Diễn Văn của Bác sĩ Benjamin Carson tại National Breakfast Prayer
Lời Ban Biên Tập:
Bác sĩ Benjamin Carson được sinh ra trong một môi trường không thuận lợi; tuy nhiên với lòng kiên trì và đức tin nơi Chúa của mẹ ông, Benjamin Carson đã từ một cậu bé nhà nghèo, học dỡ, trở thành một bác sĩ chuyên khoa về giải phẩu thần kinh. Bác sĩ Benjamin Carson là người trẻ nhất làm giám đốc một chuyên khoa tại Đại Học John Hopkins (1984), là người đầu tiên trên thế giới giải phẩu thành công hai trẻ em song sinh dính sọ não (1987). Ông được trao tặng Presidential Medal of Freedom, huân chương cao quý nhất của Hoa Kỳ dành cho một công dân vào năm 2008. Cuộc đời của ông đã được dựng phim. Bác sĩ Benjamin Carson được mời làm diễn giả của National Prayer Breakfast – buổi họp mặt của khoảng 3000 quan khách đến từ 50 tiểu bang và 100 quốc gia vào ngày 7/2/2013 vừa qua. Dưới đây là bài diễn văn của Bác sĩ Benjamin Carson.
Diễn Văn của Bác sĩ Benjamin Carson tại National Breakfast Prayer
Người giới thiệu:
Kính thưa quý vị. Chúng tôi mời Bác sĩ Carson làm diễn giả cho chúng ta sáng hôm nay vì ba lý do:
– Ông là một người yêu mến Chúa Jesus.
– Ông có một cuộc đời rất thuyết phục.
– Ông là một khoa học gia nổi tiếng trong lĩnh vực điều trị.
Chúng tôi hy vọng diễn giả có thể giúp chúng ta giải quyết những nan đề chúng ta đang gặp phải. Tôi xin giới thiệu Giám đốc của Khoa Giải Phẩu Thần Kinh tại Bệnh viện Johns Hopkins, Baltimore – một bệnh viện nổi tiếng thế giới – Bác sĩ Benjamin Carson.
Benjamin Carson:
Cảm ơn rất nhiều!
Thưa Tổng Thống, Phó Tổng Thống, bà Obama, và những vị khách đáng kính – là tất cả mọi người tại đây. Tôi rất biết ơn về vinh dự tuyệt vời được trở lại diễn đàn này một lần nữa. Cách đây 16 năm tôi đã thuyết trình tại đây; việc họ mời tôi trở lại lần này có nghĩa là tôi đã không xúc phạm quá nhiều người. Đó là điều tốt.
Tôi muốn khởi đầu bằng việc đọc bốn câu Kinh Thánh, liên hệ đến nội dung những điều tôi sẽ nói.
Châm Ngôn 11:9 “Người không có Chúa lấy lời nói làm tàn hại người lân cận mình; còn những người công bình nhờ tri thức mà được thoát.”
Châm Ngôn 11:12 “Người thiếu hiểu biết xem thường người lân cận mình; nhưng người khôn sáng im lặng.”
Châm Ngôn 11:25 “Người rộng lượng sẽ được thạnh vượng; và ai nhuần gội người khác, chính người sẽ được nhuần gội.”
II Sử Ký 7:14 “Nếu dân Ta, là dân được gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, từ bỏ con đường tà quay trở lại, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội cho họ và cứu chữa đất nước họ.”
Như các bạn biết, tôi có dịp nói chuyện nhiều nơi, đây là lần thuyết trình thứ tư trong tuần này. Tôi cũng có dịp nói chuyện với nhiều người; tôi đã hỏi nhiều người rằng điều gì làm cho bạn quan tâm nhất? Bạn quan tâm điều gì nhất trong lãnh vực tâm linh, về hướng đi của quốc gia và thế giới của chúng ta?
