Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Điện Thoại Phúc Âm: Âm Nhạc

Điện Thoại Phúc Âm: Âm Nhạc

Âm Nhạc

“Âm nhạc không hạn tuổi, người lớn tuổi đến mấy cũng có thể học âm nhạc và có thể xử dụng một số nhạc cụ”.  Đấy là lời kêu gọi của Ban Âm Nhạc của Viện Đại Học Kentucky để khuyến khích dân chúng ở vùng Lexington đến ghi tên học các lớp âm nhạc miễn phí dành riêng cho người từ 50 tuổi trở lên.  Khi đã tiến bộ, các học viên có thể tham dự ban nhạc hòa tấu để trình diễn trong vùng.

Âm nhạc là một thứ tiếng nói quốc tế, là một nghệ thuật không biên giới, có thể làm cho người ta phấn khởi vui mừng, mà cũng có thể gợi buồn gợi tủi, cũng như thúc đẩy cho người ta hăng say lao mình vào chổ hiểm nguy mà không cần biết đến các trở ngại, các nỗi khổ đau.  Âm nhạc có thể đưa tâm hồn ta đến những cảm giác thanh cao, mà cũng có thể khích động thú tính của con người.  Vì vậy, tổ tiên chúng ta có khi kể âm nhạc là một trong bốn thú vui thanh cao, là “cầm, kỳ, thi, họa”, và cũng do khi liệt âm nhạc vào hạng thấp kém hèn hạ khi nói rằng: xướng ca vô loại.

(Chắc quí vị thính giả vẫn còn nhớ những bản quân hành, với điệu nhạc thúc giục hùng tráng đã làm cho người chiến sĩ tiến bước mà quên cả mệt nhọc.  Trong khi đó cũng có những bản nhạc ủy mị ướt át đã làm cho người hùng nhục chí khí, trở nên yếu đuối chán nản.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc đến thứ âm nhạc thanh cao thánh khiết, thứ âm nhạc được dùng vào việc thờ phụng Đấng Tạo Hóa, để tôn vinh ca ngợi Chúa của cả muôn loài vạn vật.

Người Do Thái đời xưa là một dân tộc rất nổi tiếng về âm nhạc.  Họ có 150 bài ca trong một sách gọi là Thi Thiên, hay Thánh Vịnh.  Trong số các bài ca nầy, có những bài đoản ca chỉ một vài dòng, mà cũng có bài trường ca còn dài hơn bản trường ca Messiah (Le Messie) của nhạc sĩ George Frederick Handel nữa.  Bài ca thứ 150 trong sách Thi Thiên hay Thánh Vịnh) này có nhắc đến giọng ca tiếng hát, và tám loại nhạc khí được dùng để ca ngợi Thiên Chúa, trong số đó có: kèn, đờn sắt, đờn cầm, trống, nhạc khí dây, sáo, chiên và phèng la.

Chắc chắn Chúa cần những người có thiên tài âm nhạc, có giọng ca thiên phú để tôn vinh ca ngợi Ngài, và để đem Phúc Âm đến với đồng bào đồng loại qua tiếng đờn giọng hát, như trường hợp Chúa dùng Bob Dylan, Johny Cash ở Hoa Kỳ, Cliff Richard ở Anh quốc, v.v.. Lời Ngài phán rằng: “Ta đã dựng nên dân này cho Ta, để hát ngợi khen Ta”, thì chúng ta lại thấy rằng không phải chỉ người hát hay đàn giỏi mới có thể ngợi khen Chúa, nhưng hễ ai là “dân” của Chúa đều có thể ca ngợi Ngài.

Người ta có tiêu chuẩn để chấm điểm tài đờn giọng hát, như các cuộc thi âm nhạc quốc tế để đoạt giải âm nhạc Lenin bên Nga, cuộc thi dương cầm giải Van Cliburn ở Mỹ, v.v.. Nhưng Đấng Tạo Hóa đã không áp dụng tiêu chuẩn của người khi Ngài kêu gọi rằng:

“Hỡi trời của các từng trời, hỡi nước trên các từng trời, hãy ca ngợi Ngài!

“Hỡi gả trai trẻ và gái đồng trinh, người già cả và con trẻ,

“Cả thảy khá ca ngợi Đấng Tạo Hóa,

“Vì chỉ danh Ngài được tôn cao cả! Vinh quang Ngài trổi cao hơn trái đất và từng trời!”

Thanh niên, thiếu nữ, người lão thành cũng như trẻ con đều có thể hòa ca với cõi thiên nhiên mà tôn vinh Đấng Tạo Hóa, và sống đúng theo mục đích của Chúa đã tạo dựng chúng ta, miễn là chúng ta đều là “con dân” của Ngài.

Lúc nguyên thủy, loài người được tạo dựng làm con dân nước Trời, nhưng loài người đã phạm tội, đã hụt mất tiêu chuẩn vinh hiển thánh thiện của Đấng Tạo Hóa.  Nhưng Phúc Âm cho chúng ta biết rằng: “Khi chúng ta còn là người tội lỗi, thì Chúa Cứu Thế đã vì chúng ta chịu chết”.  Cái chết của Đức Chúa Giê-xu đã mở cho chúng ta Con Đường Sống, dẫn chúng ta trở về với Đấng Tạo Hóa, để chúng ta trở lại làm con dân nước Trời, và có lời ca hát để tôn vinh Chúa trong cõi đời nay, và mãi mãi trong cõi đời đời nữa.

(Loài người chỉ thích tiếng đàn điêu luyện và giọng hát du dương, nhưng Đấng Tạo Hóa lại chỉ thích tiếng ca ngợi chân thành phát xuất từ đáy lòng của con dân Ngài, dù tiếng ấy có lạc điệu hay sai nhịp, vì Chúa phán rằng: “Ta đã dựng nên dân này cho Ta để hát ngợi khen Ta!”

Điện Thoại Phúc Âm  (1983)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top