Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo: – Thần Học Thời Các Sứ Đồ (30-100)

Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo: – Thần Học Thời Các Sứ Đồ (30-100)

Lời Giới Thiệu:

Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ-đốc Giáo là một cuốn sách do Mục sư Đặng Ngọc Báu biên soạn.  Năm 2016, Thư Viện Tin Lành đã giới thiệu cuốn sách này với bạn đọc. Sau đó, sách đã được dùng làm tài liệu huấn luyện thần học của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Năm 2023, Mục sư Đặng Ngọc Báu đã hiệu đính cuốn sách. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bản hiệu đính.  Nội dung cuốn sách sẽ được đăng vào thứ Sáu hằng tuần. Mời bạn đọc theo dõi.

Ban Biên Tập Thư Viện Tin Lành

Lời Nói Đầu

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Có thể nói môn đồ của Chúa giống như những đóa hoa sen giữa đầm lầy. Từ đầm lầy tội lỗi chúng ta được Chúa chạm đến cuộc đời. Ân sủng, tình thương, và quyền năng Ngài đã làm tội lỗi chúng ta được tha, tâm hồn chúng ta được thanh tẩy và trở nên người mới. Chúng ta được ban cho năng lực mới và mục đích sống mới để có thể vươn lên và sống cuộc sống thánh thiện giúp ích xã hội. Chúng ta thật sự được giải thoát ngay trong khi còn sống trong thân xác này chứ không phải đợi đến kiếp nào khác. Đó là sự trải nghiệm tâm linh tuyệt vời, và chỉ có thể có được nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời.

Đạo Chúa tiếp tục phát triển giữa vòng người Việt là sự kiện tất yếu, không quyền lực nào có thể ngăn cản được. Song song với sự phát triển của Đạo Chúa công khai và thầm lặng là nhu cầu đào tạo những người lãnh đạo thuộc linh có nếp sống đạo đức đáng kính với một kiến thức thần học căn bản vững vàng; vì quan niệm thần học của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng hội thánh và sự cải thiện xã hội.

Trong khi chờ đợi những vị có khả năng và thì giờ nghiên cứu thần học một cách thấu đáo, rồi biên soạn những bộ tài liệu có tính cách kinh viện cho chúng ta, thiết tưởng chúng ta cần có một tài liệu đơn sơ và ngắn gọn để giới thiệu các tư tưởng thần học phổ thông xưa và nay, hầu đáp ứng nhu cầu cấp bách của hội thánh, nhằm giúp những vị lãnh đạo các nhóm nhỏ Cơ-đốc Giáo có một khái niệm căn bản về thần học, bổ ích cho đức tin, giảng dạy Lời Chúa, và truyền bá Đạo Chúa.

Nếu tập tài liệu nhỏ này có thể giúp bạn có được một kiến thức khái quát về thần học thì chúng tôi mãn nguyện lắm rồi.

Mục sư Đặng Ngọc Báu

Định Nghĩa Thần Học

Thần học hiểu theo nghĩa rộng là sự nghiên cứu về các thần linh. Trong Anh Ngữ, chữ “thần học” là “theology,” gồm hai chữ trong tiếng Hy-lạp là Θεόςλογία. Chữ Θεός có nghĩa là thần hay Đức Chúa Trời còn chữ λογία có nghĩa là khoa học hoặc sự nghiên cứu. Thần học là khoa học chuyên nghiên cứu về Đức Chúa Trời và những gì liên quan đến Ngài. Nói một cách chủ quan thì thần học là khoa nghiên cứu về “Ông Trời” và “Đạo Trời.”

Tuy nhiên trong sách nhỏ này, chữ “thần học” được hiểu theo nghĩa hẹp của Cơ-đốc Giáo. Thần học là khoa học nhằm nghiên cứu về Đức Chúa Trời của Đạo Chúa đặt nền tảng trên Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.

CÁC GIAI ĐOẠN phát triển Thần Học

Khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Công 2:1-47) hội thánh được thành hình; bắt đầu từ đó thần học Cơ-đốc Giáo đã trở thành vấn đề tranh luận, mặc dù khái niệm về Đức Chúa Trời đã tiềm ẩn trong mỗi người từ khi có loài người trên mặt đất.

