Phong Tục Tết: Dưa Hấu
Câu Chuyện Dưa Hấu
Những ngày cuối đông có lẽ là những ngày rộn ràng nhất trong năm tại Việt Nam. Khắp nơi ai nấy đều nô nức đón xuân. Tại miền quê, nông dân cố gắng thu hoạch cho xong mùa màng để chuẩn bị ăn tết. Tại thành thị, các thương gia hối hả kinh doanh vì đây là mùa mua bán đắt nhất trong năm. Những người đi xa cố gắng sắp xếp thì giờ về thăm gia đình vào dịp tết. Công chức, học sinh, sinh viên háo hức trông chờ nghỉ lễ. Bến xe, chợ búa nơi đâu cũng đầy người. Ai nấy hối hả lo mua sắm và chuẩn bị đón xuân.
Vài ngày trước tết nhà nào cũng lo dọn dẹp cho sạch sẽ. Những người khá giả thường mua vài nhánh mai, đào hay vài chậu thủy tiên về chưng trong nhà. Những người bình dân từ giữa tháng mười đã ươm hoa vạn thọ để nở cho kịp vào đầu xuân. Bên cạnh những cánh hoa tươi, mỗi gia đình thường chưng mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ phúc lâm môn. Nhiều người cố tìm mua cho được trái sung, mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài để chưng vào dịp tết với ước mong cả năm được sung mãn vừa đủ sài. Một số gia đình chỉ chưng những trái cây quen thuộc như cam, quít và chuối.
Một trong những trái cây được mua nhiều nhất vào dịp tết là dưa hấu. Bên cạnh những cánh hoa tươi thắm, những đòn bánh tét, bánh chưng xanh um, mâm trái cây đủ màu sắc, tại miền Nam gần như nhà nào cũng tìm mua cho được vài cặp dưa hấu để trưng bày trong dịp tết. Hai tuần trước Tết, tại những vùng trồng dưa nổi tiếng như Long Trì (Long An), từng đoàn xe vận tải xếp hàng dài suốt ngày đêm chất dưa chở đi khắp nơi. Suốt nhiều đêm liền tại chợ dưa, đèn thắp sáng suốt đêm. Hai bên vệ đường, từng đống dưa chất cao như những ngọn đồi nho nhỏ. Người mua, kẻ bán tấp nập.
Người Việt chưng bày dưa hấu vào dịp xuân với nhiều suy nghĩ khác nhau. Ðối với người miền Nam, nét tròn trịa của trái dưa biểu tượng cho sự viên mãn; vỏ xanh của dưa hấu tượng trưng cho sức sống và tuổi thanh xuân; ruột dưa đỏ thắm tiêu biểu cho vẻ đẹp và may mắn; và hạt dưa nhỏ nhắn, đen tuyền biểu tượng cho nét duyên dáng. Một số người khác xem dưa hấu là biểu tượng cho phúc (màu đỏ của ruột dưa) và lộc (màu xanh của vỏ dưa). Vào ngày mồng một tết, mọi người trong gia đình thường quây quần với nhau xẻ một trái dưa để cùng chia xẻ phúc lộc đầu năm. Nếu ruột dưa đỏ thắm, ngọt ngào, nhiều người tin rằng năm ấy cả nhà chắc được phúc lộc tràn đầy.
Tuy nhiên người Việt xưa trưng bày dưa hấu vào dịp Tết với một ý nghĩa sâu xa hơn. Dưa hấu biểu tượng cho tấm lòng biết ơn Trời. Truyện cổ tích Việt Nam kể rằng vào thời vua Hùng Vương thứ 17, có một cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm tám tuổi, cậu bé được dịp đến kinh đô Phong Châu và may mắn được gặp vua Hùng Vương. Nhà vua thấy cậu bé thông minh, lanh lợi và chịu khó nên nhận làm con nuôi và đặt tên là Mai An Tiêm.
