Điện Thoại Phúc Âm: Ly Dị

Ly Dị
Giáo sư Robert Elliott hiện đang dạy Thần học ở một trường đại học Texas đã tuyên bố rằng: Ly dị là một biến cố quan trọng trong cuộc sống con người, nhưng lại không được các giáo hội dành cho một giáo lễ gì đặc biệt cả. Theo ý ông thì cần phải đặt ra một lễ nghi đặc biệt cho các vụ ly dị với nội dung gần giống như nội dung giáo lễ để đưa người qua đời đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ông cũng nói rằng: kết luận buổi lễ, hai người sắp ly dị nhau sẽ hủy bỏ các lời hứa nguyện lúc thành hôn, và để chấm dứt buổi lễ hàng giáo phẩm đứng chủ lễ sẽ tuyên bố: “Từ nay hai người được tự do hướng về tương lai, mỗi người một ngã!”
Nhìn những tỉ lệ ly dị ở Mỹ cũng như ở những nước Tây-Phương mà chúng ta không khỏi thắc mắc. Tại sao người ta lại ly dị nhiều như vậy? Có phải vì cơm không lành, canh không ngọt mà đưa nhau ra tòa, rồi “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,” hay là còn có lý do gì khác? Chắc phải có những lý do sâu xa từ trong lòng mà chia tay, chứ không phải chỉ những lý do cạn cợt vật chất mà người ta thường viện dẫn ở tòa. Thiết nghĩ chúng ta cũng cần tìm hiểu để tránh vết xe đã và đang đổ một cách thảm thương.
Hôn nhân do Đấng Tạo Hóa lập nên. Ngài đã dựng nên một ông và một bà, là thủy tổ của loài người, kết hợp họ thành vợ chồng rồi tuyên bố nguyên tắc hôn nhân cho cả nhân loại rằng: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, rồi cả hai đồng nên một thịt.” Chính Đức Chúa Giê-xu cũng đã tuyên bố rằng: “Loài người không nên phân rẽ những người mà Đấng Tạo Hóa đã hợp nhứt.” Như vậy, căn bản của hôn nhân là: “kết hợp, trở nên một, hợp nhứt,” và mặc dù khi ra tòa để ly dị, người ta thường viện dẫn nhiều lý do khác nhau, nhưng chung quy chỉ vì không “trở nên một.”
Nhiều người cho rằng hiện nay ở nhiều nước, giấy hôn thú không còn đủ sức buộc chặt hai người, vì luật pháp đã làm cho giấy hôn thú trở thành mảnh giấy lộn. Nhưng luật pháp cũng chỉ là hình thức, vì dù có luật cấm ly dị đi nữa, luật ấy cũng chỉ có thể ngăn trở hai người chia rẽ nhau trước pháp lý, chứ một khi hai tấm lòng đã quyết định “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,” thì dù có đem nhốt chung một xà lim, họ cũng vẫn như nước với lửa.
Sự liên hợp giữa vợ và chồng theo tinh thần của Phúc Âm rất giống với sự liên hợp giữa Ki-tô-hữu, hay Cơ-đốc-nhân với Đức Chúa Giê-xu. Người theo Chúa không phải là những đồ đệ của một giáo chủ cao cả quyền uy mà họ không với tới được, nhưng họ có thể liên hiệp với Chúa, như ví dụ Chúa phán về gốc nho và cành nho. Cành không thể trở thành gốc nho, nhưng cành liên kết với gốc nho, tức là dính liền với gốc, và nhận lấy mũ nhựa từ gốc đưa lên để sinh hoa kết quả.
Nhiều Ki-tô-hữu đối với Chúa cũng như những cặp vợ chồng trên pháp lý thì còn là vợ chồng, nhưng trên thực tế thì mỗi người một lòng, mỗi người một ý. Đã có nhiều người xưng mình là Ki-tô-hữu là Cơ-đốc-nhân mà thực ra không tâm đầu ý hợp với Đức Chúa Giê-xu. Họ có thể là hội viên của Giáo hội, có thể nhận giáo lễ này, thánh lễ nọ, nhưng thực sự họ chỉ là cái cành buộc vào cây nho, chứ không dính liền vào gốc nho.
Một cặp vợ chồng vẫn sống chung với nhau, mà mỗi người cứ bảo vệ quyền lợi riêng, đeo đuổi mục đích riêng, nuôi dưỡng sở thích riêng, chắc chắn không sớm thì muộn cặp vợ chồng ấy sẽ đi đến chỗ đổ vỡ. Nếu họ cố gắng vì thể diện, vì con cái hay quyền lợi mà không ly dị nhau, họ cũng như thế giới tư bản và thế giới cộng sản, nói là sống chung hòa bình mà chẳng có hòa bình chi cả.
Đức Chúa Giê-xu từng phán rằng: “Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há có thể đi chung với nhau được chăng?” Tôi nói là tôi theo Chúa, mà khi Chúa bảo tôi phải chăm chú những điều ở Thiên đàng, lòng tôi cứ chăm chú danh lợi ở trần gian thì làm sao tôi thực sự theo Chúa được? Chúa bảo tôi phải yêu mến người thù mình, mà ngay cả đồng bào tôi, tôi cũng không thương được, làm sao tôi dám nói tôi là con cái của Chúa?
Giáo sư Elliott đề nghị một giáo lễ ly dị với câu kết luận: “từ đây, hai người được tự do hướng về tương lai, mỗi người một ngã.” Thật là một lời bi đát, nhưng cũng không bi đát bằng tình cảnh của người tưởng mình theo Chúa mà thực sự không dính liền với Ngài. Theo lời Chúa phán rằng: “Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy, thì phải ném ra ngoài. Cũng như nhánh nho, nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.” Tình trạng đó khác hẳn với tình trạng của người liên hợp với Chúa, như một cành nho dính liền vào gốc nho: “Ta là Gốc Nho, các người là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì sinh ra lắm trái, vì ngoài Ta các người chẳng làm chi được.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org