Điện Thoại Phúc Âm: Máy Dò Nói Dối

Máy Dò Nói Dối
Ở nhiều nơi, máy dò nói dối không những được dùng ở các cơ quan công lực như cảnh sát công an, mà còn được nhiều sở tư sử dụng nữa, muốn sử dụng máy dò nói dối, người ta nối liền các điện cực của máy vào tay hay ngực để đo áp huyết của người bị điều tra, rồi hỏi những câu hỏi đã sắp sẵn. Trên nguyên tắc, kim đồng hồ máy dò cứ nhảy đều đặn cho đến khi người này nói dối thì kim nhảy loạn xạ.
Nhưng gần đây, tiến sĩ David Lykken của Viện Đại Học Minnesota đã nói rằng: ít nhất có từ 30 đến 40 phần trăm người bị máy dò nói dối buộc tội oan, vì máy này chỉ chính xác từ khoảng 60 đến 70 phần trăm. Lý do là vì máy không thể phân biệt những xúc cảm khác nhau có thể làm cho nhịp tim đập mạnh và làm cho hơi thở gấp rút; các xúc cảm đó có thể là mặc cảm tội lỗi, giận dữ, sợ sệt v.v… Những người vô tội thường dễ bực tức khi bị nghi oan, cũng như những người có mặc cảm tội lỗi thường bị máy dò nói dối tố cáo, mặc dù chưa chắc lúc đó họ đã nói dối.
Như vậy chính máy dò nói dối cũng có thể nói dối từ 30 đến 40 phần trăm, và nhiều người vô tội đã mất sở làm hay bị bỏ tù cách oan uổng. Có lẽ sau này khoa học sẽ tìm ra được phương pháp hữu hiệu hơn, hay phát minh được máy tinh vi hơn để dò nói dối, và để hiểu một phần nào lòng của con người. Lòng của người ta lúc nào cũng bí ẩn. Dù có máy dò nói dối, người ta cũng vẫn còn phải than như tổ tiên chúng ta rằng: “sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường?”
Người này không thể dò thấu tấm lòng của người khác đã đành, mà chính ta cũng không hiểu rõ lòng ta nữa. Không những vì các uẩn khúc, các thứ tình cảm rắc rối mà ta không thấy rõ được lòng mình như các thi sĩ và văn sĩ của phái lãng mạng thường than, mà chính là vì chúng ta không có một tiêu chuẩn nào hoàn toàn chính xác để đo lòng mình. Tiêu chuẩn của nền luân lý Á-đông mà chúng ta thường hãnh diện là nền luân lý rất cao, cũng không tránh được những tiêu chuẩn nước đôi, tức là áp dụng tiêu chuẩn này cho một hạng người, và áp dụng tiêu chuẩn khác cho hạng người khác. Ví dụ như trường hợp xã hội cổ xưa của chúng ta rất nghiêm khắc buộc phụ nữ phải theo tiêu chuẩn chính chuyên, tiết hạnh, trong khi đàn ông, từ vua cho đến dân thì…”càng cao danh vọng lại càng đa thê.” Văn hóa và tôn giáo cũng đã cho chúng ta thấy rằng tiêu chuẩn của người đặt ra không thể nào hoàn toàn chính xác được. Nhất là tôn giáo, đáng lý phải là tiêu chuẩn, vô tư chính xác, nhưng tôn giáo cũng đã bị nhiều quan điểm của người, như quan điểm văn hóa, chính trị, chủng tộc, quan điểm gia đình và quan điểm cá nhân làm cho lệch lạch.
Trong khi loài người không thể có tiêu chuẩn chính xác tuyệt đối, thì Đấng Tạo Hóa “nhìn thấy trong trí, và thử nghiệm trong lòng.” “Loài người xem bề ngoài, Đấng Tạo Hóa nhìn thấy trong lòng,” và tất cả những những gì thầm kín, những gì được người ta che đậy dưới bao nhiêu lớp vỏ, đều “trần trụi và lộ ra” như lời Kinh Thánh đã chép: “Chẳng có ai công chính thánh thiện cả dù một người cũng không! Chẳng có ai hiểu biết, chẳng một người nào tìm kiếm Đấng Tạo Hóa… Chẳng có ai làm điều lành, dù một người cũng không!”
Có người không đồng ý khi nghe những lời phán đoán nghiêm minh đó. Họ cho rằng” Loài người cũng có một số thiện nhân, thánh nhân, dù không tuyệt đối nhưng cũng là những vị xuất chúng; loài người cũng có những người hiểu biết, giác ngộ, cũng có người có thiện chí tìm kiếm Đấng Tạo Hoá, hướng về Đấng Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Kinh Thánh không phủ nhận sự thật đó, nhưng đức công chính thánh thiện của loài người chỉ là tương đối, cái hiểu biết và giác ngộ của người chưa đến độ sáng suốt tuyệt đối. Trong khi đó Đấng Tạo Hóa chỉ áp dụng tiêu chuẩn tuyệt đối, như mạng lệnh này của Chúa đã phán: “Các con hãy nên toàn vẹn, như Cha các con ở trên trời là toàn vẹn.” Trong một câu ngắn, Chúa dùng chữ toàn vẹn hai lần, và bảo chúng ta phải toàn vẹn, toàn thiện, toàn mỹ như Đấng Tạo Hóa, là Đấng Toàn vẹn. Tiêu chuẩn của Chúa như vậy, ai theo cho kịp? Á-đông chúng ta cũng đã công nhận rằng “nhân vô thập toàn,” còn Anh Mỹ cũng nói “no one is perfect,” vì con người yếu đuối như chúng ta làm sao toàn vẹn, “perfect” được?
Do đó mới có Phúc Âm, vì Phúc Âm tuyên bố rằng: “Khi chúng ta còn yếu đuối, thì Chúa Cứu Thế đã đúng hạn kỳ chịu chết vì người có tội.” Chúng ta yếu đuối bất toàn, thì Chúa Giê-xu Con Đấng Tạo Hóa đã nhập thế để gánh lấy cái bất toàn của chúng ta mà chịu chết, để thỏa mãn tiêu chuẩn tuyệt đối của Đấng Tạo Hóa, và để thực hiện một việc huyền diệu mà chỉ có Đấng Tạo Hóa mới làm được, đó là: “Đấng Tạo Hóa đã làm cho Chúa Cứu Thế, là Đấng Vô Tội, trở nên tội lỗi vì chúng ta, để chúng ta nhờ Ngài mà trở nên đức công chính thánh thiện của Đấng Tạo Hóa.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org