Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo – Thần Học Thời Hiện Đại (1971-Nay)
Giai Đoạn 6
Thần Học Thời Cận Đại (1789-1971)
Thời Cận Đại kéo dài khoảng 200 năm, từ cuối thế kỷ 18 cho đến gần cuối thế kỷ 20. Trong giai đoạn này thế giới có những khuynh hướng thần học nổi bật như Thần Học Giao Ước, Thần Học Lutheran, Thần Học Cải Cách, Thần Học Tự Do, và Thần Học Tân Chính Thống. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua các quan điểm thần học này. Tuy là các khuynh hướng thần học thời cận đại nhưng không có nghĩa là chúng đã lỗi thời; ngày nay chúng vẫn còn thịnh hành mặc dù không còn với cường độ như trước.
- Thần Học Giao Ước (Covenant Theology)
Thần học giao ước có hai đặc điểm: Giao Ước Việc Làm (Covenant of Work) và Giao Ước Ân Sủng (Covenant of Grace).[i]
Giao Ước Việc Làm liên quan đến thời Cựu Ước. Con người phải làm theo điều Chúa đòi hỏi thì mới được kể là ngay lành hay công chính. Đức Chúa Trời lập giao ước với A-đam và truyền cho ông chớ ăn trái cấm để khỏi chết. Nhưng A-đam đã thất bại và sa ngã. Hậu quả là cả nhân loại, hậu duệ của ông, đều phạm tội và phải chuốc lấy hậu quả của tội lỗi. Những giao ước sau đó luôn đòi hỏi loài người phải tin và làm theo điều răn và mạng lịnh của Đức Chúa Trời thì mới được tha tội và hưởng ơn cứu rỗi.
Giao Ước Ân Sủng nhấn mạnh đến lòng thương xót vô hạn của Đức Chúa Trời khi Ngài ban Con Một của Ngài là Đức Chúa Jesus Christ giáng thế làm người để cứu chuộc những ai tin nhận Ngài. Giao Ước Ân Sủng do đó dựa trên Giao Ước Cứu Chuộc (Covenant of Redemption). Đức Chúa Trời ban ơn cứu chuộc, nhưng con người phải tin nhận mới được hưởng ơn cứu rỗi (Ê-phê-sô 2:8). Việc làm tốt là kết quả của đời sống có đức tin chứ không phải là điều kiện để cho con người được hưởng ơn cứu rỗi.
- Thần Học Lutheran (Lutheran Theology)
Sau khi Martin Luther khởi xướng phong trào cải cách giáo hội, quan điểm thần học của ông được Giáo Hội Lutheran tiếp tục khai triển. Bắt đầu với nguyên tắc “chỉ Kinh Thánh” (sola Scriptura) là nguồn tài liệu duy nhất cho đức tin, rồi phát triển thành sự xưng công chính “chỉ cậy hoàn toàn vào ân sủng” (sola gratia) của Đức Chúa Trời thể hiện qua sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và tiến thêm một bước nữa là con người được hưởng ơn cứu rỗi và hưởng sự công chính của Đức Chúa Trời “chỉ bằng đức tin” (sola fide). Như thế Thần Học Lutheran xoay quanh ba điểm chính: Kinh Thánh, ân sủng trong sự cứu chuộc của Đấng Christ, và đức tin.[ii]
Về sau Thần Học Lutheran phát triển thêm hai điều nữa là “chỉ Đấng Christ” (solo Christo hay solus Christus), tức ơn cứu rỗi chỉ có được qua Đức Chúa Jesus Christ mà thôi, và “chỉ dâng vinh hiển lên Đức Chúa Trời” (soli Deo gloria) mà thôi.
Chỉ Kinh Thánh, chỉ ân sủng, chỉ đức tin, chỉ Đấng Christ, và chỉ Đức Chúa Trời, Đấng xứng đáng nhận mọi vinh hiển. Đó là năm điểm chính trong thần học Lutheran.
- Thần Học Cải Cách (Reformed Theology)
Thần Học Cải Cách đặt nền tảng trên bộ tài liệu của do John Calvin biên soạn, “Những Điều Cơ Bản của Đạo Cơ-Đốc” (Institutes of Christian Religion). Tư tưởng thần học này bắt đầu tại Thụy-sĩ, qua Anh Quốc, đến Hòa Lan, rồi truyền đến Hoa Kỳ qua Giáo Hội Trưởng Lão. Ngày nay quan niệm thần học này đã lan rộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Nam Hàn. Tóm tắt quan điểm của nền Thần Học Cải Cách như sau:
- Loài người hoàn toàn băng hoại (total depravity)
- Sự chọn lựa vô điều kiện để hưởng ơn cứu rỗi (unconditional election)
- Sự cứu chuộc chỉ giới hạn cho những người được chọn (limited atonement)
- Ân sủng không thể khước từ (irresistible grace), và
- Sự kiên trì của các thánh đồ (perseverance of the saints).
