Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Phê Bình, Lên Án

Điện Thoại Phúc Âm: Phê Bình, Lên Án

Phê Bình, Lên Án

Theo một bài khảo cứu của ông Thomas Chacko, viện đại học Iowa, đã đăng trong tạp chí Khảo Cứu Giáo Dục, thì sinh viên có khuynh hướng phê bình giáo sư tùy theo cách giáo sư chấm điểm họ.  Ông Chacko có trưng dẫn một trường hợp: một vị giáo sư kia dạy hai lớp và cho cả hai lớp cùng làm chung một bài thi. Đến khi chấm thi, giáo sư cố tình chấm bài thi của sinh viên lớp thứ nhất cách khá gắt gao; nhưng lại chấm bài thi của sinh viên lớp thứ hai cách rộng rãi hơn.

Khi được hỏi họ nghĩ thế nào về giáo sư, thì sinh viên lớp thứ nhất đã nói rằng: giáo sư dạy không mấy hữu hiệu, có trình độ hiểu biết thấp, không chuẩn bị bài dạy cách kỹ càng, thiếu tự tin, thiếu óc trào lộng, có thái độ không thích hợp với sinh viên, v.v…

Sinh viên bị giáo sư chấm điểm gắt gao đã phê bình giáo sư cách khắc khe không phải là một điều gì mới lạ cả, vì đấy là thường tình của con người. Nhưng điểm chúng ta cần để ý là: người này có đủ tư cách và thẩm quyền để phê bình chỉ trích người khác không?

Người ta thường thích phê bình người khác mà không cần biết mình có tư cách và thẩm quyền không. Người ta chẳng những phê bình, chỉ trích, chê bai, mà có khi còn lên án người khác cách nặng nề nữa.  Vì vậy, Chúa Cứu Thế đã dạy môn đồ rằng: “các con đừng lên án ai, để khỏi bị lên án.  Vì các con lên án người ta cách nào, họ sẽ lên án các con cách ấy.  Các con lường cho người ta mức nào, họ sẽ theo mức ấy lường lại cho các con.  Sao các con nhìn thấy cái dằm trong mắt người khác, mà không biết có cả khúc gỗ trong mắt mình? Sao các con dám nói: để tôi lấy giúp cái dằm trong mắt anh, trong khi khúc gỗ đang nằm sờ sờ trong mắt mình? Hạng đạo đức giả!  Trước hết phải lấy khúc gỗ ra khỏi mắt mình, rồi mới có thể thấy rõ và giúp đỡ người khác.”

Chúa không cấm chúng ta phê bình xây dựng với tinh thần yêu thương giúp đỡ người khác. Nhưng người ta phê bình xây dựng thì ít, mà chỉ trích đả phá thì nhiều. Khi chỉ trích đả phá, người ta vừa muốn bêu ra cái dở, cái xấu của người, vừa để khoe khoang cái hay cái tốt của mình. Khi chỉ trích người khác với tinh thần đó, người ta đã đứng vai quan tòa mà lên án người khác. Đấy chính là điều Chúa cấm, vì đã là con người, ai cũng bất toàn và không ai có đủ tư cách hay thẩm quyền lên án người khác cả.

Chỉ có Thượng Đế có đủ tư cách lên án loài người vì Thượng Đế là Đấng Toàn Thiện, và cũng chỉ có Thượng Đế mới có thẩm quyền, vì Thượng Đế Toàn Tri và thấu rõ mọi uẩn khúc trong đáy lòng con người.

Nhưng khi nghĩ đến việc Thượng Đế lên án loài người, chúng ta không thể nào quên được rằng: theo Thánh Kinh, thì động từ “lên án” đồng nghĩa với động từ “kết tội,” và “lên án” luôn luôn dẫn đến hình phạt, thứ hình phạt kinh khiếp đời đời dành cho người chống nghịch Thượng Đế.

Mặc dù việc lên án và hình phạt tội lỗi là một hành động thánh khiết công minh của Thượng Đế, nhưng với bản tính yêu thương, Thượng Đế không muốn lên án ai cả, nhưng muốn cho mọi người đều được cứu rỗi và hưởng lấy ân phúc của Thượng Đế. Vì vậy Thượng Đế đã thực hiện công cuộc cứu rỗi nhân loại bằng cách đem tất cả tội lỗi chúng ta, từ tội lớn đến tội nhỏ, mà chất lên trên Chúa Cứu Thế Giê-xu và hình phạt tội lỗi đó trong thân thể Chúa khi Ngài treo thân trên thập tự giá, cho nên: “người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa.”

“Người thuộc về Chúa Cứu Thế” là người lấy lòng tin thành thật tiếp nhận Phúc Âm, chấp nhận rằng mình là người bất toàn, đáng bị Thượng Đế kết tội và hình phạt, nhưng tội của mình đã được Chúa Cứu Thể gánh vác.  Người đó đã mở lòng ra tiếp nhận Chúa, đã được huyết Chúa rửa sạch tội lỗi, và đã được Thượng Đế sinh lại làm con cái của Ngài.

Theo lời Thánh Kinh thì ngày tận thế, là ngày Thượng Đế lên án, kết tội và hình phạt thế gian đã gần đến rồi.  Nhưng ai tiếp nhận Chúa sẽ thoát khỏi hình phạt, vì Thượng Đế đã hứa chắc chắn rằng: “Người thuộc về Chúa Cứu Thế sẽ không bị kết tội nữa.”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Comments (4)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top