Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Cùng Học Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:1-10

Cùng Học Kinh Thánh: Ê-phê-sô 4:1-10

Cùng Học Kinh Thánh
Ê-phê-sô 4:1-10

Câu Hỏi Gợi Ý

  1. Có bao giờ gia đình bạn phải đối diện với trường hợp bị rạn nứt hoặc có thể đổ vỡ hay không? Chuyện gì đã xảy ra? Kết cuộc thế nào?  Điều gì đã đưa đến tình trạng đó?

Câu Hỏi Thảo Luận

  1. Sau khi trình bày mục đích của Đức Chúa Trời dành cho người tin Chúa, Sứ đồ Phao-lô khuyên họ điều gì (4:1b)? Theo bạn, Sứ đồ Phao-lô có dụng ý gì khi ông nhắc đến hoàn cảnh của mình trong khi kêu gọi như vậy (4:1a)? Xin cho biết những đức tính giúp người tin Chúa có thể sống theo sự kêu gọi của Chúa (4:2)? Thêm vào đó, Sứ đồ Phao-lô khuyên họ làm gì (4:3a) và mục đích của điều đó là gì (4:3b)?
  2. Xin cho biết lý do khiến người tin Chúa cần phải hiệp nhất với nhau (4:3-5)? Có bao nhiêu chữ “một” trong những câu Kinh Thánh này (4:4-6)?  Có bao nhiêu chữ “mọi” trong câu 4:6? Đức Chúa Trời là ai (4:6a)? Ngài giữ những vị trí nào trong cộng đồng những người tin Chúa (4:6)?  Với tất cả những lý do nêu trên (4:4-6), việc những người tin Chúa cần phải hiệp nhất với nhau có phải là hợp lý hay không?
  3. Tuy nhiên Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng người tin Chúa có thể khác nhau về những điều gì (4:7a)? Đấng Christ đã làm gì (4:8a)? Ngài đã làm gì cho những người bị mất tự do (4:8b)? Sau đó Ngài làm gì (4:8c)? Việc Đấng Christ ngự lên (4:8a) gián tiếp nói gì về điều Ngài đã làm trong quá khứ (4:8b), cũng như về nguồn gốc của Ngài (4:9)?

Câu Hỏi Suy Gẫm

  1. Trong ba chương đầu của thư Ê-phê-sô, Sứ đồ Phao-lô đã giải thích về mục đích của Đức Chúa Trời cho những người tin Chúa và cho cộng đồng mới mà Ngài đã xây dựng là Hội Thánh. Trong ba chương còn lại, Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn người tin Chúa những phương cách để thực hiện mục đích của Chúa. Trách nhiệm của mỗi người tin Chúa là gì (4:1)? Làm thế nào để mỗi cá nhân có thể sống hiệp nhất và hài hòa trong Hội Thánh (4:2-3)? Tình trạng Hội Thánh của bạn hay Hội Thánh trong khu vực của bạn hiện nay như thế nào? Nguyên nhân nào đưa đến điều đó?  Bạn, hay những người trong Hội Thánh bạn, đang thiếu những đức tính nào mà Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến trong (4:2-3)?  Điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng của Hội Thánh của bạn hiện nay?
  2. Thông thường người ta cần một vài động lực để kết hiệp với nhau. Sứ đồ Phao-lô đã nêu lên bảy động lực để người tin Chúa cần liên kết với nhau trong Hội Thánh của Ngài. Xin nhắc lại bảy động lực đó (4:4-6)?  Khi Hội Thánh đối diện với những thách thức có thể gây rạn nứt chia rẽ, những người trong Hội Thánh của bạn có cân nhắc những yếu tố này trước khi họ hành động hay không?  Tại sao?
  3. Một trong những lý do thường gây đổ vỡ trong Hội Thánh là sự kiêu ngạo. Hình ảnh Đức Chúa Jesus, là Đấng Cao Cả, đã hạ xuống làm người (4:9-10; Phi-líp 2:5-11) nhắc nhở người tin Chúa cần có thái độ nào trong Hội Thánh?  Đức Chúa Jesus đã thực hiện những điều gì khi Ngài hạ mình xuống (4:8, 4:10)?  Hành động của Chúa đem đến sự khích lệ nào cho những người đang khiêm nhu gây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh?  

Bản Dịch Việt Ngữ

Kinh Thánh:  Ê-phê-sô 4:1-10 

Bản Dịch Việt Ngữ

1. Vì vậy, tôi – một tù nhân trong Chúa – nài khuyên anh em hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi mà anh em đã được kêu gọi, 2. bằng tất cả sự khiêm nhu và mềm mại, với sự nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương, 3. hãy nỗ lực duy trì sự hiệp nhất của Đức Thánh Linh trong sự liên kết hòa bình.

4. Chỉ có một thân thể và một Thánh Linh, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một hy vọng; 5. chỉ có một Chúa, một đức tin, một báp-têm; 6. chỉ có một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, Ngài ở trên mọi người, ở giữa mọi người, và ở trong mọi người.

7. Nhưng ân điển đã được ban cho mỗi người chúng ta tùy theo mức độ ban cho của Đấng Christ. 8. Vì vậy, có lời đã chép: “Khi Ngài ngự lên nơi cao, Ngài dẫn những kẻ lưu đày khỏi chốn lưu đày, và ban các ân tứ cho loài người.”

9. Như vậy, “Ngài ngự lên” có nghĩa là gì nếu không phải là Ngài đã xuống tại những nơi thấp hơn của đất? 10. Đấng đã ngự xuống cũng là Đấng đã ngự lên vượt trên tất cả các tầng trời để làm đầy dẫy mọi sự.

Bản Dịch 1925

1. Vì vậy, tôi – một tù nhân trong Chúa – nài khuyên anh em hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi mà anh em đã được kêu gọi, 2. với tất cả sự khiêm nhu và mềm mại, với sự nhẫn nhục, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương, 3. hãy nỗ lực duy trì sự hiệp nhất của Đức Thánh Linh trong sự liên kết hòa bình.

4. Chỉ có một thân thể và một Thánh Linh, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một hy vọng; 5. chỉ có một Chúa, một đức tin, một báp-têm; 6. chỉ có một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, Ngài ở trên mọi người, giữa mọi người, và trong mọi người.

7. Nhưng ân điển đã được ban cho mỗi người chúng ta tùy theo mức độ ban cho của Đấng Christ. 8. Vì vậy, đã có lời chép:

“Khi Ngài ngự lên nơi cao, Ngài dẫn những kẻ lưu đày khỏi chốn lưu đày, và ban các ân tứ cho loài người.”

9. Như vậy, “Ngài ngự lên” có nghĩa là gì nếu không phải là Ngài đã xuống tại những nơi thấp hơn của đất? 10. Đấng đã ngự xuống cũng là Đấng đã ngự lên vượt trên tất cả các tầng trời, để làm đầy dẫy mọi sự.

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org 

Đọc thêm: 

Leave a Comment

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top