Có thể nói thuyết tiền định (predestination)[iii] là điểm nổi bật của Thần Học Cải Cách.
- Thần Học Tự Do (Liberal Theology)
Những nhà thần học tự do có tư tưởng rất thoáng và dường như vô tư đối với niềm tin cố hữu của Cơ-đốc Giáo. Họ suy nghĩ rất độc lập đối với giáo lý xưa nay của giáo hội.
Immanuel Kant
Nhiều ngươi tin rằng Immanuel Kant (1724-1804) một triết gia người Đức là cha đẻ của nền Thần Học Tự Do hay Thần Học Phóng Khoáng. Kant loại bỏ tất cả những quan niệm trước ông về sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Ông chủ trương phải đặt lại vấn đề và hoài nghi tất cả. Ông cho rằng con người chỉ có thể biết Đức Chúa Trời bằng lý trí mà thôi. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông là “Phê Bình Thuần Lý” (Critique of Pure Reason, 1781) ông đề cao vai trò của lý trí (rationalism), mặc dù ông không loại bỏ hẳn vai trò của thực nghiệm (empiricism), trong mọi nỗ lực tìm kiếm chân lý bất chấp quan niệm chung của mọi người xưa nay là thế nào.[iv]
Friedrich Schleiermacher
Tiếp theo Kant có Friedrich Schleiermacher (1768-1834), một triết gia, thần học gia, và học giả Kinh Thánh. Schleiermacher cố gắng dung hòa giữa niềm tin cố hữu của Cơ-đốc Giáo và sự suy nghĩ cách khoa học của con người. Ông cho rằng Cơ-đốc nhân không nên chấp nhận các tín điều cách mù quáng nhưng phải cảm nhận niềm tin tôn giáo bằng “cảm xúc” thể hiện qua các hình thức nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, và văn chương. Ngoài ra Schleiermarcher còn được nhớ đến vì những bài thuyết giảng của ông về nguyên tắc giải kinh (hermeneutics); đến nỗi đã có người cho rằng ông là cha đẻ của các nguyên tắc giải kinh ngày nay.[v]
Georg Hegel
Đồng thời với Schleiermacher có Georg Hegel (1770-1831), một triết gia người Đức, người có ảnh hưởng sâu đậm trên Karl Max. Hegel cũng giải thích đức tin Cơ-đốc Giáo theo ánh sáng của lý trí.[vi] Theo ông, chỉ lý trí là có thật. Những người chịu ảnh hưởng của ông đã khai sinh phong trào thượng phê bình Kinh Thánh (higher criticism).
Thượng phê bình Kinh Thánh là phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh một cách khách quan. Họ xem Kinh Thánh cũng như bao tác phẩm văn chương khác ở đời, chứ không dựa trên đức tin và giá trị thuộc linh của Kinh Thánh.[vii] Những nhà thượng phê bình Kinh Thánh loại bỏ hẳn những phép lạ và những gì có tính cách huyền bí hoặc phản khoa học ra khỏi Kinh Thánh. Thậm chí niềm tin về sự thực hữu của Đức Chúa Trời cũng bị họ đặt lại vấn đề.
Về sau, các triết gia Karl Marx (1818-1833), người khai sinh chủ nghĩa Cộng Sản, Friedrich Nietzsche (1844-1900) chủ trương Đức Chúa Trời đã chết,[viii] nhiều các triết gia hiện sinh (existentialism), và một số nhà phân tâm học (psychoanalysis) đã chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng của Hegel.
