Mục Sư Đặng Ngọc Báu: Tà Giáo
Tà Giáo
Tà giáo là một vấn đề phức tạp và dễ gây phiền hà trong hội thánh chung.
Phân biệt chính tà
Khi chúng ta gọi ai là tà giáo, chúng ta đã nói một cách rất chủ quan, dựa theo quan điểm của chính mình. Nếu chúng ta gọi người khác là tà giáo, thì dĩ nhiên họ cũng có quyền gọi chúng ta là tà giáo vậy.
Vấn đề quan trọng là dựa vào đâu mà một người hay một nhóm dám gọi người hay một nhóm dám gọi người khác hoặc nhóm khác là tà giáo. Những Cơ-đốc nhân chân chính đều nói rằng chúng ta dựa vào Kinh Thánh để làm chuẩn mực phân định chính tà. Dĩ nhiên, đối với những người không tin và không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Thánh thì chúng ta cũng đành chịu thôi.
Trong quan niệm hẹp hòi của chúng ta, khi chúng ta gọi ai là tà giáo có nghĩa là chúng ta ám chỉ người đó chỉ “lấy danh Chúa làm chơi” (Xuất 20:7). Họ chỉ mượn danh Chúa để được có tiếng là Cơ-đốc giáo và thực hiện ý muốn riêng của họ (Ma-thi-ơ 24:5). Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi có những sách báo viết ra đả kích đạo Chúa và trích dẫn những tin tức hoặc những lời lẽ rất xa lạ đối với chúng ta.
Trong các nước có tự do tôn giáo thật sự, như nước Mỹ chúng ta đang sống, ai cũng có quyền lập hội, tự xưng là giáo chủ, tuyển mộ môn đồ, và xin tư cách pháp nhân. Vì thế, các tôn giáo nổi lên tại Mỹ và trên thế giới nhiều hơn con số người ta có thể biết đích xác.
Hơn nữa, trong một xã hội tự do, dù chúng ta có cho một nhóm nào là tà giáo đi nữa, nhưng nếu có người thích, họ theo, và không làm điều gì sái luật, thì không ai được quyền can thiệp vào tín ngưỡng của họ, kể cả chính quyền. Chúng ta may mắn không phải sống trong một nước Hồi giáo, là nơi nếu có người nào không chịu theo Hồi giáo thì sẽ bị khủng bố và diệt trừ ngay.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, có một nhân vật được nhiều người ưa chuộng tên là Hoàng Dược Sư, với biệt hiệu Đông Tà. Ông ta bị gọi là tà vì không chịu coi trọng một số quan niệm đặc thù của xã hội lúc bấy giờ. Nhờ có võ công cái thế cho nên ông muốn làm gì thì làm và không ai cản trở ông được. Có lẽ Kim Dung muốn mượn nhân vật Đông Tà nầy để nói lên một số quan niệm bị xã hội lúc bấy giờ cho là tà, mà lại là rất chính.
Ngày xưa, Martin Luther cũng vậy, khi ông khởi xướng phong trào cải chánh – phong trào sửa lại cho đúng – ông đã bị chụp mũ là tà giáo.
Mẫu mực duy nhất mà Martin Luther ngày xưa và chúng ta ngày nay có thể bị xem là tà giáo hay không đó là niềm tin của chúng ta có phù hiệp với sự dạy dỗ của toàn bộ Kinh Thánh hay không. Tất cả các tà giáo đều dùng Kinh Thánh, nhưng họ đã bẻ cong lẽ thật bằng cách sửa đổi, thêm bớt, hoặc chỉ dùng phần nào phù hiệp với ý của họ mà thôi. Thậm chí có nhóm còn nói họ tin cả Kinh Thánh đều được thần cảm (inspired) như đa số chúng ta, nhưng khi hỏi kỹ ra mới biết họ nói vậy nhưng không phải vậy.
Những đặc điểm thần học của tà giáo
Về phương diện thần học thì các tà giáo thường khác chúng ta ở những điểm sau đây:
1/ Họ sửa đổi Kinh Thánh cho hợp với tín lý của họ. Kinh Thánh bị thêm hoặc bớt hoặc cố tình dịch sai để ủng hộ tín lý mới mẻ của họ.
2/ Họ không tin lẽ đạo Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Nếu có nói đến, họ cũng hiểu khác với chúng ta hoàn toàn. Phần nhiều đều không nhìn nhận Đức Chúa Jêsus chính là Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh thường bị coi là một lực chứ không phải một thân vị.
3/ Có nhóm cho rằng Đức Chúa Trời cũng chỉ là một vị thần trong muôn vàn vị thần thôi. Họ tin rằng rồi đây chúng ta cũng sẽ trở thành một vị thần như Đức Chúa Trời vậy. Điều nầy không có gì lạ. Đây là sự lừa dối đã có từ lúc mới dựng nên loài người.
