt, và ta thấy chính Đức Chúa Trời ngự trên đó.”   

Handel viết Trường ca Messiah trong 24 ngày.  Đây là một khoảng thời gian khá ngắn cho để hoàn tất một tác phẩm vĩ đại như thế.  Toàn bộ tác phẩm dài 256 trang, gồm 53 ca khúc và các bản nhạc hòa tấu.  Khi trình bày, Trường ca Messiah kéo dài gần hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Năm tháng sau khi hoàn thành tác phẩm, Handel trình diễn Messiah lần đầu tiên tại Dublin, Ireland (13/4/1742).  Những buổi diễn tập được các phóng viên theo dõi và một tờ báo đã nhận xét như sau: “Đây là tác phẩm âm nhạc tuyệt vời chưa từng có.”

Thông thường nhà hát tại Dublin chứa được 600 người. Trong lần trình diễn đầu tiên này, ban tổ chức đã kêu gọi phụ nữ đừng mặc váy phồng và nam giới đừng mang gươm theo để có thêm chỗ cho người tham dự.  Đến ngày trình diễn, 700 người được vào bên trong nhà hát, hàng trăm người khác phải đứng bên ngoài.

Tiền bán vé của lần công diễn này nhằm giúp ba cơ quan từ thiện tại Dublin là bệnh viện Mercer, viện mồ côi tại Dublin, và hội thiện nguyện chuyên giúp những người mắc nợ địa chủ đang bị tù.  Tổng số tiền bán vé của buổi công diễn đầu tiên thu được gần 400 bảng Anh.  Mỗi cơ quan từ thiện được giúp 127 bảng.  Với số tiền đó, hội thiện nguyện đã trả nợ cho những tù nhân và 142 người mắc nợ đã được phóng thích.

Trở Thành Thánh Ca

Mặc dầu Trường ca Messiah xuất sắc về giai điệu lẫn hòa âm, nội dung được trích từ Kinh Thánh không sửa đổi, tín lý thần học rất thuần túy, tư cách của nhạc sĩ được kính trọng, nhưng lần đầu tiên Messiah được trình diễn tại London, công chúng và Hội Thánh đã hững hờ với tác phẩm này.  Lý do dẫn đến sự lạnh nhạt này vì có một số người cho rằng:  “Không thể đem một bản thánh nhạc quan trọng như vậy trình diễn tại nhà hát, là một nơi thế tục.”  Thêm vào đó, có hai ca sĩ góp phần trong chương trình trình diễn, Susanna Cibber và Kitty Clive, là những ca sĩ rất nổi tiếng bên ngoài nhưng họ không phải là tín hữu.

Ngày nay chúng ta thường nghe Trường ca Messiah được trình diễn với phần hòa âm do Wolfgang Amadeus Mozart soạn, được trình bày với ban nhạc hằng trăm người và vài trăm ca sĩ.  Vì lý do đó, một số ý kiến cho rằng Handel đã cho trình diễn Messiah tại nhà hát vì không mấy nhà thờ có đủ chỗ cho cả nhạc công và thính giả.  Thật ra trong thời Handel,  ông trình bày tác phẩm này với dàn nhạc và ban hợp xướng chỉ có vài chục người; do đó Handel có thể trình bày trong nhà thờ mà không gặp trở ngại về việc bố trí ban hát và dàn nhạc.

Tuy nhiên, Handel nghĩ  rằng Lời Chúa cần phổ biến cho những người chưa biết Chúa. Qua ngôn ngữ của âm nhạc, Handel muốn công chúng sành âm nhạc biết về Đấng Cứu Thế.  Vì lý do đó, Handel tiếp tục cho trình diễn Messiah tại nhà hát.  Là nhạc sĩ chuyên nghiệp, Handel không đặt nặng vấn đề thánh nhạc phải được trình tấu ở đâu; vấn đề cần thiết là người nghe có cảm nhận được nội dung của bản nhạc để danh Chúa được vinh hiển và tôn cao hay không.  Nếu thính giả là tín hữu thì tốt, nếu họ là người chưa tin nhận Chúa, nhưng được giới thiệu về Chúa qua âm nhạc và họ được nghe ca ngợi vinh quang của Đức Chúa Trời thì lại càng tốt hơn.

Handel đã đặt những lời chỉ trích qua một bên. Dựa vào Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 25:31-46, Handel tiếp tục cho trình diễn Trường ca Messiah tại nhà hát và lấy tiền giúp các viện mồ côi, bệnh viện, và các cơ quan thiện nguyện tại London. Một nhà phê bình đã viết: “Messiah đã nuôi kẻ đói, mang áo cho người trần truồng, cấp dưỡng cho trẻ mồ côi.” Dầu vậy phải mất thêm gần mười năm nữa Messiah mới được công chúng và các nhà lãnh đạo Hội Thánh Anh Quốc công nhận.

George Frideric Handel về với Chúa vào ngày 14/4/1759.  Handel viết di chúc tặng tài sản của ông cho những người giúp việc và các cơ quan từ thiện.  Thi hài của Handel được an táng tại Thánh Đường Westminster, một vinh dự chỉ dành cho các danh nhân của nước Anh và hoàng gia Anh.

Tóm Tắt

Trong những thế kỷ sau, giới phê bình âm nhạc trong và ngoài Hội Thánh đều nhìn nhận rằng Trường ca Messiah là một trong những trường ca hay nhất của nhân loại.  Cùng với Johann Sebastian Bach, George F. Handel được xem là hai nhạc sĩ nổi danh nhất thuộc trường phái Baroque.  Dầu vậy, đã có lần bản thánh ca nổi tiếng nhất của Handel đã bị Hội Thánh từ chối.  Cảm ơn Chúa!  Handel đã không ngã lòng vì ông biết ông viết thánh ca cho ai và vì ai.

Có một điều đáng lưu ý là ngày nay dù đã được công nhận là thánh nhạc, Trường ca Messiah cũng mấy khi được trình diễn tại nhà thờ.  Cho đến nay, đa số nhà thờ vẫn không đủ khả năng tổ chức, hoặc không đủ chỗ để trình diễn toàn vẹn một tác phẩm vĩ đại như vậy.  Như ngày xưa, phần lớn các buổi trình diễn Trường ca Messiah vẫn diễn ra tại các nhạc viện hoặc nhà hát.    Công chúng đến nghe có cả người tin Chúa lẫn người chưa tin Chúa.  Dầu được nghe ở đâu, Trường ca Messiah cũng đã và đang góp phần cho danh Chúa được tôn kính.

Châu Thanh

Linh Lực
Tháng 10/1994

Hiệu đính vào Tháng 5/2012
Thư Viện Tin Lành

Comments (2)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top