Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Ý Dân và Ý Trời

Điện Thoại Phúc Âm: Ý Dân và Ý Trời

Điện Thoại Phúc Âm: Ý Dân và Ý Trời

 

Ý Dân và Ý Trời

Chính phủ nước nào cũng có một thứ quyền hành rất lớn, là quyền in giấy bạc. Quyền này nhiều khi là con dao hai lưỡi, vì nếu chính phủ in giấy bạc quá nhiều, mãi lực đồng tiền giảm bớt, nạn lạm phát xảy ra và nên kinh tế quốc gia bị nhiều ảnh hưởng tai hại. Nhưng in giấy bạc không phải là không tốn phí của công. Như ở Hoa-kỳ, chi phí in mỗi tờ giấy bạc một mỹ kim là 2 xu, mà loại giấy bạc này chỉ lưu dụng được 18 tháng là đã rách nát rồi. Vì vậy chính phủ Hoa-kỳ vừa rồi cho đúc đồng một mỹ kim bằng một loại hợp kim đồng và kẽm. Mặc dù chi phí đúc mỗi đồng kim khí này tốn đến 3 xu, nhưng thời gian lưu dụng của nó lại đến 15 năm, và nhờ đó chính phủ có thể tiết kiệm mỗi năm được 50 triệu mỹ kim. Nhưng đấy chỉ là nguyên tắc, còn thực tế thì lại khác hẳn. Khi đồng mỹ kim bằng kim khí này được phát hành, dân chúng chê và không chịu xài. Dân đã không chịu xài, thì chính phủ cũng phải chịu thua luôn, tiền đúc ra rồi chỉ có nước cất trong kho.

Dân muốn gì là chính phủ phải làm theo, vì ở các nước dân chủ, ý dân có thể thay đổi chính phủ, cũng như thay đổi chiều hướng của chính trị, nghệ thuật, thể thao, giáo dục v.v… Mặc dù ý của dân quan trọng như vậy, nhưng thực sự ý dân có phải là ý Trời, như nhiều người xưa nay vẫn đề cao không?

Câu “ý dân là ý trời” gồm có ba chữ chính là: Ý, dân, và Trời. Ý là ý muốn, ý tưởng, dân tức là dân chúng thuộc mọi thành phần trong xã hội. Nhưng còn Trời là gì? Nếu chỉ hiểu Trời theo nghĩa chữ thiên cơ của Á-đông, tức là một bộ máy huyền vi sắp đặt mọi biến chuyển trong trời đất, mọi việc xảy ra trong đời sống của mỗi người, thì ý của dân cũng chưa hẳn đã là ý Trời. Nhưng nếu hiểu Trời là Đấng Tối Linh Thiêng, là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên toàn thể vũ trụ và đang điều hành từ những thiên hà mênh mông bất tận, đến những nguyên tử bé nhỏ mắt người không thấy được, thì làm sao ý dân có thể là ý Trời được ?

Không những người dân có nhiều ý khác nhau, như chúng ta thường nói “chín người mười ý,” hay “một người hai ba ý” như lập trường của ông Ba Phải, mà dân tức là tổng hợp của nhiều cá nhân. Một khi không có cá nhân nào toàn thiện toàn mỹ cả thì làm sao cái tổng hợp lại có thể có ý hoàn toàn, để có thể gọi là “ý Trời” được?

Vậy Ý Trời thực sự là gì? Trời, theo Kinh Thánh là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên vũ trụ, đã dựng nên loài người chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và đang điều hành tất các ngôi sao trên trời, các loài thọ tạo sống trên quả địa cầu này. Đấng Tạo Hóa có những ý tưởng mà loài người chúng ta không thể nào với tới được, như chính Ngài đã xác nhận là: “ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu, ý tưởng ra cũng cao hơn ý tưởng các ngươi bấy nhiêu.”

Ý tưởng của Đấng Tạo Hoá cao siêu như vậy, chúng ta là con người không thể nào biết hết được, nhưng chúng ta cần đặt một câu hỏi quan trọng này: Đấng Tạo Hoá nghĩ gì về loài người chúng ta? hay là ý tưởng của Ngài đối với loài người chúng ta ra sao?

Trước hết, Chúa phán rằng: “Ý tưởng ta đối với các ngươi là ý tưởng bình an, chứ không phải tai họa.” Khi nghe đến ý tưởng bình an của Đấng Tạo Hóa, chúng ta thấy ngay là ý tưởng Ngài khác hẳn ý tưởng của loài người. Loài người có thể muốn có hòa bình vì sợ chiến tranh, nhất là sợ một cuộc Thế Chiến thứ ba có thể đốt tan quả địa cầu này. Nhưng muốn hòa bình mà vẫn không có ý tưởng bình an. Cá nhân vẫn hận thù ghen ghét nhau, đoàn thể tranh cạnh nhau, quốc gia nói bình an mà chuẩn bị chiến tranh, thi đua vũ trang thì làm sao có được hòa bình.

Nhưng ý tưởng của Đấng Tạo Hóa là ý tưởng bình an. Ngài muốn cho loài người được bình an trong lòng, bình an với Đấng Tạo Hóa và bình an với nhau. Ba thứ bình an này chung qui cũng chỉ có một, và bình an với Đấng Tạo Hóa là thứ bình an căn bản. Nhờ có bình an với Đấng Tạo Hóa chúng ta mới thực sự có bình an nội tâm, và bình an với người khác. Loài người đã chống nghịch Đấng Tạo Hóa, cắt đứt liên lạc với Ngài, nhưng Đức Chúa Giê-xu đã xuống trần dùng chính máu huyết của Ngài để bắt lại cây cầu hòa bình giữa Đấng Tạo Hóa và loài người. Chúa Giê-xu là một người trọn vẹn nên Ngài có thể một tay nắm lấy chúng ta, và Ngài cũng là Trời trọn vẹn, nên tay kia có thể nắm lấy Đấng Tạo Hóa để nối lại hòa hảo, tái lập hòa bình giữa con người tội lỗi và Đấng Tạo Hóa thánh khiết.

Tội lỗi đã làm cho lòng người ta bất an, đã cắt đứt liên lạc giữa người và Trời, và đã gây hận thù giữa người và người. Nhưng huyết của Đức Chúa Giê-xu giải quyết được tất cả, vì một khi lòng quí vị được huyết Chúa tẩy sạch, qúi vị được bình an nội tâm, được phục hòa với Đấng Tạo Hoá, và có được tình yêu của Chúa để yêu mến đồng bào đồng loại mình.

Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy “ý dân không phải là ý Trời,” mà dân tộc hay cá nhân nào biết thuận phục ý Trời, làm theo lời dạy của Đấng Tạo Hóa đều được hạnh phúc của Ngài ban cho.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top