Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Điện Thoại Phúc Âm » Điện Thoại Phúc Âm: Bài Do-Thái

Điện Thoại Phúc Âm: Bài Do-Thái

Điện Thoại Phúc Âm: Bài Do-Thái

 

Bài Do-Thái

Mới đây, khi 550 người Do-Thái đang hội họp trong một đền thờ ở gần Khải-Hoàn-Môn (Arc de Triomphe) ở Ba-Lê, thì một trái bom đặt trong một chiếc xe đậu trước đường nổ tung làm chết ba người, và hơn 10 người bị thương. 

Mấy năm gần đây, chúng ta đã nghe về những vụ bom nổ, ám sát và khủng bố khắp các nơi trên thế giới, nhưng vụ đặt bom trước đền thờ Do-Thái ở Ba-Lê là một vụ đặc biệt. Chính đền thờ ấy đã bị đảng Quốc xã đặt bom nổ vào năm 1944, và vụ nổ bom gần đây có liên hệ đến vụ bom nổ làm chết 15 người và bị thương 200 người ở Munich bên Đức, cũng như vụ bom nổ ở nhà ga xe lửa bên Ý vào tháng 8 năm nay. 

Ba vụ khủng bố xảy ra ở ba nước là Pháp, Đức và Ý do ba nhóm khác nhau gây ra, nhưng họ có chung một đường lối là quá khích cực tả… bài Do-Thái, và rất có thể các hoạt động của họ được Tổ Chức Tân Phát-xít Ấu Châu phối hợp. Các nhóm này không phải chỉ đặt bom phá đến thờ mà các cơ sở thương mãi, trường học và vườn trẻ của người Do-Thái cũng là mục tiêu phá hoại của họ. Lãnh tụ của nhóm Tân Phát-xít ở Pháp tuyên bố rằng “hoạt động của chúng tôi sẽ càng ngày càng gia tăng, và càng bạo động hơn. Chúng tôi chỉ có một thần tượng là Adolf Hitler.

Chúng ta đều biết Hitler đã đưa dân tộc Đức vào con đường chiến tranh, đã gây ra trận thế chiến thứ hai, và đã ra lệnh sát hại hơn 6 triệu người Do-Thái trong các trại tập trung. Mặc dù cái chết của Hitler có nhiều bí ẩn chưa được sáng tỏ, nhưng dù cho ông ta có trốn thoát đến một đệ tam quốc gia như một số người tưởng, thì đến nay ông ta cũng đã chết già rồi. Nhưng đối với những tay Tân Phát-xít thì Hitler chết, nhưng tinh thần của ông ta vẫn sống. Chúng ta đã nghe câu nói này rất nhiều lần: người chết, những tinh thần vẫn sống. Mới nghe thì hay thật, lý tưởng thật! Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi “tinh thần” đó là tinh thần gì? Tinh thần vị tha hay vị kỷ? Tinh thần yêu thương hay hận thù? Tinh thần nhân loại hay tinh thần kỳ thị chủng tộc? 

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng khi một người được dân tộc này tôn là anh hùng, thì bị dân tộc khác coi là kẻ thù không đội trời chung; những người theo cùng một lý tưởng chính trị được tôn là vĩ nhân, thì lại bị người theo lý tưởng khác gọi là kẻ thù. Như tướng Mã-Viện đời nhà Hán đã bị lịch sử Việt-Nam coi là tên xâm lược, trong khi lịch sử Trung-Hoa gọi là danh tướng công thần.

Có những vị đạo cao đức trọng đã nghĩ xa hơn, đã thấy rộng hơn, như đức Khổng-Tử đã dạy cho môn đệ mối tình nhân loại bằng câu chuyện vua Sở mất cung. Câu chuyện này kể rằng: Vua nước Sở đánh mất một cây cung sau một cuộc săn bắn. Có ông quan tâu với vua xin cho người đi kiếm, thì vua Sở bảo rằng: vua nước Sở mất cung, thì người nước Sở bắt được, chứ mất đi đâu mà phải kiếm. Đức Khổng Tử chê lời ấy và nói rằng: tại sao không nói người này mất cung thì người khác bắt được? Cần gì phải phân biệt người nước Sở với người nước khác? Thật là một lời dạy thâm thúy của một nhà đại hiền triết, xứng đáng với danh hiệu “Vạn thế sư.” Nhưng đức Khổng Tử là người khiêm tốn, biết mình, biết người, nên chỉ dạy đạo làm người mà nhất thiết không chịu bàn đến cõi siêu nhiên, cõi đời đời.

Chính người Do-Thái cũng đã hiểu lầm Kinh Thánh, hiểu lầm các lời tiên tri về Chúa Cứu Thế!  Suốt mấy ngàn năm, họ trông chờ một vị cứu tinh, một vị anh hùng dân tộc để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của người La-Mã, để đánh đông đẹp bắc mở rộng  bờ cõi của người Do-Thái, đem hạnh phúc đến cho dân tộc Do-Thái mà không cần đếm xỉa gì đến các dân tộc khác. Họ không để ý đến lời tiên tri đã báo trước: Chúa Cứu Thế là Đấng Tạo Hóa nhập thế, mang danh hiệu là “Emmanuel,” nghĩa là Thượng Đế ở với nhân loại. Vì vậy, khi Chúa Cứu Thế giáng sinh làm một người nghèo nàn thì họ khinh bỉ, chống nghịch, khi Ngài tình nguyện lên thập tự giá, gánh tội lỗi của cả nhân loại mà chịu chết, thì họ về hùa với người La-Mã sỉ nhục Chúa.

Người Do-Thái lúc đó chẳng khác gì những ông Tân Phát-xít đời nay, và họ đều muốn tôn thờ một vị thần thánh có thể thỏa mãn cái lòng ghen ghét, thù hận và vị kỷ của mình chớ không thể chấp nhận một Chúa yêu thương cả nhân loại, một Chúa đã dạy rằng “Hãy yêu thương người thù nghịch, và cầu nguyện cho người bắt bớ mình.”

Khi tuyên bố “Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xuống trần gian để cứu rỗi những người có tội.” Kinh Thánh không phân biệt màu da chủng tộc, không chia ra bạn với thù, mà bao gồm tất cả nhân loại. Trên lý thuyết, nhiều nhà hiền triết đã đề cập đến tình nhân loại, nhưng chỉ một mình Chúa Giê-xu đã thực hiện được mối tình không biên giới đó qua cái chết của Ngài trên thập tự giá.

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)
Tài Liệu Lưu Trữ Của Thư Viện Tin Lành

Đọc thêm: Những Bài Điện Thoại Phúc Âm Khác

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top