Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Mắt Đền Mắt

Điện Thoại Phúc Âm: Mắt Đền Mắt

Mắt Đền Mắt

Ngày 31 tháng Năm năm 1981, tại thủ đô Teheran nước Ba-tư, một thanh niên 21 tuổi tên Behshar bị chặt bốn ngón tay ở bàn tay mặt vì tội trộm cắp, theo lệnh của tòa án cách mạng Hồi giáo.  Thủ tướng Ba-tư là Ali Rajai lên tiếng bênh vực hình phạt bằng cách chặt ngón tay này, và nói rằng: nếu kinh Koran bảo rằng người trộm cắp phải bị chặt ngón tay, thì việc chặt ngón tay là làm đúng theo kinh Koran.

Chúng tôi không dám khen hay che việc áp dụng hình phạt chặt ngón tay, và cũng không bênh vực tội trộm cắp.  Nhưng không biết xã hội Ba-tư có hơn gì các xã hội khác không.  Nếu luật chặt ngón tay ở Ba-tư được áp dụng ở nước Nga vào thời đại của Hoàng đế Phê-rô tức là vào cuối thế kỷ thứ 17 và đầu thế kỷ thứ 18, thì không biết còn mấy người được lành lặn với mười ngón tay?  Theo sử ghi chép, thì Hoàng Đế Phê-rô muốn canh tân nước Nga, nhưng sợ nạn tham nhũng có thể làm nguy hại cho chương trình canh tân của mình.  Vì vậy hoàng đế ra lệnh xử tử tất cả các viên chức chính phủ nào trộm cắp của công.  Lệnh vừa ban ra thì một vị cận thần đến tâu hoàng đế rằng: Muôn tâu bệ hạ, không lẽ bệ hạ lại giết hết cả thần dân để sống cô độc một mình sao? Ai cũng ăn cắp cả, người ăn cắp nhiều, kẻ ăn cắp ít, nhưng không ai không ăn cắp.  Hoàng đế Phê-rô cười gượng, lắc đầu rồi bỏ qua lệnh ấy.

Người Do Thái đời xưa cũng có luật rất nghiêm khắc, điển hình nhất là luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, tức là ai làm người khác đui mắt thì bị móc mắt, ai làm người khác gãy răng, thì bị bẻ răng.

Hiện nay, ở nhiều nước Tây phương, có người đề cao khẩu hiệu “Pháp luật và trật tự” để chủ trương phải áp dụng những luật pháp thật nghiêm khắc để duy trì an ninh trật tự cho xã hội.  Có lẽ Hoàng đế Phê-rô của Nga đời xưa cũng nghĩ như vậy, nhưng một khi tình trạng phi pháp đã lan tràn, thì luật lệ nghiêm khắc chắc chắn sẽ đưa đến một trong hai trường hợp sau đây: (1) hoặc là phải hình phạt tất cả mọi người phạm pháp, xử tử tất cả mọi người ăn cắp của công như trường hợp Hoàng đế Phê-rô; hay (2) đem một vài người ra xử tượng trưng làm con vật hi sinh, rồi tình trạng đâu vẫn vào đấy như cũ.

Khi xét cho cùng, chúng ta thấy luật “mắt đền mắt, răng đền răng” của người Do Thái và luật chặt ngón tay của người Ba Tư đều không trừng trị đúng thủ phạm.  Một người làm người khác đui thì bị móc mắt, nhưng con mắt bị móc đó đâu có phải là nguyên nhân của tội phạm?  Một người bị bẻ gãy răng vì đánh người khác gãy răng, cũng có thể hỏi: răng tôi đâu có gây ra tội, mà bắt nó phải gánh lấy hình phạt?

Tất cả tội lỗi đều xuất phát từ tấm lòng, từ chỗ sâu hiểm bí ẩn nhất, mà tục ngữ Việt Nam ta có mô tả rằng: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường?”  Chúa cũng phán rằng: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa. Ai có thể biết được? Nhưng Ta là Đấng dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng.”  Rồi lời Chúa cũng phán rằng: “Người Ê-thi-ô-pi  có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng?  Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được”.

Người Ê-thi-ô-pi ở miền Trung Phi có một lớp da đen bóng và chỉ lớp da bên ngoài mãi không đổi được; con beo chỉ có một lớp vằn ở trên bộ lông và cũng không tẩy đi được thì làm sao người làm dữ quen rồi, với những ý tưởng xấu xa trong lòng phát ra lại có thể thay đổi tấm lòng được?  Luật pháp chặt ngón tay của người Ba Tư hay luật móc mắt bẻ răng của người Do Thái cũng đã hoàn toàn bất lực, vì dù có bẻ hết răng, móc hết hai mắt, hay chặt hết mười ngón tay, con người ác vẫn còn là con người ác.

Khi tỏ cho loài người chúng ta thấy tấm lòng ô uế xấu xa, và cái yếu đuối bất lực của chúng ta, Đấng Tạo Hóa không hề có ý làm chúng ta tuyệt vọng, nhưng Ngài muốn chúng ta chạy đến với Ngài.  Với quyền năng siêu nhiên đã tạo dựng vũ trụ, tạo dựng cả thân thể và linh hồn chúng ta.  Đấng Tạo Hóa cũng có thể biến hóa chúng ta, đổi tấm lòng quen làm dữ của chúng ta trở thành tấm lòng trong trắng, hướng thượng, thích làm điều lành và đồng thời cũng có đủ năng lực để làm theo lời Ngài dạy bảo.

Chúa dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, chẳng những biết mọi tư tưởng không ngay lành của chúng ta, mà cũng biết thiện tâm thiện chí của ai muốn vâng theo tiếng kêu gọi của Ngài, muốn đi theo đường lối thánh thiện.  Ngài sẽ đến giúp đỡ giúp ta tăng cường đức tin chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy chân lý, và con đường sống, vì Ngài đã phán rằng: “Ta là Con Đường, Ta là Chân Lý, Ta là Nguồn Sống.  Không nhờ Ta thì không một ai có thể đến với Đấng Tạo Hóa”.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top