Điện Thoại Phúc Âm: Xét Đoán
Xét Đoán
Người Mỹ thường nói đùa là có hai điều họ không thể nào tránh được. Một là họ không thể tránh khỏi lưỡi hái của tử thần, và hai là họ không thể tránh thuế. Khi đến giờ chết, thì Mỹ hay Nga, Tàu hay Tây hay Việt đều cũng không tránh được, chứ còn thuế má thì chưa chắc là không tránh được. Nhiều người cho rằng luật lệ thuế má của Mỹ có rất nhiều chỗ sơ hở, ai có tiền thuê luật sư cho giỏi, tìm các chỗ sơ hở ấy thì thoát được nhiều món thuế.
Người sinh sống làm ăn trên đất Mỹ, dù là công dân Mỹ hay thường trú hay tị nạn, đều cứ phải mỗi năm nạp một mẫu khai thuế lợi tức cho sở Thuế Vụ Liên Bang. Mặc dù sở này có máy computer tối tân có thể tìm ra những gian lận hay sơ sót lầm lẫn trong các mẫu khai, nhưng vì số mẫu có đến mấy chục triệu, nên sở chỉ chọn một phần nhỏ để duyệt lại. Mấy ông bà kiểm soát viên có trách nhiệm duyệt mẫu thuế là những người nổi tiếng là vạch lá tìm sâu, những lỗi lầm vì sơ ý hay cố ý đều bị họ móc ra cả.
Nhưng mấy ông bà này cũng là công dân, cũng phải nạp mẫu thuế lợi tức hàng năm như mọi người khác. Mới đây Sở Thuế Vụ Trung Ương thử lấy 168 mẫu thuế của mấy ông bà kiểm soát viên để đem ra duyệt lại, thì thấy những kết quả thật bất ngờ. Sau khi duyệt được 110 mẫu, Sở Thuế Vụ Trung Ương thấy có đến 50 phần trăm mẫu có những lỗi lầm quan trọng. Có 13 người đã trả dư tiền thuế, trung bình mỗi người trả dư 129 mỹ kim, và có 42 người trả thiếu tiền thuế, trung bình mỗi người thiếu đến 720 mỹ kim. Trong khi đó con số trả thiếu thuế trung bình của người dân thường chỉ có 340 mỹ kim mà thôi.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh một người dân bị Sở Thuế Vụ mời đến, vì mẫu thuế của người này khai sai. Khi phải ngồi đối diện với một ông kiểm soát viên thuế vụ, người ấy chắc chắn có tâm trạng của một tội nhân phải đứng trước quan tòa, mà không ngờ rằng ông đang đóng vai quan tòa để hạch hỏi mình, chưa chắc đã hơn gì mình. Cũng may là không phải tất cả các ông bà kiểm soát viên thuế vụ đều cố ý hay vô tình phạm những cái lỗi mà họ thường moi móc nơi người dân thường. Nhưng đã ở các chức vụ kiểm soát người khác, buộc tội người khác, dù là vì bổn phận và chức nghiệp, mà lại không hơn người dân thường, thì cũng đáng buồn cho mấy ổng bả lắm.
Bản tính con người thường thích xét đoán, chỉ trích người khác, dù không có bổn phận bươi móc lỗi người khác cũng vậy. Cái bản tính này đã bị Chúa Giê-xu lên án, khi Ngài phán rằng: “Sao các ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà không thấy cây đà trong mắt mình? Sao các ngươi dám nói với anh em rằng: để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà ra khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được. Các ngươi xét đoán người ta thế nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy, các ngươi lường cho người ta mức nào, thì họ cũng lường lại mức ấy.”
Đừng xét đoán người khác, đừng theo thói quen của người đời mà che đậy lỗi mình và moi móc lỗi của người khác, nhưng đó chỉ là phần tiêu cực. Chúa còn dạy chúng ta phần tích cực là chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho nhau, vì “nếu các ngươi chỉ yêu người yêu mình thì có ích chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, hãy cho mượn mà đừng ngã lòng… Vậy phần thưởng các ngươi sẽ lớn lắm vì các ngươi sẽ làm con của Đấng Chí Cao, vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng người lành, làm mưa cho người công chính và kẻ độc ác.”
Xét đoán phê bình người khác bắt nguồn từ chỗ kiêu ngạo, coi mình hơn người, theo câu nói rất thông thường của người Việt-nam ta là: tôi đâu có phải như người ta, tức là tôi tốt hơn, tôi “le” hơn người khác. Một khi đã thấy mình hơn người khác, chúng ta đã mắc phải cái lỗi của ông thầy dòng Do-thái trong câu chuyện Chúa kể rằng: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một là ông thầy dòng Do-thái, và người kia là người thâu thuế gian ác. Ông thầy dòng Do-thái cầu nguyện như vầy: “Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa, vì tôi không phải như người khác, tham lam bất nghĩa, gian dâm và cũng không phải như tên thâu thuế này.” Trong khi đó người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ đấm ngực mà cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là người tội lỗi.” Sau khi kể câu chuyện, Chúa thêm rằng: người thâu thuế là người được Đấng Tạo Hoá thương xót và tha thứ tội lỗi trong khi ông thầy Do-thái vẫn còn tội như cũ. Trước mặt Đấng Tạo Hóa, cả hai người đều là tội nhân, mặc dù bề ngoài ông thầy Do-thái có vẻ đạo đức mô phạm hơn ông thâu thuế rất nhiều. Nhưng Đấng Tạo Hóa nhìn thấu suốt trong lòng hai người, và Ngài đã thương xót tha thứ cho người đã thành thật nhận tội và ăn năn hối lỗi. Trong khi ông thầy kia, ngoài cái tội, cái bất toàn của con người, còn phạm thêm tội xét đoán xoi mói người khác nữa!
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org