Điện Thoại Phúc Âm: Vụ Án Không Bất Công
Vụ Án Không Bất Công
Mới đây, một vụ án đã được nhiều người xem là bất công. Sau khi ra lệnh cho bác sĩ Scott phải trợ cấp cho vợ mỗi tháng 1,500 đô-la trong thời gian chờ đợi kết quả của vụ án ly dị, ông Chánh án Reed Ambler đã phân trần rằng: “luật của tiểu bang California buộc chồng phải trợ cấp cho vợ khi vụ án ly dị chưa ngã ngũ.” Quan tòa phải phân trần như vậy, là vì ngoài vụ án ly dị, bà Scott còn bị truy tố về tội thuê du đảng đánh chồng, rồi không chịu trả tiền công cho du đảng vì bảo rằng họ đánh chồng bà nhẹ quá!
Mặc dù nhiều người cảm thấy oan ức cho bác sĩ Scott, đã bị vợ thuê du đảng đánh mà còn bị tòa buộc phải trợ cấp cho vợ mỗi tháng 1,500 đô-la, nhưng không ai có thể chê trách ông Chánh án, vì quan tòa thuộc ngành tư pháp, chỉ xử theo luật chứ không có quyền sửa luật, dù biết rằng luật đó có những khía cạnh bất công.
Nhưng nếu bây giờ chúng ta giả sử rằng mặc dù bị vợ bạc đãi, bác sĩ Scott vẫn yêu thương vợ, và vì yêu thương nên tình nguyện trợ cấp cho vợ. Nếu điều chúng ta giả sử đây trở thành sự thật, thì mọi người đều thấy rằng việc trợ cấp này không còn là một điều bắt buộc, và bác sĩ Scott cũng không còn là nạn nhân của một vụ án bất công nữa.
Thánh Kinh có ghi chép một vụ án mà nhiều người coi là “Vụ Án Bất Công nhất của lịch sử nhân loại.” Theo lời xác nhận của ông Chánh án ngồi xử vụ này, thì bị cáo hoàn toàn vô tội. Nhưng bên nguyên cáo, một mặt mang ra những nhân chứng giả dối, một mặt xúi dục đám dân đông la ó và dùng áp lực chính trị để áp đảo tinh thần ông Chánh án yếu đuối không có lập trường, nên cuối cùng ông đã bị buộc phải tuyên án tử hình, và bị cáo đã bị xử tử bằng cách đóng đinh trên thập giá.
Giả sử chúng ta cũng dùng giả thuyết như giả thuyết cho vụ án ly dị của vợ chồng bác sĩ Scott, thì vụ án Thánh Kinh đã kể, tức là vụ án với bị cáo là Đức Chúa Giê-xu, quan toà là thông đốc Phi-lát và nguyên cáo là dân Do-thái, không còn là một vụ án bất công nữa, vì yếu tố Tình Yêu đã can thiệp vào.
Bằng chứng của yếu tố Tình Yêu này đầy dẫy trong Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nhưng với phạm vi của chương trình này, chúng tôi chỉ xin đưa ra ba bằng chứng; Một là chính lời Đức Chúa Giê-xu tuyên-bố trong Thi Thiên 40, hơn một ngàn năm trước khi Ngài vào đời. Bằng chứng thứ hai là lời tiên tri trong sách Ê-sai, được chép 700 năm trước Chúa giáng sinh, và bằng chứng thứ ba là lời chính Chúa phán không đầy một tuần lễ trước khi Ngài tình nguyện chịu chết.
Bằng chứng thứ nhứt, tức là lời Đức Chúa Giê-xu thưa với THƯỢNG ĐỂ: “Thưa Cha, Này Con đến; trong Thánh Kinh có chép về Con. Con đến để làm theo ý muốn của Thượng Đế.” Lời này chẳng những xác nhận yếu tố Tình Yêu của Đức Chúa Giê-xu, mà còn nói rõ ràng, Thượng Đế đã muốn và đã sắp đặt cho Con của Ngài vào đời để chịu chết.
Bằng chứng thứ hai đã xác nhận nguyên do của các vết thương, và lằn roi Chúa chịu, “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương. Nhờ hình phạt Người chịu chúng ta được bình an; nhờ lằn roi Người, chúng ta được lành bệnh.”
Và bằng chứng thứ ba được chép trong Phúc Âm Giăng chương 15 rằng: “Chẳng có tình yêu nào lớn hơn là tình yêu của Người vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình.”
Có một điểm chúng ta không thể quên được là: trong trường hợp vợ chồng bác sĩ Scott, vụ án ly dị của họ có thể mất tính cách bất công nếu ông chồng trợ cấp cho vợ vì tình yêu; nhưng không phải vì đó mà bà vợ độc ác kia được nhẹ cái tội đã thuê du đảng đánh đập chồng mình.
Trong vụ án của Đức Chúa Giê-xu, mặc dù chính Chúa đã tình nguyện chịu chết vì yêu thương nhân loại, quan tòa Phi-lát vẫn có tội vì xử án không theo pháp luật, dân Do-thái vẫn có tội ghen ghét vu cáo và nhất là cả nhân loại, trong số đó có chúng ta, vẫn có tội lỗi vì tư tưởng tà vạy, lời nói bất thiện, hành động bất chính, những tội mà Thánh Kinh đã nói rằng: “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương.”
Nhưng tạ ơn Thượng Đế! Đức Chúa Giê-xu đã chịu chết không phải để buộc tội những người đã trực tiếp giết Ngài, mà để tha thứ cho họ, vì Ngài đã cầu nguyện với Thượng Đế rằng: “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết điều họ làm.”
Thượng Đế cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, vì Ngài đang kêu gọi rằng: “Các con hãy đến để chúng ta biện luận với nhau. Dù tội các con như hồng điều, Ta sẽ tẩy nên trắng như tuyết, dù đỏ như son cũng sẽ trở nên trắng như lông chiên.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org