Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Cây Đàn Tuyệt Hảo

Điện Thoại Phúc Âm: Cây Đàn Tuyệt Hảo

Cây Đàn Tuyệt Hảo

Vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, có hai gia đình người Ý tên là Stadivari và Guarneri đã làm được những chiếc đàn violon tuyệt hảo.  Các loại đàn này quý đến nỗi có người dám bỏ ra ba bốn trăm ngàn đô la để mua mà chưa chắc đã mua được.

Suốt mấy thế kỷ, nhiều chuyên gia làm đàn đã tìm nhiều cách bắt chước làm những cây đàn violon có thể phát ra âm thanh tuyệt hảo như đàn Stradivarius hay Guarneri nhưng không tài nào làm được.

Mới đây nhà sinh hóa học Joseph Nagyvary cho rằng: Tiếng đàn hay hay dở là tùy nơi loại gỗ làm đàn.  Khi cây còn sống, trong các thớ gỗ của cây có những ống nhỏ li ti để cho các dinh dưỡng lưu thông, đến khi người ta đốn cây và để cho gỗ khô, các ống nhỏ này đóng kín lại.  Các loại đàn violon làm bằng gỗ khô có ống đóng kín đều rung chuyển quá mạnh và phát ra những tiếng động làm hỏng âm thanh tinh khiết của cây đàn.  Hai gia đình Stradivari và Guarneri đã có cách ướp gỗ thế nào để giữ cho các ống nhỏ của gỗ vẫn mở nhờ đó là tiếng đàn của họ làm mới tuyệt diệu như vậy.

Sau khi nghiên cứu nhiều chất hóa học, ông Joseph Nagyvary đã sáng chế được một thứ dung dịch ướp gỗ và làm thử một số đàn.  Nhạc sĩ Paul Katz của dàn nhạc Cleveland đã thử đàn của ông Nagyvary làm ra và tuyên bố là: “Đàn mới sản xuất đã có được âm thanh êm ái như vậy thật là hiếm có.  Mặc dù ta không thể so sánh đàn ấy với cây Stradivarius, nhưng sáng chế của ông Nagyvary có nhiều triển vọng.”

Cây gỗ đã khô mà biến chế cách nào để giữ cho nó có đặc tính của gỗ còn tươi để có thể làm ra cây đàn phát ra âm thanh tuyệt diệu là một việc trước nay chỉ có hai gia đình bên Ý làm được.  Nhưng Thượng Đế đã làm những việc còn diệu kỳ gấp triệu lần khi Ngài biến đổi những tâm hồn khô khan, cằn cỗi thành những tâm hồn tươi mới phát ra những lời, những tiếng ca ngợi Thượng Đế, để đem lại hi vọng tươi sáng cho đồng bào, đồng loại.  Trong Thánh Kinh có gương của sứ đồ Phao-lô lúc còn niên thiếu được coi là người tài cao, học rộng, nhưng cái vỏ học thức đó không đủ để che đậy một tấm lòng khô khan, cứng cỏi, thù hận.  Chính theo lời ông thú nhận thì ông đã đánh đập, bỏ tù và giết hại nhiều người lành để thỏa lòng thù ghét.

Tuy nhiên, sau khi gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu, Phao-lô đã được quyền năng siêu nhiên của Chúa biến đổi, tâm trí ông không còn nuôi dưỡng những ý tưởng thâm độc, lòng ông không còn ghen ghét, lời nói ông không còn hận thù.  Trái lại, từ đó trở đi, ông là người đầy lòng yêu thương đối với đồng bào đồng loại sẵn sàng hi sinh vì Chúa vì người.  Các đức tính của Chúa đã thể hiện rõ rệt trong đời sống Phao-lô, lúc nào ông cũng có lòng yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, thành tín, hòa nhã và tự chủ.

Nhiều người nghiên cứu cuộc đời Phao-lô, vì không thấy được bàn tay của Thượng Đế đã kết luận: “Phao-lô có được những đức tính ấy, vì ông là người thánh.”  Để có thể biết rõ tại sao Phao-lô có thể từ một người tội ác trở thành vị thánh, chúng ta hãy nghe lời ông nói: “Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xuống trần gian để cứu vớt người tội lỗi.  Trong những người được Chúa cứu, tôi nặng tội nhất.  Nhưng Chúa rộng lòng thương tôi, là kẻ xấu xa nhất, để chứng tỏ lòng kiên nhẫn vô hạn của Ngài, và dùng tôi làm gương cho người khác tin Ngài để được sự sống vĩnh viện.  Nguyện Vua muôn đời bất diệt, vô hình, là Thượng Đế duy nhất được vinh dự và vinh quang đời đời vô cùng!”

Chúng ta thấy Phao-lô không nói ông được thánh hóa nhờ khổ tu, hoặc nhờ lập công chuộc tội, nhưng ông thú nhận rằng: trong số những người được Thượng Đế yêu thương tha thứ, ông là người nặng tội nhất.  Rồi ông xác nhận rằng tất cả vinh hiển đều về Thượng Đế, là Chúa tể của vũ trụ, là Đấng đời đời bất biến đã tha thứ, biến đổi ông, không phải vì các việc công đức ông làm, nhưng vì lòng kiên nhẫn và khoan dung vô hạn của Thượng Đế.

Chúng tôi, những người đang nói chuyện với quí vị đây cũng vốn là những người tội lỗi nhưng đã được Thượng Đế tha thứ.  Chính Thượng Đế dạy bảo chúng tôi đem Phúc Âm yêu thương của Ngài trình bày với quí vị.

Điện Thoại Phúc Âm (1983) 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top