Điện Thoại Phúc Âm: Cầu Nguyện Với Đấng Tạo Hóa
Cầu Nguyện Với Đấng Tạo Hóa
Đã có lần chúng tôi đề cập đến việc cầu nguyện, và nói rằng: cầu nguyện giống như cuộc nói chuyện giữa con cái và cha mẹ. Vì là thưa chuyện với Cha chúng ta trên trời, nên lời cầu nguyện của chúng ta vừa là lời cầu xin, mà cũng có lời cảm tạ ngợi khen Chúa về các ơn lành của Ngài, và cũng có lời cầu thay cho đồng bào, cho bạn bè nữa.
Ngoài ra, cầu nguyện phải có hai chiều. Chiều thứ nhứt là thưa chuyện với Chúa, và chiều thứ hai là Chúa trả lời chúng ta. Chúa có thể trả lời bằng những lời êm dịu nhỏ nhẹ, Chúa phán trong tâm hồn ta, cũng có khi bằng lời Thánh Kinh, và có khi qua những người tin kính Chúa. Khi nghĩ đến việc cầu nguyện, nhiều người đã vô tình hay cố ý, giới hạn quyền vạn năng của Đấng Tạo Hóa.
Chúng ta vẫn biết các công dân Mỹ thường có thói quen gửi thơ hay gọi điện thoại đến văn phòng các thượng nghị sĩ hay dân biểu để nhờ can thiệp nhiều vấn đề. Có một người Việt-nam thấy vậy liền thử viết thơ cho một thượng nghị sĩ rất nổi danh để nhờ can thiệp cho gia đình đoàn tụ. Chừng ba bốn tuần lễ sau khi gởi thơ, người này nhận được bức thơ trả lời. Trong thơ, thượng nghị sĩ cảm ơn ông bạn Việt-nam ta nhờ can thiệp, và hứa rằng khi nào thuận tiện, thượng nghị sĩ sẽ không quên việc này.
Ông bạn chúng ta mừng “hú viá,” đem thơ khoe khắp bạn bè. Nhưng sau khi chờ đợi năm tháng, rồi tám tháng, rồi một năm, rồi hai năm, vẫn không thấy gì. Đến khi thấy báo chí Mỹ cho biết rằng người Mỹ có máy computer có thể viết thơ giống hệt như thơ đánh máy từng cái một, và các ông lớn thường có hàng trăm mẫu thơ đã thảo sẵn để tùy trường hợp mà dùng, thì ông bạn Việt-nam mới nghĩ: “Phải rồi, nước Mỹ có hơn 200 triệu dân mà chỉ có 100 thượng nghị sĩ, tỉ lệ là hơn 2 triệu người dân mới có 1 thượng nghị sĩ. Như vậy dù họ có thiện chí đến đâu cũng chỉ có thể giúp đỡ cho một số ít người, chứ làm sao có đủ thì giờ để đọc, trả lời và thoả mãn tất cả thơ từ điện tín họ nhận được?”
Vì áp dụng lập luận đó vào việc cầu nguyện, nên một số người cho rằng: một thượng nghị sĩ đại diện cho vài triệu người mà còn bận bịu như vậy, huống chi Chúa làm sao có thể nghe được lời cầu nguyện của hàng triệu triệu người khắp trên thế giới này được? Và vì lập luận sai lầm như vậy, nên những người này đã đem các lời cầu xin của mình dâng lên cho các vị này, các vị khác, để nhờ các vị ấy tâu lại với Chúa. Như vậy, họ đã coi Đấng Tạo Hóa cũng bị giới hạn như người ta, và quên rằng Đấng Tạo Hóa là Đấng Toàn Năng, việc gì cũng làm được.
Khi còn ở thế gian, Chúa Cứu Thế thấy một số người thắc mắc, không biết Đấng Tạo Hóa có để ý đến mình là những con người bé bỏng không, thì Chúa kể cho họ biết rằng: Ở ngoài chợ, người ta bán 2 con chim sẻ giá 1 xu, và 5 con giá 2 xu. Như vậy con chim thứ năm là con cho thêm, không có giá trị gì. Mặc dù nó chỉ là con cho thêm, Đấng Tạo Hóa cũng lo cho nó. Rồi Chúa Cứu Thế kết luận: “Các con quí trọng hơn chim sẻ rất nhiều.“
Lời Chúa làm cho chúng ta vững lòng và vui mừng. Các ông vua, tổng thống, thượng nghị sĩ, v.v… dầu có quyền đến đâu cũng bị giới hạn. Chỉ có Đấng Tạo Hóa là Đấng Toàn Năng mới có thể nghe và trả lời cầu nguyện của con cái Ngài bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ trường hợp nào.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org