Tôi đã nói chuyện với những nhân vật rất quan trọng của Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, và tôi lấy làm ngạc nhiên bởi sự đồng nhất trong những câu trả lời của họ – Những người đó đã được thông báo về những ý kiến của tôi sáng nay, tôi không cố ý xúc phạm ai – Tôi khám phá ra rằng trong những năm gần đây thật khó khi nói chuyện với một đám đông mà không xúc phạm một ai. Nhiều người đã bỏ đi với cảm xúc thể hiện rõ trên vai. Chờ đợi cho bạn nói điều gì đó, họ liền nói: “A! Anh có nghe điều đó không?” và rồi họ không còn lắng nghe những gì khác nữa – Những cảnh sát viên soi mói chuyện nói năng cho đúng chính trị luôn đi tuần tra. – Tôi nhớ có một lần tôi nói về sự khác biệt giữa bộ óc con người và óc của con chó, có một ông cảm thấy xúc phạm đã nói: “Ông không thể nói về chó như vậy.” Người ta chỉ chú trọng vào vấn đề đó, hoàn toàn không hiểu được điểm mà bạn muốn nói.
Chúng ta đang ở vào thời điểm mà con người sợ phải nói những gì họ muốn nói, vì một ai đó có thể bị xúc phạm. Người ta sợ không dám nói “Chúc Mừng Giáng Sinh” vào mùa Giáng Sinh. Không cần biết người mà bạn đang nói chuyện là người Do Thái, hay bất cứ tôn giáo nào; đó là một câu chào hỏi và là một lời chúc mừng với ý tốt. Chúng ta cần phải vượt qua sự nhạy cảm tế nhị này, vì nó ngăn cản một người muốn nói ra điều mà họ thật sự tin.
Quý vị biết không, điều này làm tôi nhớ tới một thương gia trẻ rất thành công. Ông thích mua cho mẹ những món quà quý hiếm vào ngày lễ Mẫu Thân. Nhưng rồi ông ta cũng cạn hết ý tưởng không biết mua gì nữa, lúc đó ông ta gặp mấy con chim. Những con chim này thật tuyệt. Quý vị biết không, mỗi con trị giá $5000.00. Chúng nó có thể múa, có thể hát, có thể nói chuyện. Ông ta hớn hở, ông mua một cặp, gởi cho mẹ mình, háo hức chờ tới ngày lễ Mẫu Thân gọi mẹ: “Mẹ! Mẹ thấy cặp chim đó thế nào?” Bà mẹ trả lời: “Chúng ngon lắm.” Ông ta nói: “Ồ! Không! Chắc mẹ không ăn cặp chim đó chớ? Mỗi con giá $5000.00. Chúng nó có thể múa, chúng có thể hát, chúng có thể nói!” Bà mẹ trả lời: “Như vậy chúng phải nói chớ!”
Quý vị biết không, đó cũng là kết cuộc của chúng ta nếu chúng ta không nói những gì chúng ta tin. Và, như quý vị biết, điều chúng ta cần phải làm trong cái thế giới phải nói năng cho đúng chính trị này là hãy quên đi sự đồng thuận trong lời nói và sự đồng thuận trong ý tưởng. Chúng ta cần tập trung vào việc tôn trọng những người không đồng quan điểm với mình; và đến lúc đó, tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu tiến bộ.
Một nhận xét cuối cùng nữa về việc nói năng cho đúng chính trị – là điều mà tôi cho là một tệ nạn. Tôi là một người rất cảm thông và không bao giờ có ý xúc phạm một ai; nhưng việc nói năng cho đúng chính trị thật nguy hiểm – bởi vì như quý vị nhận thấy, đất nước này được xây xựng trên nền tảng của sự tự do về tư tưởng và sự tự do diễn đạt – Quan điểm nói cho đúng chính trị làm nghẹt tiếng nói của con người, bằng cách bịt mồm họ lại; đồng thời, khiến người ta không thể thảo luận về những vấn đề quan trọng trong khi cấu trúc xã hội này đang thay đổi. Chúng ta không thể sa vào cái bẫy đó. Điều chúng ta cần làm là phải bắt đầu nói, phải thảo luận về những vấn đề quan trọng.
Có nhiều điều quan trọng trong việc xây dựng đất nước, một trong những điều quan trọng đó là giáo dục. Tôi rất nhiệt tình với vấn đề giáo dục vì nó có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của tôi. Nhưng giờ đây chúng ta sống trong giai đoạn của thế giới gọi là thời đại thông tin, thời đại của kỹ thuật, nhưng có 30% học sinh trung học không tốt nghiệp trung học, 44% học sinh bắt đầu chương trình đại học 4 năm nhưng không tốt nghiệp trong 4 năm. Điều này có ý nghĩa gì?
