Điện Thoại Phúc Âm: Bánh Vẽ và Bánh Hằng Sống
Bánh Vẽ Và Bánh Hằng Sống
Trong ngôn ngữ Việt-Nam có một danh từ rất hay, là danh từ “bánh vẽ.” Ví dụ khi một chính trị gia hứa hẹn này nọ với dân chúng nhưng nuốt hết lời hứa của mình sau khi đắc cử, người ta gọi ông hay bà chính trị gia này đã cho dân ăn bánh vẽ. Bạn bè cũng có thể cho nhau ăn bánh vẽ, một người lớn có thể cho thuộc hạ mình ăn bánh vẽ, mà thuộc hạ cũng có thể cho thượng cấp mình ăn bánh vẽ.
Chắc các họa sĩ Việt-Nam đời xưa có tài vẽ rất giỏi nên vẽ ra những chiếc bánh trông rất ngon lành, nhưng ăn không được. Ở nước Mỹ nay, với kỹ thuật ấn loát tân tiến, họ in trên báo sách những hình ảnh quảng cáo rất đẹp. Có những thứ bánh trái đẹp như thật, và có khi còn đẹp hơn thật nữa. Nếu các cụ Việt-Nam ta đời xưa mà thấy mấy hình quảng cáo bánh trái của Mỹ chắc đã phải đặt ra danh từ “bánh in.” Bánh in đây là ảnh in trên giấy, chứ không phải là thứ bánh in bằng bột đậu xanh đã làm nổi danh một vài hiệu bánh, như hiệu bánh nọ ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn lúc trước.
Khi nghĩ đến các món ăn tinh thần, ta thấy trong đời này cũng có rất nhiều bánh vẽ. Bao nhiêu người đứng lên, hô hào tình yêu, hứa hẹn hạnh phúc cho đồng bào đồng loại, chẳng những cho cuộc sống tạm này, mà họ còn nói đến cuộc sống đời sau nữa. Nhưng rốt cuộc cả người hứa, lẫn người bị hứa đều phân vân, không chắc chắn mình có được gì không? Khi một đám dân đông Do Thái nghe Chúa Cứu Thế dạy: “Ta là bánh hằng sống,” tức là “Ta là thức ăn đem lại sự sống đời đời” thì họ liền nghĩ đến một thứ thức ăn để nuôi xác thịt. Họ không hiểu rằng linh hồn của họ đang đói khát, và linh hồn đó sẽ chết đời đời nếu không tìm được thức ăn sống đời đời.
Thức ăn cho linh hồn loài người không phải là một triết lý, một lý thuyết hay ho đẹp đẽ, như những cái bánh vẽ, bánh in màu mè sặc sỡ nhưng không nuôi dưỡng được linh hồn. Khi phán rằng: “Ta là bánh hằng sống,” Chúa Cứu Thế cho loài người biết rằng: cả Đông Phương, lẫn Tây Phương đã có nhiều triết lý, lý thuyết rồi, Chúa không cần phải đưa ra một lý thuyết mới nữa. Loài người không cần lời lẽ hay ho, nhưng cần một thức ăn đem lại sự sống đời đời cho linh hồn.
Vì vậy, Chúa Giê-xu trịnh trọng tuyên bố: “Thịt Ta là thức ăn thật, huyết Ta là thức uống thật của các con.” Chúa không dùng chữ ăn và uống theo nghĩa đen vì chắc không một ai muốn nhai nuốt thịt Chúa cả. Ăn thịt Chúa tức là lấy lòng tin nhìn lên Chúa, thấy thân thể Chúa đang treo trên cây gỗ hình chữ thập, da thịt bị rách nát, đâm thủng nhiều chỗ, huyết đổ ra từ những vết thương, mà nhìn nhận rằng: Chúa chết vì tôi. Chúa là Đấng vô tội, đã bị kể là tội nhân, đã bị hình phạt vì chính tôi; vì cả nhân loại. Khi tôi nhận thực sự Chúa đã chịu chết vì tôi, tôi “ăn thịt” Chúa theo nghĩa thiêng liêng, và khi xin máu huyết thánh của Chúa rửa sạch lòng tôi, xóa hết các tội lỗi tôi, tôi đã nhận, đã uống huyết thánh của Chúa.
Chúa Cứu Thế đã chịu chết, ơn cứu rỗi của Chúa là một thực sự mà chúng tôi và nhiều người khác đã thực nghiệm, không phải là một thứ lý thuyết không thực tế. Kính mời bạn đến với Chúa và nếm thử Chúa, là thức ăn hằng sống cho linh hồn bạn.
Điện Thoại Phúc Âm (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành
Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)