Ngoài ra còn có Albrecht Ritschl (1822-1889), thần học gia chú trọng vào việc kêu gọi người theo Chúa nên thể hiện nếp sống đạo đức hơn là bỏ thì giờ tranh luận về tín lý.[ix]
Adolph von Harnack (1851-1930). Ông không tin Đức Chúa Jesus có thần tính, và ông cũng không tin có phép lạ.[x]
Tại Hoa Kỳ, có thể nói Horrace Bushnell (1802-1876) được xem là cha đẻ của nền Thần Học Tự Do của Mỹ. Ông là người phát biểu mạnh mẽ nhất về quan điểm của Thần Học Tự Do. Trong tác phẩm Christian Nurture (1847) ông tỏ thái độ nghi ngờ về hiệu lực của việc cầu nguyện tin Chúa trong chương trình truyền giảng. Trong tác phẩm God in Christ (1849) ông đặt lại vấn đề rằng không chắc là Đức Chúa Jesus có thể chết thay cho tội lỗi của chúng ta hay không.[xi]
Nói chung Thần Học Tự Do chú trọng đến lý trí và kinh nghiệm. Theo họ những niềm tin tôn giáo phải được kiểm nghiệm bằng lý trí và các phương pháp khoa học. Đối với họ Kinh Thánh không phải là vô ngộ, tức Kinh Thánh có những sai lầm, và Kinh Thánh không có thẩm quyền gì về phương diện đức tin. Theo họ Kinh Thánh chỉ là pho sách ghi lại kinh nghiệm của những người đời trước để làm gương và không có giá trị trong việc hình thành tín lý.
Tóm lại, Thần Học Tự Do phủ nhận giá trị cao cả của Kinh Thánh, phủ nhận sự thực hữu của tội lỗi, không tin vào lẽ đạo nguyên tội và chủ trương rằng “nhân chi sơ tính bản thiện.” Họ cũng không tin vào sự nhập thế và nhập thể của Đấng Christ, không tin Đức Chúa Jesus có thần tính, không tin Chúa chết thay cho tội lỗi chúng ta, không tin Chúa đã sống lại, và không tin các phép lạ. Nhưng họ chấp nhận những giá trị đạo đức của xã hội nhờ những người tin thờ Chúa mang lại. Ưu điểm của Thần Học Tự Do là giúp chúng ta có cái nhìn tương đối khách quan và mới mẻ hơn về thần học.
Tuy nhiên các nhà Thần Học Tự Do đã vỡ mộng khi Thế Chiến Thứ I (1914-1918) và Thế Chiến Thứ II (1939-1945) liên tiếp bùng nổ. Rõ ràng là sau khi loại bỏ Chúa và Kinh Thánh ra ra khỏi lòng mình và muốn tự mình xây dựng một xã hội và thế giới lý tưởng theo khả năng mình thì con người đã hoàn toàn thất bại. Họ không thể cải thiện xã hội và làm cho loài người trở nên đạo đức hơn. Ngược lại khi đức tin nơi Chúa và Lời Chúa bị loại bỏ ra khỏi lòng người, con người mất hướng đi, không thể định hướng cho cuộc đời và xã hội. Người ta đã trở nên ích kỷ, xem quyền lợi của cá nhân hoặc của dân tộc mình là tối thượng, và bắt đầu chém giết nhau; cụ thể là trong hai thế chiến và những cuộc chiến tranh từng vùng khắp nơi sau đó. Thật đúng như Kinh Thánh đã nói, “Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; sự tự cao đi trước sự sụp đổ.” (Châm Ngôn 16:18)
- Thần Học Tân Chính Thống (Neo-Orthodox Theology)
Thần Học Tân Chính Thống mang đức tin nơi Chúa và Lời Chúa trở lại với những người theo Cơ-đốc Giáo.
Soren Kierkegaard
Soren Kierkegaard (1813-1855) là thần học gia người Đan Mạch. Kierkegaard tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng siêu việt. Ông cực lực phản đối việc một người chấp nhận tín điều của giáo hội thì đương nhiên trở thành Cơ-đốc nhân. Theo Kierkegaard kinh nghiệm cá nhân, quyết tâm, và đức tin hay “bước nhảy của đức tin” (leap of faith) là những điều cần thiết để chúng ta khám phá ra Đức Chúa Trời.[xii] Có thể nói quan điểm thần học của Kierkegaard đã khơi mào cho chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), một triết thuyết chú trọng đến kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống.
Karl Barth
Sau Thế Chiến thứ I (1914-1918), Thần Học Tân Chính Thống ra đời và là nỗ lực để cứu vãn sự thất bại của Thần Học Tự Do. Có thể nói Karl Barth (1886-1968) là cha đẻ của phong trào Tân Chính Thống. Karl Barth bắt đầu với Thần Học Tự Do nhưng sau đó ông quyết định từ bỏ việc nghiên cứu Thần Học Tự Do và quay qua nghiên cứu Kinh Thánh một cách kỹ lưỡng và thấu đáo hơn. Sau đó ông kết luận rằng Lời Đức Chúa Trời được thể hiện qua ba hình thức: Đức Chúa Jesus, Kinh Thánh tức lời của các vi tiên tri và các vị sứ đồ, và lời của người giảng dạy (preachers). Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Giải Nghĩa Thư Rô-ma và pho sách về Các Lẽ Đạo của Hội Thánh (Church Dogmatics).[xiii]
Karl Barth cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng siêu việt (transcendent) cho nên con người không thể biết Ngài một cách khách quan và khoa học được mà phải cậy vào kinh nghiệm đức tin một cách chủ quan (Dialectical Theology). Tư tưởng của ông có nhiều điểm gần với các quan niệm chính thống của Cơ-đốc Giáo xưa nay, nhưng ông lại không tin Kinh Thánh là vô ngộ, do đó ông được xem là cha đẻ của nền Thần Học Tân Chính Thống.
