Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo – Thần Học Thời Hậu Các Sứ Đồ (100–590)
Giai Đoạn 2
Thần Học Thời Hậu Các Sứ Đồ (100-590)
Sau khi Sứ đồ Giăng qua đời vào cuối thế kỷ thứ nhất, đến thế kỷ thứ hai, hội thánh đã lan rộng khắp Đế Quốc La Mã. Bấy giờ tất cả các vị sứ đồ đã tuẫn đạo hoặc qua đời. Hội thánh mới thành hình và gặp rất nhiều thách thức.
Bên ngoài, một mặt họ phải luôn đương đầu với sự bách hại của một chính quyền chủ trương thần thánh hóa các hoàng đế La-mã (Caesar) và một xã hội thờ nhiều thần linh; một mặt khác họ phải đối phó với các nhà trí thức ở đời luôn bài bác, xuyên tạc, bôi nhọ, và chống báng Đạo Chúa.
Bên trong, họ phải chỉnh sửa những sự giảng dạy sai lạc trong các hội thánh địa phương. Cảm tạ Chúa đã dùng các tôi tớ Ngài giảng dạy và viết những tài liệu biện hộ và binh vực cho chân lý của Đạo Chúa. Nhờ đó các tư tưởng thần học chân chính của các vị sứ đồ vẫn được tiếp tục lưu truyền cho đến ngày nay.
Sau đây là một số thách thức nghiêm trọng trong thời hội thánh đầu tiên:
Cơ-đốc Nhân Gốc Do-thái Giáo
Cộng đồng tín hữu đầu tiên gồm hầu hết những người có gốc Do-thái Giáo. Họ là những người hiểu biết kinh Cựu Ước và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong hội thánh. Họ muốn các tín hữu Cơ-đốc Giáo phải tuân giữ Luật Pháp Môi-se của Do-thái Giáo song song với lời dạy của Đức Chúa Jesus. Những cuộc tranh luận và xung đột thường xuyên trong hội thánh đầu tiên thường bắt nguồn từ những đòi hỏi khá quyết liệt của những Cơ-đốc nhân có gốc Do-thái Giáo này.
Cơ-đốc Nhân Theo Triết Lý Tri Thức
Những người tin Chúa thuộc thành phần trí thức ở đời và chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Tri Thức Luận (Gnosticism). Họ muốn hội thánh phải biết rằng những gì vật chất là xấu, chỉ những gì tinh thần mới là tốt. Do đó họ không chấp nhận lẽ đạo Đức Chúa Trời Ngôi Hai nhập thế và nhập thể trong thân vị của Đức Chúa Jesus Christ. Một số người theo triết lý này miễn cưỡng chấp nhận ý niệm Đấng Christ có thể nhập thể nhưng chỉ tin rằng Đấng Christ đã nhập vào Đức Chúa Jesus lúc Ngài chịu báp-têm và đã xuất ra trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.[i]
Marcion
Marcion (84-160) là con của một vị giám mục ở Sinope, một thành phố gần Hắc Hải, Thổ-nhĩ-kỳ. Ông đến sống ở Rome khoảng 135 SC và dạy rằng phải loại bỏ khỏi Cơ-đốc Giáo kinh Cựu Ước và phải loại bỏ Đức Chúa Trời của Do-thái Giáo ra khỏi Cơ-đốc Giáo, vì những gì dạy dỗ trong Cựu Ước về Đức Chúa Trời cho thấy Ngài là một Đấng nghiêm khắc, hay nổi cơn thịnh nộ, và hay hình phạt. Đối với ông Đức Chúa Trời trong Cựu Ước giống như một bạo chúa hung dữ chứ không nhân từ và yêu thương như Đức Chúa Trời trong Tân Ước.[ii] Ông tự sưu tập Kinh Thánh cho Cơ-đốc Giáo lúc bấy giờ. Kinh Thánh của ông chỉ gồm hai phần là các sách Tin Mừng và Các Thư Tín của Phao-lô.
Để đối phó với sự dạy dỗ này, Hội Thánh quyết định dứt phép thông công Marcion vào năm 144 SC. Ông bèn kéo những người ủng hộ ông ra lập một giáo phái riêng.