Hãy nhớ lại thời kỳ đen tối trong lịch sử chúng ta: 200 năm trước đây khi còn chế độ nô lệ; giáo dục một nô lệ, nhất là dạy họ đọc, là điều phạm pháp. Theo quý vị tại sao như vậy? Vì khi quý vị giáo dục một người, quý vị giải phóng người đó. Chính tôi khi còn trẻ cũng đặt mình trong hòan cảnh đáng sợ đó vì tôi không biết hưởng thụ lợi ích của giáo dục. Lúc đó tôi là một học sinh dở, những bạn cùng lớp với tôi cho rằng tôi là thằng ngu nhất trên thế giới. Chúng nó gọi tôi thằng ngốc, tôi là đề tài trong các câu chuyện chế diễu.
Bây giờ tôi phải công nhận là do môi trường xấu – sống trong một gia đình chỉ có mẹ không có cha. Quý vị biết không, cha mẹ tôi ly dị khi tôi còn trẻ. Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có 24 người con, bà lập gia đình khi mới 13 tuổi. Mẹ tôi có một cuộc sống thật thật đáng thương. Bà khám phá ra chồng mình là người đa thê, đã có vợ và gia đình khác; bà chỉ học tới lớp ba. Mẹ tôi phải nuôi nấng chúng tôi trong sự tận cùng của nghèo khổ.
Tôi rất nóng tính và mặc cảm tự ti, có tất cả những yếu tố ngăn cản sự thành công mà quý vị có thể nghĩ đến, nhưng tôi có một điều rất quan trọng: tôi có một người mẹ đầy lòng tin vào tôi, và tôi có một người mẹ không bao giờ để cho chính mình trở thành nạn nhân của bất cứ chuyện gì xảy ra.
Mẹ tôi không bao giờ tìm cách bào chữa và không bao giờ chấp nhận bất cứ sự bào chữa nào từ chúng tôi. Nếu chúng tôi có khi nào đó nghĩ ra lý do để bào chữa, bà luôn luôn hỏi “Các con có đầu óc không?” Và nếu câu trả lời là “Có!” bà liền nói “Vậy các con có thể nghĩ ra cách vượt qua khỏi điều đó, bất kể John, hay Susan, hay Mary, hay bất cứ người nào khác nói gì.” Đó là điều quan trọng nhất mẹ tôi đã làm cho em tôi và chính tôi. Bởi vì nếu quý vị không chấp nhận sự bào chữa, không bao lâu sau người ta sẽ ngưng đưa ra lời bào chữa, và bắt đầu tìm kiếm giải pháp. Và đó là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Quý vị biết không, chúng tôi sống trong nghèo nàn, và điều mà tôi ghét nhất là nghèo. Có người ghét nhện, có người ghét rắn, tôi ghét nghèo. Tôi không thể nào chịu nổi. Nhưng quý vị biết không, mẹ tôi không thể chấp nhận khi chúng tôi học kém ở trường và bà cầu nguyện xin Chúa cho bà sự khôn ngoan, và chỉ cho bà điều mà bà có thể làm để cho các con mình hiểu được tầm quan trọng của sự khôn ngoan?
Chúa cho mẹ tôi sự khôn ngoan; ít nhất theo quan điểm của mẹ tôi. TV bị tắt. Bà chỉ cho phép chúng tôi coi hai hay ba chương trình mỗi tuần, phải bắt đầu đọc ít nhất hai cuốn sách, rồi viết bài tường thuật về sách nộp cho bà. Mẹ tôi không biết đọc, nhưng lúc đó chúng tôi không biết. Bà đánh dấu, gạch dưới, đủ thứ hết. Bạn biết không, tôi ghét phải làm như vậy trong khi tất cả bạn của tôi chơi vui vẻ bên ngoài. Bạn của mẹ tôi cũng chỉ trích bà. Họ nói không thể để con trai ở trong nhà đọc sách như vậy được, chúng nó lớn lên sẽ ghét bà. Tôi nghe được điều họ nói liền nói “Mẹ biết không! Họ nói đúng,” nhưng mẹ tôi chẳng thèm quan tâm.