Ðến tuổi trưởng thành, vua cưới vợ cho An Tiêm. Vua cho An Tiêm làm quan và ban cho một ít đất đai để khai khẩn. An Tiêm chăm chỉ làm ăn. Chẳng bao lâu sau ông trở nên giàu có. An Tiêm thu hoạch nhiều lúa gạo, xây dựng nhà cửa khang trang. Các quan trong triều khen ngợi thì An Tiêm nói rằng những gì ông có là nhờ Trời. Một số người ganh tị tìm cách hại An Tiêm nên tâu với vua rằng An Tiêm là một người vô ơn bạc nghĩa: bao nhiêu bổng lộc chức tước vua ban không biết ơn mà lại bảo Trời cho mình. Vua Hùng nghe chuyện ấy tức giận, không tìm hiểu ngọn nghành, ra lệnh đày An Tiêm và cả gia đình ra đảo Nga Sơn. Ngoài một ít lương khô đủ sống một thời gian ngắn, vua không cho mang gì theo để xem thử Trời có nuôi gia đình An Tiêm hay không.
Ðang từ một cuộc sống sung túc, lương thực đầy đủ, nhà cửa khang trang, cả gia đình An Tiêm bước vào cuộc sống lưu đàỵ Giờ đây, không nhà, không cửa, giữa hoang đảo xa xôi, vợ An Tiêm lo lắng không biết khi hết lương thực rồi cả gia đình sẽ ra thể nào. An Tiêm trấn an vợ: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ. Trời sẽ nuôi.” An Tiêm cùng vợ bẻ cây làm chòi cho gia đình tạm trú. An Tiêm bắt cua cá ven bờ làm thức ăn cho gia đình. Họ lấy cây đào cát tìm nước uống.
Môt ngày kia, đang khi đi dạo trên bờ biển, An Tiêm nghe tiếng chim kêu. An Tiêm chạy đến thì thấy đây là một loài chim lạ. Chim thấy người liền nhả vài hạt giống trên bãi cát rồi bay mất. An Tiêm nhặt những hạt giống rơi xuống đem trồng trên giồng cát ven biển. Hạt giống nẩy mầm, lớn thật nhanh. An Tiêm chăm sóc, tưới nước. Mầm không mọc thành cây nhưng thành những dây leo, bò khắp ruộng. Vài tháng sau, dây leo trổ bông và ra trái. Trái lớn rất nhanh, chẳng bao lâu trái lớn hơn đầu người. An Tiêm cắt thử một trái thấy trong ruột đỏ hồng, ăn vào thấy ngon ngọt, khỏe người nên bảo vợ: “Ðây là loài dưa quí. Hãy gọi là dưa tây (Tây Qua) vì chim từ hướng tây mang đến. Thật là Trời nuôi chúng ta.” Ăn dưa, họ lấy hạt tiếp tục trồng thêm. Gia đình An Tiêm thu hoạch dưa thật nhiều đến nỗi không làm sao ăn cho hết.
Một hôm, có một thuyền buôn bị bão trôi vào đảo. An Tiêm đem dưa tặng cho những người trên thuyền. Họ ăn rồi gật gù khen ngon: “Hẩu, hẩu!” Do đó, dưa còn có tên là dưa hấu. Khi thuyền buôn ra khơi, An Tiêm tặng cho những thương buôn một ít dưa và bảo họ nếu muốn có thêm thì đem thực phẩm và vật dụng đến trao đổi. Những người này đem dưa vào đất liền bán. Do nhiều người thích nên thuyền buôn đó quay trở lại mang gạo thóc, hàng hóa để trao đổi. Nhờ đó, An Tiêm và gia đình thoát cảnh khó khăn. An Tiêm cũng khắc chữ trên vỏ dưa rồi thả trên biển. Những thuyền buôn khác nhặt được tìm đến mua. Chẳng bao lâu sau, nhờ trồng dưa, gia đình An Tiêm trở nên khá giả. Vợ An Tiêm nói: “Quả thật Trời nuôi chúng ta!”
