Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Cái Sợ Lành Mạnh

Điện Thoại Phúc Âm: Cái Sợ Lành Mạnh

Cái Sợ Lành Mạnh

Vào ngày 6 tháng 6, năm 1944, hơn 5 ngàn chiến hạm của Đồng Minh, thuộc đủ loại, đủ cỡ, đã rời các hải cảng ở Anh Quốc để tiến đến bờ vùng biển Normandie thuộc miền Tây Bắc nước Pháp để mở màn cho một cuộc đổ bộ vĩ đại với mục đích đánh đuổi quân đội Đức Quốc Xã ra khỏi nước Pháp vào Tây Âu, đánh bại khối trục Đức, Ý, Nhật và chấm dứt trận chiến thế giới thứ hai.

Khi đoàn chiến hạm còn ở trên biển Manche (người Anh gọi là English Channel) thì một thuyền trưởng của một chiến hạm Hoa Kỳ nhận thấy đơn vị quân đội Hoa Kỳ đều ngồi yên lặng, nét mặt vừa đăm chiêu vừa lo sợ, vì ai cũng biết rằng quân đội Đức đã tổ chức một hệ thống phòng thủ rất kiên cố và khi họ đổ bộ, chắc chắn họ sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm. Khi nhận thấy tinh thần căng thẳng và sợ hãi của quân sĩ, vị thuyền trưởng liền tìm cách trấn an họ, và nói rằng: “Sợ hãi cũng là một bản tính lành mạnh.”

Vì không được giải thích rõ ràng, nên chúng ta không biết vị thuyền trưởng này muốn định nghĩa từ ngữ “lành mạnh” là như thế nào. Có lẽ ông ta muốn nói rằng: sợ hãi là một bản tính tự nhiên của con người, hoặc có lẽ vì biết sợ hãi nên đoàn quân Hoa Kỳ sẽ không hiếu thắng mà có những hành động liều lĩnh, cũng có lẽ ông muốn nói rằng nhờ sợ hãi, đoàn quân này sẽ thận trọng hơn khi đụng độ với quân địch.

Thánh Kinh cũng có nói đến trường hợp “sợ hãi lành mạnh,” nhưng không phải sợ hãi khi đi tác chiến hay khi gặp các trở ngại trong cuộc đời, mà là trường hợp sợ hãi Thượng Đế. Khi nói đến trường hợp sợ hãi Thượng Đế, chúng ta có thể phân biệt hai thứ sợ hãi, một là sợ hãi kinh khiếp, hai là sợ với tấm lòng kính yêu.

Một câu Thánh Kinh có nói đến trường hợp sợ hãi kinh khiếp khi ý thức được mình là con người có tội với Thượng Đế và đang ở dưới cơn hình phạt đời đời, đồng thời cũng ý thức được rằng: với sức người, chúng ta không thể nào tự mình thoát ra khỏi biển trầm luân tội lỗi. Câu Thánh Kinh này cho biết đây là hành động của Đức Thánh Linh, là Thượng Đế Ngôi Ba, và quả quyết rằng chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể thuyết phục chúng ta để chúng ta thú nhận tội lỗi mình với Thượng Đế, và thưa với Thượng Đế rằng mình bất năng và không thể nào chiến thắng tội lỗi, không thể nào tự tìm cho mình con đường giải thoát. Nhưng câu Thánh Kinh này cũng dạy cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng, là sau khi thuyết phục chúng ta để chúng ta thấy mình vừa tội lỗi bất toàn, vừa thú nhận mình bất năng, Đức Thánh Linh liền giúp chúng ta gọi Thượng Đế bằng Cha, và lập tức dùng huyết thánh của Chúa Cứu Thế tẩy sạch tất cả tội lỗi chúng ta, ban cho chúng ta một sự bình an nhiệm mầu để từ đó trở đi, ta không còn sợ hãi kinh khiếp nữa, vì biết chắc chắn rằng mình đã thoát khỏi cơn hình phạt của Thượng Đế, đã được phóng thích khỏi quyền lực của tội lỗi.

Sợ Thượng Đế là trường hợp sợ hãi lành mạnh, vì có sợ hãi kinh khiếp khi ý thức mình vừa bất toàn vừa bất năng, chỉ đáng để dành cho lửa hỏa ngục đời đời, chúng ta mới ngước mắt lên trời kêu xin Thượng Đế cứu giúp mình, mới tin tưởng vào cái chết đền tội của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nói cách khác, người nào còn tự cao tự đại, chỉ nhận biết mình bất toàn mà chưa chịu thú nhận rằng mình không làm cách nào dứt bỏ được bản chất tội lỗi đã ăn sâu vào trong xương tủy, thì người đó chưa thành thật tiếp nhận Phúc Âm của Thượng Đế, Phúc Âm ấy nói rằng: Thượng Đế yêu thương nhân loại, yêu thương cá nhân chúng ta đến nỗi đã hi sinh con một của Ngài là Chúa Cứu Thế trên cây thập tự để tất cả những người tin nhận con Thượng Đế đều không bị hư vong, nhưng được sự sống vĩnh viễn.

Một khi đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế như vậy, Thượng Đế liền ban cho chúng ta tấm lòng kính sợ Thượng Đế, tức là một bản tính sợ Thượng Đế, như con sợ Cha, vừa sợ vừa kính yêu Cha. Nhờ đức tính kính sợ này, chúng ta sẽ xa lánh tội lỗi để khỏi làm buồn lòng Thượng Đế, và đồng thời chúng ta yêu kính Thượng Đế vì biết rằng Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng đang chăm sóc bảo vệ nuôi dưỡng mình.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top