Quý vị biết không, sau một thời gian, tôi lại thích đọc những cuốn sách đó. Vì chúng tôi rất nghèo, nhưng chính giữa hai bìa sách, tôi có thể đi khắp nơi, tôi có thể trở thành bất cứ người nào, tôi có thể làm bất cứ điều gì. Tôi bắt đầu đọc về những thành tựu quan trọng, và khi càng đọc về những câu chuyện đó tôi bắt đầu thấy được sự liên hệ. Tôi bắt đầu thấy rằng người có ảnh hưởng lớn trên đời sống của bạn và những gì xảy ra cho đời sống của bạn, đó là chính bạn. Bạn là người quyết định. Bạn quyết định sẽ để bao nhiêu năng lực vào quyết định đó. Và tôi hiểu ra rằng tôi đang điều khiển vận mệnh của chính mình. Và ngay lúc đó, tôi không còn ghét sự nghèo khó nữa vì tôi biết đó chỉ là tạm thời, tôi biết rằng tôi có thể thay đổi điều đó. Sự nhận thức đó đã giải thóat tôi, đã thay đổi tất cả.
Tiếp tục về chủ đề giáo dục, vào năm 1831 Alexis de Tocqueville đến nghiên cứu nước Mỹ. Người Châu Âu rất ngạc nhiên, làm thế nào một nước non trẻ chưa đầy 50 tuổi đã có thể cạnh tranh với họ trên mọi lãnh vực. Điều này không thể nào có được. De Tocqueville muốn tìm ra nguyên nhân nên ông đã tìm hiểu chính phủ của chúng ta. Ông ta rất lấy làm ngạc nhiên về ba nhánh của chính phủ, bây giờ thì có bốn vì chúng ta có một nhóm đặc quyền (nói đùa), nhưng thời đó chỉ có ba. De Tocqueville kinh ngạc: “Điều này đáng chú ý!” Nhưng rồi ông ta nói hãy xem nền giáo dục của họ ra sao và ông càng kinh ngạc hơn: Ai học xong lớp hai đều có thể đọc và viết. Ông ta có thể tìm thấy một người miền núi, sống bên lề xã hội, có thể đọc báo, bàn cãi về chính trị, có thể nói cho ông biết chính phủ họat động như thế nào.
Nếu quý vị muốn kinh ngạc, hãy đọc một chương về giáo dục trong cuốn sách mới nhất của tôi “America the Beautiful” mà tôi và vợ tôi cùng viết, được phát hành năm ngoái; và trong chương về giáo dục bạn sẽ thấy những câu hỏi được lấy ra từ bài thi tốt nghiệp lớp sáu trong thế kỷ 19 – là bài thi mà bạn phải đậu để được lãnh bằng lớp sáu. Theo tôi thì chưa chắc gì sinh viên đại học ngày nay có thể qua khỏi kỳ thi đó. Chúng ta đã hạ thấp trình độ giáo dục tới mức đó, và nguyên nhân thật nguy hiểm, là vì những người đã thành lập đất nước này nói rằng hệ thống chính quyền của chúng ta được thành lập cho những người dân có giáo dục và được cung cấp những thông tin đầy đủ; và do đó khi dân chúng ít nhận được những thông tin, họ trở nên dao động. Hãy suy nghĩ về điều đó. Đó là lý do tại sao giáo dục rất quan trọng.
Có nhiều người nói “Ông thổi phồng vấn đề. Sự việc không xấu như vậy, và ông là bác sĩ, một nhà giải phẩu thần kinh, tại sao ông lại quan tâm những chuyện này?” Có một thông tin cho quý vị: Năm bác sĩ đã ký vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Các bác sĩ đã tham gia vào việc soạn thảo Hiến Pháp, bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và nhiều văn kiện khác nữa. Chỉ trong những thập niên gần đây chúng tôi tự rút lui, tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn.
Chúng ta cần bác sĩ, khoa học gia, kỹ sư. Chúng ta cần những người đó tham gia vào chính quyền, không chỉ luật sư. Tôi không có thành kiến gì với luật sư, nhưng bạn biết không, đây là dữ kiện về luật sư – Tôi xin lỗi, nhưng tôi phải nói thật. Luật sư học được điều gì ở trường luật? Phải thắng, thắng bằng mọi cách. Qúy vị phải thắng, cho nên quý vị có những luật sư của Dân Chủ, quý vị có những luật sư của Cộng Hòa, và phe của họ muốn thắng. Chúng ta cần phải loại bỏ chuyện đó. Điều mà chúng ta cần nghĩ tới là làm sao giải quyết nan đề.
