Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Đàng

Điện Thoại Phúc Âm: Thiên Đàng

Thiên Đàng

Để trả lời câu hỏi: “Theo quan niệm của quý vị thì thiên đàng là gì?” Nhà văn Stanley Elkin đã trả lời rằng: “Theo ý tôi thì thiên đàng là nơi có được vui thú trong khoảng 17 giây đồng hồ.” Kịch sĩ Ruth Gordon nói rằng: “Theo tôi thì thiên đàng là chỗ người này không can thiệp vào công việc của người khác, và cũng là chỗ có nhiều bữa ăn thật ngon!” Kịch sĩ Michael Caine người Anh lại nói rằng: “Theo tôi thì thiên đàng là tòa lâu đài Leeds ở xứ Kent, là lâu đài xung quanh có hào sâu, nằm giữa một cái hồ rất đẹp, và ở ngay chính giữa nước Anh.”

Nếu ai đem câu hỏi này hỏi một người Á-đông, có lẽ người ấy sẽ liên tưởng đến câu chuyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai, rồi trả lời rằng: “Thiên đàng là nơi có các tiên nữ xinh đẹp.”

Thiên đàng có thật sự giống như điều người ta tưởng tượng không? Mặc dù trí tưởng tượng của các nhà văn, kịch sĩ Tây-phương và của người Á-đông chúng ta có khác nhau về hình thức, vì có người thì thích thú vui, có người thích món ăn ngon lành, người khác lại thích lâu đài đẹp đẽ hay tiên nữ xinh đẹp, nhưng chung quy lại tất cả tưởng tượng và ưa thích của họ đều hướng về lòng tham dục của con người. Những ước muốn thầm kín của con người, cũng như những lời họ bộc lộ ra về thiên đàng đã chứng tỏ rằng khái niệm của con người về thiên đàng chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong ba cái vòng tội lỗi mà Kinh Thánh đã nói là: “Mọi sự trong thế gian, như tham dục của xác thịt, tham dục của mắt, và kiêu ngạo của đời, đều không từ Thượng Đế đến, nhưng từ thế gian mà ra.”

Như vậy thiên đàng là gì, và ai có đủ điều kiện để vào đấy? Ngay trước lúc lên thập giá để chịu chết thay thế cho nhân loại, Đức Chúa Giê-xu có phán bảo các môn đệ Ngài rằng: “Ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ ở, khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ ở cho các con rồi, Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, để cho Ta ở đâu thì các con cũng ở đó.” Mấy chữ cuối cùng của câu này “Ta ở đâu thì các con cũng ở đó” đã định nghĩa rõ rệt thiên đàng.

Thiên đàng là chỗ Thượng Đế ở với con cái của Ngài. Chỗ Chúa ngự trị lúc nào cũng có các vị thiên thần tôn vinh chúc tụng Chúa rằng: “Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! là Thượng Đế Toàn Năng, khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài!” Với bản tính thánh khiết tinh sạch tuyệt đối, Thượng Đế không thể nào chấp nhận những tư tưởng hay ý niệm phàm tục của con người, hay những hành vi đen tối, vì “Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài chẳng có tối tăm đâu.”

Thiên đàng cũng là nơi tràn ngập tình yêu của Thượng Đế, vì mỗi khi chúng ta nhắc đến Thượng Đế là chúng ta nhắc đến tình yêu thánh khiết và sáng láng, khác hẳn với tình yêu của con người, là tình yêu pha lẫn với tham dục của mắt, tham dục của xác thịt và kiêu ngạo của đời.

Và theo Kinh Thánh thì thiên đàng cũng là nơi tràn ngập sự hiểu biết và kính sợ Thượng Đế. Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa đời đời, Ngài vô tận cả trong không gian lẫn trong thời gian, nhưng khi ở thiên đàng, chúng ta được Thượng Đế khải thị để có thể hiểu biết về Ngài. Ở thiên đàng, cái hiểu biết của chúng ta càng ngày càng tiến và càng thâm thúy hơn, nhưng cũng không bao giờ có điểm tận cùng.

Còn một khía cạnh khác nữa, là khi ở thiên đàng chúng ta sẽ tiếp tục xưng Đức Chúa Giê-xu là Chiên Con của Thượng Đế cho đến đời đời. Việc con cái của Thượng Đế xưng Đức Chúa Giê-xu là Chiên Con của Thượng Đế đã chứng tỏ rằng: tất cả mọi người được tiếp nhận vào thiên đàng là người đã hưởng ân phúc cứu rỗi do Đức Chúa Giê-xu thực hiện trên thập giá khi Ngài gánh vác tội lỗi chúng ta mà chịu chết.

Nhắc đến danh hiệu Chiên Con của Thượng Đế tức là nhắc lại lúc tội lỗi của chúng ta đã chồng chất trên thân thể Chúa Giê-xu, và lúc lòng chúng ta được huyết Chúa rửa sạch tất cả mọi gian ác. Nhắc nhở danh hiệu Chiên Con của Thượng Đế là một cách tỏ lòng biết ơn sâu xa đời đời của những người đã được Chúa cứu chuộc, vì ở thiên đàng chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng: ngay khi chúng ta còn là con người tội lỗi, thì Đức Chúa Giê-xu đã vì chúng ta chịu chết.

Với tấm lòng nặng tham dục của đời, loài người – dù là người Tây-phương hay Đông-phương – cũng đều không thể nào có được một khái niệm đúng đắn về thiên đàng. Nhưng một khi đã tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu và được sinh lại làm con cái của Thượng Đế, chúng ta được Ngôi Ba Thượng Đế là Đức Thánh Linh đến dạy cho chúng ta biết chân lý toàn diện, và dùng Thánh Kinh để hướng dẫn chúng ta hiểu biết và yêu mến thiên đàng. Khi đó lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-xu, xin hãy đến!” sẽ là một lời cầu nguyện thiết tha, phát xuất từ tấm lòng hướng về Trời, về nơi Quê Hương đời đời của chúng ta.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top