Điện Thoại Phúc Âm: Ô Nhiễm
Ô Nhiễm
Hiện nay tại các nước kỹ nghệ tân tiến, nạn ô nhiễm (pollution) là một nạn rất trầm trọng, có lẽ chỉ đứng sau nạn lạm phát và nạn thất nghiệp.
Không khí bị ô nhiễm vì khói nhà máy, khói xe hơi, khói thuốc lá; sông ngòi ô nhiễm vì các nhà máy trút cặn bã hóa học vào các giòng sông; các làn sóng điện TV và radio bị ô nhiễm vì những chương trình phi luân.
Các loại ô nhiễm này đang đầu độc cả thể xác lẫn tinh thần người ta, và mặc dầu nhiều người thức thời đã gióng lên tiếng chuông báo động, người gây ra ô nhiễm vẫn chưa phục thiện và người bị ô nhiễm vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được mối hiểm họa đang đe dọa mình.
Vào năm 1976, Quốc hội Hoa-kỳ thông qua hai đạo luật để kiểm soát việc sản xuất các chất hóa học, và để thanh toán các chất cặn bã hóa học từ các nhà máy sản xuất ra.
Từ sau Thế chiến Thứ Nhì, kỹ nghệ hóa chất của Mỹ bành trướng hết sức mau lẹ, và các loại cặn bã hoá chất, cũng như các hóa chất phế thải được các công ty hoá chất đem chôn bừa bãi khắp nước. Người ta tính có đến 50 ngàn nghĩa địa hoá chất khắp nước Mỹ. Trong số này, ít nhất có đến 2,000 địa điểm bị kể là rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Như vào tháng tư vừa rồi, một nghĩa địa hoá chất ở tiểu bang New Jersey thình lình nổ bùng và bốc cháy làm hàng mấy trăm người sống ở gần đấy bị nhiễm độc.
Cơ quan hữu trách gọi các nghĩa địa hóa chất này là “tội lỗi của quá khứ” và nêu ra câu hỏi “ai sẽ trả giá để chuộc lại cái tội lỗi của thứ này?” Không biết khi dùng đến chữ “tội lỗi của quá khứ,” cơ quan hữu trách này có liên tưởng đến tội lỗi của quá khứ trong tâm hồn con người hay không?
Khi nghĩ đến tội lỗi của quá khứ chúng ta nhớ ngay đến câu chuyện một nhà hiền triết Á-đông đã lấy một hột đậu đen bỏ vào cái bình mỗi khi ông ta có một tư tưởng hay một hành động không tốt, và bỏ một hột đậu trắng vào bình khi có một tư tương hay hành động đáng khen. Câu chuyện đó kể rằng: lúc đầu trong bình có nhiều đậu đen hơn đậu trắng, lấn lần số đậu đen và đậu trắng bằng nhau, và cuối cùng không còn một hột đậu đen nào cả.
Chúng ta cứ giả sử rằng nhà hiền triết này đã thành công trong việc kiềm chế và kiểm soát tư tưởng với hành động, để không còn một y tưởng xấu hay một hành động sai quấy nào cả. Dù cho có được như vậy đi nữa, ông ta vẫn không thể nào đền bù được nhưng lỗi lầm ông ta đã phạm trong quá khứ, kể cả những ý nghĩ giận, hờn, tham, v.v… mà ai cũng có ngay từ lúc còn bé bỏng.
Chúng ta chỉ giả sử là nhà hiền triết đã thành công trong việc kiềm chế tư tưởng mình, chứ thực sự trong đời này có ai dám vỗ ngực tuyên bố rằng ta đây đã toàn thánh,,toàn thiện đâu? Nếu nhà hiền triết có thể tuyên bố như vậy, thì Ấ-đông ta đã không có câu châm ngôn “nhân vô thập toàn,” và Kinh Thánh đã không quả quyết rằng: “Chẳng có một ai thánh thiện cả, dù một người cũng không.”
Vì căn bệnh tội lỗi đã ăn sâu vào tâm hồn con người, và sức thiên nhiên của người ta không sao thanh toán tội lỗi được, nên Đấng Tạo Hóa đã tìm ra một giải pháp siêu nhiên để thanh toán tội lỗi và cứu rỗi loài người. Giải pháp ấy được biểu hiệu bằng cây thập tự là cây thánh giá, tượng trưng cho việc Chúa Cứu Thế hi sinh chịu chết để đền bù tội lỗi cho cả nhân loại.
Loài người không thể trả giá để chuộc lại tội lỗi của quá khứ, của hiện tại và của cả tương lai, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm trọn công cuộc cứu chuộc nhân loại, theo lời Kinh Thánh rằng: “Chúa đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org