Xin để cho tôi nói hết trước khi tôi bị bắn (nói đùa). Tôi không thích đề cập đến nan đề mà không nói tới giải pháp. Tôi và vợ tôi đã thành lập Carson Scholars Fund cách đây 16 năm khi chúng tôi nghe kết quả cuộc khảo sát quốc tế về khả năng khoa học và toán của các học sinh lớp 8 từ 22 quốc gia. Chúng ta đứng hạng 21 trên 22. Chúng ta chỉ hơn hạng thứ 22 chút xíu – Thật đáng lo ngại.
Chúng ta tới các trường học, chúng ta thấy những giải thưởng về bóng rổ, đô vật và những môn khác. Cầu thủ ném banh là người nổi tiếng trong trường, nhưng còn ngôi sao kiến thức thì sao? Họ được những gì? Họ được một cây kim vinh dự quốc gia – một chuyện an ủi. Nhìn kìa! Một học giả tí hon? Chẳng ai quan tâm tới chúng; thảo nào đôi khi một số trẻ khôn ngoan tìm cách ẩn mình, chúng không muốn ai biết chúng thông minh. Điều này không giúp ích gì cho chúng ta hay đất nước chúng ta, cho nên chúng tôi bắt đầu trao học bổng cho tất cả mọi thành phần có thành tích học tập xuất sắc và thể hiện phẩm chất nhân đạo. Trừ khi bạn quan tâm tới người khác, dầu bạn có thông minh cỡ nào cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta có rất nhiều người như vậy. Chúng ta không cần những người thông minh nhưng không biết quan tâm tới người khác.
Chúng tôi tặng tiền. Tiền sẽ chuyển vô một tín quỹ, sẽ sinh tiền lời. Khi các em vào đại học, các em sẽ nhận được tiền đó. Nhà trường sẽ nhận được giải thưởng giống như giải thưởng của các môn thể thao, được trưng bày như những giải thưởng khác. Học sinh sẽ được nhận huy chương và được mời đi dự tiệc. Chúng tôi cố gắng đặt các em lên bục danh dự như những vận động viên thể thao. Tôi không có thành kiến gì với các vận động viên thể thao hay các diễn viên. Tôi ở Baltimore, đội Ravens mới thắng. Đó là điều hay, nhưng điều gì sẽ giữ vững cương vị của chúng ta trên thế giới? Khả năng có thể nhảy lên thảy bóng vào rổ cao 8 thước hay khả năng có thể giải phương trình bậc hai? Chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn.
Nhiều thầy cô nói với chúng tôi rằng khi trong lớp họ nhận giải thưởng Carson Scholar thì năm sau điểm trung bình của cả lớp tăng lên. Đó là điều chúng tôi rất hãnh diện. Khi chúng tôi bắt đầu cách đây 16 năm chỉ với 25 học bổng ở Maryland, bây giờ chúng tôi cấp hơn 5000 và trong cả 50 tiểu bang. Chúng tôi cũng thành lập phòng đọc sách. Đây là những nơi quyến rũ mà không có đứa trẻ nào có thể bỏ qua. Chúng được điểm cho thời gian chúng bỏ ra để đọc sách và số lượng sách chúng đọc. Chúng có thể đổi những điểm này lấy phần thưởng. Lúc đầu, các em làm vì phần thưởng, nhưng không bao lâu sau việc học tập của các em bắt đầu tiến triển.
Chúng tôi đặc biệt chú tâm vào những trường mà khi học sinh đi học về mà không có sách và khi chúng tới trường, nhà trường không có thư viện. Đó là những em sẽ bỏ học, chúng ta cần phải cắt bỏ quá trình đó càng sớm càng tốt vì chúng ta không thể lãng phí những người trẻ như vậy. Bạn biết không, nếu chúng ta giảm bớt một đứa trẻ đi trên con đường đó, con đường băng hoại hư hỏng thì sẽ bớt một người mà chúng ta phải lo bảo vệ chính mình và gia đình, bớt đi một người mà chúng ta phải trả tiền để cải huấn, hay chu cấp xã hội; nhưng thêm được một người đóng thuế, có thể sẽ phát minh ra nguồn năng lượng mới, hoặc tìm ra cách chữa trị ung thư. Tất cả các em đó quan trọng đối với chúng ta và chúng ta cần mỗi một em đó. Điều đó tạo sự khác biệt. Tối nay khi bạn về nhà, bạn có thể đọc thêm về điều này tại Carsonscholars.org.
