Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Có Tội Thì Phạt

Điện Thoại Phúc Âm: Có Tội Thì Phạt

Có Tội Thì Phạt

Khi còn ở Việt-Nam chúng ta thường nghe đến khẩu hiệu “pháp bất vị thân.”  Khấu hiệu này thực ra là một nguyên tắc rất dân chủ của Trung-Hoa đời xưa muốn đề cao quyền bất khả xâm phạm của luật pháp, vì đã nói đến luật pháp thì không còn kể đến bà con, bạn hữu, thân thích nữa.  Người nắm luật pháp trong tay phải áp dụng luật pháp một cách công bằng, không thể thiên vị dù cho người phạm pháp là con cái, anh em của mình.

Nhưng nguyên tắc là nguyên tắc, còn thực tế lại là một chuyện khác. Chẳng những ở xã hội Trung-Hoa đời xưa như đời xuân thu, đời tam quốc, mà cả đến trong các nước dân chủ, người cầm pháp luật trong tay vẫn thiên vị như thường.  Người Việt-Nam ta chắc không ai quên vụ Watergate của Mỹ là vụ án làm cho tổng thống Nixon phải từ chức. Mặc dù là tổng thống của một quốc gia giàu mạnh bậc nhất thế giới cũng phải từ chức vì vi phạm luật pháp. Việc tổng thống Ford ân xá cựu tổng thống Nixon đã làm cho nhiều người đặt ra câu hỏi: pháp luật có thật sự không thiên vị không?  Nếu pháp luật không thiên vị, tại sao tổng thống Ford lại không để cho ngành tư pháp điều tra cặn kẽ vụ Watergate, rồi đem cựu tổng thống Nixon ra xét xử như mọi công dân Mỹ khác.  Như vậy khẩu hiệu “pháp bất vị thân” đã không được áp dụng.

Có nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng như một ông vua, một ông tổng thống đời nay, có thể thiên vị đối với người thân thích, với người có tiền, với người có quyền thế.  Đức Chúa Trời có thể hình phạt người này người nọ, chứ đối với tôi thì chắc Đức Chúa Trời cũng nể nang chớ.  Nhưng họ quên rằng Đức Chúa Trời là một Đấng Thánh Khiết và là một Đấng Thành Tín.  Ngài thánh khiết vì Ngài không thể chấp nhận tội lỗi, dù là tội của người bần cùng hay tội của các bậc quyền quý.  Và vì Ngài là Đấng Thành Tín nên Ngài không thể nào không thi hành luật lệ và lời phán của Ngài.  Vì vậy ta biết Đức Chúa Trời nhất định phải thi hành án phạt tội lỗi, và khi đã biết chắc chắn như vậy ta đáng phải lo sợ vô cùng.  Nhưng chúng ta không cần phải lo sợ vì Đức Chúa Trời đã áp dụng luật pháp thánh khiết của Ngài và đã trừng trị tội lỗi của chúng ta trong thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-Xu. Thánh Kinh chép rằng: “Chúa Cứu Thế đã gánh vác tội lỗi của chúng ta trong thân thể Ngài, trên cây gỗ.”  Vì Đức Chúa Trời không thể vị nể ngay cả con một của Ngài, là Chúa Cứu Thế, nên khi Chúa Cứu Thế gánh vác tội lỗi của bạn, của tôi, Chúa Cứu Thế đã phải lãnh lấy cơn hình phạt của Đức Chúa Trời.  

Cây gỗ hình chữ thập tượng trưng cho đức tính công minh của Đức Chúa Trời, tức là đức tính áp dụng pháp luật cách ngay thẳng, công bình và không nể nang ngay cả đến con một của Ngài. Như vậy, Thánh Kinh xác nhận rằng: “Chúa Cứu Thế đã chịu hình phạt vì tội lỗi chúng ta, để chúng ta được hưởng ân tha thứ của Đức Chúa Trời.”  

Ơn yêu thương tha thứ của Đức Chúa Trời không bỏ qua hay che giấu tội phạm, nhưng ơn yêu thương đó đem hết thảy tội lỗi chúng ta chất trên mình Chúa Cứu Thế, rồi hình phạt tội lỗi chúng ta trong thân thể Chúa Cứu Thế.  Đó là tinh túy của Phúc Âm, đó là tin tức vui mừng vì Chúa Cứu Thế đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo Lời Thánh Kinh. Chúa đã bị chôn, nhưng đến ngày thứ ba Chúa đã sống lại theo Lời Thánh Kinh.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top