Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Tri Dị, Hành Nan

Điện Thoại Phúc Âm: Tri Dị, Hành Nan

Điện Thoại Phúc Âm: Tri Dị, Hành Nan

 

Tri Dị, Hành Nan

Người Trung-Hoa có một câu cách ngôn rằng: “Tri dị, hành nan,” nghĩa là biết thì dễ, mà làm thì khó. Suốt cả mấy ngàn năm, câu này được mọi người coi là hợp lý. Nhưng nhà cách mạng Tôn-Dật-Tiên, là người đã lật đổ chế độ quân chủ Mãn-Thanh, đã đổi câu ấy thành ra “Tri nan, hành dị,” nghĩa là “biết khó, làm dễ.”

Theo nhà cách mạng Tôn-Dật-Tiên thì muốn lật đổ một chính thể quân chủ cổ hũ với những tệ đoan của nó, cần chúng phải được học hỏi, phải ý thức được các tệ hại của chế độ quân chủ và phải thấm nhuần đường lối dân chủ, cũng như ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Việc nâng cao dân trí cho hàng trăm triệu người không phải là một chuyện dễ. Nhưng một khi dân trí đã mở mang, người dân đã ý thức được cái hay, cái đẹp của dân chủ, thì họ sẽ tự động đứng lên lật đổ chế độ thối nát của nhà Mãn-Thanh. Như vậy, theo Tôn-Dật-Tiên thì biết là điều rất khó, và một khi đã biết rồi thì hành động tự nhiên sẽ đến.

Thực sự, khi chủ trương “tri nan, hành dị,” nhà cách mạng Tôn-Dật-Tiên có ý nói ngược lại một câu cách ngôn đã không dùng từ lâu đời để người ta chú ý. Còn các lý luận ông đưa ra tuy nghe hay thực, nhưng không chắc đã là lý do cần thiết, vì chính thể quân chủ Mãn-Thanh đã bị cuộc cách mạng Tân-Hội lật đổ, mà dân trí người Trung-Hoa lúc đó vẫn chưa được nâng cao.

Nếu đem cả hai câu “Biết-dễ-làm-khó,” và “Biết-khó-làm-dễ” để áp dụng vào Phúc Âm thì cả hai câu đều sai cả. Đối với Phúc Âm, thì phải “Tri-di-hành-dị,” lẫn “Tri-nan-hành-nan” tức là cả “biết-dễ-làm-dễ,” và “biết-khó-làm-khó.”

Trước hết chúng ta mổ xẻ chữ “tri,” nghĩa là “biết.” Nhưng biết thế nào là khó, mà biết thế nào là dễ? Một lần nọ, Chúa Giê-xu cầu nguyện với Đấng Tạo Hóa rằng: “Thưa Cha, Con tạ ơn Cha, vì Cha đã giấu những điều này với người khôn ngoan sáng dạ, mà tỏ cho con trẻ hay.” Những điều mà Chúa Cứu Thế nói đây là Phúc Âm, là Chân-Lý, là đường lối cứu rỗi nhân loại. Đối với những người tự cho mình là khôn ngoan thông sáng thì rất khó, không thể nào hiểu được Phúc Âm, không thể nào thấy được ánh sáng của Chân-Lý, vì chính tấm lòng của họ đã tự đóng lại. 

Ánh sáng Chân-Lý của Đấng Tạo Hóa vẫn chiếu rọi như ánh sáng mặt trời vào trưa hè, nhưng ánh sáng đó không thể nào vào một căn phòng đóng cửa kín mít. Căn phòng đóng cửa ấy là tấm lòng của người tự cho mình là khôn ngoan thông sáng, tự cậy vào ánh sáng mù mờ của ngọn đèn dầu trong phòng, mà không chịu mở cửa ra đón nhận ánh sáng mặt trời đang chói lọi bên ngoài. Tấm lòng mà Chúa gọi là “con trẻ” chính là những tấm lòng tin đơn sơ thành thật, mở rộng cửa lòng tiếp đón Ánh-Sáng Chân-Lý của Phúc Âm. Như vậy biết Phúc Âm, biết Chân-Lý, khó hay dễ là tùy nơi cái tinh thần, cái tấm lòng, và đức tin của chúng ta.

Bây giờ chúng ta mổ xẻ chữ “hành,” tức là “làm,” hay “hành động.” Đã có biết bao nhiêu người ngó con đường theo Chúa rồi nói: tôi muốn theo Chúa, nhưng tôi sợ  giữ đạo Chúa không nỗi, vì đạo Chúa khó quá. Cũng có một số người khác nghĩ rằng: tôi sẽ cố gắng làm lành lánh dữ, sẽ làm các việc công đức, để Chúa ban cho tôi sự cứu rỗi. Hai ý tưởng này đều liên hệ đến chữ “hành,” đến công việc làm, nhưng cả hai đều không đúng với Phúc Âm.

Phúc Âm tuyên bố rằng: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu.  Điều đó không phải đến từ anh em, mà là một tặng phẩm của Đấng Tạo Hóa.”  Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì cả, vì các việc công đức của chúng ta trước mặt Chúa chỉ như những mảnh áo dơ bẩn. Chúng ta chỉ cần đưa hai tay đức tin để tiếp nhận ân điển cứu rỗi của Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không. Rồi sau đó, chúng ta mới làm điều lành, mới sống một đời sống thánh thiện theo đúng Lời Chúa dạy rằng: “Các con hãy yêu mến người thù nghịch và cầu nguyện cho người bắt bớ các con.” 

Chưa cần thực hành Lời Chúa dạy, chúng ta cũng đã thấy đây là một điều khó quá sức tưởng tượng, một điều tuyệt đối mà con người tương đối chúng ta không thể nào làm nỗi.  Nhưng cái bí quyết để làm được điều Chúa đòi hỏi, đã được Chúa trình bày rằng: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh, ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy, thì người ấy sinh ra lắm trái. Vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.” Cành nho ra trái vì dính vào gốc nho, vì có mủ nhựa của cây nho tuôn tràn vào mình. Người tin Chúa yêu được kẻ thù và cầu nguyện được cho người bắt bớ mình, chỉ vì người đó dính liền vào Chúa Cứu Thế. Một việc khó không thể làm được đã trở thành dễ dàng.

Như vậy, nếu chúng ta ỷ lại nơi cái khôn ngoan riêng, chúng ta không thể nào biết được Phúc Âm và Chân-Lý, cũng như chúng ta ỷ lại nơi sức mình, chúng ta không thể nào làm được những điều tuyệt đối Chúa đòi hỏi. Vì vậy, “tri nan, hành nan,” biết khó và làm khó.  Ngược lại, nếu chúng ta mở lòng mình ra đón nhận ánh sáng của Chân-Lý và dính liền vào Chúa Cứu Thế để nhận lấy sức sống của Ngài chảy qua đời sống chúng ta, thì “tri dị, hành dị,” biết dễ mà làm cũng dễ vậy.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top