Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Hư Hỏng

Điện Thoại Phúc Âm: Hư Hỏng

Điện Thoại Phúc Âm: Hư Hỏng

 

Hư Hỏng

Lịch sử Anh-Quốc có một ông vua tên là Canute, làm vua vào đầu thế kỷ thứ 11. Theo chuyện truyền khẩu trong dân gian, thì vua này khờ khạo, và đã có một hành động hết sức lố bịch. Họ kể rằng vua đã họp quần thần ở bờ biển, rồi ra lệnh cho sóng biển phải ngưng đập vào bờ, nhưng sóng cứ tiếp tục tấp vào làm vua bị ướt mèm.

Nhưng theo sử gia Henry of Huntingdon, thì vua Canute là một người rất khiêm tốn, và việc vua ra lệnh cho sóng biển là một hành động để bày tỏ đức khiêm tốn đó. Trước đây, nhà vua hết sức bực tức vì các cận thần cứ lấy lời nịnh bợ, tán tụng rằng vua có quyền hành to lớn lắm, làm gì cũng được, lệnh vua ai cũng phải nghe, đến cõi thiên nhiên cũng phải nể sợ. Để dạy cho quân thần một bài học, vua tổ chức một buổi lễ ở bờ biển, rồi làm bộ ra lệnh cho sóng biển ngừng lại. Sau khi bị sóng tạt vào ướt hết, vua mới quay lại, bảo quần thần rằng: “Tất cả mọi người hãy nhớ rằng quyền hành trong tay các vua chỉ là một thứ quyền hành trồng rỗng và không có giá trị gì cả. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có quyền ra lệnh cho trời, đất và biển vâng theo luật Ngài đã đặt ra.”

Nếu câu chuyện của sử gia Henry of Huntingdon chép là đúng sự thật, thì vua Canute là một người hiếm có trong lịch sử. Người có quyền hành thường bị quyền hành làm hư hỏng, đúng như danh ngôn của một người Anh nói rằng “quyền hành làm hư hỏng con người, và quyền hành tuyệt đối lại làm hư hỏng cách tuyệt đối!”

Nhưng không phải chỉ quyền hành mới làm hư hỏng con người. Con người đã và đang bị nhiều thứ khác làm hư hỏng, trong số đó có “danh và lợi,” câu tục ngữ của người Việt-nam ta thường nói là: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” chứng minh sự thực đó. “Giàu” tức là có nhiều tiền của, là cái lợi, còn sang tức là “danh vọng,” và cả hai yếu tố này đã làm hư hỏng rất nhiều người. Tuy câu tục ngữ không cắt nghĩa chữ “đổi,” nhưng ai cũng có thể thấy cái nghĩa không tốt trong việc thay đổi bạn, những người bạn của thuở nghèo nàn, việc thay đổi người vợ chung thủy đã chia sẻ những cảnh tủi nhục của thời còn hàn vi. 

Người Á-Đông chúng ta rất coi trọng cái đạo làm người, tức là mối liên hệ giữa người trên với người dưới, người dưới với người trên, giữa bạn bè đối với nhau, giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Nhưng quyền hành, kể cả quyền hành thực sự và quyền hành tưởng tượng, và danh, lợi, cũng như những yếu tố nội tâm của con người, đã không cho người ta giữ tròn cái đạo làm người. Vì vậy, để dạy cho chúng ta cái bí quyết của đạo làm người, Chúa Cứu Thế đã tổng kết là điều răn của Đấng Tạo Hóa, mà phán rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà kính yêu Đấng Tạo Hoá, và ngươi hãy yêu người lân cận như chính thân mình.”

Người đã yêu được người lân cận như chính thân mình, thì dù có làm vua hay nắm nhiều quyền hành trong tay cũng không bị hư hỏng, dù có danh vọng đến đâu cũng không trở thành kiêu căng, dù có thấy cái lợi trước mắt cũng không tham lam ích kỷ. Nhưng con người làm sao có được tình yêu đó để yêu thương lẫn nhau, nếu con người không kính yêu Đấng Tạo Hóa. Kính yêu Đấng Tạo Hóa, vâng phục Ngài, để Ngài làm chủ của đời sống mình, để Ngài đặt trong lòng ta tình yêu siêu nhiên của Ngài, tức là vừa thực nghiệm được Đạo Trời, nó cũng vừa nắm được cái bí quyết của đạo làm người.

Nếu có ai cho rằng “tôi chỉ biết Đạo Trời, mà không cần chú trọng đến đạo làm người” thì người đó đã không biết, và không thực sự sống cái Đạo Trời của Phúc Âm, vì Phúc Âm của Chúa Cứu Thế dạy rằng: “Nếu có ai nói rằng tôi yêu mến Đấng Tạo Hóa mà lại ghét anh em mình, thì người đó là người nói dối. Vì người nào không yêu mến anh em mình thấy, thì không thể nào yêu mến Đấng Tạo Hóa mà mình không thấy.” Lại nữa, điều răn của Chúa dạy rằng: “Ai kính yêu Đấng Tạo Hóa, thì cũng phải yêu mến anh em mình.” 

Như vậy, Phúc Âm cho ta thấy rõ ràng rằng nếu chúng ta muốn giữ đạo làm người, thì chúng ta phải thực nghiệm Đạo Trời, và ngược lại, nếu chúng ta cho rằng mình đã thực nghiệm Đạo Trời, thì chúng ta cũng phải sống cho đúng đạo làm người vậy.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top