Tại sao lại rất quan trọng khi chúng ta giáo dục người của chúng ta? Vì chúng ta không muốn đi vào con đường như những cường quốc đi trước chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến Rome thời cổ đại. Rất hùng mạnh. Không ai có thể đối đầu với họ về quân sự, nhưng điều gì đã xảy ra cho họ? Họ tự hủy diệt chính mình từ bên trong. Đạo đức suy đồi, vô trách nhiệm về tài chính. Họ tự hủy diệt chính mình. Nếu quý vị nghĩ điều đó sẽ không xảy ra cho nước Mỹ, quý vị nên đọc thêm sách vở; nhưng quý vị biết rằng chúng ta có thể sửa đổi điều đó.
Tại sao chúng ta có thể sửa đổi? Vì chúng ta thông minh. Chúng ta có một số người trí tuệ nhất lãnh đạo đất nước chúng ta. Mỗi chúng ta cần phải nhớ là chúng ta có trách nhiệm gì để có thể giải quyết vấn đề. Tôi luôn nghĩ đến những nan đề này; và mẫu mực của tôi như quý vị đã biết là Đức Chúa Jesus. Ngài dùng ẩn dụ để giúp người ta hiểu vấn đề.
Vấn đề lớn nhất của chúng ta bây giờ – như tôi đã nói, tôi không phải là người nói năng đúng chính trị, cho tôi xin lỗi – như bạn biết, thâm thủng của chúng ta là vấn đề lớn. Hãy suy nghĩ về điều này, nước chúng ta nợ 16,7 nghìn tỷ mỹ kim, bạn nghĩ đó không phải là nhiều tiền? Bạn hãy làm thử, đếm một số trong vòng một giây; bạn không thể đếm được như vậy vì khi tới số nghìn thì cần hơn 1 giây để đếm; nhưng nếu đếm một số trong một giây, bạn biết cần bao nhiêu thời gian để đếm tới 16 nghìn tỷ không? 507.000 năm – hơn cả nửa triệu năm mới đếm xong. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này.
Đây là ẩn dụ: Có một gia đình trong thời gian khó khăn, người cha bị mất việc làm hoặc bị giảm còn làm bán thời gian. Ông ta có năm người con. Ông nói với năm người con của mình rằng sẽ giảm tiền phụ cấp cho chúng. Tất nhiên chúng sẽ không vui, nhưng ông nói, ngoại trừ John và Susan, vì chúng nó đặc biệt, chúng nó vẫn nhận được tiền phụ cấp của mình. Thật ra, gia đình sẽ cho chúng thêm nữa. Quý vị nghĩ kết thúc của câu chuyện sẽ ra sao? Không tốt. Cũng vậy. Nói như vậy là đủ.
Còn hệ thống thuế của quốc gia chúng ta thì sao? Rất là phức tạp, không một ai có thể tuân theo tất cả luật lệ của hệ thống thuế của chúng ta. Nếu tôi muốn phạt bạn, tôi có thể phạt bạn trên vấn đề thuế. Điều đó không hợp lý, điều mà chúng ta cần là phải làm sao cho đơn giản.
Khi tôi cầm cuốn Kinh Thánh, bạn biết tôi thấy gì không? Tôi thấy một Đấng công bình nhất trong vũ trụ là Chúa, và Ngài cho chúng ta một hệ thống gọi là 1 phần 10. Chúng ta không nhất thiết phải áp dụng 10%, nhưng đây là nguyên tắc. Ngài không nói, nếu mùa màng của con không kết quả, không cần phải dâng 1 phần 10. Ngài không nói nếu con bội thu dâng cho ta 3 phần 10. Như vậy, chắc phải có sự công bằng gắn liền với tỷ lệ. Bạn làm 10 tỷ mỹ kim bạn trả thuế 1 tỷ. Bạn làm 10 mỹ kim thì trả thuế 1 mỹ kim; và tất nhiên, phải loại bỏ những chỗ hở. Nhưng bây giờ có người nói: “Điều đó không công bằng vì người làm 10 tỷ mỹ kim sẽ không bị tổn thương như người làm 10 mỹ kim.” Từ đâu quý vị nói phải làm tổn thương cho người mới bỏ 1 tỷ vào công quỹ. Chúng ta không cần phải làm tổn thương người đó.