Sau đó Hội Thánh xúc tiến việc công nhận các sách Cựu Ước và các sách Tân Ước và lập các sách này thành các sách thánh. Tuy nhiên tiến trình kinh điển Kinh Thánh phải kéo dài mãi cho đến Hội Nghị Carthage năm 397 SC mới hoàn tất.[iii]
Justin Martyr
Justin Martyr (100-165) sinh trưởng ở Nablus (Si-chem) hay Neapolis, trong Xứ Thánh và tuận đạo tại Rome. Trước khi tin Chúa ông được giáo dục về triết lý Hy-lạp. Năm 32 tuổi ông tin Chúa. Năm 35 tuổi, ông bắt đầu đi khắp nơi, dùng ngôn ngữ triết học để thuyết phục những nhà trí thức bấy giờ tin nhận Chúa. Sau đó ông dùng ngòi bút của mình binh vực và biện hộ cho niềm tin của Cơ-đốc Giáo, một tín ngưỡng mới mẻ đang bị Đế Quốc La Mã thời bấy giờ bách hại khủng khiếp. Justin tin rằng Đức Chúa Jesus chính là Ngôi Lời (Logos) được đề cập trong triết lý Hy-lạp.[iv]
Montanus
Trong giai đoạn này có Montanus ở Phrygia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay; ông giảng dạy từ năm 135-177. Ông vốn là tư tế của thần Apollo. Sau khi tin Chúa, Montanus cùng hai phụ nữ là bà Prisca (không phải vợ của A-qui-la của thế kỷ trước) và bà Maximilla cho rằng họ được truyền cho ơn nói tiên tri từ A-ga-bút và bốn con gái của Phi-líp (Công Vụ 11:28; 21:8-10). Ba người này thường tự cho rằng họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, xuất thần nhập định, và nhận được sự mặc khải mới. Họ tự cho mình là phát ngôn viên cho sứ điệp tiên tri mới mà Đức Thánh Linh truyền cho họ.[v] Thậm chí họ cho lời của họ có thẩm quyền hơn cả lời của Đức Chúa Jesus và Phao-lô.
Irenaeus
Irenaeus (130-202) là môn đồ của Polycarp, đồ đệ của Sứ đồ Giăng. Ông sinh ra trong gia đình tin kính Chúa ở Si-miệc-na (Thổ-nhĩ-kỳ) nhưng làm linh mục và trở thành giám mục ở Lyon (Pháp), lúc bấy giờ là lãnh thổ của Đế Quốc La-mã. Có thể nói Irenaeus là người đã đặt nền tảng cho sự thành hình những quan điểm thần học chính thống sau này qua năm (5) tác phẩm phản biện của ông đối với các nhà trí thức trong hội thánh theo triết lý Tri Thức Luận (Gnosticism).
Ngoài ra ông cũng là người đưa ra vấn đề tông truyền từ các sứ đồ (apostolic succession) sớm nhất. Ông tin rằng ông và các vị giám mục được truyền thụ từ đồ đệ của các vị sứ đồ của Đức Chúa Jesus là những người có thẩm quyền quyết định những vấn đề tranh cãi thần học trong Cơ-đốc Giáo.[vi]
Tertullian
Tertullian (160-220) là nhà biện giáo của giáo hội ở Carthage (Tunis), Phi Châu. Tertullian chủ trương rằng linh hồn con người không hiện hữu từ trước và đầu thai vào mỗi người hoặc được tạo dựng rồi ban cho mỗi người như một số triết gia và các tôn giáo thời bấy giờ tin tưởng. Nhưng Tertullian tin rằng linh hồn mỗi người được truyền từ cha mẹ khi bào thai thành hình trong lòng mẹ (traducianism).[vii]
Arius
Ngoài ra cũng có Arius (250-336), một người sinh ở Lybia nhưng làm linh mục và thần học gia ở Alexandria, Ai-cập. Ông là người chống đối lẽ đạo Ba Ngôi.[viii] Arius tin rằng Đức Chúa Con do Đức Chúa Cha dựng nên, do đó Đức Chúa Con không hiện hữu trước khi được Đức Chúa Cha dựng nên.
Athanasius
Trong khi một vị khác là Athanasius (155-240), cũng ở Alexandria Ai-cập, thì hết sức binh vực cho lẽ đạo Ba Ngôi này.[ix]
Athanasius là giám mục của Alexandria và chủ trương rằng Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều tự hữu hằng hữu và có thần tính như nhau. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, tuy dù có Ba Ngôi nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời.
Cuối cùng Hoàng Đế Constantine I (272-337 SC) phải triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo hội thánh trong Đế Quốc La Mã về Thành Nicea (325 SC) ở Tỉnh Bithynia (tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ) để giải quyết vấn đề tranh cãi thần học này. Kết quả là thuyết của Arius đã bị các vị lãnh đạo hội thánh bác bỏ, và Bài Tín Điều Nicene[x] được thành hình.
Sự Cải Đạo Hằng Loạt
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng khi Hoàng Đế Constantine tuyên bố Cơ-đốc Giáo được sinh hoạt hợp pháp vào năm 313 SC, và chính ông cũng là một Cơ-đốc nhân, thì dân trong Đế Quốc La-mã đã cải đạo và theo Cơ-đốc Giáo hàng loạt, vì chính quyền và giáo hội hổ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên người ta theo đạo chứ không hẳn là tin Chúa và muốn trở thành môn đồ của Ngài. Vì thế hội thánh gặp đủ thứ nan đề, bởi cỏ lùng và lúa mì lẫn lộn. Chúa muốn người ta làm môn đồ của Ngài chứ không phải theo đạo, dù đó là Đạo Chúa, mà ngày nay là Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành.
