Điện Thoại Phúc Âm: Niềm Tin Giáng Sinh – Bài 1
Niềm Tin Giáng Sinh – Bài 1
Khi loan báo tin Thượng Đế Ngôi Hai tình nguyện xuống trần làm người, sinh ra làm một Hài Nhi với thể xác bằng xương bằng thịt của con người, một vị thiên thần, là sứ giả của Thượng Đế có nói với mấy anh mục đồng rằng: “Đừng sợ, tôi đến báo cho các anh một tin mừng.” Tin mừng này được Thánh Kinh gọi là tin mừng lớn, tin mừng trọng đại, liên hệ đến toàn thể nhân loại trong mọi thời đại. Tin mừng này đã đem lại cho mấy anh mục đồng một niềm tin mãnh liệt, vì vừa nghe tin, họ đã vội vã ra đi, tìm tới làng Bết-lê-hem và đã gặp được Ấu Chúa mới giáng sinh, đang quấn khăn nằm trong máng cỏ.
Từ đó đến nay đã gần 2000 năm, tin mừng giáng sinh đã đem lại niềm tin cho hàng triệu triệu người khắp năm châu bốn biển, Niềm Tin đã đưa họ vào con đường sống, giải cứu họ ra khỏi biển trầm luân tội lỗi và đưa họ đến cõi tươi sáng hạnh phúc bất tận.
Việc Chúa Cứu Thế giáng sinh là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, đã chia đôi dòng lịch sử, lấy năm Chúa giáng sinh làm gốc thời gian, chia ra những việc đã xảy ra trước đấy là “trước Giáng Sinh,” “trước Công Nguyên,” còn tất cả những việc xảy ra sau đó được tính bằng số năm như năm 1986 là 1986 năm sau Công nguyên hoặc sau Chúa Giáng Sinh. Khắp thế giới ai cũng chấp nhận sự kiện lịch sử này, nhưng một số người vẫn cho rằng việc Chúa Giáng Sinh chỉ là một biến cố ngẫu nhiên, một việc tình cờ đã xảy ra như trăm ngàn việc ngẫu nhiên tình cờ khác.
Khi học lịch sử thế giới hay lịch sử của quốc gia này, dân tộc nọ, chúng ta thấy có những nhân vật xuất chúng, những vị anh hùng nổi bật lên trong lịch sử, và thường cho họ là những vị anh hùng đã tạo nên thời thế. Như khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam vào cuối thời Hậu Lê, khi hai họ Trịnh Nguyễn phân tranh, có một vị anh hùng áo vải là Nguyễn Huệ đã cùng anh em là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ nổi lên từ tỉnh Bình Định, rồi đã dẹp tan hai họ Trịnh Nguyễn và đánh tan đại binh của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long để lên ngôi vua, là vua Quang Trung. Khi đọc khúc lịch sử này, nhiều người cho rằng vua Quang Trung Nguyễn Huệ là vị anh hùng đã tạo nên thời thế. Nhưng trên vua Quang Trung còn có bàn tay toàn năng lúc nào cũng cầm quyền tối cao trên cả lịch sử nhân loại cũng như trên hơi thở của từng con người. Bàn tay ấy dùng vua Quang Trung để cứu nước Việt Nam, nhưng dù tài ba đến đâu, vua Quang Trung cũng không ra khỏi bàn tay tể trị toàn năng của Thượng đế. Vua đã mất đi lúc còn trẻ, khi mộng lớn chưa thành và kế hoạch của nhà Tây Sơn chẳng bao lâu đã sụp đổ hoàn toàn.
Nhưng việc Chúa Cứu Thế là Thượng Đế Ngôi Hai giáng sinh vào đời là một kế hoạch vững chắc đời đời của Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ. Thượng Đế đã thiết kế, chuẩn bị, rồi ghi rõ từng chi tiết tin mừng giáng sinh trong suốt cả bộ Thánh Kinh Cựu Ước là bộ sách đã được chép từ 1500 đến 700 năm trước Công nguyên, tức là cách đây từ 2700 năm đến 3500 năm. Những lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước về Tin Mừng Giáng Sinh rất quan trọng cho niềm tin và số phận đời đời của chúng ta, nên Thánh Kinh Tân Ước có ghi lại lời của thánh Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta rằng: “Những điều chính mắt chúng tôi đã thấy càng chứng tỏ lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước là xác thực.” Vì thế anh em phải lưu ý đến những lời tiên tri ấy, xem như ngọn hải đăng giữa biển đời mù mịt. Khi anh em suy nghiệm chân lý của lời tiên tri, ánh rạng đông sẽ bừng lên giữa cảnh tối tăm, và Chúa Cứu Thế sẽ soi sáng tâm hồn anh em.
Ngọn hải đăng, hay ngọn đèn pha, được dùng ở các hải cảng để hướng dẫn những chiếc tàu biển biết đúng đường và tránh được đá ngầm, hay những chỗ nguy hiểm để đưa tàu vào đến bến bờ bình an. Lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước được gọi là “ngọn hải đăng giữa biển đời mù mịt,” kèm theo lời hứa nói rằng: khi chúng ta suy nghiệm chân lý của lời tiên tri, ánh rạng đông sẽ bừng lên giữa cảnh tối tăm và chính Chúa Cứu Thế sẽ soi sáng tâm hồn chúng ta. Vì vậy, nhân dịp Mùa Giáng Sinh năm nay, chúng tôi xin trưng dẫn một số lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước đề cập đến ba điểm căn bản của niềm tin giáng sinh, đó là: (1) Chúa Cứu Thế chính là Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa; (2) mục đích Chúa giáng sinh là để chịu chết trên cây thập tự, đổ huyết ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta, và (3) Chúa sẽ trở lại lần thứ hai để làm vua. Kính mời quý vị đón nghe những bài kế tiếp.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.