Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Mã-nam-Sang – Phần 1

Điện Thoại Phúc Âm: Mã-nam-Sang – Phần 1

Mã-nam-Sang – Phần 1

Một chiếc thuyền chở 200 người tị nạn Việt Nam vừa chìm ở ngoài khơi Ma-Cao và chỉ có một cậu bé 11 tuổi là Mã-nam-Sang được cứu sống. Mặc dù đó là tin vừa mới đăng trên nhật báo vào ngày 3 tháng 9, chúng ta đọc bản tin ấy và không lấy làm lạ. Chẳng những không lấy làm lạ, chúng ta dường như có một thái độ: “Đã biết rồi, nghe mãi nhàm rồi,” và từ đó ta rất dễ đi đến thái độ dững dưng trước cái chết, cái khổ của đồng bào, đồng loại. Có người khác lại nghĩ: 200 người đó đâu phải là đồng bào ta. Cái tên Mã-nam-Sang của cậu bé sống sót đó chứng tỏ nạn nhân là người Trung Hoa, như vậy chuyện gì tôi phải lo nghĩ, thương cảm cho mệt.

Thái độ từ chỗ thương cảm đau buồn, lần lần đến chỗ nhàm chán và cuối cùng đến chỗ dững dưng, cũng như thái độ lạnh nhạt trước cái chết của những người không phải là đồng bào máu mủ thực sự của ta, đều là thái độ rất thông thường của loài người. Vui mãi rồi cũng nhàm, cũng như buồn mãi rồi cũng đến dững dưng. Khi có người thuật cho Đức Khổng Tử câu chuyện Vua Nước Sở mất một cây cung và không cho người đi tìm vì vua bảo rằng: Vua Sở mất cung, thì người nước Sở bắt được chứ mất đi đâu mà tìm kiếm–thì Đức Khổng Tử cho rằng nói như vậy quá hẹp hòi, tại sao không nói rằng: Một người mất cây cung, thì một người khác tìm được, cần gì phải giới hạn là vua nước Sở với người nước Sở.

Lời dạy thật thâm thúy nhưng đã mấy ai ý thức được rằng cái tình đồng loại giữa người và người phải vượt qua các biên giới chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác. Có người lại bảo “Tôi có thể nghĩ đến tình đồng loại, khi người đồng loại không làm gì hại tôi, chứ lịch sử Việt Nam chứng minh rằng người Trung Hoa và người Việt Nam chẳng ưa gì nhau, và những gian thương Trung Hoa đã làm giàu trên cái nghèo của dân tộc Việt Nam, thì đặt tình đồng loại ở đây không đúng chỗ.”

Bây giờ chúng ta phải đặt câu hỏi: Đứng trước trường hợp này, Chúa Cứu Thế nghĩ thế nào? Chúa đối xử với kẻ thù của Ngài như thế nào? Thánh-Kinh cho ta thấy: có người thù Chúa, nhưng Chúa không thù ai cả.

Ngay đang lúc chịu treo thân trên cây gỗ hình chữ thập, Chúa đã cầu nguyện cho những người bắt bớ, đóng đinh Chúa rằng: “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết họ làm gì.” Chúa là Chúa nên Chúa tha thứ được, chứ chúng ta, các Ki-tô-hữu, các Cơ đốc nhân, thì sao? Lời dạy của Chúa rất rõ ràng: “Các con hãy yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho người bắt bớ các con.” Vì Ta không yêu mến được một người nào đó nên họ mới là người thù, nhưng khi Ta đã yêu mến người ấy thì họ không còn là kẻ thù Ta nữa, và lời Chúa dạy mặc nhiên xác nhận rằng: người theo Chúa thật sự không hề có kẻ thù. Với sức cá nhân, với sức người của ta, ta không làm nổi, nhưng Thánh-Kinh hứa rằng: Đức Chúa Trời có quyền lực cảm động chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý Chúa. 

Trong bài tiếp theo đây. Chúng tôi sẽ đề cập đến một khía cạnh khác của câu chuyện em Mã-nam-Sang được cứu sống.  Kính mời quý vị đón nghe.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top