Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Thiếu Chuẩn Bị

Điện Thoại Phúc Âm: Thiếu Chuẩn Bị

Điện Thoại Phúc Âm: Thiếu Chuẩn Bị

 

Thiếu Chuẩn Bị

Đời sống ở những xứ Tây-phương tuy có nhiều tiện nghi, nhưng cũng có nhiều điều thật rắc rối. Mỗi tháng phải viết chi phiếu trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm v.v… Mỗi năm phải lo khai thuế lợi tức, thuế tài sản, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm nhà cửa, phải điền bao nhiêu thứ mẫu giấy tờ của chính quyền, của trường học.

Người chủ gia đình nếu không biết các thủ tục này cũng phải đi hỏi bạn bè, đi thuê người chuyên môn, và phải làm đủ mọi thứ giấy tờ mới sống nổi. Nhưng lỡ người chủ gia đình qua đời thình lình, thì cả là một cái tai nạn cho vợ con. Biết bao nhiêu người cố vấn pháp luật, cố vấn bảo hiểm v.v… phải nghe lời than này: mấy lâu nay chồng tôi lo hết cả, tôi có biết chi đâu!

Ở đây chúng ta thấy một tình trạng thiếu chuẩn bị. Chúng ta đã nhiều lần nói đến tình trạng thiếu chuẩn bị của người qua đời thình lình, phải rời cõi đời này để bước vào một cõi đời đời đen tối mù mịt. Nhưng lần này, chúng ta sẽ nghĩ đến tình trạng thiếu chuẩn bị của những người còn sống. 

Thực sự thì trừ trường hợp không thể chuẩn bị vì thiếu phương tiện, chứ ở các xứ Tây-phương người ta vẫn lo chuẩn bị nhiều thứ lắm. Như bảo hiểm nhân thọ là một cách chuẩn bị cho người sống. Người chủ gia đình sợ vợ con mình có thể lâm cảnh túng thiếu, lo mua bảo hiểm nhân thọ, để nếu lỡ mình chết thình lình thì vợ con sẽ lãnh được một món tiền lớn làm vốn sinh sống. Người mua nhà cửa xe cộ cũng có loại bảo hiểm để gặp trường hợp họ chết bất ngờ, số tiền nợ sẽ được hãng bảo hiểm thanh toán và vợ con khỏi bị mất nhà, mất xe. 

Để dành tiền trong quỹ tiết kiệm, mua quốc trái và đóng tiền vào quỹ an sinh xã hội cũng là những cách chuẩn bị cho người sống. Nhưng các việc chuẩn bị tiền bạc nhà cửa, xe cộ chỉ mới là phần chuẩn bị vật chất, và dù cho vật chất có được chuẩn bị đầy đủ đến đâu, một khi biến cố xảy ra trong gia đình, thì tinh thần người ta liền dao động.

Có người so sánh tâm hồn con người với mặt nước hồ thu. Khi không có gió thì mặt nước phẳng lặng, nhưng chỉ một luồng gió nhẹ thoảng qua cũng đủ gây xao xuyến. Chúa Cứu Thế biết rõ tâm trạng chúng ta như vậy, nên Ngài dạy rằng: “Lòng các con chớ hề bối rối,” tức là lòng các con đừng để bị giao động.

Có hai nguyên nhân gây cho lòng ta giao động. Nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân nội tâm, tức là từ bên trong mà ra, và nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân ngoại cảnh, tức là từ bên ngoài mà vào.

Cái nguyên nhân từ bên trong mà ra là cái nguyên nhân đã làm cho loài người bị xa cách Đấng Tạo Hóa, và đã làm cho Chúa Cứu Thế phải hi sinh chết trên cây thập tự. Thánh Kinh chép rằng: “Ấy là gian ác các ngươi đã làm các ngươi xa cách Đấng Tạo Hóa, và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi,” và rằng: “Chúa Cứu Thế đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Thánh Kinh.”

Thánh Kinh quả quyết rằng Chúa Cứu Thế sẵn sàng thanh toán cái nguyên nhân nội tâm của chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Chúa, vì “Huyết của Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta.”

Một khi đã thanh toán được cái nguyên nhân nội tâm, tức là tội lỗi trong lòng, thì nguyên nhân từ bên ngoài không còn đe dọa ta được nữa, vì chính Đấng Tạo Hóa đã hứa với con cái Ngài rằng: “Con sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời con, trong cơn gian truân, Ta sẽ ở với con và giải cứu con!”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top