Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Bảo Vật

Điện Thoại Phúc Âm: Bảo Vật

Điện Thoại Phúc Âm: Bảo Vật

 

Bảo Vật

Rose Hill là tên một nhà nội trú dành cho thanh thiếu niên ở thành phố Manchester bên Anh-quốc. Nhà này rất cũ kỹ. Trên tường nhà, gần bên thang gác có treo một tấm tranh sơn dầu, cũ đến nỗi bụi bặm bám vàng khè. Bà giám đốc nhà nội trú này cho rằng tấm tranh treo ở đó vô vị quá, chi bằng đem bán đi, được một sổ tiền sung vào quỹ điều hành còn có ích hơn… 

Bà tiếp xúc với một nhà buôn tranh ảnh trong thành phố, và được nhà buôn này đề nghị mua tấm tranh với giá 600 anh-kim, tức là hơn 1,200 mỹ-kim. Nhưng bà giám đốc chưa chịu bán vội. Bà cho gỡ tấm tranh xuống, tháo cái khung gỗ nặng nề ra, thì thấy bên góc tấm tranh có chữ ký của họa sĩ Frederic Church, là một hoạ sĩ Mỹ nổi danh vào thế kỷ thứ 19, và biết tên bức tranh đó là “Băng Sơn.”

Hy vọng sẽ có người trả giá cao hơn, bà giám đốc vận động với một số viện bảo tàng và các chuyên viên mỹ thuật để đưa tấm tranh “Băng Sơn” này ra đấu giá ở Nữu-Ước vào tháng 10 năm 1979. Sau một cuộc đấu giá sôi nổi, tấm tranh “Băng Sơn” đã được một người vô danh mua với giá 2 triệu 500 ngàn mỹ-kim. 

Đối với con mắt của người không biết chơi tranh thì tấm tranh “Băng Sơn” chẳng đáng giá gì, nhưng đối với người sành điệu thì đây là một tấm tranh rất quý, đến nỗi nhiều người tranh nhau mua, và có người dám trả đến 2 triệu rưỡi mỹ-kim.

Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng có kể hai ví dụ về bảo vật như sau: “Nước thiên đàng giống như của quí báu chôn trong một đám ruộng kia. Có người tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình để mua đám ruộng đó.” 

Ví dụ thứ hai: “Nước thiên đàng cũng giống như một người lái buôn kiếm ngọc quý, khi đã tìm được một viên ngọc quý, liền đi bán hết gia tài mình mà mua viên ngọc đó.”

Trong câu chuyện tấm tranh “Băng Sơn,” thì tranh treo sờ sờ trong nhà nội trú suốt mấy chục năm, hàng trăm hàng ngàn người đi qua đi lại, thấy bức tranh đó, nhưng không một ai biết là tranh quý.

Trong câu chuyện Chúa kể thì có một đám ruộng, ngó trên mặt ruộng thì cũng giống như hàng trăm hàng ngàn đám ruộng khác, nhưng bên dưới có chôn của báu. Người tìm được của báu ấy liền về nhà, bán hết gia tài mình để mua đám ruộng đó. Còn người buôn ngọc khi thấy viên ngọc quý liền biết ngay giá trị của nó, và cũng bán hết gia tài mua cho kỳ được viên ngọc quý.

Khi kể hai ví dụ này, Chúa Cứu Thế chú ý đến ý chính của câu chuyện là: quyết tâm của người nhất định mua cho bằng được của quý, với bất cứ giá nào.

Tại sao có người khi nghe nói về Phúc Âm, về sự sống đời đời ở Nước Trời, thì coi như một chuyện không đáng để ý. Họ nhìn Phúc Âm chẳng khác như hàng ngàn thanh thiếu niên ở nhà nội trú Rose Hill đã nhìn tấm tranh “Băng Sơn” nhiều lần mà vẫn không biết giá trị thực của tấm tranh ấy.

Sự sống đời đời Nước Trời mà Phúc Âm đem lại cho chúng ta quý giá đến nổi không thể đem bất cứ quà quý giá trong đời này mà so sánh. Chính Chúa Cứu Thế đã phán rằng: “một linh hồn cũng đã quý giá hơn cả thế gian này rồi.”

Chúng tôi cầu xin Ánh Sáng của Chúa soi sáng để qúy vị thấy sự sống đời đời ở Nước Trời là quý giá đến nỗi quý vị sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước của Đấng Tạo Hóa và đức thánh thiện công chính của Ngài, rồi Ngài sẽ ban thêm cho các con mọi điều ấy nữa.”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top