Trong thế kỷ thứ tư và thứ năm hội thánh vẫn bị xáo trộn vì những quan niệm khác nhau về nhân tính và thần tính của Đức Chúa Jesus. Hội nghị Chalcedon (451 SC)[xi] ở tỉnh Bithynia, một vùng nằm trên bờ biển Hắc Hải, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đã xác quyết rằng Đức Chúa Jesus có thần tính hoàn toàn và nhân tính hoàn toàn. Ngài là Đấng duy nhất có trọn vẹn cả hai bản tính. Quyết định đó đã trở thành lẽ đạo căn bản của Cơ-đốc Giáo cho đến ngày nay.[xii]
Origen
Origen (185-255) sinh trưởng ở Alexandria, Ai-cập. Ông được mời đi giảng dạy ở nhiều nơi và cuối cùng định cư tại Sê-sa-rê, Xứ Thánh. Ông nổi tiếng về phương pháp giải nghĩa Kinh Thánh độc đáo của ông.
Origen cho rằng mỗi khúc Kinh Thánh cần phải hiểu theo ba nghĩa: nghĩa đen, nghĩa đạo đức, và nghĩa thuộc linh. Theo ông, muốn hiểu được ý nghĩa thuộc linh của khúc Kinh Thánh thì ta phải tìm ra nghĩa bóng của khúc Kinh Thánh ấy trước, rồi từ đó mới suy ra ý nghĩa thuộc linh. Vì thế những người theo ông đã suy diễn ra không biết bao nhiêu là nghĩa bóng của một khúc Kinh Thánh rồi đi đến kết luận với nhiều ý nghĩa thuộc linh rất lạ lùng. Do đó ông đã bị những người đương thời với ông chống đối, và ông bị dứt phép thông công.[xiii]
Palagius
Đầu thế kỷ thứ năm, Palagius (354-418) chủ trương rằng tội của A-đam không liên quan gì đến chúng ta. Tương tự như quan niệm “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Khổng Giáo vậy. Theo ông, không ai có nguyên tội. Ai sinh ra đời cũng đều vô tội.[xiv]
Augustine
Trong khi đó Augustine (354-430) thần học gia và triết gia ở Hippo (thuộc Algeria ngày nay) thì cực lực phản đối quan điểm của Palagius. Augustine dạy rằng mọi người đều có nguyên tội và hoàn toàn băng hoại. Mọi người phải nhờ ân sủng bày tỏ ra qua phép báp-têm mới được cứu.[xv] Hội Thánh ngã theo tư tưởng của Augustine. Từ đó phép báp-têm cho trẻ thơ được coi trọng và thực hành cách sốt sắng trong các hội thánh.
Khởi Điểm của Linh Hồn
Tưởng cũng nên nhắc qua rằng xưa nay trong hội thánh có ba quan điểm về khởi điểm của linh hồn trong mỗi người.
1) Linh hồn hiện hữu trước khi con người được sinh ra và đầu thai vào mỗi người. Đó là quan điểm của Giáo phụ Origen. Quan điểm này tương tự như Ấn-độ Giáo và Phật Giáo, tức tin rằng có kiếp trước. Origen tin rằng dù phải mất rất nhiều kiếp, cuối cùng mọi người sẽ được cứu kể cả Sa-tan và các quỷ sứ của nó.[xvi]
2) Linh hồn con người được Đức Chúa Trời dựng nên mỗi khi bào thai được thành hình. Tuy nhiên có một nan đề khó giải thích là những phụ nữ mang thai vì bị hiếp dâm thì sao? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời cũng bị bắt buộc phải tạo dựng một linh hồn cho đứa con của người mẹ bị hiếp dâm sao?
3) Linh hồn được truyền từ cha mẹ đến con cái (traducianism).[xvii] Quan điểm này có thể giải thích khuynh hướng phạm tội của con người và những đặc tính của cha mẹ thấy ở con cái.
Tài Liệu Tham Khảo:
[i] http://christianity.about.com/od/glossary/a/Gnosticism.htm
[ii] http://www.theopedia.com/marcion
[iii] https://en.wikipedia.org/wiki/Biblical_canon
[iv] http://www.newadvent.org/cathen/08580c.htm
[v] https://www.britannica.com/biography/Montanus-religious-leader
[vi] https://en.wikipedia.org/wiki/Irenaeus
[vii] http://www.tertullian.org/articles/roberts_theology/roberts_08.htm
[viii] https://www.britannica.com/topic/Arianism
[ix] https://en.wikipedia.org/wiki/Athanasius_of_Alexandria
[x] https://en.wikipedia.org/wiki/Nicene_Creed
[xi] http://www.ewtn.com/library/councils/chalcedo.htm
[xii] https://www.christianhistoryinstitute.org/magazine/article/council-of-chalcedon/
[xiii] http://www.dacb.org/stories/egypt/origen_.html
[xiv] https://www.britannica.com/topic/Pelagianism
[xv]http://www.academia.edu/1958072/St._Augustines_Doctrine_of_Original_Sin
[xvi] http://www.iep.utm.edu/origen-of-alexandria/#SH3b
[xvii] https://en.wikipedia.org/wiki/Traducianism
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.