Điện Thoại Phúc Âm: Ý Chí Tìm Tự Do
Ý Chí Tìm Tự Do
Ngọn đèn rọi quét ngang bầu trời không trăng không sao, dọc biên giới Tây Đức và Đông Đức. Ánh đèn đã có lần rọi vào một chiếc khinh khí cầu đang lờ đờ bay từ Đông sang Tây, nhưng dường như những người lính Đông Đức không để ý, nên phía bên dưới vẫn lặng lẽ như tờ. Bên dưới là một bức tường chạy dọc biên giới, có công sự, bãi mìn, chất nổ gai chi chít và những tháp gát túc trực chỉ chờ một bóng người mạo hiểm đến gần là nổ súng. Nhưng chiếc khinh khí cầu do một anh thợ máy và một anh thợ nề đã làm theo kiểu khinh khí cầu của Montgolfier sáng chế từ năm 1780 đã cứu thoát được hai gia đình tổng cộng 8 người.
Vì tự do, họ đã mạo hiểm ra đi. Mạo hiểm từ lúc chấp nối 60 tấm vải, dùng dây buộc 4 bình khí propane và làm cho thành hình cái khinh khí cầu. Mạo hiểm lần thứ nhất khi họ đã bay lên được một quãng, rồi bị gió ngược nên phải đáp xuống cách biên giới có mấy trăm thước. Rất may lúc đó trời tối, không ai trông thấy họ, nên họ đã lặng lẽ xếp cất khinh khí cầu để đến lần thứ nhì, tức là vào cuối năm 1979, họ đã mạo hiểm lần chót và đã vượt qua biên giới đến Tây Đức tìm tự do.
Vì tự do, hàng trăm ngàn người Việt Nam, Lào, Cam-bốt đã liều chết vượt biển Nam Hải hay vượt sông Cửu Long đi tìm đất sống. Ở A-phú-hãn cũng có hàng mấy triệu người liều chết vượt qua đồi núi chập chùng để tìm tự do.
Hàng triệu người đã liều chết ra đi, với hy vọng được sống trên mảnh đất tự do, không bị ai áp bức kìm kẹp, trong khoảng năm bảy chục năm, một trăm năm.
Nhưng trong khi đó, ít người để ý đến một thứ tự do còn mãi mãi, thứ tự do được Chúa Cứu Thế gọi là “tự do thật,” để phân biệt với các thứ tự do tương đối, tự do tạm thời của trần gian, theo lời Chúa phán rằng: “Ta nói quả quyết: người nào phạm tội là nô lệ của tội lỗi. Nhưng ai được con Thượng Đế phóng thích, người đó mới thật sự được tự do.”
Nhiều người đã liều chết để đi tìm những thứ tự do như: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, v.v… là những thứ cao quý nhất trên trần gian. Nhưng theo Lời Chúa dạy thì dù đã được các thứ tự do đó, con người vẫn chưa thật sự được tự do, vì vẫn ở dưới ách nô lệ của tội lỗi.
Người sống ở những xứ tôn trọng quyền tự do căn bản của con người đều hãnh diện cho họ có tự do. Những người bị áp bức kìm kẹp, bị giam hãm trong các ngục tù cũng hãnh diện vì cho rằng: dù thể xác họ bị giam cầm, tinh thần họ, tâm trí họ vẫn bất khuất, vẫn giữ được tự do.
Nhưng dưới con mắt của Thượng Đế, tất cả nhân loại, dù sống dưới chế độ tự do hay độc tài, dù được thong dong tự do hay đang ngồi trong ngục tối, nếu không tin Chúa Giê-xu tất cả đều làm nô lệ tinh thần cho tội lỗi. Người Do Thái đời xưa, khi nghe Chúa Cứu Thế nói họ đang làm nô lệ và cần được Thượng Đế phóng thích thì đã tức giận, hỏi Chúa rằng: “Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham, không bao giờ làm nô lệ ai, sao Thầy nói chúng tôi cần được phóng thích?”
Ngay bây giờ, nhiều người nghe Phúc Âm của Thượng Đế cũng lập luận như người Do Thái: Tôi có ở tù đâu mà cần được Thượng Đế phóng thích? Tôi có một tinh thần bất khuất, một tâm trí tự do chứ có làm nô lệ ai đâu?
Nhưng dù lập luận cách nào đi nữa, ai cũng biết mình có tội với Thượng Đế và chắc chắn phải lãnh lấy hậu quả của tội lỗi là sự chết, đúng theo luật của Thượng Đế, “Linh hồn nào phạm tội đều phải chết.”
Muốn thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, chúng ta phải đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì chỉ Ngài mới có quyền năng Tạo Hóa để phóng thích chúng ta, để ban cho chúng ta sức sống dư dật của Ngài để sống trên tội lỗi và sống trong bình an, yêu thương, hy vọng.
Quý vị đồng bào đã bỏ quê hương xứ sở ra đi để tìm tự do, nhưng quý vị chỉ được tự do thật khi mở lòng ra tiếp nhận Chúa Cứu Thế, vì “người nào phạm tội là nô lệ của tội lỗi. Nhưng ai được con Thượng Đế phóng thích, người đó mới thật sự được tự do.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org