Điện Thoại Phúc Âm: Ngó Lên
Ngó Lên
Một tạp chí mang tên là “Tạp Chí Lạc Quan” có chép lại câu chuyện sau đây do một triết gia kể: “Một thanh niên nọ một ngày kia lượm được một tờ giấy bạc 2 mỹ kim. Từ hôm đó trở đi, mỗi khi ra đường là thanh niên này cúi gầm mặt xuống đất, và trong khoảng thời gian 40 năm, người này lượm được 29,516 cái nút áo, 57,172 cây kim găm, bảy đồng tiền và một cái lưng khòm cúp. Trong khi đó, người ấy không thấy được nụ cười của bạn bè, không thấy được các vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên, và mất hẳn cơ hội phục vụ đồng loại mình.”
Tạp chí Lạc Quan không nói rõ đây là một câu chuyện tưởng tượng hay chuyện có thật, nhưng dù thật hay tưởng tượng, câu chuyện này đáng cho ta chú ý, nhất là ở hai điểm: ngó cái gì, và được cái gì?
Thanh niên trong câu chuyện cúi gầm mặt xuống để ngó mặt đường, để được những món lặt vặt người khác đánh rơi. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng thanh niên này dại quá, tại sao không ngó tới để thấy một cái bằng cấp đủ bảo đảm công ăn việc làm vững vàng, rồi thấy một thiếu nữ xinh đẹp tâm đầu ý hợp với mình, để thấy một cảnh gia đình ấm cúng vợ đẹp con xinh, rồi sau đó thấy cảnh hưu trí an hưởng tuổi già, và cuối cùng thấy một đám tang linh đình bạn bè đông đảo đưa mình đến nghĩa địa.
Chúng ta vừa thử tóm tắt cuộc sống của một người có thể gọi là thành công ở đời, có thể gọi là hạnh phúc, một cuộc sống ngó tới khác hẳn với cuộc sống của thanh niên ngó gầm mặt xuống đường.
Nhưng tại sao cái khác ấy chỉ đến cái chỗ vào nghĩa địa là hết? Tức là chỉ khác được bốn năm chục năm, hay quá lắm là một trăm năm, rồi cũng giống nhau hoàn toàn, vì cả hai trường hợp, dù có cúi gằm mặt xuống hay nhướng mắt ngó tới, cũng chỉ thấy đến ngày chết là hết.
Triết gia đã kể lại câu chuyện thanh niên cúi gầm mặt xuống, đã đưa ra một triết lý khá cao để khuyên dạy người đời đừng chú ý đến cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái đẹp của thiên nhiên, cái tình bằng hữu cao đẹp, cái lòng vị tha cao quí khi phục vụ đồng loại mình, nhưng triết lý đó chỉ dẫn đến cái ngày chết là hết.
Thánh Kinh cũng dạy chúng ta ngó lên trời để nhìn xem công việc của Đấng Tạo Hoá, cũng dạy ta phục vụ đồng bào đồng loại, nhưng Thánh Kinh còn dạy ta phải có tầm mắt nhìn thấy xa hơn, để thấy những cái gì còn lại đời đời kiếp kiếp, tức là những cái không chấm dứt vào ngày chúng ta buông tay nhắm mắt.
Trong bức thư gởi cho người Do-thái, thánh Phao-Lô có nhắc lại gương của các vị thánh tổ, và viết rằng: “”Những vị này xưng mình là lữ khách và bộ hành trên đất, vì họ ham mến một quê hương tốt hơn quê hương ở trần thế, tức là quê hương ở trên trời.”
Nói đến quê hương, chúng ta không thể nào quên được quê hương yêu quí của chúng ta, và hi vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở về, không phải chỉ về để sống ở quê hương mà thôi, nhưng còn muốn được vinh dự gởi nắm xương tàn ở quê cha đất tổ.
Hi vọng thật cao quí, và thật hợp với tinh thần yêu quê hương của người con dân Nước Việt. Nhưng chúng ta cũng cần thấy xa hơn, cũng cần ngó lên. Vì sau khi gởi nắm xương tàn xuống ba tất đất, mỗi người còn phải trình diện trước Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, và để được Chúa tiếp rước vào quê cha đất tổ đời đời ở trên trời, hay bị vào cõi tối tăm đời đời, xa cách Đấng Tạo Hóa.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org