Điện Thoại Phúc Âm: Trách Trời
Trách Trời
“Tôi vô tội, ma-men mới là chánh phạm.” Thực sự mấy ông nghị sĩ hạ viện Mỹ gần đây ra toà vì tội hối lộ không còn đủ bình tỉnh và óc khôi hài để nói được một câu nhí nhỏm như vậy, nhưng đây là câu mấy ông nhà báo dùng để kể lại lý luận của mấy ông nghị này dùng để tự bào chữa. Tất cả các ông nghị này đã ăn hối lộ và đã bị sở cảnh sát trung ương đặt máy thu hình và ghi âm thu không sót một chi tiết. Đứng trước bằng chứng quá rõ rệt không tài nào chối cãi nổi, mấy ông nghị này mới đổ thừa là: “khi đưa tay cầm tiền, tôi say mèm, nên không kiểm soát được hành động của tôi trong lúc đó.”
Đổ thừa, đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho bạn bè, cho rượu, v.v… không phải là việc mới mẻ gì, và khi đổ lỗi cho người khác, người ta đổ luôn lỗi cho Trời, rồi trách Trời. Thủy tổ loài người đã áp dụng lối chạy tội đó. Sau khi nghe lời của Sa-tan nhập trong con rắn, A-đam và Ê-va đã phạm tội. Nhưng khi Chúa gọi hỏi, thì A-đam trả lời rằng: “tại người đàn bà Chúa đặt bên tôi” còn Ê-va thì nói: “tại con rắn.” Khi nói như vậy họ đã đổ lỗi cho chính Đấng Tạo Hóa, về lời của A-đam đã gián tiếp trách Chúa rằng: “tại sao Chúa để người đàn bà ở bên tôi để cám dỗ tôi?” còn Ê-va cũng trách Chúa đã dựng nên con rắn làm chi vậy?
Oán Trời, trách Trời là một hành động quá thông thường của loài người, đến nỗi nhiều khi chúng ta không để ý tới nữa. Trong “Chinh Phụ Ngâm,” người chinh phụ đã than “Xanh kia thăm thẳm từng trên, vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” Người chinh phụ, cũng như bao nhiêu người khác, đã ngó lên trời xanh thăm thẳm rồi hỏi: ai đã gây ra cái nỗi này, tức là ai đã tạo ra cái nhân, để cho tôi phải gánh lấy cái quả, là cô đơn đau khổ như thế này?
Gặp cảnh hoạn nạn thì trách Trời, gặp cảnh tang tóc thì than: Ông Trời xanh độc địa. Có người giận vợ giận con, lên xe chạy mau, tống ga cho nhiều, đến khi xe đụng thì nói: Trời hại tôi. Càng mổ xẻ cái lối trách Trời, đổ lỗi cho Trời, chúng ta cũng thấy lời kinh Thánh là đúng, khi gọi loài người là những con người bội nghịch, chống cự Đấng Tạo Hóa, như câu này: “Họ đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế. Chẳng có ai làm điều lành, dù một người cũng không.”
Kinh Thánh có kể một câu chuyện trách Trời khá đặc biệt lúc Chúa Giê-xu xuống trần, dân Do-Thái đang trông đợi một vị cứu tinh để giải phóng họ ra khỏi ách đô hộ của người La-Mã. Khi thấy Chúa làm phép lạ, họ biết Chúa có quyền năng siêu nhiên và hy vọng Chúa sẽ đứng lên phát động cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng trông chờ mãi, họ không thấy Chúa làm cách mạng mà chỉ rao giảng Phúc Âm yêu thương. Họ đang thù hận người La-Mã mà Chúa lại bảo “các người hãy yêu mến kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” Từ chỗ hy vọng Chúa Giê-xu là vị anh hùng cứu quốc, họ đến chỗ thất vọng, rồi cuối cùng họ đã để cho nhà cầm quyền xúi dục họ xuống đường, hò hét “đóng đinh Hắn lên cây thập tự! Đóng đinh Hắn lên cây thập tự đi!”
Rồi họ theo Chúa Giê-xu suốt con đường từ kinh đô Giê-ru-sa-lem đến Núi Sọ, là nơi quân lính La-mã đóng đinh Chúa và treo Ngài lên giữa hai tên cướp. Họ chờ đợi một phản ứng siêu nhiên của Người tự xưng mình là con Trời. Nhưng Ngài lại chết nhanh hơn hai tên cướp, và trước khi chết, Ngài lẩm bẩm “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết họ làm gì.” Kinh Thánh ghi lại rằng “Cả đoàn dân đi xem, thấy nông nỗi như vậy, đấm ngực mà ra về.” Họ đấm ngực một phần vì hối hận đã vè hùa với những người độc ác đem Đấng Công Nghĩa ra đóng đinh, nhưng họ cũng như muôn ngàn người khác, bạ gì cũng trách Trời, để trút cho Trời cái trách nhiệm để cho Người Lành mang họa.
Nếu được chứng kiến cảnh chúa Giê-xu treo thân trên thập tự giá, quý vị sẽ nghĩ gì? Quý vị dững dưng cho rằng Chúa chết hay sống cũng chẳng can dự gì đến mình, hay quý vị có thái độ quân tử cho rằng Chúa bị ức hiếp nên muốn bênh vực Ngài, hay quý vị chỉ chắt lưỡi trách Trời như người Do-Thái? Nhưng quý vị và tôi không thể có thái độ dững dưng cũng không thể thương hại Chúa hay trách Trời, vì quý vị và tôi đã trực tiếp chịu trách nhiệm về việc giết Chúa, theo lời Kinh Thánh rằng: “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương.” Nhưng lời này không phải là lời buộc tội chúng ta, mà chính là Phúc Âm yêu thương, vì lời đó xác nhận rằng: Chúa đã chịu các vết thương vì tội lỗi gian ác chúng ta, nên tội lỗi chúng ta đã được đền bồi, và chúng ta được Đấng Tạo Hóa tha thứ ngay khi ta kêu cầu danh Chúa rằng: “Chúa ơi, xin cứu con.”
Mục đích của Chúa Giê-xu chịu chết không phải là để được chúng ta thương hại, hay để chúng ta oán trách Trời, nhưng để mở cho chúng ta Con Đường cứu rỗi, để dẫn chúng ta đến với Đấng Tạo Hóa Chân Thiện, Chân Mỹ. Chính tội lỗi chúng ta đã giết Chúa, nhưng Kinh Thánh nói rằng: “Chúa là Đấng yêu thương chúng ta đã lấy huyết Ngài rửa sạch tội lỗi chúng ta.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org