Điện Thoại Phúc Âm: Biết Thì Sống
Biết Thì Sống
Tây-ngu hay con tê-giác là một loại vật gần bị tận diệt. Lịch sử Việt-Nam có nhắc đến con tây-ngu khi nói rằng suốt thời kỳ 1,000 năm đô hộ Trung-Hoa, người Việt ta, lúc đó gọi là người giao chỉ, phải xuống biển tìm ngọc trai, và lên rừng săn voi để lấy ngà, săn tây-ngu để lấy sừng cho các ông quan Trung-Hoa.
Kenya bên Phi-Châu, chính phủ đã ban hành nhiều đạo luật gắt gao để bảo vệ tây-ngu, vì mới mười năm trước đây, nước này có đến 20 ngàn tây-ngu, mà nay chỉ còn có 1,500 con. Ngoài lý do duy trì loại vật này cho khỏi bị tận diệt, Kenya còn có ý muốn nuôi tây-ngu trong các sở thú khổng lồ không hàng rào, để câu du khách.
Mặc dù được một số quốc gia như Kenya, và được một chiến dịch quốc tế bảo vệ tây-ngu, số tây-ngu mỗi ngày một xuống, vì có những tay đi săn chuyên nghiệp tìm hết cách hạ sát tây-ngu để lấy sừng, vì sừng tây-ngu rất mắc tiền.
Ở Ấn-độ, sừng tây-ngu được tán thành bột để làm thuốc bổ thận, còn người Trung-Hoa cũng tán sừng này thành bột, nhưng lại làm thành thuốc viên để trị bá bệnh. Theo giá thị trường Hồng-Kông thì một cân Anh sừng tây-ngu, tức là chừng nửa kí-lô, gần đây được bán với giá 5 ngàn mỹ-kim.
Trong bài báo đăng ở một tạp chí lớn ở Mỹ để kêu gọi nhiều người hưởng ứng việc bảo vệ tây-ngu, tác giả có kết luận rằng: “Tình cảnh thật trớ trêu. Sừng tây-ngu tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền, nay cũng vì cái sừng này, mà giống tây-ngu đang mang họa và có thể bị tận diệt.”
Sừng tây-ngu tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền, và vì cái sừng mà tây-ngu phải làm mồi cho những viên đạn ác nghiệt của mấy tay thợ săn tham lam. Con chim hoàng yến bị người ta bắt nuôi trong lồng vì nó hót hay, con công bị người ta săn vì bộ lông đẹp. Các loài vật này chết vì cái sở trường, tức là cái hay cái đẹp của chúng. Con người khác hơn loài vật, vì con người có thể chết vì cái sở trường, nhưng cũng có thể chết vì cái sở đoản, tức là cái dở, cái yếu của mình. Vì vậy người xưa mới nói rằng: “Khôn chết, dại chết, biết sống.” Sở trường là khôn cũng chết, mà sở đoản là dại cũng chết, chỉ có biết mới sống thôi.
Một lần kia, sau khi chữa cho một người đui mù từ lúc mới sinh, Chúa Cứu Thế có phán rằng: “Ta đến thế gian để làm sự phán xét này hễ ai không thấy thì thấy, còn ai thấy thì hóa đui mù.” Mấy người Do-thái đứng gần đấy hỏi vặn Ngài: “Bộ Thầy nói chúng tôi cũng mù cả sao?” Khi nghe vậy, Chúa phán tiếp rằng: “Nếu các ngươi mù thì không có tội lỗi chi cả. Nhưng vì các ngươi nói rằng chúng tôi thấy, nên tội lỗi các ngươi mới còn lại.”
Đã sinh ra làm người thì ai cũng có tội, và cái hậu quả của tội lỗi là chết. “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,” từ xưa đến nay, người ta đã có sinh thì phải có tử, và cái chết vừa là hậu quả, vừa là bằng chứng hiển nhiên của tội lỗi.
Con người có tội, đó là cái sở đoản của con người, nhưng có bao nhiêu người thực sự xưng nhận tội mình với Đấng Tạo Hóa? Không có tội là cái sở trường, nhưng cái sở trường này chỉ là cái sở trường tưởng tượng, cái sở trường tự mình gán cho mình, cái sở trường giả tạo.
Tại sao chúng ta lại để mình phải chết trong tội, vì cái sở trường giả tạo này? Lời Chúa phán: “Nếu ai không thấy thì thấy, còn ai thấy thì hóa mù” có nghĩa rằng trong đời này không ai không có tội cả. Nếu chúng ta nhận biết tội và xưng nhận tội mình với Đấng Tạo Hóa, thì Chúa tha thứ và rửa sạch mọi tội lỗi chúng ta. Chúa đã chịu chết vì tất cả nhân loại, nhưng chỉ người biết nhận tội và ăn năn tội mới được cứu rỗi.
Như vậy chúng ta đừng bấu víu vào cái khôn giả tạo, tự cho mình vô tội để phải chết trong tội và cũng đừng dại mà cứ giữ tội của mình. Nhưng chúng ta phải biết, biết mình có tội, biết xưng tội mình với Chúa, và biết rằng Chúa đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Lời Chúa phán rằng: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Chúa là Đấng Thành Tín và Công Bình sẽ tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.”
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org