Điện Thoại Phúc Âm: Thi Thiên 90

Thi Thiên 90
Cách đây mấy tháng, chúng tôi có trình bày câu chuyện một em bé đã già trước tuổi. Tên em bé la Penny Vantine, mới 5 tuổi mà đã già bằng một bà cụ 75 tuổi, và em có những chứng bịnh già như: da nhăn má tóp, nặng tai, áp huyết cao, nhức mỏi gân cốt, v.v…
Chứng bịnh già trước tuổi rất ít người mắc phải, nhưng ngoài số người già trước tuổi, chúng ta thỉnh thoảng cũng thấy một số người già sau tuổi tức là người dường như trẻ mãi không già, và số người già đúng tuổi, tức là người bình thường và chiếm đa số trong mọi xã hội.
Có người cho rằng Maurice Chevalier, kịch sĩ nổi danh người Pháp, nhờ có nụ cười bất hủ mà trẻ mãi không già. Jack Benny kịch sĩ khôi hài của Mỹ tuy chẳng bao giờ cười cả, nhưng lúc nào cũng xưng mình chỉ có 39 tuổi nên đã làm cho đa số khán giả tin rằng ông ta cũng giữ mãi được tuổi xuân. Dù vậy, Maurice Chevalier và Jack Benny đã già và đã chết.
George Burns, một kịch sĩ đã trên 80 tuổi cũng được nhiều người cho là già sau tuổi. Nhưng khi nghe ông ta ca bài “Tôi ước tôi lại 18 tuổi một lần nữa,”chúng ta thấy lời ca thật ảo não. Mặc dù nói là “ước mong,” nhưng cái ước mong đó không bao giờ thực hiện được, nên người nghe lời ca này đã cho đó là một ảo mộng, lời ca của một người bất lực tuyệt vọng lúc thấy thời gian cứ trôi, như lời than thở của Lamartine trong bài thơ “Le Lac”: “Loài người không có bến, thời gian không có bờ. Thời gian cứ trôi, và người sẽ qua đi!”
Em Penny chỉ sống có 5 năm mà đã già bằng một bà cụ 75 tuổi. Nếu kể 75 tuổi là đời sống trung bình của người ta, thì cuộc đời của em Penny chỉ bằng 1 phần 15 của một cuộc đời trung bình. Nhưng 5 năm là bao nhiêu, mà 75 năm là bao nhiêu khi đem so sánh với thời gian bất tận?
Tác giả Thi-Thiên 90 trong Kinh Thánh cũng có ý tưởng đó khi nói rằng: “Trước khi núi non chưa sinh ra, đất và thế gian chưa được dựng nên. Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Chúa là Đấng Tạo Hóa. Chúa khiến loài người trở về bụi tro, và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại. Vì một ngàn năm ở trước mắt Chúa, khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh ban đêm.” Đối với loài người chúng ta, thì một ngàn năm là một thời gian thật dài, nhưng trước mắt Đấng Tạo Hóa, một ngàn năm chỉ bằng một canh ban đêm.
Thời gian tính bằng giờ khắc và đo bằng đồng hồ, đang trôi một cách đều đặn, trong khi đó “thời gian tâm lý” thì mau hay chậm tùy theo tâm lý con người. Gặp khi vui, người ta thấy thời gian trôi rất nhanh, lúc chán nản buồn bã thì thời gian dường như chậm hẳn lại. Nhiều người cho rằng quãng thời gian 15 phút trước lúc tan sở là quãng thời gian lâu nhất trong ngày. Nhưng dù đo bằng đồng hồ, hay đo bằng tâm lý, thời gian có một đặc tính không bao giờ thay đổi là “trôi qua.” Khi một năm đã trôi qua, người ta thường ngồi lại suy nghĩ và tiếc những ngày mình đã bỏ phí. Điều đáng buồn với nhiều người là số thời gian bỏ phí này quá nhiều.
Sau khi nói rằng: “Một ngàn năm trước mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi.” Tác giả Thi-Thiên cũng nói thêm rằng: “Xin Chúa dạy cho tôi biết đếm số ngày của tôi, để tôi được lòng khôn ngoan.” Như vậy, “khôn ngoan” tức là biết đếm số ngày của đời mình, và biết dùng thời gian của cuộc đời tạm này để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời sau này.
Nếu chúng ta đem so sánh đời sống của người già trước tuổi với đời sống người già đúng tuổi, chúng ta thấy quá tội nghiệp cho người già trước tuổi như em bé Penny. Nhưng 5 năm của em Penny, cũng như bảy, tám chục tuổi của Maurice Chevalier đều đã trôi qua. Bảy mươi hay 80 đem so với 5 tuổi thì dài thật, nhưng nếu đem so với thời gian đời đời thì dù 70, 80,100 hay 1,000 năm đều chẳng có nghĩa lý gì cả.
Nhưng tại sao chương trình Điện Thoại Phúc Âm lại cứ nói đến cái bất lực của em Penny, của Lamartine, của Maurice Chevalier, hay nói chung là cái bất lực của cả nhân loại khi đứng trước cái thời gian đời đời? Chúng tôi nhắc thực sự đó để làm nổi bật cõi đời đời, là cuộc sống hạnh phúc bất tận mà quí vị sẽ hưởng, khi quí vị tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu là Đấng đã phán rằng: “Ta ban cho chiên ta sự sống đời đời, chiên ta chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai có thể cướp chiên đó ra khỏi tay ta.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org