Một thời gian sau, vua cho người ra đảo xem vợ chồng An Tiêm ra saọ Quân lính về tâu: “Gia đình An Tiêm không chết mà còn thạnh vượng nữa.” Nhà vua lấy làm lạ, bèn triệu vợ chồng An Tiêm về triều để hỏi tự sự. Sau khi nghe An Tiêm thuật lại toàn bộ câu chuyện, vua nói rằng: “Quả thật, Trời đã nuôi nó.” Vua truyền cho An Tiêm dạy cho người Việt trồng dưa. Từ đó dưa hấu lan tràn khắp Việt Nam.
Chuyện tích quả dưa hấu mang nhiều ý nghĩa thâm thúỵ Trước hết, An Tiêm tiêu biểu cho những người hiểu được nguồn gốc những ơn phước con người có được trong cuộc sống là nhờ Trời. Số người này không nhiều. Nhiều người, như vua Hùng và các quan trong câu chuyện này, đơn sơ nghĩ rằng những gì mình có được là do tài năng, công sức của mình, hay là nhờ sự giúp đỡ của người khác. Những người đó xem của cải, quyền lực và tài sản, là cứu cánh của họ. An Tiêm có cái nhìn sâu xa hơn. An Tiêm nghĩ rằng nếu Trời không ban cho mình có hơi thở, có cuộc sống thì tất cả những điều khác chỉ là vô nghĩa.
Trong Thánh Kinh Tân Ước, Ðức Chúa Giê-xu kể một câu chuyện về một người giàu trông cậy nơi tài sản của mình. Người này quá giàu, mùa màng dư dật. Ông cứ băn khoăn suy nghĩ không biết phải xây dựng thêm những vựa lẫm lớn như thế nào để chứa đựng hết tài sản của mình. Tuy nhiên, trong một giấc mơ, Ðức Chúa Trời nhắc nhở người giàu này rằng nếu đêm nay Ngài cất mạng sống của ông thì của cải, tài sản mà ông dành dụm được đó sẽ để dành cho ai? Thật vậy, nếu Chúa không cho mỗi người chúng ta mạng sống thì tất cả những gì chúng ta dành dụm sẽ trở thành vô nghĩa. An Tiêm ý thức được điều đó. Ông biết đâu là cội nguồn của cuộc sống, cội nguồn của những tài năng và cội nguồn của những thành công trong cuộc đời. An Tiêm trân quý, nhưng không ỷ lại nơi tài sản, sự giàu có của mình hay là sự giúp đỡ của nhà vua. An Tiêm biết rằng nếu không nhờ Trời dẫn dắt, phù hộ, ông chỉ là một chú bé mồ côi không nơi nương tựa. An Tiêm biết rằng nhờ Trời ban phước nên ông mới có cơ hội làm ăn, thành đạt và có được như ngày nay.
Sự tích quả dưa cũng nói lên một chân lý quan trọng là Trời không phụ người có lòng tin cậy Ngài. Ngài sẽ cứu giúp họ. An Tiêm tin cậy nơi Thượng Ðế. Vì niềm tin đó mà ông mất tất cả tài sản, quyền hành; gia đình ông phải long đong. Tuy nhiên, Trời đã không bỏ ông. Môt con chim lạ, không biết từ đâu đến đã mang sự tiếp trợ đến cho ông. Ðối với nhiều người, đó chỉ là sự may mắn, nhưng đối với An Tiêm đó là sự tiếp trợ đến từ Trời.
Thánh Kinh cho biết Chúa không bỏ những người đặt lòng tin nơi Ngài. Nhiều nhân vật trong Thánh Kinh như Giô-sép, Ða-ni-ên và những người bạn của Ða-ni-ên cũng gặp những thử thách như An Tiêm. Những người này vì niềm tin của mình nơi Ðức Chúa Trời, đang sống trong cảnh bình an, đã bị bỏ tù, bị bách hại, thậm chí bị đưa vào chỗ chết. Tuy nhiên, Ðức Chúa Trời không bỏ họ. Ngài đã cứu giúp họ, mang họ từ ngục tù đến chốn vinh quang. Kinh nghiệm của An Tiêm và của những thánh nhân trong Thánh Kinh là những bằng chứng minh họa về sự thành tín của Ðức Chúa Trời dành cho những người hết lòng tin cậy Ngài.
