Điện Thoại Phúc Âm: Xuống Tinh Thần

Xuống Tinh Thần
Romain Gary là một nhà ngoại giao, kiêm văn sĩ nổi tiếng của Pháp. Nhưng thực sự cha mẹ Romain Gary là người Nga, và đã sinh Romain ở một tiểu quốc tên là Lithuania, hiện nay đã sát nhập vào lãnh thổ Liên-Sô. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Romain Gary là tác phẩm “Thiên Căn” hay “Rễ Trời” được giải văn chương Goncourt vào năm 1956.
Romain di cư qua Pháp với mẹ lúc ông mới 14 tuổi, và suốt Thế Chiến thứ hai, ông đã gia nhập lực lượng tự do của tướng De Gaulle và đã kháng chiến chống quân đội Đức lúc đó đang chiếm đóng nước Pháp. Điểm đặc biệt của Romain là lúc nào ông cũng kính yêu mẹ mình. Mặc dù đã trốn khỏi nước Pháp để tiếp tục chiến đấu, Romain cứ được thơ mẹ gửi đều đều, thơ nào mẹ cũng an ủi, khuyến khích Romain kiên chí chiến đấu cho tự do. Sau khi Pháp được Đồng-Minh giải phóng, Romain về ngay thành phố Nice là nơi mẹ ở hi vọng mẹ con sẽ tái ngộ sau mấy năm xa cách. Nhưng khi đến nơi, hàng xóm cho biết mẹ Romain đã qua đời hơn 3 năm rồi. Trước khi chết, bà cụ đã viết mấy chục bức thơ và nhờ một người bạn thân cứ đều đều gởi thơ đến cho người con trai bà yêu quí nhất đời.
Cái chết của mẹ đã để trong lòng Romain một vết thương không bao giờ hàn gắn được. Đến năm 1963, Romain Gary, lúc đó đang làm tổng lãnh sự Pháp ở Los Angeles, đã gặp và cưới một diễn viên màn ảnh của Mỹ tên là Jean Seberg. Chín năm sau, họ ly dị và cuối cùng Jean Seberg đã tự tử vào cuối năm 1979.
Vào đầu tháng 12 năm 1980, Romain Gary cũng tự tử và để lại một bức thư thanh minh rằng: việc Jean Seberg tự tử không dính dáng gì đến việc ông ta tự tử cả. Ông ta cho biết rằng: nếu muốn tìm cho đúng lý do khiến ông ta tự tử thì phải nói rằng ông tự tử vì “xuống tinh thần.” Nhưng không phải đến bấy giờ Romain mới xuống tinh thần, mà thực sự ông đã xuống tinh thần từ lúc mới lên tuổi thành nhơn. Nếu tuổi thành nhơn của Romain Gary là 21 tuổi, thì ông ta đã xuống tinh thần suốt 45 năm, mặc dù trong khoảng thời gian ấy ông là một chiến sĩ hăng say chiến đấu vì tự do, một nhà ngoại giao, và một văn sĩ được khắp thế giới biết tiếng, danh dự và tiền tài đều có thừa.
Người ta thường cho rằng, con người xuống tinh thần vì thất bại. Thất bại trên tình trường, trong chính trường, hay thất bại trong công chuyện làm ăn. Nhưng trên tất cả các khía cạnh này, Romain Gary đều thành công, và đã thành công vượt mức hơn người. Vậy phải có một lý do gì ngoài các lý do vật chất, hay tinh thần thông thường của người đời.
Lý do của tấm lòng bất an, hay “xuống tinh thần” được Phúc Âm gọi là “sự thù nghịch” hay “bất hòa” giữa Đấng Tạo Hóa và loài người. Người ta cứ bất an mãi, cho đến khi người ta hòa thuận lại với Đấng Tạo Hóa là Đấng đã dựng nên mình.
Đấng Tạo Hóa đặt trong lòng mỗi người chúng ta một bản năng thờ phụng, và vì vậy loài người là một loài động vật biết thờ phụng. Nếu không thờ phụng Đấng Tạo Hóa là Đấng Tối Linh, Tối Thiêng, người ta cũng phải kiếm cho mình các thần tượng để thờ phụng. Như ở các nước tư bản, thần tượng này có thể là danh vọng tiền bạc. Còn người theo cá nhân chủ nghĩa thì lại tôn bản ngã của mình lên làm thần tượng. Ở những nước tự cho là “vô thần” người ta vẫn thờ các thần tượng dưới hình thức một chủ nghĩa, một lý tưởng, một đoàn thể, hay một lãnh tụ.
Kinh Thánh quả quyết rằng khi người ta chưa hoà thuận lại với Đấng Tạo Hóa, chưa đặt Đấng Tạo Hóa vào ngôi tối tôn trong lòng mình, thì người ta cứ bất an mãi, lòng người ta cứ khắc khoải và không thể nào thoải mái. Romain Gary đã trốn khỏi thế giới cộng sản, đã đến nước Pháp, đã thành công trên đường sự nghiệp, đã trở thành một văn sĩ nổi danh, một nhà ngoại giao được nhiều người biết tiếng. Nhưng Romain Gary chưa hoà thuận lại với Đấng Tạo Hóa, nên theo lời của chính ông ta viết ra thì ông ta đã xuống tinh thần từ lúc mới trưởng thành.
Có khi chúng ta nhờ một thành công ngắn ngủi mà thấy mình chẳng những không xuống tinh thần mà lại còn “đang lên hương,” nhưng nếu thành thật với lòng, chúng ta thấy chúng ta như chiếc thuyền không lái, cuộc đời như không có định hướng, tấm lòng lúc nào cũng ước ao khao khát một cái gì đó.
Chúa Cứu Thế Giê-xu biết rõ tình trạng đó trong lòng của mỗi người sinh ra trong đời này nên Ngài đã phán rằng: “Ta để bình an lại cho các con. Ta ban bình an Ta cho các con. Ta cho các con sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org