Chính vì suy nghĩ đó mà kết quả là có 602 ngân hàng ở đảo Cayman. Số tiền đó cần phải ở đây, xây dựng cơ sở hạ tầng, và tạo công việc – và vì chúng ta là những người thông minh – chúng ta có đủ thông minh để tìm ra cách làm sao có thể giải quyết vấn đề đó.
Chúng ta đã bắt đầu giải quyết một trong những nan đề khác, đó là bảo hiểm sức khỏe. Chúng ta cần phải có bảo hiểm sức khoẻ tốt cho tất cả mọi người, đó là điều quan trọng nhất cho một người. Tiền bạc không có ý nghĩa gì, danh vọng không có ý nghĩa gì khi bạn không có sức khỏe; nhưng chúng ta cần phải tìm cách làm hiệu quả nhất. Chúng ta xài rất nhiều tiền cho bảo hiểm sức khỏe – số tiền gấp đôi những nước khác cho từng người – nhưng không có hiệu quả. Chúng ta có thể làm gì?
Đây là giải pháp của tôi. Khi một người sinh ra, cấp cho họ một giấy khai sinh, một hồ sơ y tế điện tử và một trương mục tiết kiệm cho sức khỏe có thể bỏ tiền vào trước khi đánh thuế từ khi bạn sanh ra tới khi bạn chết. Khi bạn chết, bạn có thể chuyển giao lại cho gia đình. Khi bạn 85 tuổi và có 6 căn bịnh, bạn sẽ không cố dùng hết tiền. Bạn sẽ vui vẻ chuyển giao số tiền đó cho người khác và không ai sẽ thắc mắc về cái chết. Đó là điều thứ nhất.
Đới với những người nghèo không có tiền, chúng ta có thể bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm sức khỏe của họ mỗi tháng – vì chúng ta đã có tiền dành sẵn cho việc này – thay vì gởi vào hệ thống hành chánh phức tạp. Hãy bỏ vào trương mục tiết kiệm sức khỏe. Khi họ có quyền quyết định về bảo hiểm sức khỏe của họ, bạn nghĩ họ sẽ làm gì? Họ sẽ nhanh chóng học làm sao có thể trở thành con người có trách nhiệm. Khi ông Jones bị sưng chân vì bệnh tiểu đường, ông ta sẽ không đi tới phòng cấp cứu và xài một số tiền lớn, nhưng ông ta sẽ tới phòng khám. Ông ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng trị liệu như nhau. Khi vào phòng cấp cứu họ sẽ gởi ông ta ra. Ở phòng khám họ sẽ chỉ cho ông làm sao giảm lượng đường để không trở lại đây sau ba tuần với một chứng bịnh khác. Đó là những bước bắt đầu mà chúng ta có thể giải quyết những nan đề này. Có nhiều điều phức tạp hơn và tôi không có thì giờ đi vào chi tiết, nhưng chúng ta có thể làm những điều này vì chúng ta là những người thông minh.
Và để bắt đầu kết luận bằng một ẩn dụ nữa. Có một thuyền trưởng khi lái tàu gần nơi mà tàu Titanic bị chìm, khi họ nhìn về phía trước thấy đằng xa có ánh sáng, họ nghĩ đó là một tàu khác. Thuyền trưởng bảo người đánh tín hiệu báo cho thuyền phía trước rẽ hướng Nam 10 độ. Họ nhận được tín hiệu trả lời: Không! Bạn phải rẽ hướng Bắc 10 độ. Thuyền trưởng hơi tức giận, ông ta gởi tín hiệu: Đây là Thuyền trưởng Johnson, rẽ 10 độ về hướng Nam. Họ nhận được tin trả lời: Đây là Ensign, cấp thứ 4, rẽ 10 độ hướng Bắc. Thuyền trưởng Johnson rất giận dữ, ông ra lệnh gởi tín hiệu: “Đây là tàu chiến hải quân.” Ông nhận được trả lời: “Đây là hải đăng.” Nói như thế là đủ.