4/ Có nhóm lại chủ trương mọi vật trong vũ trụ là Đức Chúa Trời. Chúng ta đang là một phần của Thượng Đế.
5/ Có nhóm lại tin vào thuyết luân hồi và nghiệp chướng. Họ pha lộn thần học của Cơ-đốc giáo với triết thuyết của Ấn-độ giáo. Theo họ loài người không cần Đức Chúa Jêsus. Người ta sẽ tự tu hành và trở thành thần phật sau nhiều kiếp luân hồi.
6/ Có nhóm lại dùng sự lên đồng, cầu cơ, xem thủy tinh cầu, ngồi thiền, luyện yoga, xem thiên văn địa lý, xem chỉ tay, xin xăm, xin quẻ, dùng bùa ngải, và pháp thuật để truyền thông với cõi siêu linh, mà cũng xưng là Cơ-đốc giáo.
Có thể nói các tà giáo thường pha lộn một chút Cơ-đốc giáo vớit triết lý nhân bản (humanism) của Tây phương, một chút huyền bí của Ấn độ giáo ở Đông phương, và một ít phương thức truyền thông huyền hoặc và kỳ quái của các dị giáo để đưa tâm linh người ta vào cõi tù mù, hầu để dễ dàng lung lạc.
Những đặc điểm xã hội của tà giáo
Ronald Enroth, trong sách tựa đề A Guide to Cults and New Religions, đã có nhận xét rằng, một tà giáo thường có những đặc điểm sau đây:
- Độc tài (Authoritarian)
Người lãnh đạo đòi hỏi các giáo đồ hoàn toàn trung thành và vâng lời mình. Họ tự đặt mình ở vị thế có thẩm quyền và thường tự xưng là “Sư Phụ,” “Thầy,” “Cha,” hoặc “Mẹ” của những người theo. Các giáo đồ không được quyền thắc mắc về giáo thuyết của giáo chủ. Giáo chủ dạy sao thì phải tin vậy một cách tuyệt đối mà thôi.
- Chống đối (Oppositional)
Một đặc điểm khác của tà giáo là hay chê bai, đả kích các giáo hội đã có uy tín lâu nay và tự cho mình nhóm duy nhất có lẽ thật, còn tất cả đều sai lầm. Những người lãnh đạo còn khuyến khích các giáo đồ không vâng lời cha mẹ, nhà trường, và nếu cần thì chống luôn cả chính quyền nữa.
- Cách biệt (Exclusivistic)
Các tà giáo thường cho rằng giáo chủ hoặc người lãnh đạo của họ là người duy nhất có lẽ thật được Thượng Đế mặc khải, hoặc đã tự mình khám phá ra chân lý và truyền lại cho các giáo đồ. Vì thế họ tự coi mình là khôn sáng hơn mọi người và thường tỏ thái độ kiêu ngạo và xa cách người khác.
- Giữ theo quy luật (Legalistic)
Các tà giáo thường có những luật lệ khắt khe cho các giáo đồ. Họ bắt các giáo đồ phải vâng giữ rất nghiêm nhặt. Họ kiểm soát những người theo họ từ trong tư tưởng, lời nói cho đến hành động, kể cả tiền bạc, việc lập gia đình và cách ăn mặc.
- Chủ quan (Subjective)
Họ chú trọng đến cảm xúc. Họ thường dạy các giáo đồ rằng nếu cảm thấy thích thì cứ làm. Tri thức và lý trí phải bị gạt ra một bên. Kinh nghiệm những cảm xúc mới là quan trọng. Điều này đã thu hút giới trẻ ở tuổi phản loạn (rebellious) rất nhiều. Chúng ta nên nhớ rằng đa số những người gia nhập vào các tà giáo đều gia nhập lúc còn trẻ.
- Đề cao sự bách hại (Persecution-Conscious)
Các tà giáo thường dạy rằng nnie62m tin của họ bị các giáo hội Tin Lành hay Công Giáo làm khó, hoặc bị cha mẹ hay chính quyền bắt bớ. Vì thế họ luôn đề cao những giáo đồ bị răn cấm như những anh hùng của họ. Những người thích làm anh hùng rất dễ bị rơi vào các tà giáo.
- Trừng phạt (Sanction-Oriented)
Những giáo đồ nào tỏ ý bất mãn, không vâng phục, hay muốn ly khai thường bị họ áp dụng những biện pháp kỷ luật rất gắt gao. Hình phạt có thể từ bị sỉ nhục trước tập thể cho đến bị cô lập, và khủng bố tinh thần. Đặc biệt là vì sợ người thân bị hại, cho nên một số người lỡ theo buộc lòng phải theo luôn.
