Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Tự Do Là Gì?

Điện Thoại Phúc Âm: Tự Do Là Gì?

Tự Do Là Gì?

Vào khoảng thập niên 60, tức là khoảng 1960 đến 1969, có bảy người tốt nghiệp ngành giáo dục ở đại học đường Harvard chủ trương rằng: Chỉ có những biện pháp cấp tiến mới có thể cứu vãn các trường trung học ở Hoa Kỳ đang gặp tình trạng bế tắc. Theo mấy nhà cải cách này, thì học sinh trung học phải được tự do lựa chọn và soạn thảo các môn học và các dự án của nhà trường, cũng như phải được bình đẳng trong việc giao thiệp và xưng hô với các giáo sư. Thành phố Portland ở Oregon lúc đó đang xây trường trung học John Adams đã quyết định dùng ngay trường này làm thí điểm cho chương trình của mấy nhà cải cách.

Nhưng sau mấy năm thí nghiệm, chương trình cấp tiến và quá tự do này đã thất bại hoàn toàn, mặc dù các nhà cải cách đã phải pha lẫn vào chương trình của họ một số biện pháp cũ. Số học sinh của trường John Adams cứ xuống lần lần, và đến năm 1981 chương trình mới này bị bãi bỏ hoàn toàn.

Người Việt Nam chúng ta đã bỏ quê hương để đi tìm tự do. Nhưng tự do là gì? Phải chăng tự do chỉ là một khái niệm trừu tượng đến nỗi ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Như các nhà cải cách giáo dục này nghĩ rằng cứ cho học sinh thêm nhiều tự do, thì chương trình sẽ thành công. Về phương diện chính trị, cũng đã có biết bao nhiêu nhà độc tài đề cao tự do như là một lý tưởng đấu tranh, nhưng thực sự đối với họ thì tự do chỉ là tự do siết chặt người khác vào vòng kèm kẹp. Nhiều người ở các nước dân chủ đã tưởng lầm rằng tự do có nghĩa là mình muốn làm gì thì làm mà không cần đếm xỉa gì đến tự do của người khác, một thứ tự do hoàn toàn vô trách nhiệm.

Những thứ tự do mà người ta thường đề cao, kể cả tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng đều trở thành vô nghĩa khi người ta vẫn còn tâm hồn nô lệ.

Người Do Thái là một giống dân rất hãnh diện về tinh thần tự do quật cường của họ. Mặc dầu lúc Chúa Cứu Thế còn ở thế gian, họ đang ở dưới ách đô hộ của người La-mã, nhưng vẫn giữ được một tinh thần bất khuất. Vì vậy họ rất ngạc nhiên khi nghe Chúa nói “Ai phạm tội thì người đó là nô lệ của tội lỗi.”

Một lời nói như ánh sáng rọi vào tình trạng đen tối của con người. Lời phán ấy cho người ta thấy rằng: Những tự do chính trị, tự do tín ngưỡng đều không có nghĩa gì cả, một khi người ta vẫn còn là nô lệ của tội lỗi. Có người tưởng lầm rằng tôi đánh bạc vì tôi có quyền tự do đánh bạc; tôi uống rượu vì tôi có quyền uống rượu; tôi nghiện ngập vì tôi có tự do để nghiện ngập. Nhưng nếu người đó bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ, và đào sâu vào tâm hồn mình, thì sẽ thấy ngay rằng mình đang bị một thứ ma lực dẫn dắt trì kéo, mà mình không có sức gì chống cự nổi.

Một người trong Kinh Thánh đã có kinh nghiệm đó, nên than rằng: “Tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ vương vấn trói buộc tôi.”

Đó là tình trạng chung của mọi người, một tình trạng đen tối bi thảm chẳng những chỉ có ở những nước độc tài, mà cũng là tình trạng ở những nước tự xưng là “thế giới tự do” nữa. Nhiều người nói mình tự do, nhưng tự do đó chỉ là một hình thức buông thả, chạy theo vị kỷ và dục vọng.

Vậy chúng ta phải làm gì để được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi? Luân lý, giáo dục và tôn giáo có thể cho người ta một ít kỹ luật bên ngoài, nhưng không giải quyết được nội tâm, và không thể giải phóng tâm hồn con người.

Sau khi cho người Do Thái thấy rõ rằng: tinh thần bất khuất của họ, cũng như tôn giáo và giáo điều, không đủ để giải phóng tâm hồn họ, Chúa Cứu Thế phán tiếp: “Các ngươi sẽ biết Chân Lý và Chân Lý sẽ giải phóng các ngươi. Nếu Ta giải phóng các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thật.” Ở mấy câu này, Chúa dùng động từ “giải phóng” hai lần; lần đầu nói: “chân lý giải phóng,” lần thứ nhì nói: chính Chúa giải phóng. Chúa nói như vậy để bày tỏ rằng Chúa Cứu Thế chính là Chân Lý.

Dù kinh nghiệm sống của quý vị không đồng đều nhau, nhưng chắc chắn quý vị đều đã cảm biết quyền lực, hay ma lực của tội lỗi, một thứ ma lực mà chỉ có Chúa Cứu Thế mới có thể tiêu trừ. Kính mời quý vị nghe lời hứa của Chúa: “Nếu Ta giải phóng con thì con sẽ được tự do thật. Hỡi những ai đang mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, thì Ta sẽ cho con được an nghỉ.”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top