Bây giờ, còn biểu tượng của đất nước chúng ta thì sao? Chim đại bàng, Bald Eagle, đại bàng hói đầu. Đây là một câu chuyện thú vị về việc tại sao chúng ta chọn biểu tượng đó. Nhiều người nghĩ chúng ta gọi đại bàng hói vì đại bàng trông giống như hói đầu; tuy nhiên đó không phải là lý do. Chữ này nguyên gốc từ tiếng Anh cổ là Piebald, nghĩa là đội vương miện trắng, và chúng ta rút ngắn lại chỉ còn là bald – hói đầu. Lần tới khi bạn gặp một người nghĩ rằng mình biết tất cả, hãy nói cho họ điều đó.
Nhưng tại sao con đại bàng có thể bay, bay cao, và bay về phía trước? Vì nó có hai cánh: cánh hữu và cánh tả. Nói như thế là đủ.
Tôi muốn kết thúc với câu chuyện này. Cách đây hai trăm năm, đất nước này phải tham gia vào một cuộc chiến: Cuộc Chiến 1812. Nước Anh, bây giờ là bạn tốt của chúng ta, lúc đó nghĩ chúng ta chỉ là một quốc gia non trẻ; muốn chúng ta trở thành thuộc địa của họ như xưa. Họ đang trên đà chiến thắng, đã kéo quân tới vùng biển phía đông, hủy diệt thành phố này đến thành phố khác, tàn phá Washington D.C, đốt Tòa Bạch Ốc, và kế đến là Baltimore. Khi họ tiến vào vịnh Chesapeake, hạm đội của họ với những tàu chiến mà mắt có thể thấy được, trông thật đáng sợ. Tại Đồn McHenry, nơi Tướng Armisted chỉ huy, lá cờ Hoa Kỳ rất lớn được giương cao trước đồn. Thuyền trưởng của hạm đội Anh tức giận, ra lệnh phải hạ lá cờ xuống: “Từ giờ đến tối, các anh phải hạ cờ xuống. Nếu các anh không hạ cờ, chúng tôi sẽ bị biến các anh thành tro bụi.”
Trên tàu quân Anh lúc đó có một nhà thơ trẻ tên là Francis Scott Key, được Tổng Thống Madison gởi đến để bàn thảo việc thả một bác sĩ người Mỹ đang bị bắt giam. Francis Scott Key nghe được kế họach của quân Anh, nhưng họ không cho chàng rời tàu, chàng rất xót xa. Khi gần chiều tối, Francis Scott Key xót thương cho quốc gia non trẻ của mình. Và đến mặt trời lặn, pháo kích bắt đầu: đại bác xé không gian, mảnh vỡ tung tóe. Francis Scott Key ráng, cố xem thử lá cờ vẫn còn đó hay không? Không thể thấy được gì. Trận chiến kéo dài suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, Francis Scott Key chạy ra lan can, căng mắt nhìn nhưng chỉ thấy bụi và những mảnh vỡ.
Và rồi trời dần dần sáng tỏ, và Francis Scott Key đã thấy điều đẹp nhất mà anh từng thấy: Lá cờ với những ngôi sao và sọc tuy bị rách nhưng vẫn tung bay trong gió. Nhiều sử gia cho rằng đó là điểm đã xoay chiều của Cuộc Chiến 1812. Sau đó, chúng ta thắng cuộc chiến đó và bảo vệ tự do.
Và nếu bạn có mặt tại Đồn McHenry ngày hôm đó, bạn sẽ thấy dưới ngọn cờ là xác của những chiến sĩ thay nhau kéo cao ngọn cờ. Họ không để cho ngọn cờ đó bị kéo xuống vì họ tin rằng ngọn cờ đó là biểu tượng. Biểu tượng cho điều gì?
Một quốc gia, kính sợ Chúa, không phân rẽ, với tự do và công lý cho mọi người.
Xin cảm ơn, và cầu xin Chúa ban phước cho quý vị.
Dr. Benjamin Carson
National Prayer Breakfast
February 7, 2013
ĐAT lược dịch
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.