Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Đàng – Bài 2

Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Đàng – Bài 2

Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Đàng – Bài 2

 

Thiên Đàng – Bài 2

Bản tin của Hợp Tấn-xã ngày 15 tháng 10 vừa qua có một tin chỉ vỏn vẹn có mấy giòng. Tin đó nói rằng: “Ông bà Ray, ở tiểu bang Wisconsin vừa rút đơn xin nuôi con nuôi.” Trước đây ông bà này nạp đơn xin nuôi con nuôi, nhưng Sở Y-Tế và An-Sinh Xã-hội của tiểu bang đã bác đơn, vì cả hai ông bà đều quá mập. Ông Ray nặng 215 pounds, còn bà Ray cũng đến 210 pounds. Bản tin rất ngắn, không giải thích tại sao người quá mập lại không được phép nuôi con nuôi. Có lẽ Hợp Tấn-xã muốn nói vắn tắt như vậy để chúng ta chú ý và suy nghĩ rồi tìm cách đoán thử tại sao người mập lại không được nuôi con nuôi. Bản tin không giải thích, cũng như chuyện không có kết luận. Nó làm cho người nghe thắc mắc, suy nghĩ. Có khi cái suy nghĩ ấy làm cho chúng ta thích thú, nhưng cũng có lúc làm chúng ta bực bội vì đoán không ra lý do, hoặc vì đoán ra quá nhiều lý do mà không biết chắc lý do nào thật đúng.

Có lẽ quí vị cũng gặp cảnh bực bội lúng túng đó khi nghe các nhà đạo đức, các tôn giáo kể câu chuyện đời người. Các vị đó mỗi người kể theo một khía cạnh khác, nhưng họ hoàn toàn đồng ý ở điểm chính là: đời là bể khổ, con người bất toàn và vì vậy con người phải tu tâm, sửa tính, phải làm lành lánh dữ để cải thiện cuộc đời. Nhưng khi đến kết luận, tức là khi đến chỗ sau khi chết, con người sẽ đi đâu thì ý kiến các nhà tôn giáo hoàn toàn khác nhau. 

Trong khi một nhà đại hiền triết Á-đông, là người đã xây dựng được nền luân lý cao đẹp, đã nhất quyết, không đề cập đến cõi đời đời, thì môn đệ của một nhà đại hiền triết khác lại đề cập đến cả địa ngục lẫn thiên đàng. Quan niệm địa ngục của các vị này chỉ khác quan niệm địa ngục của các triết gia Hy-Lạp về chi tiết chứ trên căn bản thì cả hai quan niệm đều giống nhau ở chỗ hình phạt và tình trạng đau đớn khốn khổ của người bị đày xuống đấy. Còn về thiên đàng, thì môn phái này cho đó là một thế giới có rượu ngon, có gái đẹp, có hưởng thụ theo quan niệm hưởng lạc của giới quí tộc đời xưa. Ngược lại, một tôn giáo khác coi cõi thiên đàng cực lạc là một chữ “không” tuyệt đối: không ham muốn, không dục vọng, không yêu, không ghét. 

Như vậy, thiên đàng là gì mà mù mờ quá như vậy? Cuộc đời có phải là câu chuyện không đoạn kết, để ai muốn đoán thế nào thì đoán, muốn hiểu thế nào thì hiểu không? Thiên đàng đời đời có phải chỉ là một cuộc sống hưởng thụ những hạnh phúc tầm thường, như nhiều người thường nghĩ không? 

Muốn tìm ra câu trả lời dứt khoát, chúng ta phải tìm cho được vị nào thực sự đã sống ở thiên đàng. Nếu tôi là một người tị nạn đang sống ở một đảo nhỏ bên Mã-Lai mà muốn biết về cuộc sống bên nước Đức chẳng hạn, chắc chắn tôi không đến với một người Mã-Lai chưa hề xuất ngoại, cũng không đến với một người Việt-Nam chưa hề biết nước Đức. Người tôi phải kiếm cho được để hỏi về cuộc sống bên Đức phải là người đã có kinh nghiệm tai nghe mắt thấy cuộc sống thực sự ở nước Đức. Chúa Giê-xu phán rằng: “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống.” Đấng từ trời xuống là Chúa Cứu Thế, là người duy nhất có đủ thẩm quyền nói cho ta biết về thiên đàng. Vậy Ngài đã nói gì về cõi đời đời, về nước thiên đàng? 

Trước hết, Chúa Giê-xu gọi thiên đàng là “Nhà Cha.” Chỉ có hai chữ rất ngắn, nhưng đã nói lên rất nhiều về một nơi thân yêu ấm cúng, như người Việt ta vẫn thường gọi là nơi quê cha, đất tổ vậy. Tuy hiện nay chúng ta chưa về thiên đàng, nhưng khi nghe Chúa gọi thiên đàng là quê cha đất tổ của chúng ta, thì chúng ta cảm thấy một cái gì thiêng liêng hơn cả những điều mà bài ca “Làng Tôi” mô tả nữa. 

Chúa Giê-xu cũng gọi thiên đàng là nơi ở của những người giống như thiên thần, tức là không còn phân biệt đàn ông đàn bà, theo lời Chúa phán rằng: “người đời này lấy vợ gã chồng song những người được kể đang dự phần đời sau và đang từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng, vì họ không chết được nữa nhưng giống như các thiên thần, và là con của Đấng Tạo Hóa.” Thiên đàng cũng là nơi không bao giờ có tối tăm, không có lời cay đắng nguyền rủa, không còn đau đớn, than vãn. Trái lại thiên đàng là nơi trọn vẹn hạnh phúc, yêu thương và vui mừng, không phải thứ hạnh phúc ở đời mà chúng ta có mãi rồi cũng chán. 

Sau khi nghe những lời chính Chúa Cứu Thế nói về thiên đàng, chắc quí vị muốn biết tôi phải làm chi để được tiếp nhận vào thiên đàng? Một câu hỏi được lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, và đã được giải đáp rõ ràng rằng: “Ai tin nhận Chúa Cứu Thế thì được Ngài ban cho quyền năng trở nên con cái của Đấng Tạo Hóa.” 

Mấy chữ “con cái của Đấng Tạo Hóa” rất quan trọng. Thiên đàng là Nhà của Đấng Tạo Hóa, và cũng gọi là Nhà Cha, tức là Đấng Tạo Hóa chỉ tiếp nhận con cái của Ngài, và chúng ta chỉ có thể trở thành con cái Đấng Tạo Hóa nếu chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đấng đã yêu thương chúng ta, và đã lấy huyết Ngài cứu chuộc chúng ta.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top