Điện Thoại Phúc Âm: Thỏa Mãn
Thỏa Mãn
Mấy năm gần đây, người Mỹ nói hơi nhiều về người Nhật. Họ nói với giọng bất mãn cũng có, mà với thái độ khâm phục cũng có. Người Mỹ bất mãn khi mấy trăm ngàn thợ làm xe hơi ở Detroit bị xe hơi của Nhật Bản cạnh tranh mà thất nghiệp, khi nhiều xưởng đúc thép bị đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với thép của Nhật.
Nhưng người Mỹ cũng có thái độ khâm phục khi họ đề cao mức sản xuất của người thợ Nhật bản. Nhiều ủy ban của chính phủ, cũng như của nhiều công ty Hoa Kỳ đã qua Nhật nghiên cứu cách làm việc của người Nhật, và đã kết luận rằng: người Nhật có mức sản xuất cao hơn người Mỹ là vì hai lý do chính. Lý do thứ nhất là người Nhật có tinh thần đồng đội rất cao, và lý do thứ hai là người Nhật không sợ sa thải, các công ty Nhật bản bảo đảm cho người thợ có công ăn việc làm cho đến lúc về hưu.
Trong khi có đến 10 triệu người thất nghiệp ở Hoa Kỳ, với 8.9 triệu người thất nghiệp ở Tây Âu mà nghe ở Nhật người thợ được bảo đảm khỏi bị sa thải, công nhân được làm việc cho hãng suốt đời thì không khâm phục sao được!
Nhưng theo mấy nhà xã hội học thuộc viện đại học Indiana, thì người thợ Nhật bản cũng bất mãn như người thợ Hoa Kỳ mà có khi còn bất mãn hơn là đằng khác. Theo các nhà xã hội học thì người Mỹ chỉ thấy hình ảnh của người thợ Nhật qua một số hãng lớn làm ăn phát đạt, trong khi đó thợ thuyền làm việc tại các công ty khác thường lộ vẻ bất mãn, vì lương quá thấp và vì hệ thống kinh tế của Nhật bản làm họ khó thay đổi việc làm, khó nhảy từ hãng này qua hãng khác. Không cần phải đi sâu vào cách tổ chức của các hệ thống kinh tế trên thế giới, dù đây là nền kinh tế tư bản hay xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể biết chắc chắn là không ai hoàn toàn thỏa mãn cả. Người Mỹ bất mãn vì nạn thất nghiệp đe dọa, người Nhật bất mãn vì lương thấp và khó thay đổi việc làm, người Ba-lan bất mãn vì lý do tín ngưỡng và chính trị. Người ta có thể kể nhiều lý do đưa đến bất mãn, nhưng nguyên nhân chính của bất mãn là vì người ta đang sống sai môi trường. Môi trường chúng ta nói đây không phải là môi trường kinh tế hay môi trường kỹ nghệ, mà chính là môi trường tâm linh.
Con người không thể nào thỏa mãn dù người đó là thợ hay chủ, dù người đó nghèo hay giàu, vì cái thỏa mãn hay bất mãn của con người không căn cứ vào các điều kiện vật chất, mà căn cứ vào điều kiện tâm linh.
Thánh Kinh cho chúng ta biết loài người đang sống sai môi trường, vì loài người được Thượng Đế sáng tạo để sống trong môi trường thánh thiện, yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ, mà người ta lại sống trong môi trường tội lỗi, ghen ghét, buồn giận, tranh chấp, thù oán, phản bội, loạn lạc thì làm sao người ta có thể thỏa mãn cho được?
Có người cho rằng bất mãn là cần thiết, vì có bất mãn con người mới tranh đấu để cải thiện các thiếu sót bất toàn của cuộc sống. Nhưng ai cũng đã biết rằng nhân loại đã bất mãn từ muôn đời rồi và còn bất mãn mãi, vì cái bất mãn đã không đem lại cái thiện mà còn gây ra bao nhiêu đổ vỡ tai hại khác.
Một nhân vật trong Thánh Kinh là Phao-lô là người cũng đã bất mãn và đã tranh đấu như bao nhiêu người khác, nhưng từ lúc ông gặp được Chúa Cứu Thế, Phao-lô đã được Chúa biến đổi, hay nói cách khác Phao-lô đã được Thượng Đế đem trở về môi trường thánh thiện, nên ông đã có thể thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, như lời ông viết cho các tín hữu ở Phi-líp rằng: “Tôi đã học biết cách sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi đã trải qua những cơn túng ngặt cũng như những ngày dư dật. Tôi đã nắm được bí quyết này: ở đâu và lúc nào, dù no hay đói, dù dư hay thiếu tôi vẫn luôn luôn vui thỏa. Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ năng lực Chúa ban cho”.
Nhân loại phải sống trong môi trường tội lỗi bất an vì đã chống nghịch Thượng Đế, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời, dùng chính mạng sống và huyết Ngài mở cho chúng ta con đường trở về với Thượng Đế. Nếu quí vị muốn được trở về môi trường thánh thiện để có thể thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ như Thánh Phao-lô, kính mời quí vị đáp lại tiếng Chúa đang kêu gọi: “Ai đang mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được an nghỉ.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.