Emil Brunner
Đồng thời với Karl Barth có Emil Brunner (1889-1966), thần học gia cũng không tin Kinh Thánh là vô ngộ. Ông chủ trương rằng kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Christ mới là điều cần thiết để biết Đức Chúa Trời. Brunner thường nhấn mạnh rằng con người thường sốt sắng tìm kiếm và gần gũi với Đức Chúa Trời hơn khi họ bị rơi vào những trường hợp khó khăn trong cuộc sống hoặc gặp những cơn khủng hoảng. Vì thế có người gọi quan điểm của ông là Thần Học Khủng Hoảng (Crisis Theology).[xiv]
Reinhold Neibuhr
Reinhold Neibuhr (1892-1971) là nhà thần học người Mỹ. Ông chú trọng đến đạo đức xã hội. Ông chủ trương đem đạo vào đời. Ông không ngại chia sẻ quan điểm của ông về những vấn đề nhạy cảm của chính trị trong thời ông sống. Ông là một trong những người danh tiếng ở Mỹ chống Chiến Tranh Việt Nam. Ông nổi tiếng với lời cầu nguyện, “Lạy Đức Chúa Trời, xin ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những gì con có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để con có thể phân biệt giữa hai điều trên.”[xv]
Rudolf Bultmann
Rudolf Bultmann (1884-1976), nhà thần học người Đức. Dù là một người của giáo hội Lutheran nhưng ông cự tuyệt tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Ông chủ trương phải giải mật tính huyền thoại (demythologizing) của Kinh Thánh. Theo ông Kinh Thánh không cung cấp các dữ kiện khách quan về Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Ông cho rằng hiệu quả (thatness) của những gì về Đức Chúa Jesus; chẳng hạn như việc Ngài hiện hữu, Ngài giảng dạy, và những gì Ngài chịu chết sẽ đem đến, mới là quan trọng, chứ không phải những gì đã ký thuật (whatness) về các sinh hoạt của Ngài.[xvi]
Nói chung Thần Học Tân Chính Thống không coi Kinh Thánh là một hình thức mặc khải của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh chỉ làm chứng cho sự mặc khải đó. Những thần học gia theo khuynh hướng này tin rằng Đức Chúa Jesus Christ mới chính là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Vì thế con người phải có kinh nghiệm thuộc linh trong việc gặp gỡ Đấng Christ, một kinh nghiệm đức tin, thì mới biết được Đức Chúa Trời. Tuy nhiên đối với họ những phép lạ trong Kinh Thánh kể cả sự phục sinh của Đấng Christ chỉ là truyện tích (geschichte) chứ không phải là dữ kiện lịch sử (historie). Con người chỉ có thể tương giao với Đức Chúa Trời và biết Ngài bằng “bước nhảy của đức tin” mà thôi.
[i] https://en.wikipedia.org/wiki/Covenant_theology
[ii] https://en.wikipedia.org/wiki/Lutheranism
[iii] http://www.religioustolerance.org/calvinism.htm
[iv] http://plato.stanford.edu/entries/kant/
[v] Palmer, Richard E. Hermeneutics. Evanston, Illinois: Northwestern University Press, 1969.
[vi] http://plato.stanford.edu/entries/hegel/
[vii] http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Higher_criticism
[viii] https://en.wikipedia.org/wiki/God_is_dead
[ix] http://people.bu.edu/wwildman/bce/mwt_themes_675_ritschl.htm
[x] http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Adolf_Harnack
[xi] https://en.wikipedia.org/wiki/Horace_Bushnell
[xii]http://oregonstate.edu/instruct/phl201/modules/Philosophers/Kierkegaard/kierkegaard_individuality.html
[xiii] http://barth.ptsem.edu/karl-barth/theology
[xiv] Enns, Paul. The Moody Handbook of Theology. Chicago, Illinois: Moody Publishers, 2014, p. 499
[xv] https://en.wikipedia.org/wiki/Reinhold_Niebuhr
[xvi] https://en.wikipedia.org/wiki/Rudolf_Bultmann
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.