Chuyện tích quả dưa cũng là một ẩn dụ nói lên một đức tin có hành động. An Tiêm tin cậy và nhờ Trời nhưng ông không ngồi không rồi cầu Trời tiếp trợ. An Tiêm biết bắt lấy những cơ hội Trời cho. An Tiêm vun xới những hạt giống – những cơ hội – từ trời rơi xuống. An Tiêm đã lên giồng, trồng dưa, tưới nước, thu hoạch, quảng cáo, thương lượng, và mua bán. An Tiêm và gia đình làm việc vất vả, biến những cơ hội Trời cho thành nguồn tiếp trợ cho cả gia đình. Người tin Chúa sống giống như An Tiêm. Người tin Chúa không thụ động như một số người thường nghĩ. Họ nhờ cậy nơi Ðức Chúa Trời, bắt lấy những cơ hội do Chúa ban cho để làm việc, sinh sống và thành công. Thánh Kinh Tân Ước nhấn mạnh quan niệm sống này: “Xác chẳng có hồn thì chết. Ðức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:26). Nhiều người tin Chúa nhận biết điều đó và kinh nghiệm rằng đức tin và hành động như hai cánh của một con chim giúp họ vươn lên.
Câu chuyện của gia đình An Tiêm cũng là câu chuyện của nhiều gia đình Việt Nam. Nhiều người trong chúng ta hơn một lần kinh nghiệm được ơn Trời cứu giúp. Truyền thuyết về sự tích quả dưa hấu hơn 4000 năm qua nói lên lòng biết ơn Trời của người dân Việt. Ðây là một truyền thống tốt đẹp; rất tiếc năm tháng trôi qua khiến ý nghĩa chính của câu chuyện bị phôi pha. Người Việt xưa chưng dưa hấu vào dịp xuân không phải chỉ để bày tỏ lòng ước mong được phước lộc, hay làm biểu tượng về sự viên mãn, tươi đẹp, duyên dáng và thanh xuân; truyền thuyết về sự tích dưa hấu nhắc chúng ta lòng biết ơn Trời.
Ðầu xuân ôn lại câu chuyện này mong chúng ta dành một thì giờ suy gẫm tạ ơn Ðức Chúa Trời về cuộc sống, về gia đình và về những phước hạnh ngọt ngào mà Ngài đã ban. Chuyện tích quả dưa hấu cũng nhắc chúng ta nhớ ơn Ðức Chúa Trời vì Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi hoạn nạn, ban cho chúng ta những cơ hội quí giá để làm việc, phù hộ cho chúng ta thành công, và ban cho chúng ta những phước hạnh tốt đẹp. Mong bạn luôn nhớ ơn Ðức Chúa Trời và hết lòng thờ phượng Ngài.
Thờ phượng Ðức Chúa Trời đôi khi phải chấp nhận trả một giá cao trong cuộc sống, phải bị hiểu lầm, bị vu oan như An Tiêm, Giô-sép, Ða-ni-ên và nhiều thánh nhân khác đã kinh nghiệm. Ðức Chúa Giê-xu phán: “Nếu ai muốn theo Ta thì phải liều mình vác thập giá mình mà theo Ta.”
Thập tự là biểu tượng của tình yêu, của sự đau khổ và hy sinh. Bạn có bằng lòng chấp nhận trả giá để theo Chúa? Theo Chúa, bạn có thể gặp khó khăn nhưng Chúa sẽ là người bạn đồng hành với bạn. Ngài sẽ không bao giờ để người nào tin cậy Ngài phải thất vọng.
Phước Nguyên
Chân Trời Mới
Tháng 2/2008
Thư Viện Tin Lành (Tháng 1/2012)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.