- Bí truyền (Esoteric)
Các tà giáo thường là những tổ chức tôn giáo tương đối khá bí mật. Những người mộ đạo sẽ được theo dõi một thời gian. Sau khi thấy ai nhiệt thành, họ sẽ giới thiệu vào một chương trình huấn luyện đặc biệt và bắt những người ấy phải ký giấy và tuyên thệ trung thành. Ai phản bội có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
- Chống chức sắc (Antisacerdotal)
Các tà giáo thường tổ chức theo một hệ thống lãnh đạo trực tiếp từ giáo chủ đến các giáo đồ. Họ chống đối vai trò của mục sư và linh mục là những chức sắc trong Cơ-đốc giáo. Theo họ thì ngoại trừ giáo chủ, ai ai cũng bằng nhau. Đó chỉ là lý thuyết, nhưng trên thực tế, họ có nhiều giai cấp lãnh đạo khác nhau. Họ cũng không thích xây dựng và nhóm họp trong các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, thánh đường, nhưng chỉ thích nhóm lại tại những phòng họp và những cơ sở riêng của họ.
Trong các chủng viện có một ngành học gọi là Biện giáo học (Apologetics) nhằm đạo tạo các tôi tớ Chúa dùng Kinh Thánh phối hợp với văn chương, triết lý, lịch sử, khoa học, luật pháp, luận lý và văn hóa để binh vực cho lẽ thật của Cơ-đốc giáo. Rất tiếc là trong cộng đồng Tin Lành Việt Nam chưa có ai có điều kiện và phương tiện để học cho đến nơi đến chốn trong lãnh vực nầy. Nói cho đúng ra, còn rất nhiều ngành học vô cùng quan trọng và rất cần thiết cho Hội Thánh, nhưng người Tin Lành Việt Nam chúng ta chưa ai được dịp học tới nơi tới chốn để phục vụ cho nhà Chúa giữa người Việt nam chúng ta.
Những tổ chức tôn giáo lớn chúng ta cần cẩn thận
Ngày nay trên thế giới có hàng trăm tà giáo lớn nhỏ. Có những tổ chức rất lớn, rất giàu có, nhưng theo quan niệm chủ quan và hẹp hòi của chúng ta thì họ thuộc thành phần rất đáng cho chúng ta phải hết sức cẩn thận.
- Hội thánh Chúa Cứu Thế của Các Thánh Đồ Ngày Sau (Church of Jesus Christ of The Latter Day Saints) cũng gọi là Mormons. Giáo hội này tổ chức rất hay, phát triển rất nhanh, nhưng giáo lý của họ rất kỳ. Họ tin rằng Đức Chúa Jêsus chỉ là một vị thần trong muôn vàn vị thần.
- Chứng nhân Đức Giê-hô-va (Jehovah Witness) với Kinh Thánh Tháp Canh và Hội Truyền Đơn (Watchower Bible anhd Tract Society). Họ cho rằng Đức Chúa Jêsus chỉ là thiên sứ trưởng Mi-chên. Thiên đàng chỉ dành cho 144.000 người. Ai theo họ tốt thì có hy vọng sẽ thành một trong 144.000 người đó.
- Khoa Học Cơ-đốc giáo (Christian Science). Đây là một biến thái của nhị nguyên thuyết. Theo họ thì Tâm Trí Thiên Thượng (Divine Mind) mới tốt, còn Tâm Trí Phàm Trần (Mortal Mind) là xấu. Họ tin vào sự chữa bịnh bằng tâm linh. Họ nghi ngờ khả năng của thuốc men và dạy các giáo đồ khi bị bịnh không được truyền máu.
- Hội Thánh của Đức Chúa Trời Toàn Cầu (Worldwide Church of God) với tạp chí Sự Thật Rõ Ràng (Plain Truth). Chỉ ai theo Armstrong mới thuộc hội thánh thật, còn tất cả đều sai lạc. Anh và Hoa Kỳ là những chỉ phái lạc mất của dân Y-sơ-ra-ên.
- Hội Thánh Hiệp Nhất (Unification Church) do Sun Myung Moon sáng lập. Họ cho rằng Đức Chúa Jêsus đã thất bại trong việc thực thi chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, cho nên ông Moon đã được Đức Chúa Trời sai đến để hoàn tất công việc mà Đức Chúa Jêsus đã làm không được.
Tà giáo quả còn nhiều. Sự thịnh hành của tà giáo là dấu hiệu chắc chắn của thời sau rốt (2 Ti-mô-thê 3:1; 4:3-4). Mong rằng không ai trong chúng ta sẽ bị rơi vào vòng tà giáo, nhưng cứ trung tín với Chúa đến cùng. A-men.
Mục Sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực – 01/08/1998
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.