Điện Thoại Phúc Âm: Mã-nam Sang – Phần 2
Mã-nam Sang – Phần 2
Khi kể câu chuyện chiếc thuyền chìm ở ngoài khơi Ma-Cao đã làm chết 200 người tị nạn, nhật báo Washington Post ra đầu tháng 9 vừa qua có cho biết thêm rằng: Chỉ có một cậu bé 11 tuổi tên là Mã-Nam-Sang được cứu sống sau khi trôi giạt 36 tiếng đồng hồ ngoài khơi. Và cậu Sang đã nói rằng cậu được cứu sống là nhờ chị của cậu đã hy sinh, nhường một tấm váng cho cậu. Sau khi đẩy tấm váng đến cho cậu Sang, cô chị đã buông tay và chìm vào lòng biển mất dạng.
Tuy báo không nói, nhưng ta có thể hiểu rằng cô chị thấy tấm váng chỉ vừa đủ cho một người bấu víu, nên sau khi nhường tấm váng cho em, cô chị đã buông tay để khỏi phải chết chìm cả hai chị em. Thật là một gương hy sinh cao đẹp!
Khi nghe đến đây, có lẽ bạn sẽ nghĩ: Đó, thấy chưa, một cô Trung Hoa cũng biết hy sinh mạng sống để cứu người khác, chứ đâu phải chỉ có mình Chúa Cứu Thế, mà các ông cứ lai rai nói mãi về lòng hy sinh của Chúa Cứu Thế? Thực ra Thánh-Kinh cũng đâu có phủ nhận đức hy sinh của một số người, vì Thánh-Kinh đã ghi nhận rằng: “Có người hy sinh vì người nghĩa, cũng có người hy sinh vì người lành, nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình thương của Ngài với chúng ta. Khi chúng ta còn là người tội lỗi, thì Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta chịu chết.” Chị của cậu Sang chắc nghĩ rằng: “em ta còn bé bỏng, ngây thơ, ta phải hy sinh để cho em ta sống.” Đó là một người chịu chết vì người lành.
Lịch sử Việt Nam cũng có gương Lê Lai chịu chết thế mạng cho Lê Lợi. Vì Lê Lai biết rằng: nếu ta không hy sinh, Lê Lợi chắc chắn bị quân Minh bắt giết, và cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam đã phát xuất tại Lam-sơn chắc chắn phải bị tiêu diệt. Lê Lai đã chịu chết vì một vị anh hùng cứu tinh của dân tộc Việt Nam.
Hai gương hy sinh đều cao đẹp nhưng khác với việc Chúa Cứu Thế hy sinh ở hai điểm chính. Điểm thứ nhất là: Chúa Cứu Thế hy sinh vì cả nhân loại, vì chúng ta, trong khi chúng ta đang còn là những con người không xứng đáng với đức hy sinh của Chúa, đang khi chúng ta “không coi Ngài ra gì, nhưng Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì gian ác chúng ta mà bị thương.” Điểm thứ hai: việc hy sinh của người này cho người kia, dù cao đẹp đến đâu, đều không đủ tiêu chuẩn thánh thiện của Thiên Quốc. Thánh-Kinh chép rằng: “Không do huyết thì không được tha thứ.” Nhưng trong toàn thể nhân loại làm gì có huyết vô tội, trừ ra máu huyết của Chúa Cứu Thế? Chỉ có sự hy sinh của Đấng Vô Tội, chỉ có máu huyết vô tội mới có thể xóa sạch tội lỗi chúng ta. Thánh-Kinh chép rằng, đây là tình thương thật: “Ấy chẳng phải chúng ta đã thương yêu Chúa nhưng Chúa đã thương yêu chúng ta, và hy sinh Con của Ngài, là Chúa Giê-xu để làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta.”
Thương người không yêu thương mình, thương đến nỗi tình nguyện hy sinh để cứu chuộc những người chưa hề đáp ứng tình thương của mình thì chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được. Thiên Chúa đã lấy tình thương đời đời của Ngài mà yêu chúng ta, và dùng đức nhân từ bác ái của Ngài mà kéo chúng ta đến với Ngài.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org