Hơn hai ngàn năm trước người Việt chúng ta không biết gì về Cơ-đốc Giáo hay Đạo Chúa nhưng tự nhiên đã tin nhận có “Trời” hay “Ông Trời.” Đó là sự mặc khải tự nhiên của Ngài trong lương tri của dân tộc chúng ta.

Chúng ta có thể tạm chia sự phát triển của nền thần học Cơ-đốc Giáo làm bảy giai đoạn như sau để dễ khảo cứu:

Giai đoạn 1: Thần học thời Các Sứ Đồ (30-100)

Giai đoạn 2:  Thần học thời Hậu Các Sứ Đồ (100–590)

Giai đoạn 3: Thần học thời Trung Cổ (590-1517)

Giai đoạn 4: Thần học thời Cải Cách (1517-1648)

Giai đoạn 5:  Thần học thời Khai Sáng (1648-1789)

Giai đoạn 6:  Thần học thời Cận Đại (1789-1971)

Giai đoạn 7:   Thần học thời Hiện Đại (1971-nay)

Giai Đoạn 1

Thần Học Thời Các Sứ Đồ (30-100)

Trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, những tác phẩm của các vị sứ đồ, mà về sau đã trở thành Kinh Thánh Tân Ước, là những tài liệu vô cùng quý báu, vì họ đã ghi lại những gì chính họ đã chứng kiến và kinh nghiệm về cuộc đời và chức vụ của Đức Chúa Jesus, đặc biệt là những việc làm và lời giảng của Ngài. Những tác phẩm họ để lại là những tài liệu căn bản cho nền thần học Cơ-đốc Giáo. Các tín lý về lẽ đạo Ba Ngôi, thần tính của Đức Chúa Jesus, sự chết, sự phục sinh, và sự tái lâm của Ngài đã được thiết lập trong khi các vị sứ đồ vẫn còn sống.

Trong thế kỷ thứ nhất, hội thánh dù mới thành hình và gặp khó khăn vì bị chính quyền của Đế Quốc La Mã bách hại, nhưng về phương diện thần học thì hội thánh tương đối được ổn định vì các vị sứ đồ vẫn còn sống. Mỗi khi có thắc mắc gì về niềm tin hoặc lẽ đạo, các vị sứ đồ có thể giải thích và quyết định. Thế là vấn đề được giải quyết. Công Vụ Các Sứ Đồ chương 15 thuật lại cuộc hội nghị tại Giê-ru-sa-lem là trường hợp điển hình. 

Sau khi các vị sứ đồ qua đời, hội thánh đầu tiên đã tóm tắt niềm tin của các vị sứ đồ và lưu truyền như sau:

Bài Tín Điều Các Sứ Đồ 

  • Tôi tin Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha, là Ðấng dựng nên trời đất.
  • Tôi tin Đức Chúa Jesus Christ là Con Một của Ðức Chúa Trời và Chúa chúng ta.
  • Ngài xuống thế làm người bởi Ðức Thánh Linh, sinh bởi trinh nữ Ma-ry,
  • Chịu thương khó dưới tay Pôn-tơ Phi-lát, chịu đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn.
  • Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba Ngài từ cõi chết sống lại.
  • Ngài thăng thiên, ngồi bên phải Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha.
  • Từ đó Ngài sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.
  • Tôi tin Ðức Thánh Linh.
  • Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ,
  • Sự tha tội,
  • Sự sống lại của thân thể,
  • Và sự sống đời đời.
  • A-men.

Mặc dù mãi cho đến thế kỷ thứ 4 SC bài tín điều này mới trở nên phổ thông, nhưng truyền thuyết cho rằng khi còn sống, mười hai (12) vị sứ đồ, mỗi người đã đóng góp một câu để tạo nên bài tín điều này. Do đó mới có tên là Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Bài tín điều này đã trở thành tín lý căn bản thần học của Đạo Chúa hay Cơ-đốc Giáo, gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành, cho đến nay.

Thư Viện  Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top