Điện Thoại Phúc Âm: Hy Sinh Vì Con

Hy Sinh Vì Con
Chỉ năm giờ trước khi chết, bà Anita Brown ở quận Orange, tiểu bang California đã sinh được một cậu con trai. Đó là tin tức do thông tấn xã Associated loan đi vào ngày 20 tháng 6 năm 1980. Bà Brown mới 25 tuổi, nhưng mắc phải chứng ung thư ở cằm. Vì không muốn cho bào thai mình đang mang trong bụng bị nhiễm chất phóng xạ, nên bà Brown quyết định thà chết chứ không chịu để cho bác sĩ chữa trị ung thư bằng quang tuyến. Bản thông tin của hãng thông tấn xã còn nói rằng: Bà Anita Brown biết mình sắp thất bại trong việc chiến đấu với ung thư và tử thần, nhưng bà đã chiến thắng trên một trận tuyến khác là bà đã sinh hạ được một cậu bé trai không bịnh tật. Bác sĩ Ronald Lapin xác nhận rằng, bà Brown đã hi-sinh mạng sống cho một đứa con mà bà chưa thấy mặt. Thật là một gương hi sinh cao đẹp, một tình mẫu tử hiếm có trong thời đại văn minh vật chất, trong một xã hội mà tinh thần tự do cá nhân và hưởng thụ cá nhân được nhiều người khác coi là lẽ sống của họ.
Hi sinh là một trong các đức tính cao đẹp của con người. Cha mẹ hi sinh cho con, con cái hi sinh cho cha mẹ, thuộc hạ hi sinh cho lãnh tụ, thần dân hi sinh cho vua chúa. Cũng có người hi sinh cho lý tưởng, cho đoàn thể, cho tổ quốc, cho khoa học.
Nhưng hành động hi sinh mà không do tình thương làm động lực thực đẩy thì chưa chắc là một hành động vị tha hay hữu ích cho đồng bao đồng loại, vì Kinh Thánh dạy rằng: “Dù tôi hi sinh cả gia tài để nuôi người nghèo khó, hay hi sinh mạng sống để chết trên giàn hoả thiêu, nhưng nếu tôi không có tình yêu thương thì các hành động ấy cũng vô ích.”
Có người đã hi sinh liều chết ở chiến trường hay ở pháp trường vì một đoàn thể, một lý tưởng, nhưng như chúng ta đã chứng kiến tận mắt, các hành động hi sinh này chỉ đem lại tang tóc, đau khổ cho người khác chứ chẳng ích lợi gì cho ai. Vì vậy hi sinh phải đi đôi với tình thương, và khi đã nói đến hi sinh và yêu thương thì chúng ta phải nhắc lại lời Chúa Cứu Thế đã dạy môn đệ mình rằng: “Chẳng có tình thương nào lớn hơn là tình thương của người vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình.”
Một câu khác trong Thánh Kinh cũng đã nói rằng: “Khi chúng ta còn yếu đuối, thì Chúa Cứu Thế đã đúng kỳ hạn chịu chết vì người có tội.” Hai câu đều nói đến việc hi sinh mạng sống vì tình thương, nhưng dường như đối tượng của hành động hi sinh và tình thương không hoàn toàn giống nhau.
Chúng tôi xin đọc lại hai câu ấy bên cạnh nhau để quí vị nghe thử hai câu ấy có gì khác nhau không? Và các điểm khác nhau đó có mâu thuẫn nhau, hay là điểm để cho chúng ta thấy được một chân lý nhiệm mầu của Tình Thương tuyệt đối bắt nguồn từ Đấng Tạo Hóa?
Hai câu này nói rằng: “Chẳng có tình thương nào lớn hơn là tình thương của người vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình,” và “Khi chúng ta còn yếu đuối, thì Chúa Cứu Thế đã đúng kỳ hạn chịu chết vì người có tội.”
Câu thứ nhứt nói Chúa hi sinh vì bạn hữu mình, còn câu thứ hai nói Chúa hi sinh chịu chết vì người có tội và vào lúc chúng ta còn yếu đuối. Như vậy, có phải những người được Chúa gọi là bạn hữu chính là những người yếu đuối, tội lỗi không? Thật đúng như vậy. Chúng ta được Chúa yêu khi chúng ta còn yếu đuối và tội lỗi. Với địa vị đó, chúng ta đến với Chúa, tiếp nhận ân điển tha thứ của Chúa, và mời Chúa vào lòng ta, chữ “ân điển” dùng trong Kinh Thánh có nghĩa là một ân huệ ban cho người không xứng đáng. Chúng ta không xứng đáng nhưng Chúa đã hi sinh vì chúng ta.
Nhưng một khi chúng ta nhận Chúa thì Chúa không để chúng ta cứ ở mãi trong địa vị thấp hèn, nhưng Ngài đem chúng ta đến địa vị cao trọng trong Nước Chúa. Thử hỏi trong vũ trụ này có địa vị nào cao trọng vinh hiển hơn là địa vị con cái và bạn hữu của Đấng Tạo Hoá, của Đấng Toàn Năng đã tạo dựng ra cả vũ trụ này? Hành động hi sinh Chúa Cứu Thế đã thực hiện xong, chúng ta chỉ có việc đem hết lòng tin tưởng tiếp nhận Chúa thì được trở thành bạn hữu của Ngài.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org